Trong xã hội của người Êđê nét văn hoá mẫu hệ thể hiện rõ nét nhất trong gia đình - nơi họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành, kết hôn, làm mẹ, làm bà và gia đình cũng là nơi họ thực thi các bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ.
* Cấu trúc của gia đình mẫu hệ
Cấu trúc của gia đình truyền thống là các gia đình lớn mẫu hệ. Tức các thành viên trong gia đình không chỉ giới hạn trong hai thế hệ là cha mẹ và con cái mà gồm cả ông bà, anh chị em họ, cha mẹ cùng với anh em trai hoặc chị em gái của phía cha hoặc mẹ, nghĩa là tập hợp những người cùng một họ do một bà sinh ra. Chính vì thế mà mức độ thân thuộc về huyết thống giữa họ có khi là khác nhau tức là có thể chung một bà (3 đời) hay có thể là chung một bà cố (4 hoặc 5 đời) tính theo dòng mẹ và họ cùng chung sống dưới một mái nhà dài (Sang dlông), những người đàn ông làm rể sống trong gia đình không được coi là gia đình lớn mẫu hệ vì họ thuộc dòng họ khác. Trong gia đình lớn này có người đứng đầu là người phụ nữ cao tuổi nhất, có uy tín, được mọi người kính trọng đó có thể là bà hoặc mẹ gọi là Khoa sang (chủ gia đình), mọi việc lớn nhỏ đều phải thông qua bà ta. Trong căn nhà lớn mẫu hệ thì hạt nhân là những gia đình nhỏ. Họ làm chung, cùng chia sẽ với nhau những sản phẩm làm ra. Sự mở rộng của gia đình mẫu hệ tuỳ thuộc vào khả năng chứa và kéo dài của mỗi căn nhà dài về mặt kết cấu (khi một người con gái trong dòng họ lấy chồng thì ngôi nhà dài được nối thêm), về sự đoàn kết của các thành viên
cũng như các gia đình nhỏ trong gia đình lớn (trường hợp xẩy ra xích mích thì một trong những cặp gia đình đó sẽ tách ra ở riêng).
Ngày nay những gia đình lớn mẫu hệ như thế ở tại buôn Tơng Sing chỉ còn hai hộ, của ông già làng Ama Chư và bà H’Vung Niê, còn lại chỉ có những gia đình nhỏ từ 2 thế hệ mà thôi, cũng chính vì vậy mà những căn nhà dài không còn nữa. Mặc dù không sống chung một nhà nhưng đời sống của từng thành viên, từng gia đình nhỏ vẫn bị chi phối bởi thiết chế mẫu hệ.
* Vai trò của con trai và con gái trong gia đình
Đối với người con gái: Từ khi sinh ra họ đã gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề. Trước hết như trong Luật tục xác định: “…con gái là để làm giống, con trai để bồng bế…” [21, 121]. Vì khi sinh ra con cái mang họ mẹ, theo dòng họ mẹ nên họ quan niệm con gái là người duy trì và phát triển nòi giống của gia đình, dòng họ, là người sống với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ suốt đời, chính vì thế mà gia đình nào không có con gái họ sẽ xin nuôi một đứa con gái của chị em ruột hoặc cùng họ để làm người nối dõi, làm tròn trách nhiệm như con gái ruột của họ vậy. Nếu xin không được con cùng họ thì họ cũng xin con của họ khác thậm chí của người Kinh nhưng sau khi đồng ý làm con nuôi thì những đứa con nuôi này phải đổi sang họ mẹ nuôi và được hưởng mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ của con gái ruột.
Ngay từ nhỏ, thông qua sự hướng dẫn của bà của mẹ những bé gái đã gắn bó với công việc của gia đình một cách tự nhiên: Từ 4 - 5 tuổi, họ trông em để mọi người đi làm hoặc theo mẹ đi lấy nước hái rau rừng. Khoảng 6 - 7 tuổi đã biết nấu cơm, đi lấy củi và bắt đầu tập giã gạo, sàng gạo. Từ 10 đến 12 tuổi bắt đầu được bà, mẹ hay dì bày cho dệt vải. Cùng với thời gian tuổi càng tăng lên thì những công việc của nhưng cô gái ngày càng nhiều hơn. Họ phải nhanh chóng thành thạo các công việc nhà, biết dệt vải, chăn nuôi và đi cùng
cha mẹ vào rẫy, ban đầu chỉ để hái rau, củ, quả trong rừng, đến mùa thu hoạch thì đi theo lượm nhặt những sản phẩm còn sót lại.
Đến 15 tuổi trở lên thì đã bước vào tuổi trưởng thành, từ đây những cô gái đã có ý thức về vị trí, trách nhiệm, bổn phận của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Họ chính thức tham gia vào sản xuất kinh tế tăng thu nhập trong gia đình lớn mẫu hệ. Chính ở tuổi trưởng thành này những cô gái đã có những thay đổi cả về thể chất lẫn sinh lý, họ bắt đầu để ý đến những chàng trai khoẻ mạnh, giỏi giang, chăm làm…và bắt đầu yêu. Trước đây, họ sẽ chủ động hẹn hò, tìm hiểu người con trai mình đã chọn. Yêu cầu lớn trong gia đình giàu có là người con trai đó phải biết nghe lời cha mẹ vợ. Từ giai đoạn này, thông qua sự dạy bảo của mọi người trong dòng họ thì người con gái phải chăm chỉ học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để trở thành chủ gia đình. Người chị cả được coi như mẹ, nhất là trong trường hợp mẹ vắng nhà thì những việc nhà cô gái đó sẽ đảm nhiệm, nếu như làm không tốt, không hoàn thành được thì uy tín của chị cả sẽ bị giảm sút. Trong giai đoạn trưởng thành, người con gái muốn cưới chồng về thì họ phải siêng năng chăm chỉ để có thu nhập, thể hiện được vai trò của mình trong gia đình nhằm có được khoản tiền, tài sản để đi cưới chồng. Đồng thời một người con gái siêng năng, làm ăn kinh tế giỏi sẽ được mọi người chú ý, khen ngợi, như vậy sẽ dễ dàng chiếm được tình yêu của các chàng trai và việc đi đến hôn nhân rất thuận lợi.
Kể từ khi kết hôn, những kinh nghiệm mà người con gái từ khi mới lọt lòng đến tuổi trưởng thành học hỏi được qua sự dạy bảo của bà, mẹ, dì, cậu và quá trình tự vận động mà họ hun đúc được thì vào gia đoạn này họ sẽ sử dụng triệt để. Họ đã trở thành người chủ gia đình, điều hành mọi công việc của gia đình, từ việc quản lí tài sản của ông bà, cha mẹ đến nhiệm vụ của một người con gái, người vợ và người mẹ. Khi đã trở thành chủ gia đình thì họ lại chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động sản xuất kinh tế. Nền kinh tế nương rẫy, mà do
điều kiện đất trồng hạn hẹp, môi trường sinh tồn của buôn Tơng Sing không còn như cũ nữa nên những người dân phải đi làm ở nhiều nơi, xa buôn làng như ở Êxô, Chưxê… Vẫn như truyền thống, việc chọn rẫy, làm rẫy và tổ chức các lễ cúng liên quan đến nông nghiệp như là lễ tỉa lúa, lễ cầu mưa…đều do Khoa sang tiến hành, họ hướng dẫn các thành viên trong gia đình làm theo những kinh nghiệm đã được ông bà tổ tiên truyền lại. Ngoài ra người phụ nữ còn là nguồn lao động chính, thể hiện qua một ngày làm việc như sau: Chào buổi sáng vào lúc mọi người trong nhà dài đang ngon giấc, (thường là 1h sáng), bắt đầu giã gạo bên bếp lửa, sau đó chuẩn bị nấu ăn sáng cho cả gia đình, khi chẩn bị xong, trong thời gian chờ mọi người tỉnh dậy họ lại phải đi đến nguồn nước gùi nước sạch về nhà, về đến nhà gọi mọi người dậy với những thức ăn đã soạn sẵn, trong lúc mọi người ăn cơm thì người phụ nữ sẽ chuẩn bị vật dụng, đồ ăn, nước uống cho mọi người đi làm rẫy và họ cũng lên đường, chiều về họ bắt tay chuẩn bị bữa ăn tối, ăn xong lại tranh thủ làm rượu cần, dệt vải may đồ cho những thành viên trong gia đình, khi mệt mỏi họ đi ngủ và 1h lại dậy chào một ngày mới bận rộn như trên. Trên nương rẫy, họ cùng những người đàn ông phát cây và dọn dẹp rẫy. Đàn ông chọc lỗ và họ đi theo để trỉa hạt giống. Sau khi trỉa xong thì việc chăm sóc ở nương rẫy lúc này hoàn toàn do người phụ nữ đảm nhiệm. Đến mùa thu hoạch, tuốt lúa, bẻ ngô…cũng là người phụ nữ làm thậm chí cả việc gùi sản phẩm về nhà, chế biến sản phẩm (giã gạo, sàng sẩy, phẻ bắp, phơi đậu, cà phê…) cũng do bàn tay người phụ nữ. Một hình ảnh khá quen thuộc trên đường từ rẫy về nhà là người đàn ông đìu con trên lưng còn người phụ nữ là gùi những dụng cụ nhỏ hay sản phẩm thu được của ngày hôm đó về nhà.
Trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, dòng họ đè nặng trên đôi vai của những cô gái Êđê, chiếm hết thời gian ngay từ lúc còn bé. Cũng chính vì thế mà họ không được cắp sách đến trường học văn hoá, học chữ. Điều đó cũng
giải thích được tại sao họ rất tài giỏi trong việc quản lí những công việc của gia đình, dòng họ nhưng ngược lại hầu như họ vắng bóng trong các hoạt động ngoài xã hội. Cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trong khuôn viên từ rẫy về nhà, từ nhà đến rẫy mà thôi.
Đối với người con trai: “Con trai để bồng bế” [21, 121]. Thật vậy, vì con trai khi sinh ra đã không mang nghĩa vụ bổn phận gì lớn đối với gia đình, dòng họ mình, vì sau này khi đã lấy vợ cuộc sống của họ sẽ gắn liền bên nhà vợ. Nên đối với công việc của gia đình họ ít tham gia mà chủ yếu tham gia vào các hoạt động bên ngoài. Cùng với quá trình phát triển của độ tuổi thì họ lại tách dần khỏi mẹ, khỏi chị em gái mà cùng bố hoặc người cậu đi săn bắt thú rừng, đánh cá ở sông suối. Tiếp xúc, vui chơi với những người bạn, họ được đi học văn hoá, học cái chữ…vì vậy nên môi trường tiếp xúc ngoài xã hội, ngoài cộng đồng chiếm đa số đã tạo nên quá trình xã hội hoá ở người con trai thông qua vai trò của bố (hoạt động sản xuất kinh tế), chủ yếu là người cậu, cậu sẽ giáo dục những đứa cháu trai ý thức được vị trí, vai trò của người đàn ông trong gia đình, dòng họ của mẹ như là quyền quyết định trong hôn nhân, phân chia tài sản…người cha thuộc dòng họ khác nên không có quyền chỉ bảo con những vấn đề liên quan đến quyền lợi của dòng họ vợ. Nhờ vậy mà đến khi kết hôn, nếu được người phụ nữ thuộc dòng họ có quyền thế trong xã hội (Khua buôn) cưới về thì họ là người đại diện vợ mình quản lí công việc của buôn làng và trở thành người đàn ông có uy quyền trong xã hội, đồng thời họ tự nhận thức được vai trò Dăm dei của mình.
Từ vai trò trên của từng thành viên đối với gia đình thì đã quy định việc
thừa kế tài sản khác nhau. Con mang họ mẹ, thuộc dòng họ nữ, người con gái
sẽ ở lại trong gia đình, có trách nhiệm nặng nề như ta đã thấy trên thì tài sản trong nhà cũng thuộc dòng nữ. Tức chỉ chia cho những người con gái, bao nhiêu người thì sẽ chia từng đó phần, những thứ không thể chia như chiêng,
ché, ghế kpan…thì thuộc về chị cả hoặc cô em gái út. Như ngày nay, khi không sống cùng một nhà thì phần nhiều sẽ giành cho người chịu trách nhiệm ở lại ngôi nhà đó quán xuyến công việc của dòng họ và phụng dưỡng cha mẹ. Lúc chia tài sản, theo truyền thống, người cậu (Dăm dei) sẽ được mời đến hỏi ý kiến và đa số là làm theo ý kiến đó. Đến nay, vai trò đó của người cậu vẫn còn, đồng thời nhiều gia đình hiện nay lại để toàn bộ quyền quyết định cho con gái cả. Người con trai, theo truyền thống, tài sản duy nhất là vật dụng cá nhân thường dùng như các đồ dùng cá nhân, những dụng cụ lao động mà anh ta sử dụng. Ngày nay, đa số các gia đình trong buôn vẫn thực hiện như trên nhưng cũng có số ít gia đình vì thương con nên cũng cho con trai những tài sản có giá trị, như nhà Amí Bép: “khi con trai lấy vợ thì mình đã cho con trai chiếc xe máy nó hay đi…”.
Như vậy ta thấy rằng, người con gái ngay từ khi mới sinh đã được xác định có vị trí, vai trò quyết định trong gia đình, được quyền thừa kế tài sản của ông bà tổ tiên. Chính vì vậy mà họ mang trong mình những trách nhiệm, nghĩa vụ nặng nề, bị thiệt thòi rất lớn, phải quần quật làm lụng, lo toan tất cả (kể cả việc phải kiếm một khoản tiền để cưới được chồng) không có thời gian rảnh rỗi nên trong xã hội truyền thống họ không tham gia vào các hoạt động xã hội, trình độ văn hoá kém. Ngược lại người đàn ông lại hầu như không phải lo toan đến cuộc sống gia đình, họ sống không có trách nhiệm để cùng vợ dạy dỗ con cái, sản xuất kinh tế, vun đắp gia đình. Hiện nay đã có sự thay đổi lớn ở buôn Tơng Sing, người chồng đã có trách nhiệm hơn, phụ nữ cũng tham gia vào các hoạt động văn hoá, bé gái đã được đi học như những người anh em trai của mình . Điển hình cho điều đó là gia đình nhà H’Rau Mlô, là một người phụ nữ con của một dòng họ lớn trong buôn, sinh ra vào lúc quá trình giao lưu văn hoá với người Kinh trên cùng địa bàn rất mạnh mẽ nên H’Rau đã may mắn được cắp sách tới trường, chịu khó học hỏi, ham hiểu biết,
lớn lên cô lấy chồng tách khỏi căn nhà dài của mẹ mà ra xây dựng gia đình với căn hộ riêng trên mảnh đất được thừa kế. Nay chi bộ Đảng của buôn có 9 đồng chí thì trong đó có H’Rau, nằm trong hội phụ nữ của buôn cô rất tích cực tham gia tuyên truyền giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, vân động bà con phát triển kinh tế, bỏ các hủ tục lạc hậu…và cô có uy tín được mọi người yêu quý, tin và nghe theo. Không chỉ riêng cô mà chồng cô là Y’Ranh K’sơn, một giáo viên cấp hai, một người đàn ông có học thức, tư tưởng tiến bộ, thương vợ và có trách nhiệm với gia đình. H’Rau cho biết “Ông ấy rất thích cô làm việc
xã hội, còn việc nương rẫy ông ấy giúp đỡ rất nhiều…”. H’Rau sinh 4 người
con nhưng toàn là con trai điều đó cũng làm cô buồn vì sẽ không có người nối dòng mình, nhưng cô cũng không xin con nuôi mà chăm sóc nuôi con chu đáo, tất cả đều cho đi học. Có điều đáng nói rằng, Y’Ranh khi đi làm giấy khai sinh cho con thì đều lấy họ của mình (K’Sơn) chứ không phải lấy họ Mlô, chứng tỏ rằng Y’Ranh muốn có trách nhiệm tuyệt đối với những đứa con và đó là một minh chứng của sự ảnh hưởng văn hoá người Kinh (lấy họ cha). Không chỉ có gia đình H’Rau mà nhìn chung tư tưởng của người Êđê ở đây đã thay đổi, người đàn ông đã phụ giúp những người phụ nữ trong việc nhà, nương rẫy. Họ đã có trách nhiệm giáo dục nuôi dạy con cái vì nhận ra đó là máu mủ ruột thịt của mình chứ không coi như người ngoài, thuộc dòng họ khác nữa… Tất cả những điều đó chứng tỏ bước tiến của xã hội mẫu hệ Êđê ở buôn Tơng Sing nói riêng và người Êđê nói chung.