Quan niệm về văn học của Phạm Quỳnh

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 67 - 70)

Ba thập niên đầu tiên của thế kỉ XX có thể coi như giai đoạn khởi đầu của công cuộc hiện đại hoá văn học ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì là một giai đoạn khởi đầu nên sự tồn tại của “trường văn học” hết sức mong manh. Ranh giới của nó với những lĩnh vực khác trong xã hội luôn luôn bị đe dọa và xâm phạm. Điều này, xét đến cùng là gắn với một sự lưỡng lự trong quan điểm có tính nền tảng nhất quyết định sự tồn tại của văn học: Văn học là gì?

Trước hết, cần phải khẳng định, quan niệm về văn chương từng tồn tại trong gần mười thế kỉ văn học Hán Nôm vẫn còn có sức ảnh hưởng, kể cả với những người có tư tưởng ít nhiều đã được khai phóng và có sự tiếp cận với văn hóa phương Tây như Phạm Quỳnh. Trong các bài viết, ông Phạm đã đề cập đến một khái niệm rất phổ biến lúc bấy giờ “quốc văn”. Khái niệm ấy không chỉ quen thuộc với ông Thượng Chi và những người tham gia tờ Nam phong mà cả với nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đương thời, từ

những nhà nho chí sĩ như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đến những học giả như Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật… Những gì mà Phạm Quỳnh phát biểu về quốc văn trên hai bài báo nói trên cũng như rải rác chỗ này, chỗ khác là điển hình cho quan niệm đương thời về “văn”. Theo cách hiểu của ông, tất cả những gì viết bằng chữ Quốc ngữ dùng để diễn đạt nội dung tư tưởng, học thuật, luân lý đều có thể coi là “quốc văn”. Và không chỉ có Phạm Quỳnh quan niệm như vậy. Năm 1914, trong lúc nền khoa cử Hán học đi dần đến tàn cục, trong hệ thống giáo dục Pháp - Việt, đang được từng bước chuẩn hóa, quy hoạch hóa, những giờ “Việt văn”, “Việt ngữ” cũng đã được soạn thảo và trở thành chương trình bắt buộc. Trong những giờ “Việt văn” ấy, cùng với Truyện Kiều, Nhị Độ Mai được đem ra giảng dạy, cũng có cả Gia huấn ca, một tác phẩm thuần túy mang nội dung luân lý. Ngay đến một người như Tản Đà, một nhà văn đầy chất “tài tử”, trong cuộc “hầu trời” đầy ngông ngạo, cũng đem trình Thượng đế, bên cạnh những Khối tình con, Giấc mộng con, là các cuốn Đài gương, Lên sáu, Lên tám, Đàn bà Tàu, những cuốn sách giáo khoa luân lý do ông biên soạn hoặc dịch từ tiếng Trung Quốc. Những thứ đó cũng là “văn”, thậm chí lại là thứ “văn vị đời”, được dành nhiều “tinh tứ học lực” [27, 76]. Rõ ràng, trong quan niệm của những nhà văn lúc bấy giờ, thói quen đồng nhất giữa “văn” theo ý nghĩa nghệ thuật và “văn” theo ý nghĩa học thuật, tư tưởng vẫn còn có một quán tính rất mạnh mẽ. Đó không phải là cái gì khác hơn những ảnh hưởng của quan niệm về văn chương của thời trung đại vẫn còn quy định nhà văn lúc bấy giờ nhất là khi trong bản thân tiến trình văn học cho đến thời điểm đó chưa từng diễn ra những cuộc cách mạng về tư tưởng văn học.

Trong bài Tựa, giới thiệu bộ Nam phong tùng thư (1929), Phạm Quỳnh lại chia văn chương làm hai loại là “văn chương chơi” và “văn chương có ích”: “Kể sách quốc ngữ gần đây xuất bản cũng đã nhiều, nhưng ngoài sách giáo khoa để dùng trong các trường sơ học phần nhiều là thơ văn, tiểu thuyết, tuy cũng có quyển giá trị, bổ ích cho quốc văn song vẫn là

sách “văn chương chơi” không giúp gì cho việc truyền bá sự học, mà việc này chính là việc cần ngày nay” [58, 105]. Phải thấy rằng, từ 1932 đã có những cách tân táo bạo trong văn xuôi và thơ ca với chủ trương của nhóm Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới nhưng quan niệm về văn học kiểu Phạm Quỳnh vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Đó là quan niệm văn học truyền thống, văn học tải đạo, văn học giáo huấn, văn học thực dụng hoặc tiêu khiển. Việc Phạm Quỳnh phiên dịch thêm Văn thuyết của Tống Liêm, một học giả bảo thủ ở Trung Quốc theo Tống Nho ở đời Minh, đem so sánh với thi pháp của chủ nghĩa cổ điển của Boileau ở Pháp thế kỷ XVII đã chứng tỏ quan niệm văn học cũ vẫn có những ảnh hưởng nặng nề với các “nhà nho Tây học” như Phạm Quỳnh.

Quan niệm này hoàn toàn xa lạ với quan niệm của phương Tây. Tuy nhiên công bằng mà xét, quan niệm về văn học của Phạm Quỳnh cũng là phản ứng có ý nghĩa lịch sử của nó. Chống lại cách học tầm chương trích cú của các nhà Nho giai đoạn suy tàn, đề cao cách học thực tiễn theo giáo dục phương Tây. Đó cũng là một giải pháp tích cực là một thiện chí, nhưng hạn chế của họ vẫn dừng lại ở cái nhìn “văn dĩ tải đạo”.

Quan niệm như Phạm Quỳnh thì văn sĩ phải là một nhà giáo dục và những công trình trong văn nghiệp đều phải như sách giáo khoa, làm nhiệm vụ truyền bá sự học, phải dùng nghệ thuật mà phóng sự nhân sinh. Với thiên chức đó, văn sĩ người thì lo truyền bá tri thức, người lo cổ động dân tâm, nhà ngôn luận lo thức tỉnh đồng bào, khách làng thơ cũng không quên gọi hồn cố quốc… Văn chương chỉ là một thứ văn chương thực hành, và những người làm văn chỉ dùng văn làm việc cho xã hội chứ không phải là những văn sĩ, theo quan niệm của Phương Tây.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cái tư tưởng được sản sinh từ truyền thống mười thế kỉ đó không có sự thay đổi. Hiện tượng đáng ghi nhận là sự hình thành từng bước một quan niệm "theo nghĩa hẹp", giới hạn trong phạm vi nghệ thuật về khái niệm "văn", quốc văn. Quá trình này hiện

diện rất rõ nét trong một số cuộc tranh luận văn chương diễn ra rất sôi nổi lúc bấy giờ như tranh luận về Truyện Kiều, Thơ mới - Thơ cũ…

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 67 - 70)