7. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Các loại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Chính
Trước hết nói về kiểu nhân vật sám hối. Kiểu nhân vật này đã từng xuất hiện nhiều trong các chặng đường văn học trước đó. Chúng ta có thể tìm thấy
Hộ trong Đời thừa, Thứ trong Sống mòn, Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến
tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu… Loại nhân vật này trong tiểu thuyết
thời kỳ Đổi mới khác biệt so với các chặng đường văn học trước. Ở các chặng trước cũng có những trăn trở, dằn vặt, có đấu tranh nội tâm nhưng những trăn trở bên trong ấy nhằm xác định lẽ sống hài hoà với lẽ sống chung mà thời đại đã xác lập. Còn trong văn học đổi mới, sự tự ý thức cá nhân, tự thú, sám hối của nhân vật phức tạp tạp hơn nhiều. Chúng ta có thể bắt gặp Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, của Bảo Ninh, lão Khổ trong Lão Khổ của Tạ Duy Anh và đặc biệt là hàng loạt nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Chính từ thời kỳ Đổi mới.
Những bà Phạm Thị Nhàn, Thạch gà gáy, ông Từ họ Đỗ, ông Phó Thực, Phạm Văn Cồn, Chế Bồng Thớt, bà Mẫn, cụ cố Thào… trong Đêm
thánh nhân (Ngày hoàng đạo), Khánh trong Phù du cánh mỏng, Zê me trong Online… ba lô… là nhân vật có nhiều trăn trở, dằn vặt, nhiều vật lộn bên trong
trong suốt cuộc đời mình. Bà Phạm Thị Nhàn tự thú, sám hối về cuộc đời của mình với Bác sĩ Trương Vĩnh Cần khi bà đã chết: “Chuyện này bao nhiêu năm nay khi còn sống tôi vẫn nghĩ sống để bụng chết mang theo. Nhưng bây giờ nằm xuống rồi tôi mới thấy không thể mang theo được. Bởi nó còn nặng hơn cả đá. Mà hồn người ta thì mỏng manh hơn cả khí trời ông ạ. Khí làm sao cõng được hòn đá tảng nghìn cân hả ông”. Rằng bà là một vợ liệt sĩ, được mọi người kính nể, được tổ chức giao nhiệm vụ là bí thư huyện, mặc dầu vậy nỗi cô đơn vẫn ngày ngày thấm sâu trong Nhàn. Cô đi lại cùng người chị họ cùng cháu Tuấn (thương binh cụt hai chân), trong nỗi cô đơn, thèm khát hạnh phúc. Trước đôi mắt rực cháy lửa tình cùng thân thể nóng ran của Tuấn, Nhàn không vượt qua nổi dục vọng xác thịt. Nhàn có thai sinh ra một lúc bảy cô con gái đẹp như thiên thần. Bị cách chức, xuống làm trưởng ga xép nhỏ ở Thuận Thiên. Mấy chục năm trời bà dấu kín bí mật, sống trong nỗi dằn vặt
bởi chính cuộc đời li kì của mình. Chỉ có khi chết đi bà mới dám thổ lộ, sám hối.
Thạch gà gáy, trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài mới thổ lộ hết cuộc đời đắng cay của mình. Là một sinh viên, vì tiếng gọi Tổ quốc, Thạch ra mặt trận chiến đấu trong đơn vị đặc công. Hòa bình lập lại, Thạch ra quân, vào tổng hợp Toán. Sa ngã, trở thành tướng cướp…
Ông Từ họ Đỗ tự thú, sám hối về chuyện cách đó mấy chục năm trời. “Ông bác ơi... đúng là sống để dạ tưởng rằng chết mang đi. Ấy vậy mà chết cũng không mang đi được. Khổ thân tôi quá. Khổ thân tôi quá”. Hồi đó ông mới đi bộ đội, vốn tính hung hăng, lại vào đại đội trinh sát quân khu nên càng hung hăng hơn. Trong ngày hành quân qua khu rừng đã ghé vào một ngôi nhà ở cuối bản, ông cùng hai đồng đội trói chủ nhà là ông già chột mắt khi đi báo với trưởng bản về chuyện mất gạo. Khi về đến nơi thì ông chủ nhà tội nghiệp đã chết vì mất máu quá nhiều. Bị quả báo, hai đồng đội của ông lần lượt chết vì bị thương rồi không cầm được máu, chỉ mình ông sống mà lại khổ hơn chết vì luôn bị dày vò, cắn rứt, vì ăn năn hối hận.
Ông Phó Thực bên ngoài là người giàu có, người có uy tín nhất cái thị trấn phố núi nhưng thực chất bên trong, những nỗi đau, những vết thương đang ngày đêm ứa máu. Qua sám hối cùng bác sĩ Trương Vĩnh Cần người đọc thấy được cuộc đời cay đắng cùng nỗi hối hận của ông. Vốn là một người miền xuôi, lên vùng núi rừng này để đóng cối, ông đã lập gia đình cùng với người vợ Khơ Mú thật thà, hai vợ chồng chăm chỉ là ăn, sinh hạ được sáu người con, những đứa con của ông lớn lên đứa nào cũng hiếu thảo, ngoan hiền và chăm chỉ. Một ngày tình cờ, ông nhặt được bảy cục vàng lớn đem về cất dấu, nhưng rồi xã hội thay đổi, nhiều nhà làm ăn lớn phất lên nhanh chóng, không thể vào núi cuốc đất được nữa, ông đem sáu cục vàng chia cho sáu người con, còn một cục phần mình. Đâu có ngờ rằng khi ông đem chia
vàng cho sáu người con thì cũng là lúc tháo cũi cho sáu con quỷ sứ hoành hành. Các con ông nghi kị lẫn nhau về chia chác của cải, sinh ra hận thù, từ mặt nhau, chém giết nhau không thương tiếc. Ông chết trong cay đắng, trong sự thờ ơ ghẻ lạnh của những người con do mình đẻ ra.
Chế Bồng Thớt, bà Mẫn, cụ cố Thào… đều tự thú, sám hối về cuộc đời nhiều cay đắng, sai lầm, chua chát của mình.
Nhân vật Khánh trong Phù du cánh mỏng tự thú, sám hối cùng Tùng về sai lầm của mình trong mối tình của anh cùng Thu Hà. Mặc dù yêu nhau say đắm, nhưng Khánh không dám vượt qua tất cả để đến với Thu Hà. Bảy năm sau gặp lại, mặc dầu biết mình đã có với Thu Hà đứa con gái là Khánh Chi nhưng Khánh lại nhẫn tâm, phũ phàng chối bỏ, để rồi anh vẫn phải sống trong sự cô đơn cùng với sự ăn năn, hối hận.
Nhân vật Zê trong Online… ba lô là kiểu nhân vật tự thú. Zê tự thú về hành trình lên miền tây cùng những cảnh ăn chơi hưởng lạc quá đà của mình. Tự thú về cách hưởng thụ tình dục của nhân vật.
Loại nhân vật tự thú, sám hối trong tiểu thuyết đã thể hiện rõ niềm tin của Nguyễn Đình Chính vào khả năng hướng thiện của con người, đồng thời thể hiện rõ nhu cầu thức tỉnh của con người trong xã hội hiện đại.
Nếu con người trong văn học 1945 - 1975 là con người sử thi, có vẻ đẹp không tì vết thì con người trong tiểu thuyết đương đại là con người đời thường, trần tục, con người của những gì mà cuộc đời vốn có. Tạo được kiểu nhân vật tự thú, sám hối là Nguyễn Đình Chính đã rất thành công trong việc thể hiện con người đời thường của tiểu thuyết đương đại. Với kiểu nhân vật này nhà văn có thể đi vào tất cả những ngõ ngách sâu thẳm nhất, những “hố sâu” tâm lí của con người. Điều này làm cho con người trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Chính rất chân thực mà lại rất phức tạp, trải nghiệm nhiều hơn.
Kiểu nhân vật phổ biến thứ hai trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Chính là kiểu nhân vật dị biệt. Trong văn học truyền thống trong nước cũng như nước ngoài đã từng xuất hiện loại nhân vật này. Chúng ta có thể kể đến: Quasimodo trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo, AQ trong AQ chính
truyện của nhà văn Lỗ Tấn, Lang Rận trong Lang Rận, Thị Nở trong Chí Phèo
của Nam Cao... Đây là những người bất hạnh vì nhiều lí do như dị tật, bất bình thường về đời sống tinh thần, thấp kém, lay lắt trong cuộc sống. Trong tiểu thuyết đương đại, loại nhân vật này xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể đến Tính trong Thoạt kì thủy, Tí Hợi trong Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Thuận trong Đám cưới không có giấy giá thú và đặc biệt nhân vật Trương Vĩnh Cần trong Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) của Nguyễn Đình Chính.
Có thể nói thành công lớn và điều làm nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết
Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) là Nguyễn Đình Chính đã khắc họa được
nhân vật bác sĩ Trương Vĩnh Cần một nhân vật mắc chứng bệnh tâm thần phân lập thể hoang tưởng. Bác sĩ Trương Vĩnh Cần, một bác sĩ bị kỷ luật cấm hành nghề, chỉ được trông coi nhà xác ở một bệnh viện. Bị liệt dương từ năm 45 tuổi, nhưng 4 năm sau đó, bác sĩ Cần bị kết tội hủ hóa với một nữ bệnh nhân vị thành niên người Tày có tên Ma Thị Thảo. Vụ tai tiếng này đã khiến ông bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức và ra khỏi biên chế Nhà nước. Vợ ông, bà Ngót, cũng vì thế mà bỏ đi khiến bác sĩ Cần rơi vào trạng thái tâm thần, bỏ nhà lang thang khắp nơi, đến tận một trại cùi ở Tây Nguyên.
Nhân vật Trương Vĩnh Cần với đầy đủ những biểu hiện của một người điên, tâm thần, đi lang thang, hoảng hốt, chạy như bị ma đuổi, bẩn thỉu, nhiều lúc ông mất hẳn trí nhớ không biết mình là ai, không ý thức được những gì diễn ra xung quanh mình. “Một buổi chiều gã hộ lý dở người vẫn phụ việc cho bác sĩ Trương Vĩnh Cần ở khu nhà xác thấy ông bác sĩ chân đi giầy bốt đen Trung Quốc đầu đội mũ lông ếch-ki-mô dày sụ tay xách cái va ly da cũ
kỹ đang gù lưng chen thục mạng trong đám người đông nghịt đang cào cấu dẫm đạp lên nhau trèo lên đu lên con tàu đỗ ở sân ga phía Bắc của thành phố”. Thế là bác sĩ Trương Vĩnh Cần bắt đầu hành trình đi hoang của mình. Ông đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người trải qua bao mưa gió đói rách khiến cho bệnh tình của ông ngày càng nặng hơn. Có những lúc ông chạy trốn như một con chó dại: “Ba ngày đêm đầu tóc quần áo ông lúc nào cũng sũng xĩnh nước. Sang ngày thứ tư hai môi ông nẻ toác ra. Ngày thứ năm hai cái tai xám đen teo quắt lại như hai miếng tai chua khô. Sang tới ngày thứ chín ống quần bên phải của ông bỗng dưng bục tung chỗ đầu gối. Tới cuối ngày thứ mười ba thì ông rách tã như một lão ăn mày khắp người bốc lên một thứ mùi vừa chua vừa khắm. Ông lội qua mương qua ngoi qua ruộng qua ao. Ông phóng qua những bờ cỏ lúp xúp sắc như dao. Ông nhẩy qua những cái hố đường kính tới 5 mét và có lúc còn lao cả qua những bụi dâm bụt dày hàng thước tây. Bác sĩ Cần chỉ còn biết chạy chạy và chạy... Ông chạy mãi nhẩy mãi chạy mãi nhảy mãi chạy mãi cho đến lúc hai cẳng chân cứng lại có lẽ vì bị chuột rút rồi ông lăn đùng ra đất, sùi bọt mép và thiếp ngay vào một giấc ngủ mê mệt hoảng loạn”.
Trương Vĩnh Cần đi trong hoang tưởng, ăn bờ ngủ bụi, sống cuộc sống của những người điên thực sự. “Rời khỏi bến chó bác sĩ Cần không đi tàu hỏa nữa mà ông lang thang cuốc bộ. Cứ có con đường trước mặt là ông bước đi. Bất chấp thời tiết nóng lạnh nắng mưa với chiếc mũ ếch-ki-mô dày xụ xùm xụp trên đầu với đôi dày há mõm chiếc valy da cũ rích trong tay và bộ quần áo bẩn thỉu rách tã trên mình bác sĩ Trương Vĩnh Cần lang thang khắp chợ cùng quê ngày ăn cơm bụi tối ngủ vườn hoa nhà ga bến xe bến tàu. Đi đâu về đâu bác sĩ Trương Vĩnh Cần không hề hay biết. Những ngày này bác sĩ Trương Vĩnh Cần rất hay bị đau buốt giữa đinh đầu. Hai mắt mờ dần. Trí nhớ giảm sút. Đêm nằm ông hay mơ bị mắc bệnh tâm thần phân lập thể hoang tưởng. Có những lần ông còn mơ thấy mình cởi trần truồng đen đúa đang ngồi hít bã mía cạnh một đống rác. Cũng may đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng bác sĩ Cần buồn lắm và ông cứ
nghĩ ngợi miên man lo lắng có lẽ mình đang ủ một căn bệnh gì đó quái ác ở trong đầu”. Nhiều lúc “Ðêm hôm đó bụng đói mắt hoa túi rỗng tuếch không tiền bạc, bác sĩ Cần lang thang thất thểu như một con chó già ghẻ lở vô dụng bị chủ đá ra ngoài đường. Ông bác sĩ chẳng biết đi đâu rẽ vào đâu. Và thế là đúng cảnh con chó già bị ruồng bỏ đang tủi hổ chạy trốn cho xa cái nơi đông đúc ầm ĩ chẳng hứa hẹn gì những điều tốt lành. Ðôi chân già nua của ông bác sĩ đã đưa ông rẽ vào con đường mòn bẩn thỉu và nguy hiểm đi vào khu nghĩa địa Ðá đen. Bác sĩ Cần cứ đi mãi đi mãi theo con đường mòn chân bước thấp bước cao mắt lúc nhắm lúc mở đầu óc váng vất nhói buốt tê tê dại dại. Cho tới khi đầu ông va đốp vào một cây cột gỗ mục (…). Ông bác sĩ làm việc cần cù như một con chó già được huấn luyện rất kỹ lưỡng”.
“Sau khi bị dòng xả lũ cuốn phăng xuống hạ lưu ném tung lên trời như một cành củi khô rơi xuống đập tràn rồi trôi vèo một lèo ra tận biển Ðông chìm nổi lênh đênh không biết bao nhiêu ngày đêm cuối cùng được sóng đánh táp vào cái thương cảng không tên miền Nam Trung phần thì hình như bác sĩ Trương Vĩnh Cần đã hoàn toàn trở thành một lão già chập chập mát mát nửa điên nửa dại. Căn bệnh tâm thần phân lập hoang tưởng trong ông tái phát dữ dội. Hai hốc mắt của ông đau nhức. Con giun đất lấm láp tanh tưởi không biết từ xó nào trong lục phủ ngũ tạng gan ruột tim phổi ông lại bò lăn cổ họng ông ngoe ngấy cái đuôi thò ra thụt vào suất ngày suốt đêm khiến cổ họng ông ngứa như điên nôn nao tởm lợm lúc nào cũng chỉ muốn nôn ra một bãi tổ bố. Căn bệnh tâm thần phân lập thể hoang tưởng tái phát dữ dội khiến ông bác sĩ già mất hết trí nhớ cho dù chưa đến nỗi bốc cứt đái rác rưởi cho vào mồm hoa chân múa tay nhảy nhót trên hè ngoài phố nhưng ông bác sĩ già cũng đã rơi vào cái cảnh trí não tê dại chẳng còn cảm giác vui buồn giận dỗi hoảng sợ hoang mang lo lắng nghi ngại chẳng biết mình là ai và cũng chẳng biết ai là ai”.
Một điều kì lạ là sau bao năm tháng mắc bệnh đi khắp nơi, sống cuộc đời của người điên, có lẽ do dãi dầu nhiều nắng mưa, ăn nhiều thứ, hay uống
thuốc của bà cụ Mẫn mà ở cuối tiểu thuyết bác sĩ Cần khỏi cả hai căn bệnh quái ác trở về với thời tráng niên. “Bác sĩ Trương Vĩnh Cần từ từ chống tay ngồi dậy. Ông vươn hai tay. Ô hay hai cánh tay rắn chắc cuồn cuộn gân bắp của thời tráng niên. Ông duỗi hai chân. Ô kìa hai cẳng chân cứng như thép tuổi hai mươi tràn trề khí huyết. Tường đá trong hang nhẵn bóng gương soi thấy rõ vồng ngực nở nang săn chắc bụng thon vai rộng hàm răng trắng lóa và mái tóc gỗ mun đen nhánh”.
Xây dựng được một loại nhân vật dị biệt, độc đáo, Trương Vĩnh Cần là nhà văn Nguyễn Đình Chính đã thành công trong nghệ thuật tiểu thuyết ở ba phương diện sau: cuộc sống trong tiểu thuyết là cuộc sống mang tính toàn vẹn, quan tâm đến nhiều loại nhân vật khác nhau chứ không phải là một kiểu nhân vật quá “sạch sẽ”, mang lại màu sắc dân chủ cho tiểu thuyết. Thứ hai, thông qua nhân vật này, Nguyễn Đình Chính muốn biểu đạt quan niệm riêng của mình về một thế giới chưa hoàn thiện. Thứ ba, nhân vật này giúp cho tiểu thuyết Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) đa dạng về bút pháp và phương thức biểu hiện. Nhà văn mặc sức tung hoành với những tưởng tượng, những sáng tạo hư ảo, li kì. Mỗi nơi mà bác sĩ Trương Vĩnh Cần đến là một câu chuyện đời nhiều trắc ẩn. Chính việc xây dựng được nhân vật dị biệt này mà tiểu thuyết Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) mới có thể đi vào những ngõ ngách tận sâu thẳm của cuộc sống. Những cuộc đời không sử thi mà đậm chất tiểu thuyết khiến cho tiểu thuyết Đêm thánh nhân (Ngày hoàng đạo) thể hiện được cuộc sống phong phú, sâu rộng và đa tầng.
Tóm lại, việc xây dựng nên nhân vật bác sĩ Trương Vĩnh Cần là một thành công giàu ý nghĩa, một sáng tạo hết sức độc đáo của Nguyễn Đình