Giới thuyết về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 60)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1.Giới thuyết về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại

Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Nhân vật trong văn học là một đơn vị nghệt thuật đầy tính ước lệ không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [27, 235].

Như vậy nhân vật là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” nhưng đó không phải là con người thực ngoài đời được mô phỏng y nguyên mà đó là kết quả sáng tạo của nhà văn. Thông qua nhân vật, nhà văn giả bày tư tưởng, những suy nghĩ, tình cảm đồng thời cũng thể nghiệm những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình. Nhân vật là nơi thâu tóm mọi ý đồ của tác giả. Nhân vật có ý nghĩa quan trọng đối với một tác phẩm văn học. Nhân vật càng sinh động thì sức sống của tác phẩm càng mạnh mẽ và lâu bền với thời gian. Đối với độc giả thì nhân vật không chỉ là phương tiện kết nối với nhà văn mà còn là người dẫn dắt họ vào một thế giới riêng của tác phẩm văn học.

Tiểu thuyết thuộc loại tự sự nên nhân vật được xem là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật. Từ nhân vật nhà văn sẽ quyết định chọn chi tiết, tình huống, ngôn ngữ…

Trong thời kỳ 1945 - 1975, nhân vật trong tiểu thuyết thường bị chi phối bởi “áp lực sử thi” nên được xây dựng theo nguyên tắc phân tuyến. Về cơ bản, các tuyến nhân vật trùng khít với chức năng xã hội mà nhà văn định khoác cho nhân vật đó. Nhân vật nằm trong vòng phủ sóng của cái nhìn đầy lạc quan của chủ thể sáng tạo. Sau 1975, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới 1986 nhân vật trong tiểu thuyết đã khác hẳn. Không nằm trong vòng định sẵn, khép kín mà nhân vật luôn mang tính bất ngờ, không thể dự báo về số phận. Chính

điều này là một thủ pháp nghệ thuật nhằm thu hút người đọc, buộc người đọc phải theo dõi số phận nhân vật đến tận cùng trang tiểu thuyết. Vì vậy, quá trình khám phá nhân vật cũng chính là quá trình đối thoại giữa người đọc với tác giả thông qua sự hiện hữu của nhân vật trong tác phẩm.

Khi không còn bị chi phối bởi áp lực sử thi, khi mà nguyên tắc điển hình hóa không còn ám ảnh nhà văn thì chức năng nhân vật trong tiểu thuyết đương đại cũng thay đổi. Nhiều khi nhân vật hiện lên như một trạng thái đời sống, một dòng chảy tư tưởng, một tiếng nói hay một cái nhìn.

Cuộc sống càng ngày càng phức tạp, bản chất con người ngày càng khó nắm bắt, chính vì thế mà các nhà tiểu thuyết phải không ngừng tìm kiếm cho nhân vật của mình diện mạo mới với hy vọng phản ánh được một cách sắc nét về muôn mặt cuộc đời. Trong công trình nghiên cứu Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại tác giả Mai Hải Oanh đã

khái quát thành các kiểu nhân vật như sau: Kiểu nhân vật tự ý thức (nhân vật giác ngộ ý thức cá nhân, nhân vật nhận thức lại lịch sử, nhân vật “tự thú” và “sám hối”, nhân vật bi kịch (nạn nhân hoàn cảnh, bi kịch do bị cái ác vùi dập, bi kịch do không vượt lên được chính mình), nhân vật tha hóa (tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh, tha hóa do quyền lực và lòng tham, nhân vật dị biêt (nhân vật điên, dị dạng, bất bình thường về cấu trúc tâm sinh lí, nhân vật huyền thoại, kỳ ảo) [45].

Như vậy do sự giải phóng quan niệm tiểu thuyết của các nhà văn mà nhân vật trong văn học đương đại hết sức phong phú, đa dạng. Cũng vì thế khi đọc tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính, người đọc bắt gặp hai loại nhân vật hết sức đặc biệt, đó là nhân vật sám hối và nhân vật dị biệt.

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 60)