Những thành tựu của quá trình hiện đại hoá văn học và vấn đề tổng kết văn học

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 31)

vấn đề tổng kết văn học

Văn học Việt Nam khoảng hơn 40 năm đầu thế kỷ XX đã phát triển với một gia tốc chưa từng thấy trong quá trình hiện đại hoá. Nhà phê bình Hoài Thanh trong bài tổng kết: Một thời đại trong thi ca đã thốt lên kinh ngạc trước tốc độ phát triển ấy của nền văn học nước nhà. Ông so sánh:

“Năm sáu mươi năm này” mà như “ năm sáu mươi thế kỷ vậy”. Vũ Ngọc Phan, tác giả cuốn sách Nhà văn hiện đại, cũng đã hơn hai lần nhấn mạnh: “ở nước ta một năm có thể kể như 30 năm của người”. Quả thật, chỉ trong vòng bấy nhiêu năm thôi, trong đời sống văn học nước nhà đã xẩy ra liên tiếp các cuộc cách tân nghệ thuật, theo xu hướng hiện đại trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Chuyển qua giai đoạn giao thời, đến những năm 30, 40 nền văn học Việt Nam đã thực sự mang diện mạo của nền văn học hiện đại với tất cả những nét đặc trưng của nó. Đó là sự phong phú và phức tạp của các khuynh hướng văn học, sự trưởng thành nhanh chóng của nền văn xuôi chữ Quốc ngữ, sự phát triển mau lẹ của nền thơ ca hiện đại, sự xuất hiện của kịch... và nếu chỉ tính trong vòng 15 năm (1930 -1945) thì những bộ phận chủ yếu làm nên diện mạo của nền văn học này cũng đã kịp thời làm tròn vai trò lịch sử của mình.

Chính sự phát triển hết sức mau lẹ đó, chính tính chất phong phú và phức tạp đó, cùng với những thành tựu rực rỡ của nền văn học nước nhà thời kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 đã đòi hỏi sự xuất hiện của nền phê bình văn học. Bởi trước hết phê bình văn học sẽ là người phát ngôn tư tưởng cho các trào lưu, các khuynh hướng văn học khác nhau trong đời sống văn học đương thời; là nhân tố tổ chức, định hướng cho các khuynh hướng văn học ấy phát triển. Sau đó, nó thực hiện chức năng đánh giá, thẩm định những giá trị đích thực của nền văn học ấy thông qua các công trình tổng kết, đánh giá tình hình văn học trong suốt hơn 40 năm đầu thế kỷ này. Xuất hiện một Hoài Thanh tổng kết, đánh giá cả phong trào Thơ mới, với những đỉnh cao mà nó đạt được, qua cuốn sách hợp tuyển và phê bình thơ ưu tú nhất của thời kì văn học này - cuốn Thi nhân Việt Nam; một Vũ Ngọc Phan đã dựng lại cả quá trình văn học trong khoảng 40 năm hồi đầu thế kỷ bằng việc khắc hoạ chân dung của bảy mươi chín nhà văn từ hồi đầu có chữ Quốc ngữ tới 1942; một Kiều Thanh Quế nhìn nhận lại để đánh giá

Cuộc tiến hoá của văn học Việt Nam; một Mộc Khuê kiểm điểm và tổng kết

Ba mươi năm văn học; một Nguyễn Bách Khoa Tính sổ mười năm văn học… Tất cả những công trình phê bình, nghiên cứu đó đều muốn nói lên một điều: nền văn học nước nhà trong quá trình hiện đại hoá của mình đòi hỏi sự có mặt cũng như sự hoạt động tích cực của phê bình văn học. Một mặt - coi nó là thành phần cơ cấu quan trọng của nền văn học thời hiện đại, mặt khác - nó ra đời để thực hiện nhiệm vụ tổng kết, đánh giá những thành tựu của bản thân văn học - sau một quá trình vận động, phát triển và đạt được những thành tích lớn lao, rất đáng được ghi nhận.

Một phần của tài liệu Đóng góp của thiếu sơn trong việc hiện đại hóa phê bình văn học việt nam nửa đầu thế kỷ XX luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w