Bài học lịch sử là một khâu của quá trình dạy học, cung cấp cho học sinh một khối lượng kiến thức lịch sử tương đối trọn vẹn theo quy định của chương trình. Bài học lịch sử ở trường phổ thông thực hiện ba nhiệm vụ: cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh, giáo dục đạo đức tư tưởng và phát triển toàn diện học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng cần rèn luyện cho học sinh những kỹ năng thực hành cơ bản giúp cho học sinh biết vận dụng những kiến thức lịch sử đã học.
Ở trường phổ thông có nhiều hình thức dạy học khác nhau như: những bài học trên lớp (hình thức nội khóa), các hình thức hoạt động ngoại khóa, các bài học tại thực địa - bảo tàng. Trong đó bài học ở trên lớp (bài nội khóa) vẫn là hình thức dạy học cơ bản nhất. Vì nó giữ vị trí chủ đạo, chiếm tỉ lệ cao nhất trong tất cả các hình thức dạy học. Bài học nội khóa là con đường ngắn nhất và có hiệu quả nhất trong việc hình thành tri thức lịch
sử cho học sinh. Bài học nội khóa có hai loại: bài nghiên cứu kiến thức mới; bài ôn tập, sơ kết tổng kết. Mỗi loại có cấu trúc và chức năng riêng trong việc hình thành và củng cố kiến thức cho học sinh. Do vậy khi rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh, giáo viên phải dựa vào đặc điểm của từng loại để có phương pháp phù hợp.
3.2.1.1. Rèn luyện kỹ năng thực hành trong bài nghiên cứu kiến thức mới:
Bài nghiên cứu kiến thức mới là bài chiếm tỉ lệ cao nhất. Nghiên cứu kiến thức mới là yếu tố chủ yếu của quá trình dạy học ở trường phổ thông. Bài nghiên cứu kiến thức mới “được xây dựng trên cơ sở kết hợp việc trình bày của giáo viên với hỏi và trả lời của học sinh, giữa học sinh với nhau và những hoạt động độc lập của học sinh khi tiếp nhận kiến thức mới, có thể sử dụng các phương pháp rất đa dạng, phong phú nhằm hình thành kiến thức, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phát triển tư duy và kỹ năng cho học sinh” [6, 92]. Nội dung của nó là những kiến thức cơ bản học sinh cần nắm để hiểu rõ lịch sử dân tộc hay lịch sử thế giới trong một giai đoạn nhất định, trên nhiều lĩnh vực khác nhau…Khi tiến hành bài nghiên cứu kiến thức mới phải trải qua nhiều khâu khác nhau: hỏi bài cũ, chuẩn bị nghiên cứu kiến thức mới, nghiên cứu kiến thức mới, củng cố, ra bài tập về nhà. Có thể nói trong các khâu đó thì khâu hỏi bài cũ, giáo viên có thể kết hợp rèn luyện cho học sinh kỹ năng diễn đạt nói. Còn ở khâu nghiên cứu kiến thức mới, giáo viên có thể kết hợp rèn luyện kỹ năng diễn đạt nói thông qua việc ra câu hỏi để học sinh trả lời, thảo luận các vấn đề đưa ra trong bài học; hay trong bài học ở một mục cụ thể có đồ dùng trực quan như lược đồ, đồ thị, giáo viên kết hợp rèn luyện kỹ năng thiết kế đồ dùng trực quan và cho học sinh trình bày nội dung trên đồ dùng trực quan. Hoặc ở khâu ra bài tập về nhà giáo viên nên cho học sinh lập niên biểu…
Tùy theo nội dung từng bài mà giáo viên khi tiến hành bài nghiên cứu kiến thức mới sẽ kết hợp rèn luyện KNTH cho học sinh.
Khi dạy bài 23 “Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và cuộc đấu tranh bảo vệ cách mạng 1917 – 1921”: Giáo viên giới thiệu cho học sinh các tranh ảnh lịch sử trong sách giáo khoa và cho học sinh quan sát, miêu tả nhằm làm rõ những nội dung lịch sử được thể hiện trong đó. Hay khi dạy mục 2 “Cách mạng dân chủ tư sản tháng hai” giáo viên có thể yêu cầu học sinh lập bảng niên biểu: So sánh cách mạng tháng hai 1917 với cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ. Hoặc ra bài tập về nhà cho học sinh với câu hỏi:
Em hãy lập niên biểu các sự kiện chính của nước Nga từ 1917 – 1921?
Trong bài 24 “Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (1921 – 1941)”: Giáo viên sử dụng “Lược đồ Liên Xô năm 1940” nhấn mạnh cho học sinh thấy rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của sự ra đời Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (12/ 1922) và sự lớn mạnh của Liên Xô. Khi sử dụng lược đồ này giáo viên cho học sinh quan sát và chỉ vị trí của Liên Xô trên bản đồ: phía Bắc giáp Bắc Băng Dương; phía Nam giáp Mông Cổ, Trung Quốc, Apganitxtan; phía Đông giáp Thái Bình Dương, Nhật Bản, Triều Tiên; phía tây giáp Iran, Biển Đen, biển Caxpi, biển Ban Tích. Hay khi dạy mục 2 “Chính sách kinh tế mới”, giáo viên yêu cầu học sinh lập: Niên biểu so sánh Chính sách cộng sản thời chiến với chính sách kinh tế mới? vừa có thể kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh vừa giúp học sinh nhớ lại kiến thức bài cũ, so sánh với nội dung bài học.
Trong bài 25: “Khái quát về các nước tư bản chủ nghĩa giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939)”: Trong mục 1 của phần I giáo viên sử dụng “Lược đồSự thay đổi bản đồ chính trị châu Âu theo hệ thống Vecxai – Osinhton”. Lược đồ gồm hai phần châu Âu năm 1914 (trước khi hệ thống Vecxai – Oasinhton được thiết lập), châu Âu sau năm 1923 (sau khi hệ thống này đã phân chia thế giới về cơ bản). Để phục vụ cho nội dung và giúp học sinh hiểu sâu về hệ thống này với những tác động của nó đối với châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ nhất, giáo viên có thể hỏi: So sánh ranh giới quốc gia giữa hai lược đồ em thấy có nhũng điểm gì khác? Dựa
vào lược đồ và các quy định của hiệp ước Vecxai – Oasinhton học sinh trả lời: Lược đồ châu Âu năm 1914 và năm 1923 có sự phân chia về lãnh thổ, biên giới quốc gia theo hệ thống Vecxai – Oasinhton: Đế quốc Đức năm 1923 bị thu hẹp tới 1/ 8 diện tích lãnh thổ so với năm 1914, một phần lãnh thổ Đức bị cắt cho Ba Lan, làm xuất hiện nước cộng hòa Ba Lan, ba nước thuộc vùng biển Ban Tích là: E – xto – ni – a, Lit – va, Lat – vi – a. Đế quốc Nga năm 1914 đến 1923 phần lớn thuộc lãnh thổ Liên Xô, Phần Lan tách ra khỏi nước Nga đế quốc sau sắc lệnh hòa bình của Lê nin năm 1917. Đế quốc Áo – Hung tách thành hai quốc gia là Áo và Hungari nhưng lãnh thổ các nước này lại bị thu hệp theo hòa ước Xanh – Giecmanh (9/ 1919) với Áo và hòa ước Trianon với Hungari (6/ 1920). Lãnh thổ của Hungari bị thu hệp lại còn khoảng 1/ 3. Cũng trên cơ sở tan rã của đế quốc Áo – Hung, hình thành các quốc gia mới là Nam Tư và Tiệp Khắc, đường biên giới của các quốc gia này được xác định dựa trên các hòa ước. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng sụp đổ với sự sụp đổ của đế quốc Ottoman, theo đó Syri, Li – băng, Palextin, Irac tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đặt dưới sự quản trị của Hội quốc liên. Hay khi dạy mục 2 phần II “Phong trào mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh”: giáo viên sử dụng tranh: “Lê ông Bơlum (phải) – người đứng đầu Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp năm 1936” trên cơ sở học sinh quan sát và nhận biết được ảnh, giáo viên có thể yêu cầu học sinh nêu những hiểu biết của mình về tiểu sử nhân vật này, liên hệ mở rộng: Mối quan hệ giữa Mặt trận Nhân dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).
Trong bài 27 “Nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939)”: Ngoài sử dụng các tranh ảnh lịch sử để minh họa nội dung bài học, giáo viên còn cho học sinh làm việc với các biểu đồ. Như: “Biểu đồ về tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ (1920 – 1946)” khi dạy mục 1 của phần II. Giáo viên cho học sinh quan sát các số liệu và rút ra nhận xét: Giai đoạn 1920 – 1925, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có dao động nhưng ở mức thấp từ 1.9% - 11.9%, đây là
thời kỳ phát triển phồn thịnh của kinh tế Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng giai đoạn từ 1929 – 1933, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến từ 5.25% (1929) đến 8.7% (1930), 15.9% (1931), 23.6% (1932), 24.9% (1933). Điều này có thể lý giải từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế khổng lồ Mỹ, đời sống các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là công nhân. Sau đó tình hình đã tạm thời ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, xuống mức thấp vào năm 1944 (1.2%), điều đó cho thấy tác dụng tích cực từ những điều chỉnh về kinh tế của nhà nước, đặc biệt là “Chính sách mới” của tổng thống Ru – dơ – ven. Hay khi dạy mục 2 phần II, giáo viên cho học sinh quan sát và đưa ra nhận xét cho “Biểu đồ thu nhập quốc dân của Mỹ (1929 – 1941)”. Qua biểu đồ học sinh có thể trình bày các nội dung từ biểu đồ trên như sau: Trục tung thể hiện “tỉ đô la Mỹ”, trục hoành thể hiện các “năm”. Trong đó năm 1929 với thu nhập 85 tỉ USD nhưng từ năm 1929 - 1933 với cuộc khủng hoảng kinh tế thu nhập quốc dân của Mỹ liên tục giảm sút. Từ năm 1935 nền kinh tế dần phục hồi và phát triển cao. Nhất là vào năm 1941 thu nhập quốc dân đạt 98 tỉ USD. Qua việc phân tích biểu đồ học sinh rút ra nhận xét: Biểu đồ phản ánh kết quả của việc thực hiện chính sách mới của Tổng thống Ru - dơ - ven đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Như khi dạy bài 31 “Chiến tranh thế giới thứ hai 1939 - 1945”, giáo viên tiến hành hỏi bài cũ có thể hỏi câu: Nêu ý nghĩa của cách mạng năm 1932 ở Xiêm? Tiến hành gọi một học sinh lên trả lời, học sinh lên trình bày ý nghĩa: nhìn chung cuộc cách mạng 1932 không đem lại kết quả như mong muốn, nhưng cuộc cách mạng đã tăng cường địa vị của giai cấp tư sản trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thay thế chế độ quân chủ bằng chế độ quân chủ lập hiến, tạo điều kiện tiến hành cải cách theo hướng tư sản. Cũng từ đây Xiêm bước sang một thời kỳ phát triển mới. Sau đó giáo viên nhận xét và cho điểm.
Hay trong tiến trình dạy bài mới giáo viên thường xuyên nêu câu hỏi cho học sinh trả lời. Như khi dạy mục 1 trong mục I của bài 31, giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa và nêu câu hỏi: Trình bày các hoạt động gây chiến tranh và bành trướng thế lực của Đức và Italia trong những năm 1935 - 1939? Ở câu hỏi này giáo viên yêu cầu học sinh trình bày nội dung này trên lược đồ hình 87 sách giáo khoa. Hay khi dạy xong bài này giáo viên ra bài tập về nhà cho học sinh yêu cầu: Lập niên biểu về quá trình phát xít Đức xâm chiếm châu Âu từ tháng 9/ 1939 - 6/ 1941? Giáo viên có thể gợi ý mẫu sau:
Thời gian Sự kiện
1/ 9/ 1939 ……….4/ 1940 ………... 4/ 1940 ………... ………….. Pháp ký hiệp định đình chiến với Đức
……… Hiệp ước Tam cường: Đức - Italia - Nhật tại Béc - lin.
3.2.1.2. Bài ôn tập, sơ kết, tổng kết:
Bài ôn tập, sơ kết, tổng kết được sử dụng khi hoàn thành bài nghiên cứu một giai đoạn, một thời kỳ, một khóa trình hay các vấn đề lịch sử của chương trình. Đây là loại bài dựa vào những kiến thức yêu cầu cả giáo viên và học sinh hệ thống hóa, khái quát hóa nhằm tạo độ vững chắc về mặt kiến thức. Loại bài này không chú trọng tăng cường kiến thức mà chú trọng về mặt chất lượng kiến thức, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn quá trình lịch sử. “Mặt khác việc ôn tập, sơ kết, tổng kết kiến thức cần chú ý phát triển tư duy, rèn luyện kỹ năng thực hành bộ môn của học sinh. Vì vậy khi tiến hành bài ôn tập, sơ kết, tổng kết giáo viên phải suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển, về nội dung và biện pháp tiến hành”. [6, 99].
Ngoài việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt nói, trong bài ôn tâp, sơ kết, tổng kết việc rèn luyện kỹ năng thiết kế và trình bày nội dung trên đồ dùng
trực quan. Loại đồ dùng trực quan phù hợp để rèn luyện cho học sinh và phù hợp với loại bài này là niên biểu.
Trong khóa trình này, chúng tôi đưa ra niên biểu tổng hợp về lịch sử thế giới hiện đại 1917 - 1945. Niên biểu này giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị trước ở nhà. Khi tiến hành bài học này trên lớp giáo viên tổ chức cho học sinh lập niên biểu, bổ sung, nhận xét và cuối cùng thống nhất đưa ra một niên biểu hợp lý chung cho cả lớp. Với các nội dung của bảng niên biểu: thời gian, sự kiện chính, kết quả, ý nghĩa, giáo viên giúp học sinh nhớ lại những ý cơ bản về các sự kiện để học sinh nắm chắc khóa trình lịch sử này.
Bảng niên biểu thống kê về Lịch sử thế giới hiện đại 1917 - 1945:
Thời gian Sự kiện chính Kết quả, ý nghĩa