Giọng châm biếm, giễu nhại

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 124 - 132)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Giọng châm biếm, giễu nhại

M. Kundera quan niệm: “Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lí thuyết mà từ tinh thần hài hước” [39, 127]. Một trong những nhà lí luận sớm quan tâm đến tiếng cười trong tiểu thuyết là M. Bakhtin. So sánh tiểu thuyết với sử thi, M. Bakhtin nhấn mạnh tinh thần của tiểu thuyết là yếu tố trào tiếu:

“Chính tiếng cười đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và nói chung mọi khoảng cách ngôi thứ - giá trị - ngăn chia”. Khảo sát tiểu thuyết như một thể loại văn học, M. Bakhtin đã nêu lên mối quan hệ giữa tiếng cười và tiểu thuyết, mà theo cách nói của dịch giả Phạm Vĩnh Cư: “Tiếng cười đúng là môi sinh của tiểu thuyết: ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không thể trưởng thành, hoặc thui chột” [6, 17].

Giễu nhại là hình thức bắt chước và châm biếm để tạo ra tiếng cười. Trong văn học, nhại là hình thức phê bình châm biếm hoặc là hình thức chế giễu khôi hài bằng cách bắt chước phong cách và bút pháp của một nhà văn hoặc một một nhóm nhà văn riêng biệt. Giễu nhại, còn được gọi là nhại là một khái niệm rất rộng, chỉ một thủ pháp nghệ thuật bao gồm trong nó hệ thống các yếu tố khác. Tuy nhiên, không phải văn học đương đại sản sinh ra văn học nhại. Ngay trong lòng chủ nghĩa hiện đại, nhiều bậc thầy văn chương đã sử dụng kĩ thuật nhại, tiêu biểu như J. Joyce và F. Kafka. Thế kỉ XX là thế kỉ bùng nổ loại hình văn học nhại. “Ở mỗi giai đoạn bước ngoặt lịch sử, văn chương đều xuất hiện các tác phẩm nhại. Nói cách khác, việc xuất hiện tác phẩm nhại là dấu hiệu hoặc động lực thúc đẩy sự đổi thay của xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Bởi lẽ, về bản chất, nhại gắn với tiếng cười để tống tiễn cái xấu, cái ác, chào đón cái thiện, cái tốt đẹp hơn. Và bao giờ cũng vậy, khi nhại xuất hiện thì chủ thể nhại ý thức được sức mạnh, sự thắng thế của mình trước đối tượng nhại. Tuy nhiên, sự thắng thế này vẫn chỉ ở trong phạm vi tranh chấp chứ chưa được thực hiện rõ ràng” [38, 317]. Nhại gắn với giải thiêng, thay thế, ở phương Tây, giải thiêng là một nguyên tắc sống còn, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội vì chẳng có gì là bất biến và trường cửu ở cuộc đời. Giải thiêng không có nghĩa là phủ nhận hay bôi đen quá khứ, thần tượng, mà đó là cách nhìn quá khứ một cách tỉnh táo, qua đó giúp con người ý thức hơn về thực tại. Khi sử dụng nhại, các nhà văn không đặt trọng

tâm cái nhìn của mình lên quá khứ, có nghĩa họ không thực sự quan tâm cái đã qua, cái mà họ mang ra chế giễu, bao giờ họ cũng hướng đến thực tại. Một đặc điểm quan trọng thường thấy trong văn học nhại là tính đa trị, đa diện mạo, tạo ra độ mờ hoá cho sự kiện, hình tượng.

Theo Nguyễn Hưng Quốc, “Từ mấy chục năm nay hình thức giễu nhại ngày càng phổ biến trong văn học trở thành một trong những đặc trưng nổi bật nhất của phong cách sáng tác hậu hiện đại” [46]. Giọng điệu giễu nhại là một bộ phận của văn học nhại, của bút pháp nhại, nó thuộc về giọng điệu của văn học hướng đến việc tạo ra tiếng cười hài hước.

Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng, giễu nhại như là một phương thức tiêu biểu mà các nhà văn muốn dùng để chống chọi với bản chất dối trá của ngôn ngữ, nhà tiểu thuyết hậu hiện đại giễu nhại chính mình bằng hành vi giễu nhại. Các nhà văn hậu hiện đại gọi giễu nhại là u-mua đen (black humor), kết hợp giữa hoang đường với hoạt kê, vạch ra tính chất buồn cười trong những sự việc thường thấy, cười cợt một cách khôi hài chua chát, kể cả tự trào trong một trạng thái lạnh lùng, bế tắc, là phản ứng của loài người đối với những cái hoang đường tồn tại trong cuộc sống. “Dù nhìn từ góc cạnh nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm” [47]. Giọng giễu nhại chỉ là một yếu tố trong hệ thống đó, nó làm nên giọng hài hước, trào phúng và mang lại tiếng cười trong tác phẩm.

Sau năm 1986, tiểu thuyết Việt Nam ngày càng nhạt dần chất sử thi, tiểu thuyết áp sát vào đời sống, tiếp xúc suồng sã đến thô bạo hiện thực. Sự mở rộng các phạm trù thẩm mĩ khiến tiểu thuyết gần với đời thường hơn. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh; tinh thần hài hước gia tăng. Cái nhìn ở thì hiện tại không hoàn kết, “con mắt” tiểu thuyết đã nhìn trực diện hiện thực cuộc sống đương đại. Khi những chuẩn mực bị lệch pha, cái hài xuất hiện. Cái nhìn phi thành kính, suồng sã của tiểu thuyết đã quy định một giọng điệu

riêng của tiểu thuyết đương đại - giọng điệu giễu nhại. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc nhờ người kể chuyện “biết đùa”. Giọng điệu châm biếm giễu nhại trở thành một giọng chủ đạo, đem lại sắc thái mới mẻ cho văn học nói chung và tiểu thuyết đương đại nói riêng.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính đã sử dụng giọng điệu này rất thành công trong tác phẩm của mình. Trong Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) rất nhiều màn châm biếm giễu nhại. Điều đặc biệt là Nguyễn Đình Chính sử dụng giọng điệu này khi kể về những kẻ lớp trên của xã hội, những vị cán bộ, những tổ chức chính quyền.

Tác giả châm biếm giễu nhại cái bạc bẽo của tình người, tình đời:

“Đó là một ông cán bộ về hưu mà ngày xưa vốn là một quan chức cấp tỉnh cũng có tên tuổi. Cái xác được mổ pháp y, theo yêu cầu của ông con trưởng, để kiểm nghiệm xem ông bố già có bị bà dì ghẻ đầu độc để chiếm đoạt ngôi biệt thự ba tầng sáu buồng, sáu phòng toa-lét lát gạch men sáng choang với đầy đủ bồn tắm Japan, máy nước nóng Ariston và hố xí bệt Italia. Vì xác chết là một quan chức có cỡ nên cái sự khâm liệm cũng rộn ràng, náo nhiệt hơn người (…). Đúng là tiếng người rồi. Tiếng người khê đặc, nghẹn ngào, nức nở, đứt quãng: ôi ôi ôi... trời ơi... vợ con. Khốn nạn. Vì mấy gian nhà mà nó mổ xác tôi ra thế này... thảm quá trời ơi... Cô Hội ơi... Tôi có tội với cô... cái buồng... hố xí... phố Hàng Cháo... ngôi nhà số chín... Tôi đau lòng lắm... vì tôi mà cô hỏng cả một đời... ối giời ơi Tôi biết làm gì bây giờ... Xin cô thể tất cho tôi”. Tình nghĩa vợ chồng, tình cảm cha con không còn nữa. Một ông cán bộ, một quan chức cấp tỉnh có tên tuổi mà lại phụ bỏ vợ con, chạy theo nhân tình. Một người vợ, một người con không tiếc thương bố mà lại tiếc thương ngôi biệt thự, cái toa-lét, bồn tắm, máy nước nóng, bệt Italia… mổ bằng được xác cha để hòng đòi lại của cải. Câu văn của Nguyễn Đình Chính đầy giọng châm biếm, mỉa mai: “Vì xác chết là một quan chức có

cỡ nên cái sự khâm liệm cũng rộn ràng, náo nhiệt hơn người”. Không phải là ngậm ngùi, xót thương mà là “rộn ràng” “náo nhiệt”…

Để khắc sâu bản chất nhỏ nhen, đểu cáng, nham hiểm của nhân vật y sĩ Sự, Nguyễn Đình Chính cũng đã sử dụng giọng điệu này: “Đã thành một thói quen cứ hai ngày một lần y sĩ Sự lại thu xếp công việc làm một tua thị sát từ phòng tổ chức đi khắp các khoa của bệnh viện. Đi tua hay nói cách khác là đi kiểm tra đôn đốc nhắc nhở tác phong đi đứng ăn mặc nói cười của anh chị em nhân viên y tá, hộ lý trong bệnh viện cũng là đi chào hỏi trò chuyện lắng nghe tâm sự nguyện vọng của các giáo sư bác sĩ các cán bộ thủ trưởng thủ phó các phòng ban. Đấy là trách nhiệm của người làm công tác tổ chức. Y sĩ Sự vẫn luôn vui vẻ nói như vậy. Trong những lần đi tua đó được lẳng lặng ghé mắt nhòm qua các khe cửa khép hờ hờ là một việc đầy hào hứng của y sĩ Sự”. Giọng văn lạnh lùng, có vẻ chân thật, nhưng người đọc vẫn nhận ra đằng sau đó là sự mỉa mai, giễu nhại. Y sĩ sự, cán bộ phòng tổ chức không phải đang quan tâm đến đồng nghiệp, không phải đi khắp bênh viện để kiểm tra đôn đốc mà là để xoi mói, tìm kẽ hở, khuyết điểm của đồng nghiệp để trù dập. Người đọc nhận ra, hắn là một kẻ bệnh hoạn, lấy đau khổ của đồng nghiệp làm niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Hình tượng nhân vật y sĩ Sự tiêu biểu cho một hạng người không ít trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay.

Nguyễn Đình Chính cũng đã rất thành công khi sử dựng giọng điệu châm biếm giễu nhại trong câu chuyện về vị giáo sư, tiến sĩ Bùi Thành Công. Cũng bằng một giọng văn kể chuyện nhẹ nhàng, khách quan tác giả đã kể về cuộc đời, sự nghiệp cùng những công trình vĩ đại của ông. Xuất thân trong một gia đình khá giả ở Hà thành, “tốt nghiệp cử nhân kinh tế và được bổ về một hạt đường bộ ở một tỉnh Nam Trung phần. Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bỏ chạy ra vùng tự do theo chính phủ kháng chiến. Là một trí thức trẻ, hăng hái, nhiệt tình và trung thực, nên ông được chính phủ

kháng chiến rất trọng dụng và bổ nhiệm cho những chức vụ kha khá trong bộ kinh tế”. Người đọc nhận ra cái hài hước: chiến tranh bùng nổ vị cán bộ này không ra tiền tuyến chiến đấu mà lại “bỏ chạy ra vùng tự do theo chính phủ kháng chiến”. Câu “bỏ chạy ra vùng tự do theo chính phủ kháng chiến” đầy tính vấn đề. Hơn thế, không phải vì thông minh, trí tuệ mà ông được trọng dụng mà là vì “hăng hái, nhiệt tình và trung thực”. Cách mà nhà nước phong hàm giáo sư cho ông cũng rất đặc biệt: “Năm 1960, ông được cử đi học ở Liên Xô chín năm và hoàn thành xuất sắc luaanj án tiến sĩ. Trở về nước ông được phong hàm giáo sư” được thuyên chuyển qua nhiều bộ nghành khác nhau và cuối cùng được cử một trong những chức quan trọng, đứng đầu lãnh đạo giới khoa học kỹ thuật cả nước. Về những công trình vĩ đại để tiến sĩ trở thành thì tác giả kể: ông là “tác giả của một trăm lẻ tám công trình khoa học, trong đó có những công trình nổi tiếng lừng lẫy, được tặng thưởng huân chương, có thể kể tạm như sau: công trình nghiên cứu cho lợn ăn cứt trâu để tăng trọng đột biến; công trình thí nghiệm trồng bạch đàn trên các đồi trọc miền Trung Du; công trình cấm trẻ con bú sữa non của người mẹ; công trình cấy lúa thật dày để cuối mùa lúa chất đầy kho vân vân và vân vân… ”. Chất hài hước, châm biếm, giễu nhại được nhân ra trong sự mâu thuẫn giữa cái nội dung và hình thức. Cái được gọi là “công trình khoa học vĩ đại”, “những công trình nổi tiếng lừng lẫy, được tặng thưởng huân chương” thực chất chỉ là những cái lăng nhăng, không có thực, thể hiện sự ngu dốt của kẻ tạo ra nó, kẻ công nhận, lăng xê cho nó.

Giọng điệu châm biếm, giễu nhại còn được thể hiện trong màn tổ chức tang lễ cho giáo sư Bùi Thành Công:

“Bài hồn tử sĩ được cử trong mười phút liên tục, rồi ngừng lại đột ngột như lúc bắt đầu. Trong khi các nhạc công đang dốc ngược các loa kèn để tống từng bãi nước dãi, nước bọt chảy ròng ròng xuống nền đá trắng, thì

ông trưởng ban lễ tang bước lên trước mi-cơ-rô, cất giọng trầm vang lâm li và oai vệ đọc bài điếu văn dài một trăm lẻ tám trang - một trong những bài điếu văn nổi tiếng nhất trong những bài điếu văn của thập niên 80 và 90, viết để thương tiếc giới trí thức. Vốn là người từng trải, lịch lãm và cũng nếm đủ mùi cay đắng và mặc dù đang là người chường mặt ra lãnh đủ mọi hậu quả lộn mửa của cái đập nước và nhà máy hóa chất Hoa Hồng quái dị này, nhưng ông trưởng ban tang lễ vẫn đủ lịch lãm để đọc được một cách oai vệ và lâm li tất cả là 37.800 từ của một trăm lẻ tám trang sách in kín chữ, đã được anh thư ký riêng của ông soạn thảo một cách hết sức công phu, lựa chon từng từ rất cẩn thận và kín kẽ. Sau này khi nghe lại bằng máy ghi âm băng cối, người ta đếm được trong bài diễn văn dài dằng dặc đó, ông trưởng ban lễ tang đã xuống giọng chín mươi lần, nấc cụt chín mươi lần, thở dài ba mươi lần và nghẹn ngào một trăm lẻ tám lần. Bài diễn văn bắt đầu được đọc lúc bảy giờ chín phút, kéo dài liên tục chín tiếng chín phút đồng hồ và kết thúc đúng vào lúc mười hai giờ trưa, tức là vào giờ hoàng đạo khi mặt trời lên đúng đỉnh đầu. Không nghỉ giải lao dù chỉ là chín phút. Khi ông trưởng ban rời khỏi máy mi-cơ-rô là lập tức đội quân nhạc lại cử vang lừng bài hồn tử sĩ một cách rất hùng tráng, rồi chuyển sang phần tất cả các đoàn thể công ty hiệp hội câu lạc bộ hợp tác xã của thành phố xếp hàng rồng rắn kẻ trước người sau theo một thứ tự đã vạch trước, lũ trẻ kéo qua linh cữu người quá cố đang nằm trong quan tài dày ba ly, kiên cố như một chiếc tàu ngầm để chào vĩnh biệt và tiễn đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo như số liệu của cơ quan công an, thì thành phố vạn dân này trừ tám vạn trẻ nhỏ lít nhít và bốn vạn rưỡi các ông già, bà cả sinh hoạt trong các hội bảo thọ rất sợ phải đến dự cái đám tang, mà chỉ thích xách gậy, côn, kiếm bằng gỗ, dậy sớm ra quảng trường để tập thể dục dưỡng sinh và xếp hàng một, vừa đi vừa hát đồng thanh “Tôi đếm một, các cụ đếm hai… Trời xanh xanh, gió mát

lành, ta dưỡng sinh chuyên cần cho cuộc đời mãi mãi xuân tươi… ” và trừ một số lượng không đáng kể những đối tượng hình sự, thì ngày hôm đó không dưới mười hai vạn người dân thành phố đã thành kính nối nhau đi qua linh cữu của giáo sư, tiến sĩ”. Đoạn văn gợi ta nhớ lại chương Hạnh phúc của một tang gia trong Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Người đọc nhận

thấy bài điếu văn không để khóc người chết mà để làm tròn công tác tổ chức. Ở đó là sự mâu thuẫn giữa nghi lễ to tát, bề ngoài và cái bên trong lạnh lùng, bậy bạ của đám tang. Qua màn hài tổ chức nghi lễ đám tang này, tác giả nhằm châm biếm, giễu nhại cách tổ chức nghi lễ rườm rà, vô bổ, hình thức và giả dối đang tồn tại nhan nhản trong xã hội hôm nay.

Giọng điệu này còn được thể hiện trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Phú chủ tịch của làng Cổ Mật. Phú là kẻ mạnh mẽ, năng động, nhiều tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn để dạt được âm mưu của mình. Nhưng phải nỗi hắn lại là kẻ ngu dốt, thấp lùn về văn hóa. Qua lời lẽ của hắn nói với cậu Phiến phiên dịch người đọc nhận ra điều đó: “Phiến. Mày nói với họ là cái đền này thờ đức Thánh mẫu. Mẫu tức là mẹ. Các bà mẹ Việt Nam ta từ cổ xưa đã nêu cao truyền thống bất khuất kiên cường trung hậu đảm đang. Đền này xây đã được ba trăm năm. Là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Xã đang rất cần đối tác liên doanh hùn vốn đầu tư để nâng cấp tu sửa biến thành điểm du lịch làng du lịch kinh doanh hai bên cùng có lợi. Nghe rõ chửa. Dịch ác liệt vào.

Cậu Phiến nhăn nhó.

- Ông trẻ nói khó dịch quá. Phú trợn mắt.

- Khó cũng phải dịch. Xã bỏ tiền cho mày về thủ đô ăn học chín tháng

Một phần của tài liệu Những tìm tòi nghệ thuật trong tiểu thuyết của nguyễn đình chính từ 1986 đến nay luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 124 - 132)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w