7. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Những bình diện của lối viết hậu hiện đại đã được chạm đến
Tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính thể hiện cách nhìn mới về xã hội. Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 là nền văn học mang tính sử thi, ở đó những đại tự sự thống soái, con người nhìn xã hội như một chỉnh thể thống nhất. Thế giới nằm trong tính toàn vẹn, chứa đựng những lí tưởng lớn lao. Những lí thuyết lớn được ngưỡng vọng, tôn vinh. Con người thời ấy là con người anh hùng, kiên cường, bất khuất, cuộc sống khi đó chỉ tồn tại hai thái cực ta - địch, trắng - đen, xấu - tốt. Họ có niềm tin sắt đá vào một xã hội tự do, công bằng, họ tin vào sự tồn tại bất biến, hạnh phúc vĩnh viễn của xã hội mới. Nhưng kể từ 1975, nhất là từ sau thời kỳ Đổi mới, văn học đã khước từ, phủ nhận các đại tự sự, hướng tới nguyên tắc phi trung tâm hoá và giải cấu trúc. Nổi bật ở sự hoài nghi, thái độ giải thiêng và tinh thần dân chủ, nhiều nhà văn nhận ra và không ngần ngại tái hiện những mảng màu đen tối của hiện thực xã hội. Họ giải thiêng thần tượng, hoài nghi về lí tưởng, về những huyền thoại đã được tôn thờ bấy lâu. Văn học phản ánh tất cả những mặt trái ngược trong cuộc sống. Có sáng tối, có thật giả, có hạnh phúc và đau khổ, có xiềng xích và
tự do… Tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính đã thể hiện rõ cách nhìn nhận mới về xã hội. Đó là tiếng nói phản biện được cất lên mạnh mẽ, dõng dạc và quyết liệt. Là tiếng nói soát xét lại những giá trị tưởng chừng như đã ổn định, bất biến, những gì đã ngự trị ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Xã hội được nói đến trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính là một xã hội đầy những bất trắc, ở đó con người sụp đổ niềm tin, một xã hội đầy rẫy những cạm bẫy, những lọc lừa, những mặt đen tối của cuộc sống. Nguyễn Đình Chính với lợi thế của văn chương và bản lĩnh của người cầm bút đã lật mặt những gì thuộc về lí tưởng một thời. Trong tiểu thuyết của ông, những cán bộ, những đảng viên bị phơi bày bản chất xấu xa, đê hèn. Tác giả đề cao, ngợi ca những con người ở dưới đáy cùng của xã hội, những con người bị khinh khi, ruồng bỏ, như những cô gái điếm mà có trường hợp được ông gọi là “thánh nhân”.
Nếu văn học thời chiến nhìn con người trong sự tương quan với vận mệnh của dân tộc, con người cộng đồng thì trong tiểu thuyết đương đại nói chung và tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính nói riêng, con người đã được nhìn nhận dưới những góc độ mới. Con người ở đây là con người cá nhân, được nhìn nhận trong sự phức tạp, đa chiều, trong các mối quan hệ chồng chéo. Có đạo đức, nhân ái nhưng cũng có những xấu xa, đê hèn, có chân thành, thánh thiện nhưng cũng có đốn mạt, bần tiện, có con người của lễ giáo, khắc kỷ nhưng cũng có con người với những ham mê cuồng loạn, bệnh hoạn nhiều lúc thành thú vật, con người của thánh nhân trong con người ác quỷ…
Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính rất đa dạng. Có nhân vật tha hóa, nhân vật bi kịch, nhân vật huyền thoại kỳ ảo, nhưng nổi bật lên là hai loại nhân vật tiêu biểu cho tiểu thuyết hậu hiện đại là nhân vật sám hối và nhân vật dị biệt. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính sử dụng những phương thức xây dựng nhân vật của tiểu thuyết hậu hiện đại là xây dựng nhân vật theo dòng ý thức, sử dụng yếu tố kì ảo. Đặc biệt ở tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính, yếu tố tình dục được sự dụng với mật độ
đâm đặc. Bao nhiêu thói tật, bao nhiêu tính cách, bao số phận, nỗi thống khổ, đắng cay của con người cũng như niềm hạnh phúc vô biên tuyệt đích, khoái cảm tận cùng đều được thể hiện trong địa hạt này. Nguyễn Đình Chính không ngại ngần thể hiện tất cả nghệ thuật và những phương thức làm tình, những cảm xúc đa dạng của tình dục, lột tả, để trần tất cả bằng một ngôn ngữ đời thường chợ búa, mà không cần che đậy bằng một ngôn từ mĩ miều nào… tất cả thể hiện những nỗ lực vượt bậc, nỗ lực khẳng định những điều bình thường nhất của cuộc sống.
Về phương diện tổ chức văn bản, tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính đã chạm đến được với lối viết hậu hiện đại ở những mặt sau: tạo nên tiếng gọi trò chơi trong tổ chức cốt truyện, tạo nên tính đối thoại của các lớp ngôn từ, đem lại màu sắc đa thanh cho tiểu thuyết. bước đầu đem đến cho tiểu thuyết loại văn nói trong lớp ngôn từ dân dã, đời thường. Về giọng điệu thì đó là giọng đa thanh, chất vấn, truy bức hay châm biếm giễu nhại… những giọng điệu thường thấy trong tiểu thuyết hậu hiện đại.