Những tồn tại, hạn chế của đội ngũ cán bộ,công chức trong thực hiện cải cách hành chính Nhà nước của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước ở huyện quế phong, tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 62 - 69)

hiện cải cách hành chính Nhà nước của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

Chất lượng của đội ngũ CBCC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ về CCHC Nhà nước trong cơ chế mới. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tin học văn phòng, ngoại ngữ của cán bộ huyện Quế Phong còn nhiều bất cập. Số cán bộ có trình độ chuyên môn là đại học chỉ chiếm tỷ lệ 42%, cao đẳng chiếm tỷ lệ gần 28%, trình độ trung cấp chuyên môn chiếm tỷ lệ 86%, trình độ sơ cấp chuyên môn chiếm tỷ lệ trên 16%. Số cán bộ có trình độ quản lý Nhà nước chiếm tỷ lệ 13,1%; Tin học 34%; Ngoại ngữ 17,14%. Số CBCC có trình độ cao cấp, cử nhân Chính trị chiếm gần 2%, trung cấp chiếm trên 50%, sơ cấp chiếm trên 45%. Qua số liệu này cho chúng ta thấy, thời gian qua huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong công tác chăm lo nguồn lực cán bộ; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng ứng được yêu cầu thực tiễn của huyện. So với nhiều huyện ở Nghệ An chất lượng đội ngũ CBCC của Quế Phong thấp hơn nhiều. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng tuy được tăng cường về số lượng CBCC, nhưng chất lượng đạt được là chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái phẩm chất, đạo đức, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần trong học tập, rèn luyện, thái độ phục vụ chưa chuẩn mực, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân.

Công tác quản lý, tuyển dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt CBCC chậm đổi mới. Đặc biệt, việc luân chuyển cán bộ cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt cấp xã chưa được thực hiện thường xuyên. Cơ cấu cán bộ vừa thiếu lại vừa thừa, cán bộ có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp thì đông, còn cán bộ có chuyên môn về kinh tế, giao thông, xây dựng

được đào tạo chính quy thì rất ít. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng CBCC chậm được áp dụng đây là nguyên nhân những hạn chế, tồn tại của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách hành chính Nhà nước của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An thời gian qua. Bước đầu thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo”, cho chúng ta thấy kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức 2 năm qua 2010 - 2011 chưa được là bao; đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng là chủ yếu, về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước còn ít so với thực trạng của Quế Phong hiện nay. Năm 2010 không có CBCC nào được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị được 11 người, quản lý Nhà nước 3 người, kiến thức quốc phòng 29 người; năm 2011 đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn 30 người, lý luận chính trị 6 người, kiến thức quốc phòng 34 người. Qua số liệu này có thể khẳng định rằng việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo” là chưa trọng tâm, trọng điểm, cần đánh giá rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời.

Những tồn tại hạn chế về chất lượng của đội ngũ CBCC trong thực hiện CCHC Nhà nước ở huyện Quế Phong hiện nay có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên những hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Một là, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại, nó tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chính mặt trái của kinh tế thị trường đã kích thích dục vọng thói hám danh, hám lợi và làm giàu bất chính tác động tiêu cực làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận CBCC, viên chức. Bên cạnh đó các thế lực thù địch đang ngày đêm tìm cách chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều cách như: chiêu bài “diễn biến hoà bình”, “tự do tôn giáo, tín ngưỡng, chính sách dân tộc,vv..”, chính những luận điệu này

đã có sự tác động ít nhiều một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tư tưởng dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Hai là, đội ngũ cán bộ, công chức thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị còn nhiều bất cập, năng lực thực hành công vụ còn hạn chế. Công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ chưa đúng với trình độ, năng lực sở trường, vì vậy hạn chế hiệu quả công tác của cán bộ,công chức.

Công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và xử lý cán bộ vi phạm pháp luật còn nhiều bất cập, chế độ trách nhiệm công vụ chưa nghiêm. Việc không đảm bảo kỷ cương công vụ ở một số nơi, nhất là ở một số xã vùng sâu, vùng xa dẫn đến hiện tượng bất mãn, bè phái cục bộ bản địa, dòng họ anh em, gây mất đoàn kết nội bộ, có khi cán bộ đứng đầu vì nể nang, xuê xoa mà bỏ qua việc kiểm điểm, phê bình.

Ba là, trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức chưa đảm bảo quy trình, chất lượng đầu vào thấp, nguyên nhân thì có nhiều, song hiện tại Quế Phong là một huyện vùng cao, đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ, vì vậy số sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng ngại về công tác ở huyện miền núi khó khăn này. Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng chuyên môn, sở trường dẫn đến hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn nhân lực dẫn tới tình trạng “có người nhưng không có việc” hoặc “có việc nhưng không có người đảm nhiệm công việc”. Công tác quy hoach, bồi dưỡng và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo có lúc, có nơi làm chưa khách quan, khoa học dẫn tới việc quy hoạch bổ nhiệm không đúng.

Bốn là, nhận thức về tầm quan trọng của công tác cán bộ nói chung ở một số cơ quan, địa phương chưa đúng tầm. Ở một số cơ quan, xã, thị trấn công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chậm, bị động, đặc biệt là ở các cấp độ quy hoạch A3, A2. Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Quyết định số 65/QĐ-UBND quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn chưa

được thực hiện một cách hiệu quả. Tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành, phối hợp công tác giữa một số cơ quan trong bộ máy chính quyền của huyện còn thiếu đồng bộ.

Năm là, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức chưa kịp thời với diễn biến của thực tiễn cuộc sống. Thu nhập hàng tháng của CBCC không cao, song giá cả thị trường lại diện biến tăng nhanh, tạo nên sức ép lớn cho CBCC, nhiều khi đây chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một số bộ phận CBCC trong thực thi công vụ.

Sáu là, một số cấp uỷ, chính quyền xã của huyện nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ CBCC. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC của huyện chậm đổi mới, ở đây có vai trò của Ban Tổ chức Huyện uỷ, Phòng Nội vụ UBND huyện. Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện là đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc cấp uỷ; nội dung, chương trình bồi dưỡng chưa phù hợp với thực tiễn, nặng về lý thuyết, ít nội dung thực hành.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong lần thứ XX đã đánh giá “Tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng và rèn luyện; thậm chí có những đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức, tham nhũng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước làm giảm niềm tin của nhân dân” [14; 30].

Bên cạnh đó các yếu tố về thể chế hành chính, công tác xây dựng chiến lược CBCC và công tác quy hoạch cán bộ; tổ chức bộ máy hành chính; thể lực, sức khoẻ; công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp sử dụng CBCC, chế độ đãi ngộ CBCC; kiến thức quản lý Nhà nước, kỷ năng hành chính; văn hoá công sở,vv.. đây là những rào cản lớn đến quá trình thực thi công vụ.

- Những tồn tại hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính

Việc cấp kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ cấp huyện đến cấp xã chưa được thực hiện qua hàng

năm. Cho đến thời điểm này một số xã chưa có điện dân dụng, việc soạn thảo văn bản chủ yếu viết bằng tay nên về thể thức văn bản còn vi phạm quy định.

Hiện nay, công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên toàn huyện Quế Phong vẫn còn những hạn chế: chỉ đạo, điều hành CCHC ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; còn một bộ phận CBCC, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về CCHC; công tác thanh tra, kiểm tra thi hành công vụ để duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy còn hình thức, chưa có cơ chế cụ thể gắn trách nhiệm để xử lý những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, gây phiền hà cho người dân khi đến giải quyết công việc. Kết qủa của cải cách thể chế được thể hiện trên nhiều mặt. Chúng tôi đã tiến hành điều tra bằng phiếu hỏi với 300 cán bộ và người dân về nội dung cải cách hành chính ở huyện Quế Phong được thực hiện, với kết quả: Về đơn giản thủ tục hành chính 55% số người được hỏi cho rằng đã được tiến hành thường xuyên, 35% cho rằng được tiến hành thi thoảng, 10% cho rằng không được thực hiện. Về thực hiện cơ chế một cửa liên thông 45% cho rằng đã được tiến hành thường xuyên, 40% cho rằng đã được tiến hành thi thoảng, 15% cho rằng không được thực hiện. Về cải cách thể chế 54% cho rằng đã được tiến hành thường xuyên, 46% cho rằng đã được tiến hành thi thoảng, 10% cho rằng không được thực hiện

Như vậy, còn trên 10% CBCC và người dân cho rằng cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông không được thực hiện và gần một nữa cho rằng được tiến hành thi thoảng. Con số đó, cho thấy cải cách thể chế ở Quế Phong chưa thật sự được triển khai sâu rộng, thường xuyên và tất yếu kết quả của CCHC chưa đạt được như mong muốn. Trong khi đó, có đến 80% đánh giá cải cách thể chế ở Quế Phong là rất quan trọng, 76% đánh giá đơn giản thủ tục hành chính là rất quan trọng và trên 50% cho rằng thực hiện cơ chế một cửa liên thông là rất quan trọng.

Mặt khác, văn bản quy phạm pháp luật ở các xã còn quá ít, chất lượng chưa cao, chưa được dịch ra tiếng dân tộc, do đó nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cơ sở hầu như chưa có

Thông qua kết quả khảo sát, thống kê đánh giá tình hình chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức huyện Quế Phong trong cải cách hành chính của huyện còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã chỉ rõ những tồn tại, yếu kém như sau: “Việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch cán bộ chưa kịp thời, còn biểu hiện nể nang né tránh. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở còn nhiều bất cập, một số cán bộ còn yếu cả về năng lực, trách nhiệm không cao, uy tín thấp, luân chuyển cán bộ hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu” [14; 28-29].

Kết luận chương 2

Quế Phong là một huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng. Với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; trên 90% người dân tộc thiểu số sinh sống; tình hình kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, là 1/62 huyện nghèo trong cả nước đang được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ văn hóa, xã hội, y tế yếu kém, trình độ dân trí thấp. Đây là những khó khăn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng nhiều đến tiến trình cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. CCHC ở huyện Quế Phong đã được Đảng bộ và UBND huyện quan tâm trên nhiều mặt, trong đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được coi là khâu đột phá. Trong 10 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An, ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An, Sở nội vụ Nghệ An, Quế Phong đã tiến hành triển khai thực hiện công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Kết quả đó trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Quế Phong. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức còn tồn tại nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị còn nhiều bất cập, năng lực thực hành công vụ còn hạn chế. Công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ chưa đúng với trình độ, năng lực sở trường. Từ thực tế đó, cần nghiên cứu một cách khoa học, tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở góp phần thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính Nhà nước ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Chương 3

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước ở huyện quế phong, tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w