Đa dạng trong giọng điệu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật dựng chân dung văn học của phan thị thanh nhàn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 104)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Đa dạng trong giọng điệu

Đọc tập chân dung văn học Phan Thị Thanh Nhàn, người đọc ngẫm được rất nhiều điều, không chỉ hiểu rõ hơn chân dung các nhà văn, nhà thơ, thấy được mỗi một bài viết là công trình sáng tạo nghệ thuật tự nhiên, giàu sắc thái cảm xúc và mang đậm phong cách của người nghệ sĩ. Nhiều trang viết tạo dựng chân dung văn học gây cho người đọc cảm giác cuốn hút, càng đọc càng thấy thú vị trong mỗi con người đặc biệt ấy. Sức mạnh nghệ thuật đó một phần bắt nguồn từ sự kết hợp linh hoạt các các sắc thái giọng điệu. Có thể nói, điểm độc đáo của thể tài này là mặc dù minh bạch, thông suốt về nội dung, sáng tỏ về kết cấu lại đa dạng về giọng điệu.

Theo M. Bakhtin: giọng điệu không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu đạt của tác phẩm mà còn là yếu tố giữ vai trò thống nhất các yếu tố khác tồn tại trong tác phẩm tạo ra thành một chỉnh thể nghệ thuật. Các tác phẩm có giá trị đều thể hiện một giọng điệu riêng, tiêu biểu cho thái độ cảm xúc của tác giả. Giọng điệu thể hiện điểm nhìn của chủ thể, quan niệm của chủ thể. Tuy nhiên, trong một tác phẩm có thể có nhiều giọng điệu bao hàm nhiều sắc điệu, nhiều sắc thái biểu cảm do trong đó nó thường hội tụ nhiều

mảnh đời, nhiều số phận trong những chiều kích không gian và thời gian khác nhau. Độc giả nhận ra một kiểu chủ đạo trong sự đa điệu ấy.

Từ mỗi trang viết tạo dựng chân dung giới văn nghệ sĩ, Phan Thị Thanh Nhàn đã chinh phục người đọc bằng sức mạnh nghệ thuật. Những hồi ức sâu lắng về những người bạn, những kỉ niệm đẹp trong mỗi lần dự trại sáng tác, cùng cả những câu chuyện trò đưa tác giả đến gần và thân thiết với những người bạn trong giới văn chương. Những bài viết được xây dựng bằng thể tài chân dung văn học, tuy có hạn chế về yếu tố hư cấu nhưng lại nổi bật trong ưu thế dựng nhiều số phận, cuộc đời lại có khả năng tạo ra một chân trời liên tưởng, hồi tưởng lớn, cho phép nhà văn nói lên được bằng nhiều chất giọng. Mỗi một câu chuyện được kể theo một mạch cảm xúc rất tự nhiên qua dòng chảy thực về cuộc đời từng nhân vật. Cả tập chân dung là một sự thể hiện hòa hợp và tinh tế trong sự đan xen bằng nhiều giọng điệu ngôn ngữ: giọng trữ tình đằm thắm, giọng suy nghiệm triết lý, giọng hài hước hóm hỉnh.

Viết về những người bạn gái trong giới văn chương, tác giả bao giờ cũng rất trân trọng. Tác giả viết về chị Anh Thơ: “Nữ sĩ Anh Thơ, người chị yêu quý và thân thiết, người đã khiến tôi trân trọng, khiến tôi mơ ước được làm quen từ khi chưa gặp bởi những vần thơ bình dị mà trong trẻo mà buồn buồn mà sâu lắng trong tập Bức tranh quê nay đã ra đi. Nhưng thơ chị sẽ còn đẹp mãi cảnh làng quê yêu dấu ngày xưa.” Hay kể chuyện về nhà thơ Xuân Quỳnh chị đã viết: “Xuân Quỳnh là người bạn gái mà tôi luôn khâm phục vì tài năng, vì nghị lực, vì lòng thiết tha yêu đời, vì sự tận tụy với người mà Quỳnh yêu, và vì rất nhiều điều khác nữa…”. Hay như khi kể chuyện về nhà thơ Lam Luyến người đọc như nghe rõ tình cảm thiết tha của tác giả dành cho chị, bao niềm cảm thông và lòng sẽ chia tình thân bạn gái. Người đọc bao giờ vẫn nhận ra giọng điệu trữ tình đằm thắm và kín đáo của tác giả, bộc lộ niềm thương cảm, sẻ chia sâu sắc với nhân vật. Thậm chí chất trữ tình đó còn pha chút ngậm ngùi xót xa trước những nỗi niềm của nhân vật mà có lẽ ít người hiểu đến.

Trong tập chân dung của mình, tác giả Thanh Nhàn cũng dành nhiều bài viết cho những người bạn đồng nghiệp mà họ mang đến cho chị nhiều cảm xúc, như: nhà thơ Xuân Diệu xứng là bậc đàn anh bởi cái nhìn tinh tế và sâu sắc “Tôi không bảo rằng cây bút đàn ông không viết được những câu thơ kín đáo như: chiếc gương kín đáo treo sau cột, nhưng tôi vui thích hơn và mừng rằng câu ấy do một ngòi bút đàn bà”. Với nhà văn Tô Hoài, là bậc đàn anh, người lãnh đạo cấp trên nhưng khi tiếp xúc với mọi người bác đều cho họ một cảm giác rất thân tình, vui vẻ và ấm áp vô cùng. Chẳng hạn như việc xem xét và duyệt các bài viết nhà thơ Thanh Nhàn nhiều lần tiếp nhận sự góp ý trực tiếp của bác. Nhưng những điều đó không phải là sự khẳng định quyền uy của người lãnh đạo với cấp dưới mà là những lời chân tình chia sẽ của những đồng nghiệp. Hay cả những trang viết về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác giả Thanh Nhàn có lẽ sẽ khó nhận ra cái tài và cái tâm của nhà thơ xuất thân từ áo lính trong nét mặt cương nghị và thẳng thắn. Nhưng nơi con người ấy luôn ấm áp “Anh đã dành sự thông cảm, một chút tình yêu, một chút quan tâm đến những người cầm bút chúng tôi”. Với nhà thơ Thanh Nhàn, chị rất trân trọng tài năng thiên phú của anh, và nhiều lòng cảm mến trong ngôn ngữ thơ vừa sâu sắc, vừa tinh tế, trong trẻo và đầy khát vọng. Cũng chính lòng cảm mến chân thành dành cho anh đã giúp nhà thơ Thanh Nhàn hiểu hơn về con người riêng tư ấy trong cuộc đời chung rất đời thường: đi xe đạp, ăn cơm nhờ hàng xóm, lang thang một mình hoặc gặp bạn bè. Mặc dù vậy nhưng trong cảm tình của tác giả: “Nguyễn Khoa Điềm cho đến nay vẫn là một gương mặt bạn bè đáng tin cậy, yêu quý, và có thể một chút… cảm thông chăng?”. Còn khi viết về Bằng Việt tác giả rất cảm mến anh ở hồn thơ lay động lòng người, những vần thơ bao giờ cũng mang đến cho người đọc nhiềm cảm mến. Với niềm trân trọng ấy tác giả Thanh Nhàn viết: “Thơ Bằng Việt đằm thắm, sâu sắc, trữ tình mà lay động”. Chị có cả khoảng thời gian công tác cùng nhà thơ Bằng Việt hơn 20 năm, nên chị đã nhận ra: “Câu chữ trong thơ anh có vẻ như không cố tìm tòi, suy tư, có vẻ như anh chỉ muốn bày tỏ cảm xúc của mình

một cách giản dị, chân thành. Nhưng tôi biết, anh là người lao động nghệ thuật rất nghiêm cẩn”. Tác giả viết về nhà văn Trần Thị Trường: “Sự đáng yêu của nhà văn Trần Thị Trường có thể ở chính con mắt xanh khi chị nhìn những gì mà chị thấy thân thiết và thường xuyên tiếp xúc”. Đọc chân dung văn học của Phan Thị Thanh Nhàn rất dễ nhận ra giọng đằm thắm ngọt ngào của chị dành cho mọi người. Những lời nói mang nặng cảm tình sâu sắc thiêng liêng chị dành cho họ. “Chị em tôi đã chia sẽ bao vui buồn trong cuộc sống, luôn thấu hiểu và cảm thông về mọi chuyện, như thế đó”. Và cả những dòng thơ đằm thắm dành riêng tặng nhà thơ Xuân Quỳnh:

“… Lại mùa đông, trời trở gió heo may Hoa nở dọc tháng ngày đơn chiếc Quỳnh cứ mãi dạt dào, thắm thiết Khao khát và mê say.

Lam lũ, chắt chiu từng tháng, từng ngày Và khao khát một tình yêu trọn vẹn Sống hết mình cho từng trang viết

Ơi Xuân Quỳnh thân thiết của riêng tôi!”

Đó là những cảm tình thiết tha của người bạn gái trong sự cảm thông chia sẽ tình yêu thương dành cho nhau. Chính sự yêu thương và quý mến đã gắn kết những con người có trái tim giàu tình cảm đến gần và hiểu nhau hơn.

Trong cái đa dạng nơi giọng điệu, thì ở tập chân dung văn học của Phan Thị Thanh Nhàn có cả cái giọng suy nghiệm, triết lý. Chẳng hạn như khi nói về Nguyễn Khoa Điềm, tác giả lại hế sức chú ý ở cách dùng từ “khắc khổ” của anh lúc còn chiến tranh ở rừng. Điều này ít nhiều làm tác giả suy ngẫm, một con người với tuổi trẻ đầy khát vọng thì mọi thứ xung quanh anh có lẽ sẽ không mặn chát vị đời đến vậy. Đến khi được gặp một Nguyễn Khoa Điềm của hiện thực trong cái vẻ giản dị, điềm đạm và sâu sắc quá. Tác giả viết: “Có điều gì xót xa đến thế để trái tim anh giờ đây đau buốt trong lồng ngực cô đơn? Tôi không

hiểu. Nhưng may sao, tôi lại gặp một Nguyễn Khoa Điềm trong trẻo có chút gì thanh thản của người đã đạt tới sự minh triết vô vi”. Hay nói chuyện về nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, hình ảnh một nữ nhà thơ trước mắt bạn bè luôn tươi tắn nghịch ngợm. Thế nhưng đó chỉ là một nữa trong con người của chị, và còn một nữa trong cái sâu thẳm là niềm xót xa đau đớn của tâm trạng và thân phận người đàn bà nhỏ bé, yếu đuối chị đã gửi hết vào thơ. Trong cái tình huống này, tác giả đã đặt mình trong vị trí một người bạn thân tình để được chia sẽ, được cảm thông và gửi vào đấy những lời xót xa cay đắng trong cái nghịch của cuộc đời. Riêng với tác giả, sự trải nghiệm cuộc đời gắn bó với nghề làm báo nhiều năm đã giúp chị góp nhặt thêm nhiều điều mang tính chân thực nơi cuộc sống. Vì lẽ này mà khi chị phát hiện ra đâu đó những sự cóp nhặt riêng tư, thì hơn bao giờ hết chị rất nghiêm khắc và rạch ròi đứng ra để bảo vệ cái giá trị hiện thực chân chính. Hay với cả trong cách biểu hiện cái nhìn, cũng như tình cảm chân thành về nhà thơ Ý Nhi , người bạn đã để lại cho tác giả nhiều lòng cảm mến. Là người hiểu nhiều về Ý Nhi, chị đã viết: “Trong tình yêu, Ý Nhi cũng thật dịu dàng đồng thời vô cùng mãnh liệt, vừa như mặt nước hồ xanh trong êm ái, lại như sẵn sàng cháy bừng lên, sáng chói”. Cũng bởi chị từng có những khoảnh khắc gắn bó cùng Ý Nhi và sự gần gũi này giúp chị hiểu nhiều hơn nơi bạn mình. Chị nhận ra cái tài giỏi của nhà thơ Ý Nhi trong cách bày tỏ cảm xúc, rất độc đáo và thú vị.

Đọc chân dung của Phan Thị Thanh Nhàn, chúng tôi luôn nhận ra cái giọng điệu hài hước và đầy hóm hỉnh của rất nhiều nhân vật. Điều này cũng bởi nhà thơ Thanh Nhàn rất thích không khí vui tươi, tràn ngập tiếng cười. Chi đã nhận ra trong những cuộc hợp mặt với mọi người thì không khí cuộc hội ngộ bao giờ cũng rất rôm rả, rộn vang tiếng cười. Chị nói: “Tôi có một tật xấu, là không chơi được với những người đàn ông không có tính hóm hỉnh”. Có lẽ bởi những suy nghĩ này mà trong tập chân dung của mình chị đã mang đến cho người đọc rất nhiều điều thú vị về các nhân vật, như: Tô Hoài, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương,… cùng các nhà thơ nữ. Tác giả dựng chân dung các bạn văn dưới hình

thức tái hiện những câu chuyện đời thường. Qua đó mỗi nhân vật xuất hiện cụ thể rõ rệt bằng hoạt động, ngôn ngữ đời sống, cùng cả quan điểm nhìn nhận của tác giả, mà khi thì là người bạn cùng trò chuyện trong các cuộc gặp gỡ, khi thì hình ảnh nhân vật lại được nhìn nhận qua lăng kính của một nhà thơ nữ. Nhưng tác giả bao giờ cũng mang đến cho mọi người những bức chân dung rất riêng và rất hóm. Như nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Lý, nếu cứ nghĩ theo triết lí ông sẽ là người rất nghiêm túc bởi tính chất công việc, nhưng không ông rất hóm hỉnh, có dịp thì vẫn đùa nghịch cùng mọi người. Trong cảm xúc của tác giả, những lần dự hội trại sáng tác là những niềm vui dâng đầy, bởi mọi người đều chia sẽ cho nhau cái tính hài hước của riêng mình. Nhà văn Nguyễn Tuân, tuy tuổi đã cao nhưng có mấy ai nghĩ “trong đời thường, bác rất trẻ trung, hóm hỉnh”. Trong tập chân dung của mình tác giả khéo léo vận dụng khả năng kết hợp các sắc thái giọng điệu nhuần nhuyễn. Tác giả có lúc thì trò chuyện tâm tình, lúc thì hồi ức xúc cảm,… Thế nhưng giọng điệu hài hước nửa đùa nửa thật, chân thực mà tếu táo, nghiêm trọng mà cứ như đùa, vừa cụ thể vừa ví von,… Đồng thời, việc thể hiện giọng điệu pha trò, đùa cợt, tếu táo, thân mật và gần gũi đã tạo không khí sinh động, lôi cuốn và đã làm cho chân dung mỗi nhân vật hiện lên trong sự sinh động và đa dạng.

Qua tập chân dung văn học Sự cực đoan đáng yêu, nhà thơ Thanh Nhàn đã mang đến cho người đọc những bức chân dung được xây dựng bằng ngòi bút nghệ thuật đặc sắc. Những hồi ức về đồng nghiệp, bạn bè đều góp phần mang lại các bức chân dung rất đa dạng, tinh tế, làm người đọc không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Điểm riêng của thể tài này là minh bạch thông suốt về nội dung, sáng tỏ về kết cấu nhưng với ưu thế dựng nhiều số phận, cuộc đời lại có khả năng tạo trường liên tưởng, hồi tưởng lớn. Nó cho phép nhà văn nói lên được bằng nhiều chất giọng. Các câu chuyện được kể theo mạch hồi tưởng rất tự nhiên như dòng chảy của cuộc đời thực, nhớ rất nhiều kí ức và dựng lại bằng một thứ ngôn ngữ dung dị, đời thường với sự kết hợp nhiều giọng điệu: vừa hài

hước, dí dỏm, tự nhiên trữ tình thấm thía. Chính cái giọng điệu này đã làm cho chân dung các nhân vật trở nên hài hước, dí dỏm và đời thường.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật dựng chân dung văn học của phan thị thanh nhàn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 104)