7. Cấu trúc luận văn
3.2. Những tìm tòi về giọng điệu
Trong nghệ thuật kể chuyện, giọng điệu (voice) cũng là một yếu tố cơ bản. Phản ánh quan điểm, thị hiếu thẩm mĩ của người sáng tạo, giọng điệu có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả (gián tiếp qua hình tượng người kể chuyện). Giọng điệu được thiết lập từ mối quan hệ giữa người kể với người nghe từ thế giới sự kiện được miêu tả và tạo thành giọng điệu trần thuật.
Nếu M.B.Khravchenco coi giọng điệu như một yếu tố thuộc cá tính sáng tạo: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của một thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất
cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh” [7, 167]. Còn M. Bakhtin thì cho rằng: “Tiểu thuyết - đó là những tiếng nói xã hội khác nhau, đôi khi là những ngôn ngữ xã hội khác nhau và những tiếng nói cá nhân khác nhau được tổ chức lại một cách nghệ thuật” [6]. Bản chất của tư duy tiểu thuyết là tính đối thoại nên ngôn từ tiểu thuyết là thứ ngôn ngữ phức điệu, đa nghĩa. Nhìn tiểu thuyết như một thể loại mang tính đối thoại, một nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Tiểu thuyết liên quan đến quan hệ của con người, vì thế nó phụ thuộc vào bối cảnh giao tiếp, trong đó các phát ngôn, đối thoại đóng vai trò hết sức quan trọng trong cấu trúc tiểu thuyết. Bởi thế ta bắt gặp trong tiểu thuyết cùng lúc nhiều giọng điệu khác nhau, nhiều tiếng nói khác nhau”.
Ở văn học Việt Nam, mỗi thời kỳ được đặc trưng bởi một loại giọng điệu riêng. Nó là kết tinh giọng điệu của thời đại đã sản sinh ra nó. Mỗi tác phẩm, mỗi tác giả có một giọng điệu khác nhau, nhưng nó luôn thống nhất trong khuôn giọng điệu cơ bản và chủ đạo của thời kỳ văn học ấy. So với tiểu thuyết giai đoạn 1945 - 1975, tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới đã có sự đổi mới thực sự về tư duy thể loại, về cách tổ chức trần thuật và thiết tạo giọng điệu. Sau năm 1986, trong sự chuyển đổi của xã hội, trong cuộc sống “hậu hiện đại” ngổn ngang, chồng chất nhiều mặt đối lập, bản hợp âm pha tạp của đời sống đã xâm nhập vào tiểu thuyết, quyết định một giọng riêng của thời đại. Mỗi nhà văn trong sự đổi mới thể loại cũng làm mới giọng điệu, góp phần cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể. Nhiều tác giả đã khẳng định mình qua giọng điệu trần thuật như Nguyễn Khải, Nguyễn Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Vũ Bão, Nguyễn Đình Chính…