Tổng quan về hoạt động văn học của Thiếu Sơn

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 51 - 56)

Năm mươi năm cầm bút, Thiếu Sơn đã thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ viết văn đến phê bình, làm báo… Tuổi đôi mươi, ông đã làm nên sự kiện trong buổi bình minh của lịch sử phê bình văn học Việt Nam, Thiếu Sơn xuất hiện như một người mở đường, bằng tác phẩm Phê bình và cảo luận (Nxb. Nam Ký,H.1933), tập sách phê bình văn học đầu tiên của nước ta viết bằng chữ Quốc ngữ. Cũng chính từ cái mốc đáng nhớ ấy mà mãi cho đến sau này, dù phần lớn quãng đời còn lại của Thiếu Sơn là hoạt động báo chí, người ta vẫn nhắc đến ông như một nhà văn, một nhà phê bình văn học có đóng góp cho nước nhà.

Năm 1935, Thiếu Sơn tạo nên sự kiện thứ hai: bài phê bình Hai cái quan niệm về văn học của ông đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, cùng với các bài viết khác của Hoài Thanh đã làm bùng nổ cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939, một cuộc bút chiến quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.

Thiếu Sơn cũng thử bút bằng tiểu thuyết nhưng không thành công (Người bạn gái, Nxb Cộng lực, 1941). Ngược lại, các bài phê bình và tiểu luận của ông, viết trong 10 năm (1933-1943) sau Phê bình và cảo luận, được tập hợp trong Câu chuyện văn học (Nxb Cộng lực,1943) đã gây được một tiếng vang lớn trong dư luận và được trích đọc nhiều buổi trên sóng Đài Phát thanh Pháp - Á, Sài Gòn lúc bấy giờ. Số lượng bài phê bình của ông không nhiều so với các tác giả khác, nhưng rất lạ là bài nào của ông cũng thường như mở đầu cho một vấn đề khá lớn. Đó cũng là sự triển khai tiếp các suy nghĩ của ông trong Phê bình và cảo luận, rất nhất quán: đề cao tính sáng tạo trong văn chương, nhấn mạnh yếu tính căn bản của nó là cái đẹp, Thiếu Sơn thấy cần xác lập lại một lần nữa cho rõ quan niệm về văn chương. Câu chuyện văn học (1943) của Thiếu Sơn công bố khi văn học Việt Nam đã chạy marathon một chặng dài trên đường hiện đại hóa. Vẫn là những quan sát lặng lẽ, tinh tế và cách trò chuyện dung dị, Thiếu Sơn tham gia vào các vấn đề văn học, văn hóa của Việt Nam đương thời. Hai mươi bài viết thoáng và gọn, có những bài dành bàn đến “các nhà”: nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà phê bình, nhà sử học, nhà báo, nhà làm sách; lại có những bài bàn về các trào lưu: Lãng mạn, Tả chân; có bài bàn về những vấn đề văn học trong cái nhìn rộng rãi, so sánh.

Tiếp theo, bài Nghệ thuật với đời người của Thiếu Sơn lại đặt vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Ông xác định trong lĩnh vực nghệ thuật có những đặc điểm và quy luật riêng, người thưởng thức nghệ thuật phải am hiểu những đặc điểm và quy luật đó, chứ không thể lấy những cái chuẩn khác (chính trị, luân lý, đạo đức, xã hội…) mà xét đoán nó

được. Trong Văn học bình dân, Thiếu Sơn đã nhận đề tài và xu hướng mới này như là một hướng làm phong phú thêm cho sinh hoạt văn học: "Nếu bình dân có địa vị trong văn học, thì văn học sẽ hoàn toàn đầy đủ hơn vì sẽ diễn tả được hết cái bản sắc của người đời và sẽ là một cái gương phản chiếu hoàn toàn cái chân tướng xã hội". Nhưng ông cũng dè chừng cái chủ trương cực đoan, chỉ đề cao văn chương bình dân và chỉ xây dựng nó bằng "sự hô hào trên báo chí", mà không lo việc sáng tác nghệ thuật.

Các bài Tản vănNhững văn nhân chính khách một thời của Thiếu Sơn cách Câu chuyện văn học một, hai cuộc kháng chiến. Tuy vậy, gần như không có một bờ ranh nào trong trang viết của Thiếu Sơn: vẫn cách nghĩ nhất quán, vẫn cách viết nhiệt huyết đã có ở tuổi đôi mươi. Thiếu Sơn không tiếc lời khẳng định, ông thấu hiểu và yêu quý cái cộng đồng ruột rà của mình. Ông không muốn cái đẹp nơi đây bị rơi vãi, bị xem thường, bị oan khuất. Thiếu Sơn muốn văn hóa Việt Nam liền lạc, công bằng. Trong

Những văn nhân chính khách một thời, chúng ta sẽ được hiểu thêm những nhân vật tên tuổi như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Thái Văn Lung, Tạ Thu Thâu, Bửu Đình, Nguyễn Đức Nhuận, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhất… và được làm quen những nhân vật mà chỉ mới biết tên: Lê Văn Thử, Trần Quang Quá, Nguyễn Văn Hay… Dưới ngòi bút của Thiếu Sơn, mỗi người đều có một nét gì đó đáng nhớ, đáng trọng.

Những ai làm báo hay viết sử hẳn sẽ thú vị khi đọc Hồi ký Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào của Thiếu Sơn, bởi vì ở đó không chỉ hiện lên chân dung tác giả, mà còn vô số những nhân vật văn học, văn hóa, lịch sử của Việt Nam và cả thời đại trải dài những hơn nửa thế kỷ, từ Bắc vào Nam, từ đô thị đến chiến khu, từ đời sống tự do đến chốn lao tù… Giờ những chân dung ấy cùng tác giả khắc họa chúng đều đã là người quá vãng, nhưng họ không hề chìm khuất. Khi chúng ta mở ra trang viết Thiếu Sơn, bóng dáng của họ hiện lên, mang theo bức tranh xã hội, tất cả đều gợi cho chúng ta hôm nay rất nhiều điều. Ngày nay, muốn khảo sát những tác phẩm

Thiếu Sơn đã viết, người ta cần phải liệt kê phân loại khá phức tạp. Vũ Ngọc Phan đã chia thành bốn loại, bên cạnh những bài biên tập có tính cách chính trị xã hội, lịch sử, triết học, những bài có tính cách văn học là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp trước tác của Thiếu Sơn.

Thiếu Sơn còn viết tiểu luận xã hội. Cuốn Đời sống tinh thần (Nxb Đời mới, 1945) của ông là những suy tưởng nhỏ về đời sống, con người, nhìn từ góc độ nghề nghiệp và giới tính. Chọn lời của Gaston Regeot làm đề từ: "Chúng ta đã không còn sống ra người. Cần phải trở lại cái cốt cách nhân loại", Thiếu Sơn bày tỏ những thao thức của mình về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tập sách đó được giải thưởng Alexandre De Rhodes.

Từ khoảng thời gian 1945- 1947, Thiếu Sơn chủ yếu tập trung vào viết báo, ông dành hết tâm lực vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc bằng ngòi bút. Những bài báo của ông trong thời gian này được tập hợp trong tập tiểu luận chính trị Giữa hai cuộc cách mạng (Nxb Mạch sống). Các bài viết của Thiếu Sơn trong thời gian này được in trong cuốn Những người làm nên lịch sử, do Ban Tuyên giáo Trung ương Cục miền Nam xuất bản năm 1951.

Ông còn viết hồi kí Một đời người đăng trên Tạp chí Phổ thông, kể lại những bài học của mình cho thế hệ mai sau. Một số bài báo có tính chất văn học của ông ở giai đoạn này như Tôn Thọ Tường có đáng được đề cao không?

(Phổ thông, 1962), Thân ái phê bình thi sĩ Đông Hồ (Phổ thông, số 87), Bài học Đồ Chiểu... tất cả đều thể hiện quan điểm yêu nước và lập trường dân tộc của ông.

Có thể khẳng định rằng, sự nghiệp trước tác của Thiếu Sơn quả thật phong phú với nhiều thể loại trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhắc tới Thiếu Sơn trước hết là nhắc tới vai trò của một nhà phê bình văn học. ở những chương tiếp theo của luận văn, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể những đóng góp của ông cho việc hiện đại hoá phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Tiểu kết chương 1

Tóm lại, sự xuất hiện của thể loại phê bình văn học ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX là kết quả tất yếu của cả một quá trình chuyển biến khá dài, do nhiều yếu tố hợp thành (sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ, báo chí, xuất bản, nền văn học phát triển mạnh mẽ..). Trong thế hệ những người đi trước, Thiếu Sơn với các công trình phê bình của mình, đặc biệt là với Phê bình và cảo luận (1933), ông là người đã đặt những viên đá đầu tiên xây nền đắp móng bằng cả quan điểm lẫn công việc cho sự xuất hiện của thể loại phê bình, góp phần hiện đại hóa nền văn học nước nhà. Những cống hiến đó của ông làm tiền đề cho cuộc canh tân văn học diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 1930 - 1945 cũng như giai đoạn văn học sau này.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 51 - 56)