7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Giọng hoài cổ
Mỗi một nhà thơ bao giờ cũng có một giọng điệu riêng, một cách biểu hiện khác nhau. Giọng điệu thơ của thời đại sẽ là sự tổng hòa những giọng thơ riêng đó. Tuy nhiên chính nhà thơ cũng chịu ảnh hưởng giọng điệu thơ của thời đại. Mối quan hệ này sẽ tạo nên một nền thơ đa thanh, nhưng giọng điệu cá nhân yếu tố cá nhân vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng “Giọng điệu là thước đo không thể thiếu để xác định tài năng và phong cách độc đáo của người nghệ sĩ” [26,11].
Giọng điệu thơ ca trung đại khác hơn với thơ ca hiện đại. Giọng điệu Thơ mới 1932 – 1945 khác vơi giọng điệu thơ kháng chiến. Mỗi một nhà thơ lại có một giọng điệu riêng không trùng lặp với ai. Thơ Xuân Diệu thời kì Thơ mới là giọng nồng nàn, say đắm, rạo rực, khát khao đến cuồng nhiệt (Tôi muốn tắt nắng đi/Cho màu đừng nhạt mất). Huy Cận lại là giọng buồn sầu thiên cổ (Một chút linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu), Chế Lan Viên lại là giọng điệu thơ mang tính triết lý (Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn)… Có thể nói giọng điệu trong thơ rất quan trọng, “bản thân nó là một yếu tố vô hình nhưng lại là một thành tố tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, vừa cho phép nhận ra vẻ riêng độc đáo, vừa có ý nghĩa xác định chân tài một nhà văn” [26,11].
Thơ Quang Dũng cũng đa dạng về giọng điệu. Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ là những giọng điệu riêng nhưng chúng tạo nên nét độc đáo góp phần khẳng định phong cách thơ Quang Dũng. Thơ Quang Dũng thường tập trung vào giọng điệu chính như: giọng hoài cổ, giọng ngợi ca, giọng tâm tình sâu lắng. Ở đề tài nào chúng ta cũng nhận ra cái chất riêng trong giọng điệu của Quang Dũng, cái mà người ta gọi là nét riêng không thể lẫn.
Trong thơ trữ tình cổ điển hoài cổ là một chủ đề lớn. Mặc dù nhớ thương dĩ vãng là cảm xúc phổ biến của con người mọi thời đại nhưng “phải nhận ra rằng chỉ trong thời trung đại, với quan niệm bi quan về lịch sử cho rằng mỗi sự biến đổi đều dẫn tới sự suy đồi, thì hoài cổ mới thực sự nổi lên như một mạch cảm hứng lớn” [21, 373]. Nhiều bài thơ viết theo chủ đề này và giọng điệu chủ yếu là thương tiếc quá khứ, hồi tưởng về một thời tươi đẹp đối lập với thực hoang tàn của hiện tại. Trong thơ trung đại thiên nhiên và con người là một thể thống nhất cùng đồng cảm hòa chung vào nhau để nói tiếng nói chung. Vì thế thơ đọc thơ trung đại ta nhận ra được cảm xúc đối nghịch nửa u buồn, nửa tin tưởng hy vọng chuyển hóa trong những giọng thơ khác nhau nhưng chủ yếu là sự tiếc nuối, u hoài. Trong Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan là giọng thơ trầm buồn, cũng là tìm về với cảm xúc của thời xa xưa, kiểu cảnh đó, người đâu?: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Thành cũ lâu đài bóng tịch dương… Tới Thơ mới, nhiều bài thơ của Huy Cận cũng mang những nét của thơ cổ điển, cũng là giọng hoài cổ nhớ thương Lòng quê dờn dợn vời con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà… nhưng đã khác so với thơ cổ.
Trong thơ Quang Dũng, giọng hoài cổ xuất hiện trong số ít các bài thơ, chủ yếu là sự tiếc nuối, nhớ thương về những mối tình đã qua, là sự thương nhớ về quê hương trong những ngày xa quê. Hướng về những tình cảm đó, người đọc nhận ra một Quang Dũng hào hoa, lãng mạn đó nhưng cũng khá thâm trầm, sâu lắng, cũng u buồn, thương tiếc những gì đã qua. Có thể nói trong cuộc đời ai mà không một lần thương tiếc quá khứ, Quang Dũng đã sống, đã yêu, đã đi hết mình trên những chặng đường đời nhưng vẫn có những nuối tiếc xót xa về một thời xưa cũ. Đặc biệt trong tình yêu, một Quang Dũng say mê, dễ rung động, đa tình đến thế nhưng vẫn có những vần thơ hết sức đặc biệt.
Ở bài thơ Không đề, Vườn ổi giọng hoài cổ được thể hiện rất rõ, đó là sự tiếc nuối những mối tình với cô gái vườn ổi. Đây là cô gái để lại tình cảm sâu đậm nhất trong cuộc đời Quang Dũng và cũng nhiều ân hận nhất. Tình yêu nồng nhiệt là thế nhưng không thành do chàng trai nổi máu giang hồ dấn thân vào một chuyến đi xa
để lập nghiệp. Vì thế hình ảnh con đường xưa được nhắc lại nhiều lần trong bài thơ (Không đề) là hình ảnh thể hiện rõ nhất sự tiếc nuối đó:
Ơi! Con đường xưa Những mùa trút lá Cành bàng mồ côi Cổng cũ rêu phong Ý đợi người
Ơi con đường xưa Men vườn ổi thơm Em tuổi hai mươi Yêu anh hào hiệp
Không gian trong kí ức, trong tâm tưởng hiện về là những con đường, cành bàng, là vườn ổi (Những cây ổi thơm ngày ấy/Và vầng hoa ngâu mưa thu – Vườn ổi). Những kí ức đó dường như luôn thường trực trong tâm trí Quang Dũng. Sự tiếc nuối, xót xa và sự ân hận đã muộn màng nhưng đó là những tình cảm hết sức chân thành của Quang Dũng dành cho người con gái mình yêu.
Trong Tây Tiến giọng hoài cổ cũng bộc lộ. Bài thơ làm trong một lần ông ngồi nhớ về binh đoàn Tây Tiến một thời đã xa. Vì thế toàn bài thơ là giọng hồi tưởng (Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi). Thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc cùng với hình ảnh người lính hiện lên trong tâm tưởng của Quang Dũng thật đẹp. Trái với thơ trung đại thường tìm với cảnh vàng son một thời nhưng kết thúc lại là hình ảnh điêu tàn của thực tại và tiếc nuối nhưng trong Tây Tiến những hồi ức đó tươi đẹp nhưng cũng gian lao, khó khăn và hòa với sông núi hình tượng nhân vật hóa thân đẹp đẽ, phi thường hơn được nâng đỡ bằng cảm hứng lãng mạn và hình tượng đan xen nhau. Vì vậy bài thơ mang vừa có sắc thái cổ điển vừa lãng mạn hiện đại. Sự tiếc nuối dần biến mất và thay vào đó là sự ngợi ca, đề cao hình tượng nhân vật trữ tình.
Trong Nhớ một bóng núi là hồi tưởng về quê hương trong những cuộc kháng chiến:
Ngày ấy ra đi không hẹn núi Bây giờ đất nước đã hồi xuân Ba mươi năm chẵn bao mùa lúa Vẫn ngọt ngào thơm nắng chuyển vần … Sài Sơn kháng chiến mùa đông ấy Đón Bác dừng chân, cuộc đánh dài
Là hình ảnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám một thời:
Nhớ ai trên đường đi Bố Hạ Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm Đồn cũ Phồn Xương rét cuối năm Râu tóc tướng quân cờ nghĩa ruổi (Bố Hạ)
Giọng điệu hoài cổ trong thơ Quang Dũng tuy không là giọng chủ đạo trong thơ Quang Dũng nhưng mang màu sắc riêng của nhà thơ. Nó không u sầu, u hoài như thơ trung đại, cũng không cô đơn như thơ Huy Cận mà là sự tiếc nuối nhẹ nhàng pha chất trữ tình sâu lắng. Giọng hoài cổ kết hợp với giọng ngợi ca, giọng tâm tình sâu lắng trong nhiều bài thơ đã tạo nên sự đa dạng về giọng điệu trong thơ ca Quang Dũng góp phần xác định “chân tài” nhà thơ.