Vài nét tiểu sử

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 51)

Nhà báo Thiếu Sơn tên thật là Lê Sỹ Quý, quê gốc ở Hải Dương. Ông sinh ra cách đây đã hơn trăm năm: năm 1908 (thời gian trôi qua quá lâu nên ngay cả người nhà của ông cũng không nhớ được chính xác ngày tháng chào đời của Thiếu Sơn). Cha ông là một công chức nhỏ của chế độ thực dân (thông ngôn ở Tòa sứ Bắc Kỳ, ngạch thượng du), chỗ làm việc không ổn định nên bản thân Thiếu Sơn sau này cũng không biết mình đã cất tiếng khóc chào đời ở địa phương nào.

Lê Sỹ Quý hồi nhỏ cũng không được hưởng sự chăm nom của mẹ vì ông bố "công chức còm" nhưng tính tình đào hoa, như đa số các công chức thời ấy không xa lạ gì với chuyện "một trà, một rượu…" nên đã bỏ người mẹ của Thiếu Sơn (bà sinh được ba người con nhưng chỉ có một mình Thiếu Sơn là sống sót) để lấy thêm liên tiếp hai đời vợ nữa. Cũng vì hay

phải nay đây mai đó theo cha trên các tỉnh thượng du nên Lê Sỹ Quý không có điều kiện tiếp nhận học vấn một cách quy củ. Ở quê, Thiếu Sơn chỉ được học đến lớp vỡ lòng. Phải tới năm lên 7- 8 tuổi, Lê Sỹ Quý mới được cha đưa về Hà Nội nhờ bà cô ruột nuôi ăn học nhưng lên lớp nhì lại phải theo cha về Móng Cái vì lúc đó, ông cụ được phân về đấy làm việc…

Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, Lê Sỹ Quý đã bộc lộ lòng ham mê văn học. Thiếu Sơn đọc cả sách ta lẫn sách bằng tiếng Pháp, thậm chỉ còn thử dịch những trang văn Pháp ngữ mà ông yêu thích ra tiếng Việt. Cũng từ khi còn khá nhỏ, Lê Sỹ Quý đã có một số bài văn được đăng trên tờ Khai hóa

Nam phong với tên thật của mình. Mặc dù rất sáng dạ nhưng do hoàn cảnh gia đình và bệnh tật, Lê Sỹ Quý đã không thi đậu được tú tài. Lúc này, người cha đã về hưu nên gia cảnh tương đối túng bấn. Đang lúc bĩ cực, gặp kỳ thi tuyển nhân viên bưu điện toàn Đông Dương được tổ chức ở Hà Nội, Lê Sỹ Quý đã đầu đơn xin tham gia và đậu ngay chân thủ khoa.

Tuy vậy, Lê Sỹ Quý cũng không được làm việc ở gần cha mình mà phải vào làm thư ký ở Nhà Dây thép Gia Định. Đồng lương viên chức không nhiều nhưng cũng đủ để giúp Thiếu Sơn không phải quá lo sinh kế. Và vì thế, vốn có tâm hồn mơ mộng nhưng cũng rất biết cách tư duy tỉnh táo và mạch lạc, chàng trai trẻ đất Bắc đã sớm tham gia vào công việc làm báo ở Nam Kỳ và bút danh Thiếu Sơn đã xuất hiện. Từ đấy, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Trong tập hồi ức của mình, ông giải thích về bút danh này như sau: "Người ta chí hoặc gởi cho sông, hoặc để ở núi. Ở sông thì nước chẩy hoài hoài. Còn núi thì cứ ở yên một chỗ. Tôi không thích sự lưu động. Tôi thích sự vĩnh cửu nên tôi lựa núi. Nhưng tôi muốn cho cái núi của tôi phải cứng rắn xanh tươi, phải có cái tráng khí của thiếu thời. Bởi thế nên tôi mới lấy bút hiệu: Thiếu Sơn".

Bút danh Thiếu Sơn đã trở nên quen thuộc từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước với cả một loạt các bài phê bình văn học trên tờ Phụ nữ tân

văn là tờ báo Nam Kỳ được ưa thích từ ngày ở ngoài Bắc. Rồi tới năm 1932, Thiếu Sơn đã tập hợp các bài phê bình văn học đã đăng báo của mình gửi ra Hà Nội in thành tập sách Phê bình và cảo luận. Tập sách đầu tay được dư luận trí giả cả trong Nam ngoài Bắc hoan nghênh nên càng thôi thúc Thiếu Sơn đi sâu vào nghiệp cầm bút, mặc dù ngay từ lúc đó ông đã nhận ra một điều "tiền sống về nghề văn không đủ nuôi người"…

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Thiếu Sơn chứng kiến một cuộc đổi đời đầy xáo trộn mà thoạt đầu ông còn nghi ngại. Nhưng khí thế cách mạng và phong trào chung của tầng lớp trí thức, cùng với sự đối xử vô nhân đạo của giặc Pháp với nhân dân và với chính bản thân ông, đã đưa ông từ những suy nghĩ quen thể hiện trong sách vở đến những hành động thực tế. Khi một nhóm đảng viên Đảng Xã hội Pháp ủng hộ kháng chiến sáng lập tờ Justice (Công lý) tại Sài Gòn, Thiếu Sơn tìm đến cộng tác và sau đó xin gia nhập Đảng Xã hội (15-12-1945, lúc ấy tên gọi tắt là SFIO: Section Française de I'International Ouvrière). Valère làm Tổng thư ký và Thiếu Sơn là Tổng thư ký các chi bộ đảng viên người Việt.

Năm 1949, Thiếu Sơn được tướng Nguyễn Bình mời ra chiến khu dự lễ thụ phong Trung tướng. Tại Chiến khu, Thiếu Sơn được tiếp xúc với nhiều cán bộ kháng chiến như Linh mục Nguyễn Bá Lộc, giáo sư Phạm Thiều, giáo sư Ca Văn Thỉnh, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt… Một tuần sau, Thiếu Sơn nhận nhiệm vụ đưa ông Alain Savary - nghị viên Hội đồng Liên hiệp Pháp vào chiến khu tìm gặp các đồng chí cán bộ lãnh đạo kháng chiến để bàn bạc, tìm giải pháp hoà bình cho hai nước Việt - Pháp. Trong thời gian này, Thiếu Sơn bị bọn mật thám Pháp bắt giữ nhưng trước sự đấu tranh không khoan nhượng của Đảng Xã hội Pháp tại Sài Gòn chúng buộc phải thả ông. Ra khỏi tù, ông cùng nhiều trí thức tiến bộ khác tiến hành thành lập Hội Liên hiệp lao động trí thức Nam Bộ do Michel Văn Vĩ làm Chủ tịch.

Tháng 12-1946, chính phủ Nam kỳ tự trị buộc các công chức phải đi dự lễ tuyên thệ trung thành với chế độ. Thiếu Sơn làm đơn phản kháng, ông tuyên bố rằng việc này đã xâm phạm quyền tự do tư tưởng của con người, vì "công chức chỉ bán công việc chứ không bán lương tâm", đồng thời ông gửi đơn từ chức lên Giám đốc Sở Bưu điện.

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thiếu Sơn xin nghỉ việc lần thứ hai. Trong lá đơn gửi Giám đốc sở Bưu điện, ông viết: "Tôi không mặt mũi nào ngồi làm một cộng sự viên cho Pháp, trong khi đồng bào tôi đương liều chết để kháng chiến chống Pháp". Từ bỏ một vị trí ổn định mà nhiều người mơ ước, Thiếu Sơn chọn sống cuộc đời đạm bạc, dành hết tâm lực và thì giờ vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc bằng ngòi bút. Những bài báo của ông trong thời gian này được tập hợp trong tập tiểu luận chính trị Giữa hai cuộc cách mạng (Nxb. Mạch sống, 1947) , thể hiện rất rõ quan điểm yêu nước và ủng hộ kháng chiến của mình. Uy tín của Thiếu Sơn như một nhà báo đấu tranh cho công lý lên cao đến mức năm 1948, khi tướng Nguyễn Văn Xuân được Pháp cho đứng ra lập chính phủ, ông ta đã đánh tiếng mời nhà báo Thiếu Sơn làm một chân Bộ trưởng nhưng ông đã từ chối dẫu gia cảnh lúc đó vẫn tiếp tục cực kỳ tùng tiệm…

Nhân lễ thụ phong Trung tướng của mình (1949), Nguyễn Bình đã mời Thiếu Sơn cùng với một số nhân sĩ khác ở Sài Gòn vào thăm chiến khu Đồng Tháp Mười. Ở đây, nhà văn được gặp lại giáo sư Phạm Thiều, giáo sư Ca Văn Thỉnh và nhiều trí thức nổi tiếng khác. Sau đó vài tháng, Thiếu Sơn lại đưa Alain Savary (nghị viên Hội đồng Liên hiệp Pháp) vào khu tiếp xúc với đại diện Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Khi trở về Sài Gòn, Thiếu Sơn bị bắt giam ở khám lớn một thời gian ngắn.

Nhận thấy tờ Justice là một nguy cơ, thực dân Pháp đã tìm cách lần lượt đẩy những đảng viên Xã hội nòng cốt tiến bộ như Valère và Hervochon (Tổng thư kí thứ hai) về Pháp. Số đảng viên Xã hội người Pháp còn lại hầu

hết là những kẻ ngả theo phe thực dân, chủ trương ủng hộ chính phủ Bảo Đại. Nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn, Thiếu Sơn quyết định thoát ly ra vùng kháng chiến. Ông can đảm rời bỏ nếp sống đô thành để đi vào bưng biền làm báo giúp nước, chứ không chịu để ngòi bút phải uốn cong đi vì sức mạnh lợi quyền của kẻ thù. Tháng 7 năm 1949, Thiếu Sơn ra vùng tự do thuộc khu 7. Bốn tháng sau, Thiếu Sơn về Đồng Tháp Mười, nhận công tác ở sở Thông tin Nam Bộ do Huỳnh Tấn Phát làm giám đốc.

Năm 1950, khi các cơ quan của xứ ủy Nam Bộ chuyển xuống khu 9, Thiếu Sơn được phân công về Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ và sau đó chuyển về làm Thư kí tòa soạn báo Cứu quốc Nam Bộ. Theo hồi ức của ông Phạm Hữu Tùng, nguyên Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội các Nhà viết báo Nam Bộ, "sự nghiệp cầm bút của Thiếu Sơn rực rỡ nhất "ở vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi trên mặt các báo Sài Gòn thời kỳ phong trào "báo chí thống nhất" nở rộ, luôn có bài ký tên Thiếu Sơn được mọi người tìm đọc…".

Đầu năm 1956, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, Thiếu Sơn phải trải qua các nhà tù Khám Lớn, Catinat, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hòa, mãi đến bốn năm sau (1960) mới được trả tự do. Dù bị bị theo dõi thường xuyên, Thiếu Sơn vẫn tiếp tục viết bài đăng trên các báo Thần chung, Điện tín, Đất tổ, Dân chủ, Dân quyền, Thiện mỹ, Tin sớm, Phổ thông,… với nhiều bút danh như Thiếu Sơn, Chim Ưng, Phỉ Chiến, Quốc Sĩ, Lạc Nhân, Lạc Quan Nhân, Việt Bằng, Lê Quang Việt, Nguyễn Quý Hương, Thiều Nhân…

Tuổi cao, sức yếu, cuộc sống kham khổ, Thiếu Sơn vẫn không ngừng kiên trì đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Giới báo chí ngày ấy vẫn còn nhớ hình ảnh của một nhà báo già yếu, đi đâu cũng xách theo một giỏ đựng đủ các vật dụng sinh hoạt, để đề phòng bị "hốt" vào khám bất ngờ. Ông viết hồi kí Một đời người trên Tạp chí Phổ thông, kể lại những bài học của mình cho thế hệ mai sau. Một số bài báo có tính chất văn học

của ông ở giai đoạn này như Tôn Thọ Tường có đáng được đề cao không?

(Phổ thông, 1962), Thân ái phê bình thi sĩ Đông Hồ (Phổ thông, số 87), Bài học Đồ Chiểu... tất cả đều thể hiện quan điểm yêu nước và lập trường dân tộc của ông.

Năm 1968, Thiếu Sơn và một số trí thức Sài Gòn vào chiến khu dự lễ ra mắt của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ông tham gia phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào Đòi quyền sống, và có chân trong Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù. Cuộc diễn thuyết của Thiếu Sơn ngày 22-11-1970 tại Đại học Văn khoa Sài Gòn với đề tài Từ văn học tiền chiến đến văn học hậu chiến là một sự kiện đã gây được tiếng vang trong dư luận và báo chí.

Năm 1972, ông bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam. Ở trong tù, Thiếu Sơn vẫn luôn giữ cho mình một nếp sống can đảm, chính trực. Mãi đến tháng 3 năm 1974 ông mới được trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Lộc Ninh. Ông được đưa ra Hà Nội an dưỡng, sau đó sang Pháp chữa bệnh. Tại Pháp, ông đã đi nói chuyện nhiều nơi, viết báo, vận động trí thức và Việt kiều hướng về đất nước, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược. Thời gian này, Thiếu Sơn hoàn thành hồi kí Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào. Một tháng sau khi đất nước thống nhất, Thiếu Sơn về đoàn tụ với gia đình. Dù căn bệnh đau tim trầm kha không ngớt giày vò, ông vẫn giữ được sự lạc quan, lại tiếp tục viết trên các báo Sài Gòn giải phóng, Giải phóng, Đại đoàn kết, Văn nghệ, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh… và tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 5-1-1978 trái tim đầy nhiệt huyết của ông ngừng đập vì một cơn tai biến mạch máu não, để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng bạn bè, độc giả. Trước đó không lâu, năm 1977, trong bài báo Trí thức với cách mạng và Cách mạng với trí thức đăng trên tờ Sài Gòn giải phóng, Thiếu Sơn đã viết: "Bản thân tôi không phải là một người cách mạng, nhưng tôi đi theo cách mạng cho tới ngày đất nước đã sạch bóng quân thù. Tôi có bạn

trong những người kháng chiến và những người chỉ sống ở thành nhưng vẫn hướng về cách mạng. Tôi tin tưởng một dân tộc đã tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa xuân 1975 sẽ dư sức đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn".

Thiếu Sơn đến với cách mạng có muộn, nhưng ông đã vững bước cho đến cuối đời. Đó là nhờ những năm tháng đấu tranh quyết liệt trong nanh vuốt kẻ thù, nhờ những ngày thực sự lăn lộn giữa nhân dân, sống với những con người lao động bình thường, can trường trên khắp các bưng biền Nam Bộ, mà trước đây ông chỉ yếu mến họ qua sách vở. Như ông đã khẳng khái tỏ bày trong một buổi nói chuyện tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, ngày 22-11-1970: "...Nhờ được sống trong lòng dân vào những giờ phút lịch sử, nên tôi đã học được phần nào quan điểm nhân dân và lòng yêu nước thiết tha của đồng bào, nhất là của những tầng lớp bị bóc lột và quyết tâm hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng để thay đổi thân phận của họ". Và cũng chính ở những năm tháng đó, Thiếu Sơn cảm nhận được sức hút mạnh mẽ của một nghĩa lớn. Trên các ngả đường kháng chiến của mình, ông đã gặp không ít những trí thức cỡ lớn, những viên chức cấp cao, những chức sắc tôn giáo tên tuổi đã dứt khoát rời bỏ cuộc sống xa hoa danh vọng để đi với nhân dân, chung sức đánh đuổi ngoại xâm.

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w