Dòng họ là tổ chức của những thành viên trong một đơn vị thị tộc mẫu hệ. Nếu buôn là đơn vị cơ bản của xã hội Êđê truyền thống thì dòng họ là đơn vị hạt nhân của buôn truyền thống đó. Dòng họ có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội Êđê vì đối với người Êđê mối quan hệ thân tộc được tính theo dòng mẹ và quan hệ huyết tộc đã chi phối mạnh mẽ đến đời sống của các thành viên trong gia đình và các gia đình trong cộng đồng buôn
làng. Những công việc quan trọng của dòng họ đều được thực hiện theo quy định của mẫu hệ hay nói khác đi là dòng nữ chi phối toàn bộ dòng họ, gia đình người Êđê.
* Truyền thuyết về dòng họ
Truyền thuyết của người Êđê kể lại rằng, các dòng họ dời từ Băng Adrển (hang adrển - thuộc huyện Krông Ana ngày nay, cách thành phố Buôn Ama Thuột khoảng 35km về phía nam), vì ở mãi trong hang tối chật hẹp, tối tăm nên họ đã tìm đường đi lên mặt đất và các dòng họ đã nối đuôi nhau đi
lên: “Aỹun tă êlên, Êban dơngrộ Mlô dhiung hdruễ…Hdruễ kia băng…”[1,
57] nghĩa là người Aỹun phát đường, người Êban đi theo, người Mlô đi theo sau, còn người Hdruễ ở lại để giữ hang… Truyền thuyết cho biết rằng, người Niê Kdăm đi ra sau cùng, khi tới mặt đất thì các dòng họ khác giành phần cả rồi, tức quá họ liền dẫm chân lên đất và nói cái này thuộc về chúng tôi. Từ đó họ trở thành chủ đất (Pô lăn). Theo truyền thuyết thì người Êđê có nhiều dòng họ khác nhau. Thu Nhung Mlô trong Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử cho biết, ước tính người Êđê có hơn 50 dòng họ lớn nhỏ khác nhau và dòng họ Niê và dòng họ Mlô là hai dòng họ lớn nhất. Cũng như vậy ở buôn Tơng Sing thì hai dòng họ này cũng lớn nhất, song truyền thống dòng họ Niê vẫn chiếm vị trí đứng đầu. Mỗi dòng họ được chia thành các chi khác nhau. Thuộc dòng họ Niê tại buôn hiện có: Niê Ksơn, Niê Kdăm, Buôn Yă, Niê Xiêng, Niê Róc… Thuộc dòng họ Mlô: Mlô Buôn Krông, Êban, Kpă…Theo họ thì Niê và Mlô vốn là hai thị tộc gốc (thị tộc mẹ).
* Quan hệ dòng họ
Theo quy định những người cùng dòng họ không được kết hôn với nhau, cùng một họ nhưng không cùng một chùm, một chi cũng không được kết hôn với nhau vì quan niệm họ hàng là bà con thân thuộc, cùng một bà tổ. Nhưng lại được kết hôn giữa anh em cô cậu bởi vì không cùng dòng họ.
Trong buôn, các gia đình cùng một dòng họ sống với nhau coi nhau như bà con, họ hàng, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau. Dòng họ là chỗ dựa vững chắc cho từng gia đình cũng như từng thành viên trong cuộc sống. Trong một buôn, nếu có một người không cùng họ với bất kì một ai trong buôn đó thì họ cảm thấy lẻ loi và đơn độc, không có người che chở. Quan hệ dòng họ của người Êđê rất đa dạng, tính thân tộc phụ thuộc vào dòng họ gốc của người mẹ, con cái sinh ra trong gia đình đều đặt họ mẹ. Những phụ nữ sinh ra cùng một mẹ hoặc cùng một bà thì sẽ gọi con mình là con (anak) đồng thời cũng gọi những đứa con của chị em gái mình là con. Tương tự những người đàn ông cũng gọi con trai và con gái của anh em ruột là anak. Những đứa trẻ đó không chỉ gọi mẹ mình là amí (mẹ) mà kể cả chị em gái của mẹ cũng là amí. Những người đàn ông sinh ra cùng một mẹ đều được những đứa con của họ là ama (bố) [20, 296] .
* Vai trò của Dăm dei (Bác, cậu, anh em trai của mẹ)
Khi người đàn ông lấy vợ thì về ở nhà vợ nhưng cũng như trong mối quan hệ thị tộc mẫu hệ, bên dòng mẹ họ là em ruột hay anh ruột gia đình người đàn bà trưởng tộc, họ hợp thành một nhóm trợ lí cho bà ta và trong dòng họ, họ có vai trò rất quan trọng, gọi là các Dăm dei. Nếu như bên nhà vợ, người chồng chỉ giữ vai trò thứ yếu thì ngược lại họ có uy tín và trọng trách lớn đối với gia đình và chị em gái mình. Họ phải có trách nhiệm giúp đỡ chị em ruột, chị em họ và những đứa cháu của mình trong đời sống hàng ngày, thậm chí còn lo lắng có trách nhiệm hơn là trách nhiệm làm bố của những đứa con ruột của mình bởi vì những đứa cháu mới thực sự là người kế tục nòi giống, phát triển dòng họ của anh ta. Dăm dei có ý kiến quyết định nhiều vấn đề của dòng họ như hôn nhân, mua bán, những vụ kiện cáo tranh chấp, phân chia tài sản. Họ là người chủ trì toàn bộ các lễ được tổ chức trong gia đình nhà chị em gái của mình, chính Dăm dei đã gánh vác mọi trách
nhiệm của dòng họ. Dòng họ, con cháu đều quý trọng Dăm dei, và giúp đỡ dăm dei trong những lúc khó khăn, kể cả khi bị phạt vạ vì một lỗi lầm nào đó, gia đình chị em phải cùng nhau giúp trả. Có khi, lúc Dăm dei mất đi chị em đến xin mang xác về để chôn cùng những người quá cố trong dòng họ. Điều đáng chú ý, người em trai có quyền đưa ra ý kiến quyết định đối với hôn nhân của chị gái mình, nếu người em trai nhất định không đồng ý thì cuộc hôn nhân đó không được tổ chức. Như vậy, trong xã hội truyền thống vai trò của Dăm dei còn phản ánh rõ nét bức tranh xã hội mẫu hệ của người Êđê trong gia đình, dòng họ, xã hội. Ngày nay, trong buôn Tơng Sing, H’Ren cho biết vai trò của các Dăm dei nhìn chung vẫn giữ vị trí như xưa nhưng những ý kiến của Dăm dei đưa ra có thể không hoàn toàn phải thực hiện theo mà chỉ mang tính chất thông báo hay tham khảo mà thôi. Riêng trong các vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản, quyền lợi của dòng họ, thì ý kiến của các anh em trai vẫn mang tính chất quyết định, và không thể xem thường. Như trường hợp của gia đình nhà Y’Bét Mlô có 5 người con (3 gái, 2 trai), khi những đứa con gái đi lấy chồng nhưng không như trước là cùng sinh sống trong căn nhà dài mà theo nguyện vọng tách ra ở riêng, tuy nhiên người chị cả chưa lấy chồng và sức khỏe lại không bình thường, thỉnh thoảng lại bỏ đi. Khi chia tài sản cho 3 người con gái ông bà Y’Bét mời ông cậu đến dự và đưa ra ý kiến là chia vườn ra cho người con gái út nửa số đất, người con gái thứ hai một mảnh ở rẫy, còn căn nhà cũng số đất còn lại là của người chị cả để phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Hai người con trai là số đồ dùng thường ngày của họ vì sau này sẽ về nhà vợ. Ông cậu đã không đồng ý vì cho rằng người chị sẽ rất khó bắt được chồng về nên không đảm bảo cho sự duy trì của dòng họ, sức khoẻ lại yếu sẽ không thể nào phụng dưỡng cha mẹ. Vợ chồng Y’Bét tôn trọng và làm theo ý kiến của người cậu và phần của chị cả tráo đổi lại cho em út. Có thể nói vai trò của Dăm dei như là đại diện của dòng họ mẹ, không chỉ riêng dân tộc Êđê ở buôn
Tơng Sing mà dân tộc Êđê nói chung, cũng là đặc điểm nổi bật của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ như Giarai, M’nông… Qua khảo sát trong buôn Tơng Sing, sự tồn tại bền vững của vai trò Dăm dei trong cộng đồng tộc người Êđê đã chứng tỏ rằng thiết chế mẫu hệ của người Êđê vẫn được duy trì, bám rễ sâu sắc trong tổ chức gia đình, dòng họ, và trong cả quan niệm của họ nữa.