Những con người yêu đời, nhân hậu, chân tình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật dựng chân dung văn học của phan thị thanh nhàn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Những con người yêu đời, nhân hậu, chân tình

Xây dựng chân dung văn học là một thể tài rất khó thể hiện. Điểm qua một chặng đường hình thành và phát triển của thể tài này chúng tôi có chung một nhận định có bao nhiêu chân dung nhân vật được xây dựng là có bấy nhiêu con người đặc biệt. Trong cái đặc biệt ấy luôn nổi bật lên một tính cách cao đẹp, họ

là những con người rất yêu đời. Chính tình yêu cuộc sống họ đã mang đến những tài hoa kì diệu. Những con người ấy đã không ngừng sáng tạo và bằng tình yêu sâu sắc cuộc đời làm nên chất kết chặt tâm hồn, trái tim tình cảm của mình với công chúng.

Ở mỗi một góc nhìn, chúng tôi đều nhận thấy rõ cái tài tinh tế cũng như trái tim nhạy cảm của Phan Thị Thanh Nhàn. Chị đã ghi lại những kỉ niệm sâu sắc của mình với những người thân quen từ những người bạn gái thời tuổi trẻ như: Dương Thị Xuân Quý, Xuân Quỳnh,… đến những đồng nghiệp chị đã gắn bó rất lâu như bác Tô Hoài, Nguyễn Tuân và nhiều nhà văn nhà thơ khác. Thông qua những kỉ niệm, những câu chuyện kể rất đời thường của chị, người đọc hình dung được bức chân dung giới văn nghệ sĩ chị đã thân quen. Trong những con người đời thường ấy luôn chất chứa một trái tim yêu đời thắm thiết, dù cuộc sống có thăng trầm nhưng họ vẫn tìm thấy vị ngọt của cuộc đời. Bác Nguyễn Tuân đã nói: … Hình như những người khôn ngoan thì chỉ biết tự mình ăn ngon, mà không nói gì cơ! tôi đã rất khổ vì bị phê phán nặng nề sau khi viết những tùy bút về các món ăn ngon của Hà Nội như “Phở”, “Giò”, “Bánh cuốn”…[tr 19]. Có thể nói bác là người hết sức tinh tế và sâu sắc trước mọi biểu hiện của cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Tuân bấy lâu được biết là một con người tài hoa. Nhưng con người ấy còn luôn toát lên vẻ trẻ trung, ngẫm lời bác nói thì có thể hiểu được bác yêu cuộc sống vô cùng. Bác có yêu đời sâu sắc thì mới có được nghĩ tinh tế đến vậy. Nhà thơ Thanh Nhàn đã tìm thấy và trân trọng cái tài năng thực sự của bác Nguyễn Tuân.

Tế Hanh là một nhà thơ rất gần gũi với học sinh phổ thông, nhắc về ông thì người đọc luôn gợi nhớ đến bài thơ Nhớ con sôngquê hương. Ông là một con người hết sức khiêm tốn hòa nhã và chân tình. Ông rất trân trong tài năng, luôn thân thiện với bạn thơ dù là ở lứa tuổi nào. Ông tâm tình: Tôi rất mong các thế hệ nhà văn, nhà thơ chúng ta hiểu biết và gắn bó với nhau…[tr 28]. Sự chân tình đã làm nên sợi dây kết chặt tình cảm của nhà thơ với cuộc đời. Nét bình dị làm

cho hồn thơ ông trở nên chan hòa, mà cũng thật dân dã. Ông cũng là một trong những nhà thơ đã gắn bó với mảnh đất Hà Nội rất nhiều năm và cho ra đời nhiều tác phẩm: Hồ Thuyền Quang, Vườn hoa Thống Nhất, Hà Nội vắng em,…[tr 26]. Có thể nói viết về Hà Nội thì không ít tác giả, nhưng riêng ở Tế Hanh luôn toát lên một vẻ tinh tế đến vô cùng. Nhà thơ luôn mang đến cho bạn thơ những điều thú vị bất ngờ trong cái bình dị nơi cuộc sống.

Xem chùa

Gặp gỡ mùa xuân không hẹn trước Sẵn chùa mở đón khách vào xem Này nhé: Anh xin làm “kẻ tục” Xứng đáng “người thanh” đã có em.

Sự thân thiện và gần gũi trong con người Tế Hanh càng làm cho mọi người thêm yêu mến. Một con người rất hài hòa, sẵn lòng chia sẽ tâm tình, bộc trực mà thật đáng quý. Cũng như nhà thơ nói: Sao lại “Phải yêu”? Được yêu chứ

[tr 27]. Một sự hóm hỉnh và thấu đáo trong con người nhà thơ Tế Hanh quả thật đáng mến. Đấy là người, còn đời thì có thể nói rằng nhà thơ Tế Hanh rất tự hào về vợ của mình với mọi người, một người vợ luôn biết quan tâm đến chồng mà không cần một đòi hỏi về điều gì cả. Qua cuộc gặp gỡ và chuyện trò với Tế Hanh, nhà thơ Thanh Nhàn đã mang đến nhiều điều thú vị cho người đọc. Ông rất sâu sắc, chững chạt và điềm đạm. Cũng như một sự gặp gỡ gần như trùng lắp cảm xúc của hai thi sĩ:

Thơ Tế Hanh: “Biển một bên em một bên

Thơ Trần Đăng Khoa: “Biển một bên và em một bên

Nhà thơ Tế Hanh bảo: Làng anh ở Quảng Ngãi, gần biển, anh cứ nghĩ, biển cũng là đời. Có hai thứ đập vào ta liên miên và không ngừng làm ta xao động, bên là mọi chuyện đời, bên là tình yêu…

Không, có y hệt như nhau đâu… Anh chỉ nghĩ chữ “và” này phá vỡ hết cả sự liên kết giành giật gắn bó của câu thơ. Thế thôi, nhưng có thể Khoa lại có ý

khác [tr 63]. Sự bình lặng bằng phẳng và luôn nhẹ nhàng thanh thoát chính là điều rất riêng trong nhà thơ Tế Hanh, nét độc đáo này nhà thơ đã gửi hết vào trong thơ của mình. Mặc dù nhà thơ đã tâm tình, với cuộc đời thơ của ông như có những nhịp vang, cứ khoảng 20 năm lại có tác phẩm đánh dấu một bước ngoặc. Nhưng dù ở giai đoạn nào nhà thơ Tế Hanh luôn mang trong mình một hồn thơ tự nhiên mà sâu sắc, thú vị và độc đáo và cũng hết sức tinh tế nhạy cảm. Qua đấy, chúng ta có thể hiểu hơn sự chân thành, giản dị trong cuộc đời và trong thơ Tế Hanh.

Như một con ong cần mẫn làm nên mật ngọt cho đời, mỗi cây bút là một vẻ rất riêng. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là biểu hiện của sự cần mẫn và say mê. Chị Ngọc Tú luôn làm việc hăng say. Mới hơn 40 tuổi chị đã có trên 10 cuốn sách, ngoài các tiểu thuyết dầy dặn viết về nông thôn, các tác phẩm của chị hầu hết là cảnh vật và người Hà Nội – vùng quê yêu thương của chị [tr 36]. Sự miệt mài làm việc mang lại quả ngọt đã biểu lộ nhà văn Ngọc Tú là người rất nhiệt huyết với nghề và luôn mang lòng ưu ái với đời, đặc biệt là trong những tiểu thuyết Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau. Mỗi một tiểu thuyết ra đời là một tiếng nói đồng cảm của trái tim yêu thương. Vốn dĩ chị là một cô giáo trẻ được dạy ở trường trong thành phố, vậy mà chị đã tình nguyện xin về nông thôn. Chị sống rất chân thật, chan hòa và rất tình cảm với mọi người. Chính lòng chân thành và nhiệt huyết ấy đã làm mọi người yêu mến chị. Là một con người sống tình cảm và rất dễ gần, đồng thời chị rất cẩn thận, luôn biết trân trọng những giá trị cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú xinh đẹp và chăm chỉ, đầy khát vọng lại nhiều đam mê.

Trong tập chân dung văn học, nhà thơ Thanh Nhàn đã dành viết về bác Tô Hoài đến 5 bài. Chính thời gian được công tác gần gũi bên bác Tô Hoài mà chị có được những ký ức sâu sắc. Cái hình ảnh của Tô Hoài mà chị xem như là một thần tượng, bởi bên trong con người bình dị ấy là mang thật nhiều tình cảm, tình với đời và tình với nghiệp văn chương. Bác là cấp trên nhưng rất thường đến

thăm nhà cấp dưới, những khi ấy bác rất chân tình. Nhà thơ Thanh Nhàn nhìn nhận Tô Hoài là người rất hóm hỉnh [tr 29], bác kể bao nhiêu chuyện vui với mọi người có thể nói nếu ngồi trò chuyện với nhà văn thì thật khó đứng lên. Anh hiểu biết rất rộng, sâu sắc và tỉ mỉ [tr 30]. Đấy là một con người rất sâu sắc và tinh tế, hiểu từng con đường khóm cây: cây liễu thưa thớt bên bờ hồ Gươm, đến cả cây lộc vừng. Tô Hoài hết sức chân tình từ trong nếp nghĩ và cả thái độ cư xử với mọi người. Khi gần bên người thân quen, bác luôn mang đến cho họ niềm vui và sự ấm áp. Nhà văn Tô Hoài luôn dành thái độ chân thành và sự chỉ bảo tỉ mỉ với hầu hết những cây bút trẻ. Bác Tô Hoài đã nhìn nhận: Nghề viết cũng như tất cả mọi nghề khác, đã làm là phải yêu quí nghề mình.Yêu nghề một cách cụ thể, tức là phải lao động, viết luôn luôn. Dưới ngòi bút nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về hình ảnh một nhà văn Tô Hoài như chúng ta từng được biết. Quả đúng với tên gọi đầy sự cảm mến bác Dế Mèn, một con người nhân hậu chân tình trong trái tim cháy hết cho đời. Nhà văn Tô Hoài dù trong cương vị nào, bác vẫn luôn thân thiện và nêu cao tinh thần trách nhiệm, lúc là tổng biên tập báo Người Hà Nội bác vẫn tự mình xuống nhà in có khi thức cùng anh chị em công nhân để theo dõi và đôn đốc việc in báo. Mỗi một chuyên mục báo do bác phụ trách đều được rất nhiều bạn đọc yêu thích và đã liên kết được rất nhiều cộng tác là những cây bút nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Trong con người với đời sống bình dị ấy chứa cả một nghị lực và tinh thần làm việc hết sức chăm chỉ và cần mẫn. Thời gian làm báo bác vẫn thường xuyên viết từ các mẫu tin nhỏ, vài dòng mục trong mục “Hộp thư”, đến “Sổ tay phóng viên” rồi xã luận, truyện ngắn,… Sức sáng tạo thật cao và sâu trong ý thức trách nhiệm công việc càng làm xứng đáng vị trí nhà văn Tô Hoài trong lòng độc giả và các lớp nhà văn, nhà thơ. Trong khi làm việc nhà văn Tô Hoài rất nghiêm túc, đồng thời hết sức tinh tế, những khi duyệt bài Tô Hoài luôn phát hiện ra lỗi sai trên các bài viết. Cũng như khi duyệt công văn xin thành phố bù giá giấy, Tô Hoài tỏ

rõ thái độ quan điểm trước việc chung, nhà văn gạch dưới những chữ “xin”của tôi trong các câu: “xin các đồng chí xem xét”, “xin trân trọng cảm ơn”và nói:

Trong các công văn và trong mọi trường hợp khác, không nên dùng chữ “xin”, nó không phải văn hành chính mà nghĩa lại xấu, không nên dùng. Những lời góp ý thật chân tình, bác xứng đáng là bậc đàn anh đáng kính trong lòng mọi người. Quan điểm luôn dứt khoát, rõ ràng và hết sức khẳng khái. Khi nhà văn Tô Hoài đưa ra những lời góp ý thì mọi người rất phục ở cái tầm và cái tài tinh tế. Càng hiểu về nhà văn Tô Hoài càng thấy rõ bản lĩnh nghề nghiệp. Khi các báo đăng bài viết phê phán những hoạt động không lành mạnh của một số quán cà phê nơi Thủ đô năm 1989, năm 1991 đăng bài thơ Xám hối của Thanh Sơn bị dự luận phản ánh dữ dội mà Tô Hoài vẫn điềm tĩnh. Nhiều lần chứng kiến nhà văn Tô Hoài giải quyết công việc chị càng thêm nể phục bác. Là Tổng biên tập báo, nhà văn không chỉ chý ý những vấn đề tư tưởng, quan điểm mà rất quan tâm cả những việc nhỏ như sửa lỗi bản đánh máy và duyệt bài in. Bác bao giờ cũng đòi biên tập viên phải đưa bản thảo gốc của tác giả kèm với bài đã đánh máy, vừa để xem trình độ biên tập của từng người, vừa để đối chiếu từng chữ, nhất là những bài thơ [tr 47].

Là nhà văn nên Tô Hoài rất quan tâm đến thế giới chi tiết. Với Tô Hoài, chi tiết là cả một thế giới mở ra nhiều khám phá độc đáo và thú vị. Chẳng hạn một chi tiết nhỏ trong cuộc gặp cô ca sĩ nổi tiếng từ Sài Gòn ra, hay lần gặp một vị cấp trên đến họp muộn lại còn phô trương, hoặc khi đối mặt giải quyết công việc,… Một chi tiết thú vị trong đời thường của nhà văn Tô Hoài, ấy là việc bác tự khâu lại chiếc quần đã cũ đã làm nhà thơ Thanh Nhàn để tâm. Có thể hiểu việc làm đó là rất đỗi bình thường trong thời cuộc lúc bấy giờ, nhưng điều đáng nói ở đây là thông qua chi tiết đấy nhà thơ Thanh Nhàn đã trực tiếp xây dựng chân dung một vị thủ trưởng, một bậc đàn anh đáng kính có nếp sống rất bình dị trong đời thường như bao con người bình thường khác. Bác rất quan tâm đến chi tiết,… , bác thường tự giải quyết các chi tiết của đời mình [tr 58].

Mỗi khi đọc những bài viết kể về nhà văn Tô Hoài là đều có cái cảm nhận đấy là người rất giàu vốn sống. Bác Tô Hoài luôn tỏ rõ sự dày dạng trong cuộc trải nghiệm đời thường. Khi chúng tôi liên kết rất nhiều sự việc nói về Tô Hoài thì đó là những lời nhận xét tốt đẹp, những tình cảm chân tình của bao người dành cho nhà văn. Ở con người ấy luôn biểu lộ sự chững chạc, điềm đạm trước mọi tình huống nhà văn luôn chủ động và quyền biến, lúc nào cũng có thể nói “rất chính xác” mà không làm hại đến ai [tr 66]. Đó là những lời nhận xét tinh tế dành cho nhà văn Tô Hoài trong chuyến đi Trung Quốc. Với nhà thơ Thanh Nhàn bao lần được đi công tác cùng bác Tô Hoài là bấy nhiêu lần được học hỏi rất nhiều tài ở bác. Cũng như một chi tiết nhỏ trong trong việc xác định phòng nghỉ ở khách sạn trong chuyến đi Trung Quốc cho thấy nhà văn Tô Hoài hết sức tinh tế sâu sắc từ cuộc sống đến tinh thần làm việc. Nhờ sự tinh tế ấy, nhà văn Tô Hoài bao giờ cũng tạo được điều thú vị, hóm hỉnh và đầy bất ngờ với mọi người như trong việc gọi món ăn “Lạp chiêu chương” trong quán ở Trung Quốc. Hơn thế nữa, nhà văn Tô Hoài cũng là người rất biết quan tâm đến người khác như tặng một chậu hoa, đến những lời động viên chân tình mang đến cho mọi người bao niềm xúc động. Trong chuyến đi Trung Quốc hình ảnh nhà văn Tô Hoài đọng lại trong những lời nhận xét: một người giản dị, cô đơn,luôn điềm đạm mà sâu sắc, chân thành mà hóm hỉnh. Một người luôn coi trọng chi tiết, những chi tiết nhỏ nhất như là nhận biết căn phòng mình ở giữa bao căn phòng sáng choang của khách sạn mấy trăm phòng [tr 75].

Đọc những bài viết về nhà văn Tô Hoài chúng tôi có cảm nhận rằng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã dành rất nhiều tình cảm cao đẹp về bác. Trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, nhà văn Tô Hoài đón tiếp rất nhiều vị khách quý, nhưng bác vẫn luôn quý nhất là chữ tình. Nhà văn Tô Hoài là người rất trọng tình, dù rằng tuổi đã cao nhưng khi bằng hữu có việc hệ trọng, hay tang lễ bác đều đích thân đến viếng, thăm hỏi gia đình và tiễn đưa người quá cố về đến nơi

mộ phần. Nhà văn nghĩa tình là vậy, chân thật và quý trọng những giá trị tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và những người thân quen.

Nói về nhà văn Tô Hoài thì có rất nhiều điều làm mọi người thán phục. Nhưng chỉ riêng chuyện phiếm cũng đủ làm cho mọi người nhớ và quý thật nhiều ở bác. Khi tiếp xúc với mọi người bác đều tạo được không khí vui tươi nhẹ nhàng đầy sự hóm hỉnh. Chẳng hạn việc đi muộn là điều không nên, nhưng bác rất nhẹ nhàng biến điều không hay trở thành đều dễ thay đổi. Chính sự độ lượng của bác đã làm mọi người quý mến hơn. Mặt khác trong công việc thì bác Tô Hoài nói năng rất nghiêm khắc, rất chính xác nhưng cũng vô cùng khiêm nhường và giản dị. Bác thẳng thắn góp ý với cấp dưới về mọi vấn đề từ cuộc sống đến công việc, từ nhận thức đến quan điểm. Nghiêm khắc là vậy, nhưng nhà văn Tô Hoài thật tình và thẳng thắn tự nhìn nhận những sai sót trong việc thể hiện chi tiết. Đây quả thực là điều đáng quý ở một nhà văn lớn, bởi trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp có mấy ai mà không mắc phải sai lầm, song điều quan trọng là có dám nhìn nhận và khắc phục mới là điều quan trọng.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật dựng chân dung văn học của phan thị thanh nhàn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w