Tiếng gọi trò chơi trong tổ chức cốt truyện

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 51)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Tiếng gọi trò chơi trong tổ chức cốt truyện

Cốt truyện là một phương diện quan trọng của kết cấu, là “Hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức vận động của tác phẩm

văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [53, 88]. Như vậy, cốt truyện chính là cái lõi của truyện, thể hiện những biến cố quan trọng đảm bảo sự mạch lạc cho quá trình diễn tiến của truyện. Tuy nhiên, theo Trần Đình Sử, “cách hiểu cốt truyện đó không bao gồm tất cả các chi tiết nghệ thuật cụ thể, sinh động, nhiều khi không cơ bản, nhưng tạo nên sự đầy đặn, nghệ thuật cho truyện” [27, 132]. Trần Đình Sử phân biệt hai khái niệm cốt truyện tự nhiên và cốt truyện nghệ thuật. Theo đó, cách hiểu cốt truyện là một tiến trình các sự kiện xảy ra theo quy tắc nhân quả với tính thống nhất cao có hạn chế là nó hình dung truyện như một tiến trình tất yếu, trong lúc đó truyện hay thì đầy ngẫu nhiên: “Khái niệm cốt truyện này không tính tới lời trần thuật, là yếu tố làm nên tính nghệ thuật. Nó cũng chưa cho thấy rõ tính sáng tạo nghệ thuật của truyện và trật tự kể chuyện thực tế” [27, 133]. Cốt truyện nghệ thuật là hệ thống các biến cố trong trật tự nghệ thuật đã được lựa chọn, sắp xếp. Điểm mở đầu và kết thúc của cốt truyện nghệ thuật rõ ràng không phải lúc nào cũng trùng khít với điểm mở đầu và kết thúc của cốt truyện tự nhiên. Tác giả cho rằng, cốt truyện nghệ thuật là thực tại nghệ thuật, là các biến cố trong sự miêu tả, do đó cốt truyện chỉ có ý nghĩa trong kết cấu nghệ thuật của nó mà thôi. Trong quan niệm truyền thống, cốt truyện là phương diện quan trọng bộc lộ tính cách nhân vật. Tiểu thuyết truyền thống sử dụng mô hình cốt truyện tuyến tính và có quan hệ nhân quả. Các sự kiện, biến cố liên quan chặt chẽ với nhau và thường được triển khai theo các bước: trình bày, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm và cuối cùng là mở nút. Theo đó, khi tác phẩm kết thúc cũng là lúc số phận nhân vật được định đoạt hoặc có thể đoán trước được bước đi tiếp theo của nhân vật. Nhưng đối với tiểu thuyết sau Đổi mới thì lại không hẳn là như vậy. Với ý thức phá hủy cốt truyện, các nhà tiểu thuyết đương đại tạo nên hiện tượng gọi là “tiếng gọi trò chơi trong tổ chức cốt truyện”. Theo đó, cốt truyện được hiểu như là “toàn bộ các biến cố, sự kiện được kể ra, là cái nhà

văn có thể đem lại”. Đặc điểm nổi bật của cốt truyện ở đây là tính hỗn loạn, rời rạc, tùy tiện, chắp vá… Vai trò cốt truyện đã trở nên mờ nhạt, thậm chí nhiều nhà văn không quá quan tâm đến cốt truyện. Cho nên đọc xong một tiểu thuyết, chúng ta rất khó tóm tắt nó.

Văn học đương đại đã phá vỡ tính quy ước của cốt truyện truyền thống, tạo nên “tiếng gọi trò chơi trong tổ chức cốt truyện”. Đó là kiểu cốt truyện phân mảnh thể hiện cảm quan về một thế giới phân rã, đổ nát, không thể kết nối và người ta cũng không có ý định hàn gắn chúng lại. Tiểu thuyết là một tập hợp của những mảnh vụn. Mỗi mảnh vụn được nằm ở một chỗ riêng của nó, mỗi mảnh vụn tự nó là một tâm điểm. Có thể nói đa tâm điểm là một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật đương đại. Đặc điểm này khiến văn chương đương đại chỉ nằm trên bề mặt của ngôn ngữ, và tất cả những sự diễn dịch ấy đều xuất phát từ những khả thể do những bề mặt ấy gợi đến. “Nhà văn đương đại không kể một câu chuyện nào cả, mà chỉ tạo ra những khả thể về những câu chuyện, và độc giả là người dựa vào những khả thể ấy để tự kể chuyện theo những cách của mình” [4, 437]. Cốt truyện phân mảnh khác với cốt truyện truyền thống ở chỗ, nó đã bị đập vỡ thành từng mảnh, mỗi mảnh ấy lại được nhà văn đặt trong sự tồn tại độc lập với cái khác tạo nên tính lỏng lẻo, rời rạc và pha tạp. Cốt truyện phân mảnh là hệ quả của quan niệm mới về hiện thực: thái độ tôn trọng tính không toàn vẹn của đời sống.

Văn học đương đại Việt Nam, nhất là từ sau 1986 lại nay, có xu hướng tìm đến với kiểu cốt truyện phân mảnh một cách có ý thức. Có thể tìm thấy đặc điểm này trong sáng tác của rất nhiều cây bút tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Viện, Bùi Hoằng Vị, Thuận, v.v. Dấu hiệu này cũng được các nhà phê bình bước đầu nhận diện: “Tiểu thuyết ở ta gần đây có xu hướng mờ nhạt về tính “chuyện”, cốt truyện” [56].

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 51)