Quan niệm về văn học của Nguyễn Bá Học

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 70 - 72)

Nguyễn Bá Học (1857-1921) trên Nam phong, số 24, tháng 6/1919 đồng quan điểm với học giả Phạm Quỳnh khi ông chia văn chương làm hai loại: văn xuôi luận thuyết, diễn thuyết là “văn hữu dụng”, còn văn vần, có điệu ngâm nga không đáng giá, là vô ích. Ông viết: “Văn luận thuyết, ký sự, tiểu thuyết diễn thuyết là những văn chương hữu dụng, còn thi, ca, phú có vần có điệu, chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra sự thực, chẳng những vô ích mà có lúc dùng để ngâm nga, không suy ra sự thực, chẳng những vô ích mà có lúc lại làm cho mê mẩn cả tinh thần người xem, tô điểm sai cả cảnh thực”. Quan niệm của Nguyễn Bá Học ở đây vẫn dừng lại ở cái nhìn văn - triết - sử bất phân và tiếp tục quan điểm “văn dĩ tải đạo”, đề cao văn học đạo đức, coi nhẹ văn học nghệ thuật và với cách hiểu về thể loại văn học còn hết sức sơ lược.

Hay như trong bài Lời khuyên học trò, ông viết: “Hãy xem như nước ta, nghề học văn chương cùng đua tranh bao nhiêu, thì nghề học thực dụng càng suy lạc đi, càng ngày càng tệ, đến nỗi làm cho trong nước bao nhiêu người thông minh tài tuấn đã hoá ra một bọn ngồi không ăn dưng. Ngày nay học trò phải có tư tưởng cho cao, tập lập luận cho rộng, phải đọc những sách có kinh luận trong xã hội, phải bàn những chuyện có can hệ đến nước nhà, để ngày sau có thể đem học vấn suy ra việc làm. Còn những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho quỷ khóc thần linh, cũng không đáng một đồng tiền kẽm” [58, 105]. Ở đây Nguyễn Bá Học có điểm gặp gỡ với Phạm Quỳnh khi cho rằng: văn có ích là những văn khảo cứu, văn cổ động, văn nghị luận, nghĩa là những thể văn ít tính cách văn chương hơn hết. Còn thơ ca, tiểu thuyết là những thể loại quan trọng thì bị liệt vào văn chương chơi, vô ích với xã hội và “không đáng giá một đồng tiền kẽm”.

Quan niệm về văn học của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học đều nhấn mạnh tính chất “hướng đạo” và “giáo dục” của văn chương. Những nhận định trên của hai ông hàm chứa một nghịch lý: một mặt đề cao văn học quá mức bằng cách đặt cho nó những mục tiêu quá lớn, những mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, mặt khác, hạ thấp văn học với biểu hiện coi thường tính đặc trưng của nó. Chịu ảnh hưởng của Nho học và chịu sự tác động, chi phối của hoàn cảnh xã hội, cả Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học và nhiều học giả khác như Phan Kế Bính, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, các thành viên trong Đông Kinh nghĩa thục… vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm văn học truyền thống. Điều đó cho thấy, đến thời điểm đầu những năm 1930, quan niệm về văn học kiểu Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh vẫn còn khá phổ biến trong xã hội ta.

Không chỉ trong quan niệm mà cả trong thực tế sáng tác, các nhà Nho Tây học vẫn bị chi phối bởi quan niệm văn chương đã lỗi thời. Ba mươi năm đầu thế kỷ, mặc dù thời thế đã đổi thay, nhưng không ít tác giả vẫn nuối tiếc thi pháp văn chương thời trung đại. Trong Việt Hán văn khảo (1918), Phan Kế Bính đề cao văn chương chư tử: “Vả những tứ cao kì, những lời cổ kính, lại đủ làm cái kho dụng điển vô tận cho nhà văn chương đời sau”. Trong cuốn Sự nghiệp thơ văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1928), Lê Thước vẫn dùng cả câu văn biền ngẫu để phê bình văn học. Năm 1932, khi trào lưu Thơ mới hình thành, trong Quốc văn cụ thể, Bùi Kỷ vẫn đề cao cách làm văn chương cổ; trên Phụ nữ tân văn, Phan Bội Châu viết: “Khai trương mộng du thi xã” dạy làm thơ, yêu cầu nghiêm ngặt về luật, niêm, thanh, vận, đối… Trong Công dụng và giá trị của văn chương, ông nói: “Nếu chỉ say sưa về văn mà không say sưa về khí thì chẳng oan uổng cặp mắt xem văn lắm hay sao”, hay “Văn chương gốc ở nơi khí mà ra, hễ người khí mạnh thì văn chương thường hùng hậu, hễ người khí hèn thì văn chương thường nhu nhược..” [78, 30]. Và, chính sự nghiệp sáng tác của Phan Bội Châu là minh chứng cho những quan niệm về văn chương của ông.

Đối với các cụ, văn chương chỉ là một phần của hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm, là một phương tiện phục vụ cho sự nghiệp hoạt động chính trị - xã hội mang tính cách mạng. Chính vì vậy, văn học của những nhà chí sĩ chính là sự tiếp nối của bộ phận văn chương chính thống của văn học truyền thống. Hoàn cảnh lịch sử cũng như những yêu cầu hoạt động cách mạng đã tác động và làm nên nhiều nét mới mẻ trong những sáng tác văn chương yêu nước. Tuy nhiên, những quan niệm của các cụ về văn chương, bản chất, nghĩa vụ, giá trị đích thực của văn chương vẫn nằm trong quỹ đạo của văn học truyền thống. Đối với các cụ, văn chương vẫn mang nặng chức năng hành đạo, giáo hóa, dùng để biểu đạt “tâm”, chí”, “đạo”, không coi văn chương là một mục đích để theo đuổi dù gửi gắm vào đó rất nhiều tâm huyết và tài năng. Một mặt, không thể phủ nhận các nhà nho chí sĩ đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương có giá trị cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Mặt khác, chính đặc điểm thuộc về loại hình tác giả đó của những nhà nho chí sĩ không cho phép các cụ đặt lại những vấn đề triết - mỹ về văn chương - điều cần thiết đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Hoàn toàn xa lạ với văn học hiện đại và văn học phương Tây, con đường sáng tác của những nhà nho chí sĩ là con đường đẩy đến tận cùng những giới hạn khả năng của văn học truyền thống trong việc phản ánh những vấn đề lớn của thời đại và dân tộc.

2.3. Thiếu Sơn với việc đổi mới quan niệm về văn học

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w