Nền văn học được hiện đại hoá, phát triển mạnh mẽ đòi hỏi sự ra đời của phê bình văn học như là một hoạt động chuyên môn

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 26 - 29)

sự ra đời của phê bình văn học như là một hoạt động chuyên môn

Thông thường, thuật ngữ hiện đại hiện nay được hiểu với hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, chỉ một giai đoạn phát triển trong lịch sử nhân loại, giai đoạn phát triển công nghiệp đại quy mô, sự phát triển các đô thị gắn với việc khẳng định, đề cao vai trò cá nhân. Nghĩa thứ hai, hiện đại đồng nghĩa với đương đại, hiện thời, mới mẻ, chỉ trình độ phát triển cao nhất mà loài người đạt được, là mặt bằng văn hoá thế giới. Như vậy, hiện đại luôn được sử dụng như một thuật ngữ, một tiêu chí chỉ ra bước phát triển cao hơn của nền văn hoá, văn học sau đó. Vào đầu thế kỷ XX, vấn đề hiện đại hoá văn học ở nước ta đã trở thành một yêu cầu khách quan của lịch sử. Đó là một bộ phận của công cuộc hiện đại văn hoá xã hội Việt Nam nói chung. Như đã biết, nền văn học nước nhà trong khoảng trong khoảng 40 năm đầu thế kỷ XX là một nền văn học đã được hiện đại hoá một cách toàn diện. Vấn đề cái tôi cá nhân đã trở thành một nội dung lớn của văn học thời kỳ này, nó thay cái ta sừng sững ngự trị trong văn học trung đại thời phong kiến hàng ngàn năm. Trên phương diện hình thức, văn học giai đoạn này được hiện đại hoá trước hết là ở việc thay đổi chữ viết, sau đó là sự cách tân táo bạo về nghệ thuật. Từ việc sử dụng chữ Quốc ngữ, tới việc ra đời của báo chí đã dẫn tới sự hình thành và phát triển của một nền văn chương quốc ngữ với các thể loại văn học hiện đại như: tiểu thuyết, thơ mới, kịch và phê bình văn học... Những trang văn xuôi Việt Nam đầu tiên với giọng điệu còn ngô nghê, cách diễn đạt còn vụng về... qua quá trình phát triển đã trở nên trong

sáng, giàu hình ảnh với tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn; đã vươn tới sự hàm súc, sắc sảo đầy chất trí tuệ với văn chương của các nhà văn hiện thực phê phán. Riêng trên lĩnh vực thơ ca, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, gần 15 năm, nó đã hoàn thành công cuộc hiện đại hoá và vươn tới những thành tựu rực rỡ của một nền thơ ca hiện đại. Nó từ bỏ về cơ bản hệ thống thi pháp cổ điển với những quy phạm chặt chẽ đầy tính công thức và ước lệ... để đi tới một thể thơ tự do về mặt câu chữ, bộc lộ một cách tự nhiên những xúc cảm phóng túng, những suy nghĩ rất cá nhân.

Mặt khác, trong xã hội giai đoạn lịch sử này, nhu cầu về việc thưởng thức văn chương nghệ thuật của độc giả ngày càng cao, càng đa dạng và phong phú. Vì thế, đội ngũ các nhà văn chuyên nghiệp đã dần được hình thành và ngày càng thêm đông đảo, nhằm phục vụ một cách kịp thời những nhu cầu đó của độc giả đương thời. Viết văn - đã trở thành một nghề mới, một nghề kiếm sống thực sự của những người trẻ tuổi, có học, có năng khiếu và có khát vọng theo đuổi mộng văn chương thời bấy giờ. Sáng tác văn chương không còn là một công việc sang trọng của một số ít người có học vấn cao trong xã hội những khi “ trà dư tửu hậu” nữa, mà đã trở thành một công việc, một nghề có tính đặc trưng của đời sống văn hoá, văn học thời kỳ hiện đại. Công chúng độc giả được mở rộng, đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp được trưởng thành, văn học phát triển theo xu hướng hiện đại hoá - là những đặc điểm nổi bật của đời sống văn học giai đoạn sau những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945 ở Việt Nam. Chính những đặc điểm của văn học ấy đã đòi hỏi sự hiện đại hoá của phê bình. Bởi, với tư cách là một hoạt động chuyên môn có tính chất xã hội đặc thù, phê bình văn học sẽ giúp cho công việc sáng tác của nhà văn, việc thưởng thức văn học của độc giả - qua việc đánh giá tác phẩm văn chương theo những nguyên tắc thẩm mỹ mới, theo những quan điểm mới về nghệ thuật, hướng cho văn học phát triển mau lẹ theo xu hướng hiện đại. Ví dụ, với những bài phê bình sâu sắc, tài hoa, tinh tế và thuyết phục của Hoài Thanh, trong

cuốn tuyển tập và phê bình thơ: Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình này đã dựa trên những nguyên tắc thẩm mỹ mới để ca ngợi, khẳng định nền Thơ mới Việt Nam. Ông ủng hộ tuyệt đối những cách tân táo bạo về nghệ thuật, mang đầy chất hiện đại của các nhà Thơ mới trên cả hai phương diện thi thể thi tứ. Hoài Thanh xứng đáng là người đại diện ý thức tiêu biểu của khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam (trên lĩnh vực thơ ca) những năm trước 1945. Đồng thời là người hướng dẫn tài tình cho người đọc đương thời đối với loại thơ mới mẻ, hiện đại này; là người động viên, khích lệ dìu dắt hàng loạt các tác giả thơ trẻ tuổi đang chập chững bước vào nghề. Hoặc trên tờ báo Ngày nay, những cây bút giữ chuyên mục Đọc sách và phê bình”(Thạch Lam và Thế Lữ) đã ra sức tuyên truyền giới thiệu, khẳng định các giá trị của tác phẩm văn xuôi và Thơ mới đối với độc giả đương thời. Hoặc, khi trường phái thơ tượng trưng với những Thượng thanh khí của Hàn Mặc Tử, Kinh cầu tự, Vũ trụ ca của Huy Cận, Xuân Thu nhã tập của nhiều tác giả... ra đời, độc giả đương thời rất cần phải có các “siêu độc giả”, “đọc giùm” và giải mã giúp cho họ hiểu. Các nhà phê bình: Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Hoàng Trọng Miên và cả các nhà thơ phê bình như Hàn Mặc Tử, Bích Khê… đã thực hiện trách nhiệm đó đối với độc giả, thông qua các bài phê bình giới thiệu của mình trên báo chí, hoặc trong những lời đề tựa.

Tuy nhiên, vấn đề hiện đại hoá văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến 1945 không chỉ là câu chuyện hiện đại hoá về mặt hình thức, ở đây, còn là cuộc cách mạng lớn lao về quan điểm nghệ thuật. Trong giai đoạn lịch sử này, quá trình hiện đại hoá đó chính là quá trình làm cho văn chương nghệ thuật (văn hình tượng, văn thẩm mĩ) tách ra khỏi hình thức văn học nghệ thuật, văn học quan phương của nền văn học phong kiến trung đại, và ngày càng được coi trọng trong đời sống văn học đương thời. Cuộc tranh luận về

Truyện Kiều giữa hai nhà chí sĩ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng với các nhà tri thức Tây học thời đó (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Vũ Đình

Long)... từ năm 1919 đến 1925, thực chất là cuộc giao tranh, đụng độ giữa hai quan niệm khác nhau về nghệ thuật trong việc phê bình tác phẩm văn học. Hai nhà chí sĩ đã đứng trên quan điểm luân lí đạo đức phong kiến để phê phán Truyện Kiều, còn các nhà Tây học kia lại đứng trên quan điểm cái đẹp nghệ thuật để tán dương Truyện Kiều. Đến những năm 30 trở đi, thứ văn chương thẩm mỹ đã khẳng định vị trí xứng đáng của nó trong đời sống văn học đương thời. Những đề tài ca ngợi đạo đức, luân lý theo những nguyên tắc cổ điển của xã hội phong kiến đã vắng bóng hẳn trong sáng tác của các nhà văn thời kỳ này. Thậm chí, người ta còn dấy lên cả một phong trào chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục nặng nề của xã hội phong kiến lạc hậu, bảo thủ.

Rõ ràng, thông qua việc phân tích, bình luận, khẳng định những thành công, những sáng tạo mới mẻ trong các tác phẩm của nền văn học nước nhà giai đoạn lịch sử này, phê bình đã đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn, giáo dục thẩm mỹ đối với người đọc, và giúp cho người sáng tác vững bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật theo xu hướng hiện đại. Nó vừa đóng vai trò của người đại diện ý thức, người phát ngôn tư tưởng tiêu biểu cho các khuynh hướng văn học mới, vừa là động lực thúc đẩy văn học phát triển mau chóng trên con đường hiện đại hoá một cách toàn diện. Và với tư cách là một thành phần cơ cấu quan trọng của quá trình văn học, sự xuất hiện của phê bình là rất cần thiết là tất yếu khách quan không thể khác được, đối với công cuộc hiện đại hoá văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945.

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w