Hợp thành buôn của người Êđê truyền thống là những đại gia đình mẫu hệ, để đại gia đình mẫu hệ có thể tồn tại dưới sự quản lí của một người phụ nữ đứng đầu dòng họ (Khoa sang) thì ngôi nhà dài là không gian biểu hiện chặt chẽ, rõ nét sắc thái văn hoá mẫu hệ. Thông thường một ngôi nhà dài chứa tất cả hậu duệ của một bà tổ gồm vợ chồng bà chủ và con, cháu ruột hoặc con của chị em gái, và những người đàn ông là anh em trai (Dăm dei) chưa có gia đình, góa vợ, li dị vợ và những đứa con nuôi (nếu có), chiều dài của ngôi nhà truyền thống cứ tăng dần lên mỗi khi có một cặp vợ chồng mới cưới thì sẽ nối thêm dài ra vì vậy có những ngôi nhà dài từ 50 đến 100 mét, thậm chí có nhà dài đến 200 mét, hiện nay vẫn còn như nhà của ông bà Ama Chư (Ama: Bố, gọi những người đàn ông lớn tuổi - già làng) và nhà bà Amí Vung (9 người con trong đó 7 người con gái) dài từ 70 - 90 mét. Và trong sử thi Đam San cũng nhắc đến: “Dài như một hơi ngựa phi”, “dài như tiếng ngân của một cái chiêng tốt”.
Ngôi nhà sàn của người Êđê nói chung và trong buôn nói riêng thì khác với nhà sàn của các dân tộc khác như của Ba Na, Xê Đăng có mái cao vút,
còn nhà sàn của người Êđê rất vững chãi mái công hình thuyền mà có giả thiết cho rằng nó biểu hiện dấu ấn nguồn gốc tổ tiên sống lênh đênh trên biển. Cô H’Rau Mlô và ông Y’Xê Niê cho biết rằng trước kia việc làm nhà trong buôn rất công phu, những người đàn ông phải đi vào rừng kiếm những cây gỗ to, chắc, bền, đẹp…khi đã chọn được họ sẽ đánh dấu và đi thường công việc tìm kiếm nay diễn ra trong vòng 5 đến 7 ngày vì lúc đó cây rừng còn nhiều. Về nhà, họ chuẩn bị những con voi to khoẻ để vào rừng đốn cây và cho voi kéo về, nhà càng dài thì số lượng gỗ càng nhiều. Tuy nhiên công việc này không phải được tiến hành một cách tuỳ tiện mà phải có sự đồng ý của chủ buôn ( Khua buôn) và đã quy định rất nghiêm ngặt trong luật tục về việc bảo vệ rừng nên chỉ có những ngưòi trên 50 tuổi mới được lấy gỗ quý nếu chưa đến độ tuổi đó thì họ sẽ kiêng. Ngôi nhà dài truyền thống nằm dọc theo hướng Bắc - Nam vì theo kinh nghiệm, mở theo hướng này tránh được gió Đông Bắc về mùa khô và gió Tây Nam về mùa mưa. Cửa ra vào được mở ở hai đầu hồi, cửa chính nằm ở đầu nhà giành cho khách và những người đàn ông, cầu thang sau dùng cho những người trong dòng họ mà chủ yếu là những người con gái dùng. Nếu khách thì anh ta tuyệt đối không được đi cửa sau và bước chân vào gian bếp vì đó là không gian của phụ nữ nếu làm như vậy là đã không tôn trọng họ và những người như thế bị coi là những người không tốt. Mỗi đầu nhà có một hàng hiên gọi là adring để đặt cầu thang lên xuống và gỗ được chọn làm cầu thang phải là gỗ tốt bền chắc vì là cái nâng đỡ bước chân hàng ngày lên xuống của con người. Dáng vẻ bên ngoài, cách chạm trổ, bài trí đồ đạc phía trong của ngôi nhà dài cũng phản ảnh sự khác nhau giữa gia đình giàu và gia đình nghèo. Nếu gia đình giàu có thì ngôi nhà sàn to, hiên rộng, chạm khắc công phu ở cầu thang và cột nhà…
Cầu thang có 7 bậc, phần trên của cầu thang, giáp sàn nhà được chạm trổ hai bầu vú của phụ nữ và hình mặt trăng và những cầu thang này ở trong
buôn chỉ có ở những dòng họ, gia đình giàu có mà thôi vì muốn làm như thế phải làm lễ cúng Yàng rất tốn kém (1 con trâu và 7 ché rượu) như nhà M’Chư và cũng không phải do gia đình hiện nay của ông làm mà của tổ tiên của vợ để lại, còn ngôi nhà dài của nhà nghèo nhỏ hơn về kích thước, cầu thang lên xuống không được chạm khắc và làm bằng thân cây nhỏ như nhà của Amí Vung. Biểu tượng này được người dân giải thích rằng, hai bầu sữa là tượng trưng cho người phụ nữ, còn vầng trăng khuyết là tượng trưng cho sự thịnh vượng. Như vậy, những chạm trổ đó tượng trưng cho quyền lực mẫu hệ, sự giàu có và uy quyền của người phụ nữ - người chủ gia đình. Phía dưới ngôi nhà là khoảng rộng rãi, được cô H’Rau Mlô cho biết xưa kia họ dùng để cột trâu, bò, nhốt heo. Còn ngày nay người dân dùng để bỏ, gác những dụng cụ lao động sau khi đi làm về hoặc đến vụ mùa thì để sản phẩm thu được.
Không gian trong nhà gồm hai phần rõ rệt: Gian (gah) là phần sinh hoạt chung của cộng đồng gia đình và cho khách, là nơi tổ chức lễ cúng của gia đình, là chổ ngủ cho con cái trong nhà khi chưa đến tuổi lập gia đình, là nơi sinh hoạt chủ yếu của những người đàn ông. Gian này được bố trí, phía bên tay phải (đi từ ngoài vào) là nơi để những ché rượu cần, những chiếc ghế dài gọi là kpan để bỏ bộ kôông chiêng với chiếc trống cái to, vì trước kia hầu như gia đình nào cũng có một bộ. Ở giữa là một cây cột cao được sử dụng trong khi thực hiện những nghi thức cúng thần, bên cạnh là bếp lửa chung của gia đình được đốt lên mỗi khi có lễ cúng hay khi nào rảnh rỗi những người đàn ông trong nhà, hay thanh niên nam nữ tập hợp ngồi chơi, tán gẫu. Bếp này rất được coi trọng như là hơi ấm của cả gia đình nên có nhiều kiêng kị, cấm đoán như không được tự ý di dời bếp, không tự ý dập tắt lửa…và gian này nếu như ai đó vào chơi mà vô tình hoặc cố ý làm rơi vỡ quả trứng gà xuống sàn thì ngay lập tức gia đình người làm rơi phải có những vật hiến sinh để làm lễ cúng tại gian này, nếu không gia đình này sẽ không ở đây nữa mà sẽ dọn đến
ngôi nhà khác. Phía bên trái đặt những cái ghế gỗ to lớn với chức năng chỗ ngồi cho khách và hơn nữa là chỗ ngủ cho những chàng trai chưa vợ hay những người đàn ông trong dòng họ mà bỏ vợ hay goá vợ. Gián tiếp là gian Ôk, gồm các buồng riêng của mỗi cặp vợ chồng và con cái của họ, những buồng riêng này được ngăn cách bởi vách tre, vải. Đối diện mỗi ngăn là một bếp riêng (kpur), không có ngăn nào giành cho những người con trai bởi vì sau khi trưởng thành, kết hôn họ sẽ về ở nhà vợ. Các ngăn được sắp xếp theo thứ tự rõ ràng, đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà được đặt sát với cửa ra vào phía sau đối diện với bếp chung của cả gia đình, tiếp đến là của vợ chồng cô con gái cả và cứ thế lần lượt theo thứ tự, đến cuối là gian của vợ chồng cô gái út, nếu mà cô gái chưa lấy chồng mà còn gian trống thì ngủ tại đó. Nếu gia đình đông con, nhà sàn không còn chỗ cho những cặp vợ chồng mới cưới nữa thì lại chắp thêm vào ngôi nhà những gian mới, và ngôi nhà sẽ ngày càng dài thêm. Trong nhà cũng có những quy định riêng như là những người đàn ông (con rể, cháu rể, anh em trai của người phụ nữ) không được bước vào buồng ngủ của người khác khi chưa có sự đồng ý của người phụ nữ là chủ của buồng ngủ đó. Dù cho cách nhau chỉ bức tre ngăn cách nhưng những người đàn ông cột chèo cũng không bước vào gian ngủ của những cặp vợ chồng khác, kể cả bố của cô gái vì như vậy đã vi pham luật tục. Mọi hoạt động chung của gia đình do người phụ nữ lớn tuổi nhất (Khoa sang) quản lí, các thành viên khi muốn làm việc gì đều phải thông qua bà ta. Còn trong các căn buồng nhỏ thì người vợ sẽ điều hành mọi công việc và lo cơm nước cho từng gia đình nhỏ nếu như các thành viên trong gia đình không ăn chung. Mặc dù ăn riêng nhưng sản phẩm làm ra trên cùng mảnh đất thì họ dùng chung.
Những kiến trúc nhà như trên tại buôn không còn nhiều nữa, chỉ còn lại những ngôi nhà sàn ngắn (trừ nhà của gia đình ông Ama Chư và của bà H’Vung), chỉ khoảng 2 - 3 thế hệ sinh sống. Thay vào đó là những nhà xây
theo kiểu người Kinh, điều này đã được ông Y’Kim K’sơn giải thích là giờ đây họ không thích sống nhà sàn nữa, mà nay cũng không có gỗ tốt làm nhà còn mua thì họ không mua gỗ quý. Thực tế là do chính sách của chính quyền Trung ương, ban tự quản của buôn đã tổ chức xây dựng được 42 căn nhà gọi là nhà 134, mỗi căn tương ứng 20 triệu cho những gia đình được nhân dân trong buôn họp và cho là nhà khó khăn, đông con, nghèo khổ, hay cùng với quá trình thay đổi phương thức sản xuất kinh tế thì những hộ gia đình tách khỏi nhà dài để làm ăn kinh tế hộ gia đình. Vì thế không gian của buôn hiện nay bên cạnh những nhà sàn cũ, nhà sàn ngắn xen kẽ những căn nhà xây.
Hay như nhà của ông Ama Lô, là một gia đình làm ăn kinh tế giỏi, giàu có nên bên cạnh ngôi nhà sàn ông xây thêm một căn nhà sàn dài to lớn, kiên cố rất đẹp, được xây dựng theo hình dáng của căn nhà dài truyền thống nhưng chất liệu, kết cấu trong nhà đã khác. Điều đáng chú ý là lối sống của những gia đình lớn mẫu hệ trong căn nhà dài như truyền thống nay vẫn còn nhưng còn rất ít chỉ chiếm khoảng 1/3 hộ dân còn lại những người con gái sau khi cưới chồng sẽ nhận phần đất và ra ở riêng, sinh hoạt riêng biệt với bố mẹ nhưng người con gái nào chịu nuôi mẹ thì khi lập gia đình ở lại tại nhà mẹ được nhận phần tài sản nhiều để phụng dưỡng cha mẹ khi về già, và người này thường là con gái cả hoặc con gái út.
Như vậy, nhìn chung kiến trúc nhà ở và không gian của nhà dài đã toát lên một nét văn hoá riêng của người Êđê, ngôi nhà dài đã phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của gia đình mẫu hệ. Ngày nay tuy đã mờ dần, lối sống của người dân đã thay đổi nhưng thiết chế mẫu hệ vẫn chi phối cuộc sống của người Êđê ở đây.