7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Một vài giới thuyết về lối viết hậu hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại là một sản phẩm văn hóa độc đáo của thế kỷ XX. Ở các nước phương Tây, chủ nghĩa hậu hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các lĩnh vực của đời sống nghệ thuật. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Nó trở thành đối tượng khám phá của nhiều cây bút nghiên cứu văn hóa, lịch sử, quân sự, chính trị. Và ở nhiều quốc gia, người ta đã lập ra những viện nghiên cứu hay chuyên ngành nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đặc biệt ở một số nước như Mỹ, Australia, sinh viên ở trường đại học phải học một chuyên ngành bắt buộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong đời sống xã hội, thế nhưng để hiểu biết, lí giải một cách cặn kẽ về nó thì lại là một vấn đề lớn và không hề giản đơn.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, tự nó đã là một đề tài hết sức phức tạp, do vậy định nghĩa một cách đầy đủ về nó quả thật là một công việc rất khó. “Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một thuật ngữ phức tạp, một tập hợp các tư tưởng, chỉ mới nổi lên như một khu vực nghiên cứu hàn lâm từ giữa thập niên 1980. Chủ nghĩa hậu hiện đại rất khó định nghĩa, vì nó là một quan niệm xuất hiện trong nhiều bộ môn hay khu vực nghiên cứu bao gồm nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh, văn học, xã hội, truyền thông, thời trang, và công nghệ. Khó định vị nó về thời gian hay lịch sử, vì không thể biết đích xác chủ nghĩa bắt đầu khi nào” [4, 197].
Theo Từ điển Bách khoa Nhân chủng học Văn hoá (Encyclopedia of
một trào lưu chiết trung, khởi đầu từ mĩ học về kiến trúc và triết học. Chủ nghĩa hậu hiện đại tán thành thái độ hoài nghi có hệ thống cái viễn cảnh lấy lí thuyết làm nền tảng” [4, 502]. Charles Jencks trong bài viết Chủ nghĩa hậu
hiện đại là gì? Đã khẳng định: chủ nghĩa hậu hiện đại “trên căn bản là một thứ
hỗn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua:nó vừa là sự kế tục vừa là sự siêu việt hóa của chủ nghĩa hiện đại” [3, 65]. Ihab Hassan thì quan niệm chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ chủ nghĩa hiện đại muộn (hay chủ nghĩa hiện đại hậu kỳ), mang tính phi lí tính, phi các định nhưng cũng mang tính nhập cuộc. Người được xem là cha đẻ của chủ nghĩa hậu hiện đại, Lyotart thì xác định rằng: chủ nghĩa hậu hiện đại là sự hoài nghi về các siêu văn bản. Mary Klages coi chủ nghĩa hậu hiện đại là một tập hợp các tư tưởng, và nó bắt nguồn, lớn lên từ chủ nghĩa hiện đại. Riêng Umberto Eo thì khẳng định: “mỗi thời đại có một chủ nghĩa hậu hiện đại của riêng nó chứ không nhất thiết nó phải ra đời vào thời hậu hiện đại. Và vì thế việc nó xuất hiện ở đâu, thuộc những quốc gia nào cũng không thật sự quan trọng” [23, 127].
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) như sự phản biện chủ nghĩa hiện đại (Moderism), là trào lưu văn hoá rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực như triết học, văn hoá, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, chính trị, xã hội, ra đời vào từ sau thế chiến thứ hai, phát triển mạnh vào thập niên 1970 ở Tây Âu, xuất phát từ nước Pháp, sau đó lan nhanh sang các nước Italia, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Nga, Mĩ, Cananda, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v. Sau khi tạo nên những tranh luận sôi nổi, từ những năm 1990 trở lại đây, chủ nghĩa hậu hiện đại đã tự khẳng định như một hệ hình tư duy mới, ảnh hưởng sâu rộng tới các ngành khoa học từ tự nhiên đến xã hội nhân văn, ăn sâu vào cảm thức văn hoá và lối sống con người của các xã hội phát triển cũng như đang phát triển.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại với tư cách là sản phẩm văn hoá tinh thần chịu ảnh hưởng bởi những điều kiện vật chất, lịch sử của thời đại đã và đang mang đến một diện mạo mới cho thế giới. Những bước phát triển cùng những đợt khủng hoảng mang tính chu kì của chủ nghĩa tư bản từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II cho đến những năm 70 của thế kỉ XX; sự bùng phát các hiện tượng văn hoá mới, sự hình thành văn hoá tiêu dùng, lối sống hưởng thụ, phong trào nữ quyền, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa, sự phân cực thế giới chính trị, chiến tranh lạnh; sự nở rộ các phát minh, sáng chế trong khoa học công nghệ và sáng tạo trong nghệ thuật; sự hồi sinh của một số học thuyết triết học phi duy lí, sự xuất hiện “bước ngoặt ngôn ngữ” trong triết học, v.v là những điều kiện tiền đề làm xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại.
Văn chương hậu hiện đại hướng đến sự tự do tuyệt đối trong sáng tạo, sự tự do ấy thể hiện trong cách viết, cách đọc, cách thưởng thức, cách quan niệm, v.v. Nhà văn hậu hiện đại chối bỏ mọi quy tắc chung, mỗi nhà văn có quy tắc riêng của mình: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là cách nói “không” trước mọi quy phạm. Sau tiếng “không” ấy là gì? Không cần biết. Quan trọng nhất là nói không” [49].
Con người hậu hiện đại không còn quá tin vào những chân lí, nói như Nguyễn Hưng Quốc, chủ nghĩa hậu hiện đại gắn liền với cái chết của chân lí, cái chết của các đại tự sự, cái chết của những điển phạm. “Văn chương hậu hiện đại không chủ trương cách tân, thay vào đó họ có xu hướng thoải mái sử dụng những gì có sẵn trong kho tàng văn chương nhân loại. Dĩ nhiên, cảm thức hậu hiện đại làm cho công việc tái sử dụng trở thành công việc tái sáng tạo thực sự: dùng lại những cái cũ nhưng tước bỏ cơ sở mĩ học của chúng, đặt chúng đứng cạnh nhau, hay xen lấn vào nhau, chồng chất lên nhau, như hình ảnh của cái hiện thực thậm phồn đương đại. Chúng ta thấy trong văn học hậu
hiện đại dày đặc sự nhái lại các “mảnh” văn thể hay bút pháp cũ, thậm chí trích lại nguyên bản những câu văn lừng danh ngày xưa để biến thành những phát ngôn mới hay ghép lẫn lộn vào nhau như những bức tranh cắt dán đầy màu sắc” [49].
Chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương chống lại các đại tự sự. “Cho chủ nghĩa hậu hiện đại là sự đánh mất niềm tin đối với các siêu tự sự, Jean- Francois Lyotard đã lấy niềm tin làm cơ sở để định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại. Không phải một mà có tới hai niềm tin: niềm tin vào các siêu tự sự và niềm tin vào tính bất khả của các siêu tự sự ấy. Dựa trên niềm tin, chủ nghĩa hậu hiện đại, ngay từ đầu đã gặp khó khăn trong nỗ lực lí thuyết hoá, một khó khăn mà cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỉ sau ngày manh nha như một trào lưu, nó vẫn chưa vượt qua được. Được xây dựng trên nền tảng của một siêu tự sự bị đánh mất, tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ văn hoá của sự phủ định, nghĩa là, nói cách khác, nó được định nghĩa không-phải-là-một-cái- gì-đó thay vì là-một-cái-gì-đó” [49]. Nói cách khác, văn chương hậu hiện đại sự khước từ việc chọn một quan điểm mang tính ý thức hệ. Thái độ này biểu hiện ở chỗ họ chống lại thuyết ngôn từ trung tâm luận (logocentrism) và chủ nghĩa duy lí mà họ coi là cha đẻ của bạo lực tư tưởng; về thực chất, điều này hàm ý lật đổ toàn bộ tri thức nhân loại từ xưa đến nay. Milorad Pavic, tác giả của cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại nổi tiếng Từ điển Khazar, cho rằng: sự thật chẳng qua chỉ là một trò chơi khăm và lịch sử rốt cuộc chỉ là một câu chuyện tầm phào.
Văn chương hậu hiện đại gắn với một đặc điểm vô cùng quan trọng là tính liên văn bản và trích dẫn ở cấp độ thể loại và mô-tip (motive). Bằng cách sử dụng nhiều thể loại, nhiều kiểu tự sự khác nhau, sử dụng trò chơi kết hợp, nhà văn hậu hiện đại tạo nên một cấu trúc lai ghép và văn bản đa thanh. Với các tác giả hậu hiện đại thì “chẳng có gì ngoài văn bản”. Khái niệm “liên văn
bản” lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1966 trong bài viết Bakhtin, từ, đối thoại
và tiểu thuyết của nữ tác giả Julia Kritsteva. Ban đầu, khái niệm này được
dùng như là một phương tiện phân tích văn bản văn học hoặc là miêu tả đặc trưng sự tồn tại của văn học; về sau, được các tác giả hậu hiện đại dùng để xác định cảm quan về thế giới và bản thân con người đương đại, đó là cảm quan hậu hiện đại. Quan niệm “liên văn bản” gắn bó chặt chẽ với “cái chết của chủ thể” (M.Foucault), “cái chết của tác giả” (R.Barthes) và cuối cùng là sự biến mất của độc giả; nói cách khác, cả ba: tác giả, văn bản và người đọc đều trở thành “một trường thống nhất, vô tận cho trò chơi của sự viết”. Theo R.Barthes, “Mỗi văn bản là một liên văn bản; những văn bản khác có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thức ít nhiều nhận thấy được: những văn bản của văn hoá trước đó và những văn bản của văn hoá thực tại xung quanh. Mỗi văn bản đều như tấm vải mới được dệt bằng những trích dẫn cũ” [4, 35]. Thông qua lăng kính “liên văn bản”, thế giới hiện lên như một văn bản khổng lồ, trong đó mọi điều đều đã bị nói đến và rồi vào một lúc nào đó, sự pha trộn các yếu tố nhất định sẽ tạo ra những tổ hợp mới. “Ý nghĩa của một văn bản không hoàn toàn nằm bên trong bản thân nó mà tồn tại trong mối tương tác với các văn bản khác, nghĩa là, giữa các văn bản khác nhau” [48]. Các nhà văn hậu hiện đại không còn kêu gọi cách tân một cách ráo riết nữa, dù họ không ngừng tạo ra những thử nghiệm mới, vì bản thân việc sáng tác văn chương tự nó đã là một hành vi sáng tạo, cách tân là một thuộc tính tất yếu của công việc này. Nhà văn hậu hiện đại có thiên hướng tái sử dụng một cách thoải mái những gì có sẵn trong kho tàng văn chương nhân loại, từ văn phong đến kĩ thuật. Dĩ nhiên, cảm thức hậu hiện đại giúp họ biến việc nhại văn, trích dẫn trở thành công việc sáng tạo thật sự khi họ tước bỏ cơ sở mĩ họ của chúng, xếp chồng, cắt dán, lắp ghép chúng với nhau theo kiểu tư duy riêng của thời hậu hiện đại. Trong văn chương hậu hiện đại dày đặc hiện tượng nhái lại các văn mảnh hay bút pháp cũ, sử dụng các cấu trúc cũ, trích
dẫn, mở rộng tối đa sự xâm nhập của các yếu tố đời sống tham gia vào văn bản văn học.
Nhìn từ phương diện cấu trúc văn bản, văn chương hậu hiện đại không còn kiểu tổ chức thông thường mà có cấu trúc phân mảnh, tương ứng với tâm thức hậu hậu hiện đại nặng về hoài nghi, phản biện. Nhà văn hậu hiện đại không còn tín nhiệm cái tổng thể và không ưa lối kết thúc truyện truyền thống. Nó thích phương thức đa kết - phương thức chống lại sự kết thúc bằng cách ban cho một cốt truyện rất nhiều hệ quả có thể có được. Chủ nghĩa hậu hiện đại chống khuynh hướng và tính nghiêm túc của văn học, cho rằng tiểu thuyết là một kiểu “trò đùa”, chủ trương văn học chống “thuyết ý đồ”, cho rằng nhà văn chỉ là người chép sách.
Hiện nay, vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Có người nghi ngờ, có người khẳng định, không ít kẻ bài xích, phản đối nhưng cũng không ít người ủng hộ, tán thưởng. Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội. Ý kiến sau của Inrasara là rất đáng để suy nghĩ: “Nhà văn Việt - với thế giới bị cho là ở ngoại vi; nhà văn hậu hiện đại, với Việt Nam còn bị xếp ngoài lề - hôm nay còn có quyền cho phép mình mặc cảm không? Văn học Đông Nam Á có còn mãi nhận phận “vùng trũng” của văn học thế giới, và Việt Nam là một trong những vùng trũng đó không? Chắc chắn là không rồi! Nếu ta ý thức thẳm sâu rằng văn học không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/ nữ, trung ương/ địa phương, chính lưu/ ngoài luồng, trong nước/ hải ngoại, v.v. Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm, người nghệ sĩ ngoại vi có khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ ngoại vi đầy tệ hại” [37].
Từ sau 1986 lại nay, văn học Việt Nam nói chung, tiểu thuyết nói riêng đã và đang đứng trước ngưỡng cửa của tiến trình hội nhập với văn học
thế giới trong xu thế toàn cầu hoá. Hiện thực ấy vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với một nền văn học chưa có nhiều thành tựu mang tính quốc tế như văn học Việt Nam. Dù muốn hay không, văn học Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những trào lưu văn học lớn trên thế giới, trong đó, hậu hiện đại là một xu hướng có nhiều triển vọng. Tiểu thuyết với tư cách là một thể loại chủ lực và tiên phong đã có những dấu hiệu đổi mới theo hướng tiến gần hơn với văn học thế giới. Nguyễn Đình Chính là một nhà văn luôn khao khát kiếm tìm cho mình một lối đi mới, cho nên tiểu thuyết của ông cũng đã có nhiều bình diện chạm đến được với lối viết hậu hiện đại. Tuy nhiên đó mới chỉ là những thử nghiệm bước đầu, cho nên chắc chắn rằng trong tiểu thuyết của ông không tránh khỏi những khoảng cách với lối viết hậu hiện đại “đích thực”.