Ngoài người Êđê thì thiết chế xã hội mẫu hệ điển hình còn tồn tại ở một số dân tộc khác ở Tây Nguyên như người M’Nông, Chăm.
* Người M’Nông: Là cư dân bản địa ở cao nguyên Đăk Lăk, xã hội
M’Nông được điều hành theo nguyên tắc mẫu hệ. Thiết chế xã hội là bon làng, là nơi cư trú của các gia đình mẫu hệ. Mối gia đình lớn mẫu hệ (có nhiều thế hệ) cư trú dưới một ngôi nhà trệt, mái lợp tranh, cửa ra vào giống hình mai rùa gọi là cửa mẹ (Pôồng me). Đứng đầu bon là bà chủ bon (Uranh), quản lí bon theo luật tục như xã hội người Êđê. Con cái sinh ra lấy họ mẹ, hôn nhân cư trú bên nhà mẹ, con gái được thừa kế tài sản của gia đình họ mẹ.
Trong lao động sản xuất, bà chủ nhà cũng là chủ rẫy (U Rạnh jiây), nắm quyền chỉ đạo việc chọn đất làm rẫy, phân công lao động trong sản xuất lúa rẫy, là người phân phối sản phẩm cho mọi thành viên trong gia đình.
Trong quan hệ cộng đồng, người phụ nữ còn đóng vai trò là người chủ đất (chủ bến nước người Êđê), quản lí tài nguyên rừng, rẫy…của bon làng
Người đứng ra tiến hành các nghi thức tín ngưỡng trong các lễ hội truyền thống, tham gia đánh cồng chiêng, múa hát, tiếp khách cùng với đàn ông…
Người tham gia xét xử những vụ việc vi phạm luật tục của cộng đồng, và cũng như người Êđê những công việc này sẽ giao lại cho người chồng… Văn hoá M’nông mang đậm tính mẫu hệ, nó chi phối, ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn hoá M’nông.
* Dân tộc Chăm: Theo thiết chế xã hội mẫu hệ và khá điển hình. Cùng
với lịch sử hình thành và phát triển, sự giao lưu, tiếp xúc giữa các nền văn hoá là điều dễ nhận thấy, và đời sống văn hoá của người Chăm chịu ảnh hưởng với văn hoá ngoại nhập rất lớn. Nhất là tôn giáo, tuy nhiên những tôn giáo đó cũng chịu tác động trở lại của văn hoá bản địa tạo nên sự hỗn dung, đặc biệt trong tôn giáo tín ngưỡng. Đạo Bàlamôn giáo, Hồi giáo là các tôn giáo có gốc mang màu sắc phụ hệ, nhưng khi du nhập vào cộng đồng người Chăm, các tôn giáo ấy đã chuyển hoá trở thành các tôn giáo mẫu hệ được biểu hiện đó là: Trong thần điện của Bàlamôn giáo Chăm, vị thần có vị trí cao nhất và được người Chăm tôn sùng nhất là nữ thần Pô Ana Nưgar, nghĩa là Mẹ Xứ sở (Bà chúa Xứ)… Trong các dòng họ của người Chăm thường có một người phụ nữ thay mặt dòng họ đảm nhiệm việc giao tiếp với thần linh, gọi là Muk Riya. Người này đảm nhận vai trò múa thiêng (Gần giống hình thức hầu bóng - lên đồng của người Việt) hoặc thực hiện những hành động đặc biệt trong các lễ nghi thuộc hệ thống lễ Riya rất phổ biến ở người Chăm.
Trong các làng Chăm cổ truyền, nhà của những người đàn bà cùng dòng mẹ thường ở gần nhau, tạo nên một chòm, xóm sầm uất. Đó chính là dấu vết của thiết chế mẫu hệ trong xã hội Chămpa cổ truyền còn lưu lại: những người đàn bà cùng họ Mẹ, có cùng một nơi cư trú, cùng sống chung dưới một mái nhà.
Mỗi dòng họ (tính theo phía mẹ) có một khu mộ địa chung. Người Chăm theo đạo Bàlamôn (Bà Chăm) gọi đó là kut. Người Chăm theo đạo Hồi cổ (Bà ni) gọi đó là ghur rak. Đó là nơi chôn những thành viên cùng huyết thống tính theo dòng Mẹ khi họ qua đời. Những người đàn ông sau khi lấy vợ, hầu hết đều đến sống bên nhà vợ, nhưng khi chết đi, thi thể của họ được đem về chôn trong nghĩa địa dòng mẹ .
Tiểu kết
Theo các nhà dân tộc học, xã hội học…mẫu hệ là một hình thái tổ chức xã hội được thiết lập trong thời kì nguyên thuỷ, là một trong những nguyên lí mang nặng tính tự nhiên mà con người nhận thức được trong quá trình hình thành cộng đồng, nguyên lí cùng dòng giống. Mọi hoạt động trong xã hội đều bị chi phối bởi nguyên lí dòng Mẹ.
Ở Việt Nam, chế độ mẫu hệ đã từng và đang tồn tại phát triển không chỉ riêng các dân tộc thiếu số mà ngay cả ở người Kinh, điều đó được minh chứng qua những sinh hoạt văn hoá mà rõ nét nhất là trong văn hoá tinh thần.
Nếu nhìn một cách đại thể, Đông Nam Á là xứ sở của mẫu hệ thì thiết chế mẫu hệ đã bao trùm, biểu hiện một cách đậm nét trên hầu hết các lĩnh vực văn hoá, xã hội của nhiều tộc người ở khu vực Tây Nguyên - Vệt Nam, thông qua các dân tộc Chăm, M’nông, Êđê ta có thể thấy rõ điều đó. Trong đó, Đăk Lăk là một tỉnh có nền văn hoá - xã hội mang đậm yếu tố mẫu hệ, là địa bàn cư trú của hai tộc người bản địa: Êđê và M’nông. Người Êđê còn lưu giữ nhiều hình thái mẫu hệ khá điển hình, còn xã hội M’nông cổ truyền lại có tính phức tạp hơn. Và ngày nay thiết chế xã hội cũ đã có nhiều thay đổi và chế độ mẫu hệ đang được lưu lại nhiều biểu hiện trong các mặt của đời sống.
CHƯƠNG 3