Hình tượng quê hương, đất nước

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 74 - 83)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.3. Hình tượng quê hương, đất nước

Đề tài quê hương, đất nước là đề tài vô cùng quen thuộc trong văn học Việt Nam. Từ văn học trung đại cho đến văn học hiện đại, quê hương đất nước hiện lên dưới những chiều kích khác nhau. Trong thơ ca cách mạng, hình tượng quê hương - đất nước đã vượt ra khỏi những điển cố, ước lệ khuôn sáo mà hiện lên cụ thể, nên thơ, gắn lền với những biểu trưng mới, những hình ảnh mới. Trong thơ Quang Dũng, hình tượng quê hương đất nước là một trong những hình tượng được xây dựng đặc biệt thành công. Viết về quê hương, đất nước, thơ Quang Dũng luôn bộc lộ tình cảm tha thiết, thương yêu, sự gắn bó máu thịt, một tâm hồn nồng hậu, say mê những vẻ đẹp tinh khôi, say mê những gì thuộc về đất nước.

Phải công nhận một điều rằng, không phải bất cứ ai viết về quê hương, về đất nước cũng thành công. Nhưng đọc thơ Quang Dũng người đọc nhận ra một đất nước Việt Nam gần gũi, thân thương được biểu hiện qua cái hồn quê sâu lắng, trữ tình, tha thiết của tác giả,. Trong hầu hết tất cả những bài thơ của Quang Dũng, kể cả những bài viết về đề tài chiến tranh, ở bất cứ địa danh nào bóng dáng của nước Việt Nam thân thương cũng luôn luôn xuất hiện với những hình ảnh quen thuộc, bình dị, trong sáng.

Vốn Quang Dũng là người ưa đi, ham đi, và thực sự đã đi rất nhiều. Hầu như nếu có dịp được đi bất cứ đâu, dù xa xôi cách trở, Quang Dũng đều không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội đó. Vì thế mà “trong một quê hương Việt Nam, anh có nhiều quê hương nhỏ” [mây đầu ô, 14], có lúc Quang Dũng phải thốt lên rằng “Nhiều quê hương quá, chúng mình đi đâu?” [ ,14]. Chính nhờ những chuyến đi như thế, cộng

với tâm hồn yêu quê hương tha thiết, quê hương đất nước trong thơ Quang Dũng hiện lên chân thực, bình dị, gần gũi với những hình ảnh thân quen. Ta như lạc vào một không gian làng quê truyền thống với những chuối, ngô, khoai, sắn, với ruộng bậc thang xanh xanh, với cầu ao, bờ suối… Mặc dù trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đất nước phải trải qua những cuộc chiến đấu chống giặc lại kẻ thù nhưng một Việt Nam gần gũi, thân thương, giàu đẹp vẫn hiển hiện trong thơ Quang Dũng thật sinh động, tươi mát, trong lành:

Mãi mãi xanh tươi nguồn Đáy chậm Ngô khoai dâu mía dệt đôi bờ

( Nhớ một bóng núi) Những bãi ngô dài trên bãi cát

( Ba Vì đón Bác) Róc rách suối len

Cuộc tròn trong vắt Sắn nương thơm thơm Cầu thang ai hát Bậc thang ruộng gặt

(Bắt tép kho cà) Tiết hè ếch nhái rộn bờ ao

( Cố Quận)

Quê hương là những gì gần gũi, thân thiết nhất. Nó trở thành kí ức khó phai, tiềm tàng trong trái tim mỗi con người. Người Việt ta khi xa quê hương, nhắc đến quê hương có lẽ nào lại không hiển hiện ngay trong tâm trí mình hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Trong thơ Quang Dũng người đọc bắt gặp cũng là những hình ảnh cây đa, cầu ao, tàu cau, ngõ trúc… cũng là tiếng ếch kêu - âm thanh quen thuộc không thể lẫn gợi nhắc về miền quê hương thân thương, gắn liền với những kỉ niệm những ngày tháng từng gắn bó trong cuộc đời. Một bức tranh quê hương nên thơ,

giàu màu sắc trong những ngày hè hòa với âm thanh râm ran, hòa với ánh sáng của những đêm trăng thơ mộng:

Trăng sáng sân vờn đôi bóng cau … Gió mát long lanh vầng Bắc đẩu Tiết hè ếch nhái rộn bờ ao

… Ngõ trúc quanh quanh sâu bóng lá Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa

(Cố Quận)

Một không gian quen thuộc của làng quê Việt Nam truyền thống trong thơ Quang Dũng gợi những cảm giác về một miền quê yên ả, trong trẻo, gợi những nét trong sáng, thân thương. Những hình ảnh đó không chỉ xuất hiện một lần trong thơ Quang Dũng mà được lặp lại nhiều lần, là những kí ức không thể phai mờ, gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người. Những “bèo lạnh”, “cầu ao” bỗng trở nên tha thiết:

Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ (Thu)

Khuya về chân khỏa vội cầu ao

(Những làng đi qua)

Những hình ảnh quen thuộc bình dị ấy hiện lên trong thơ Quang Dũng được chính nhà thơ thâu tóm trên những chặng đường hành quân, chặng đường đời của mình. Gót “chân giang hồ xê dịch” của anh bỗng trở nên hòa với thiên nhiên, đất trời, “nên trong thơ, trong vẽ của anh không thấy cảnh cao sang quyền quý, không thấy cảnh trau chuốt lục hồng” [101, 9]. Vì thế quê hương, đất nước được Quang Dũng cảm nhận giản dị, cụ thể, miêu tả trực tiếp song cũng rất lãng mạn. Lời thơ mộc mạc,

tự nhiên khiến người đọc cảm nhận được nét thanh bình, yên ả của quê hương xử sở đồng thời nhận ra cái hồn dân tộc tha thiết, sâu lắng trong con người Quang Dũng. Đằng sau cái bình dị thân thương đó là một tâm hồn yêu tha thiết quê hương xứ sở

một tâm hồn nồng hậu say mê những vẻ đẹp tinh khôi, say mê những gì thuộc về đất nước.

Viết về quê hương, đất nước Quang Dũng dành cho nơi mình sinh ra và lớn lên những tình cảm đặc biệt, sâu sắc, những vần thơ trong sáng, lung linh. Trong đáy sâu tâm hồn của trái tim mình quê hương đã trở thành máu thịt hiện lên với những gì đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất. Cho dù đang sinh sống hay đi xa, quê hương “xứ Đoài mây trắng” với đất đá ong, với núi Ba Vì xanh xanh… có một vị trí vô cùng đặc biệt trong tâm hồn, trong thơ ca Quang Dũng. Viết về quê hương nơi mình sinh ra, Quang Dũng đã dành những câu thơ đẹp nhất, tình cảm nhất, tha thiết nhất. Xứ Đoài của Quang Dũng hiện lên thân quen, thơ mộng. Một không gian đẹp hòa chung với tấm lòng tha thiết yêu quê hương, yêu thiên nhiên của tác giả đã tạo nên những dấu ấn khó phai với nhiều người, một Quang Dũng riêng không thể lẫn.

Nếu như từng bắt gặp một miền quê Kinh Bắc của Hoàng Cầm với hình ảnh

xanh xanh bãi mía bờ dâu/ ngô khoai biêng biếc, một Hà Nội xưa yêu dấu “xao xác hơi may” của Nguyễn Đình Thi, một xứ Nghệ gió Lào khắc nghiệt của Hoàng Trung Thông, thì với Quang Dũng hai tiếng quê hương thân thương hiện lên là “xứ Đoài mây trắng”, là miền đất đá ong, là núi Ba Vì xanh xanh nơi chân trời. Vùng quê đó gắn liền với những kí ức của một thời ông từng sống, là dòng sông Đáy thân thương trong một sáng tinh khôi, là những cô hàng xén chăm chỉ xinh đẹp “vén váy nâng quần” lội sông, là những rặng vải, hàng cau:

Rặng vải ven sông Đáy Um tùm bóng cuối xuân Sông cạn phơi lòng cát trắng Người qua nâng váy ôm quần … Sông hiu hiu chiều

Gió mát ven đê

Các cô hàng xén gánh về

Quê hương xứ Đoài rộn ràng những chiều hôm với những âm thanh của sáo diều, của tiếng cười reo vang từ đầu làng tới cuối xóm:

Hàng cau chiều phất phơ

Diều sáo vang lên trong sáng tỏ Ngõ làng rộn tiếng cười reo, chó sủa Hoa lan vào ngõ tối còn thơm

(Những cô hàng xén)

Một vùng đất luôn gắn liền với tiếng sáo diều, với trăng sáng, với đất đá ong thân quen:

Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo

Diều khuya trầm bổng giọng quê hương Đất đá ong trong lòng giếng mát

Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương

(Nhớ một bóng núi)

Và là vùng đất nổi bật với hình ảnh “mây trắng”:

Hãy ngẩng đầu lên nhìn chóp Tản Viên Mây trắng xưa nay về tụ họp

(Ba Vì đón Bác)

Vì thế mỗi khi xa quê, quê hương thân yêu hiện lên trong kí ức Quang Dũng luôn gắn liền với hình ảnh thân thiết đó. Tha thiết, sâu lắng nhưng cũng rất thơ mộng. Ông luôn luôn hướng về với tình cảm sâu nặng, thành lời thơ “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” trường tồn cùng thời gian, năm tháng.

Quê hương, đất nước trong thơ Quang Dũng tuy vậy vẫn mang bóng dáng của một đất nước thuần nông nghiệp, nên bên cạnh những hình ảnh cụ thể, nên thơ vẫn là một Việt Nam nghèo khó:

Thân ngô xơ xác Nhặt gốc tre khô Ta nhom ấm nước

(Thu quê ai) Nhà tranh hốc hác

Cuối làng trơ vơ

(Nhớ)

nhưng dù nghèo khó tình người chân thành, nếp sống sinh hoạt thân thuơng đã để lại những vấn vương trong lòng mỗi người ghé qua:

Chiều rồi ba lô lại ra đi

Bâng khuâng hồn lính vấn vương gì … Nhớ bát muối vừng

Nồi cơm trộn sắn

(Nhớ)

Thơ Quang Dũng ít miêu tả đất nước nghèo khó, chỉ trong thơ Nguyễn Duy hình ảnh những miền quê nghèo khó, xơ xác được miêu tả khá nhiều, được khắc họa đậm nét, chi tiết:

Nơi ấy, vùng ta còn đun rơm, đun rạ (Xó bếp)

Viết về quê hương, đất nước trong chiến tranh, không chỉ là hình ảnh quê hương mộc mạc, dân dã gợi dường như chưa hề bị một sức mạnh nào xâm chiếm, tác động làm biến đổi cái nếp sống bền vững tồn tại lâu đời mà đã xuất hiện những hình ảnh mới. Chiến tranh đến, cuộc sống vốn dĩ yên ả bị phá vỡ, tiếng bom rơi đạn nổ đã trở thành ám ảnh, hiện hình trên mảnh đất thân yêu:

Từ độ thu về hoang bóng giặc Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn Đất đá ong khô nhiều suối lệ Em đã bao ngày lệ chứa chan

(Mắt người Sơn Tây)

Không gian làng quê thanh bình một thời:

Đỏ, nâu, mít chín trĩu cành Thưa thoáng trời xưa êm ả

(Thu quê ai)

nay đã hiện lên trong một không gian mới. Quê hương trong thơ Quang Dũng không khô cứng, nó có sức sống cuồn cuộn ở bên trong. Một bức tranh hoành tráng, tuyệt đẹp về quê hương những ngày toàn dân kháng chiến đã hiện lên bằng con mắt quan sát tinh tế, chân mộc và chứa chan cảm xúc:

Những làng trung đoàn ta đi qua Tiếng quát dân quân đầu vọng gác Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp Nùn rơm – Khói thuốc – Bạch đầu quân Tự vệ xách đèn chai lối xóm

Khuya về chân khỏa vội cầu ao Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch

Vỡ lá bàng khô bước du kích

(Những làng đi qua)

Vũ Từ Trang cho rằng: “Quang Dũng là người yêu làng quê, hiểu nếp sống và tập tục của người dân các xóm làng: nùn rơm, đèn chai, cầu ao… Ở cái làng quê đẹp và yên bình kia, cuộc sống vẫn chảy dồn dập. Dân quân ngoại trạm gác, các cụ bạch đầu quân ngồi bên nùn rơm thuốc lào… Sau cái sôi động, dồn dập kia, vẻ đẹp thanh bình của thôn xóm lại hiện ra. Tiếng quả sung chín rơi rụng bên chiến hào… Phải thấm sâu hồn quê, thấm sâu hồn kháng chiến như thế nào, ông mới vẽ nổi bức tranh đẹp và quý như vậy” [90].

Thanh bình, bình dị, thân thương là thế, nghèo khó là thế, quê hương đất nước trong thơ Quang Dũng vẫn là nỗi khoắc khoải khôn nguôi của những ai xa quê. Nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, hình ảnh quê hương điêu tàn, bị chiến tranh tàn phá là nỗi nhức nhối, đau đớn khôn xiết. Vì thế quê hương trong thơ Quang Dũng luôn gắn

liền với tâm trạng tha hương. Dù đi bất cứ nơi đâu Quang Dũng cũng luôn hướng về quê nhà, hồi tưởng những gì thân thiết, gắn bó nhất, hoặc bất ngờ bắt gặp một hình ảnh nào đó cũng gợi lên nỗi nhớ quê. Đọc Chiều núi mưa rào, Thu quê ai, Bắt tép kho cà, Nhớ một bóng núi, Trưa hè ta nhận ra nỗi lòng, tâm trạng đó của tác giả:

Xa quê dẫu chẳng võ vàng

Trông mấy nhớ núi nhớ mây làng về trưa (Trưa hè) Kỳ Sơn mây kéo nặng

Hao trẩu rụng đầy đường Sấm đầu mùa đã động Sao động lòng tha hương?

(Chiều núi mưa rào)

Hình tượng đất nước Trong thơ Quang Dũng được nghĩ với một tầm cao mới, là những khái quát sâu xa về dân tộc, lịch sử, con người Việt Nam. Nếu Chế Lan Viên đã từng có những khám phá bất ngờ mang tầm khái quát, triết lý sâu xa về sức mạnh của nước Việt Nam truyền thống:

Tất cả núi hóa Trường Sơn lẫm liệt

Mỗi sông rạch miền Nam đều đỏ sắc Hồng Hà Cả dân tộc đều trên mình ngựa thép

Ba mốt triệu cháu con đều có dáng ông cha

(Xuân 68 gửi miền Nam Tổ quốc)

Thì trong thơ Quang Dũng bóng dáng của một nước Việt Nam hùng vĩ, oai nghiêm, thiêng liêng của mấy nghìn năm lịch sử cũng dội về. Cuộc kháng chiến chống Pháp là sự khẳng định sức mạnh Việt Nam tự bao đời, là sự tiếp nối truyền thống đó. Đất nước Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cũng mang tầm khái quát, là sự hun đúc từ truyền thống, từ khí thiêng sông núi. Ta như nghe được tiếng hồn sông núi của một đất nước sức sống cuồn cuộn anh dũng trong chiến tranh với giọng thơ ngợi ca:

Chống Pháp

ngày đêm những tháng ròng Đại bác, xe tăng không thắng nổi Lũy tre Việt Nam

và tường Sơn Tây đá ong (Ba Vì đón Bác)

Ta cũng như đang được lắng nghe cái náo nức, tươi vui, niềm tự hào về một nước non hùng vĩ đang chuyển mình, một đất nước hùng vĩ, thiêng liêng như tự ngàn đời, mang vẻ đẹp như trong thần thoại, truyền thuyết hòa trong tiếng mùa xuân êm ả của những lộc non và chồi biếc:

Hãy nghe êm ả tiếng mùa xuân Thở nhẹ cành non đang nảy lộc Hãy ngẩng lên nhìn chóp Tản Viên Mây trắng xưa nay về tụ họp

… Ở đây đất nước gấm hoa sao! Sông Đà đổ nước vào sông Thao Hội với sông Lô đầu Bạch Hạc Mỏn dốc Trung Hà nhìn bát ngát … Ở đây phảng phất khí Phong Châu

(Ba Vì đón Bác)

Và một Pha Đin hùng vĩ “đẹp như sơn thủy tranh đời Tống” không gì sánh được:

Như từng đợt sóng bủa lên trời Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được

… Lên thì “Cổng trời”, xuống vực thẳm Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang Ngựa thồ đỉnh dốc nhỏ như kiến Đi trong đường mây rắc bụi vàng

(Pha Din)

và mây trắng đã trở thành biểu tượng của hồn thiêng sông núi “Pha Đin ngàn chóp nổi hồ mây”. Trong thơ Quang Dũng, mây đã trở thành hình ảnh biến hóa và mang nhiều ý nghĩa, trong đó quê hương, đất nước luôn gắn liền với những “bóng mây”, đường mây”. Hình ảnh đó trở nên một cái riêng, độc đáo nhưng cũng rất gần gũi, là hình ảnh mang nhiều sáng tạo của tác giả.

Hình tượng đất nước trong thơ Quang Dũng còn được biến hóa dưới nhiều hình ảnh khác như con đường hành quân trong những buổi giao quân, những cánh rừng đại ngàn, thâm nghiêm, những dòng sông Hồng, sông Đáy hiền hòa… Tất cả những hình ảnh đó vừa hòa mình vào cuộc kháng chiến vừa là chứng nhân lịch sử, che chở bảo vệ con người, khẳng định một Việt Nam gần gũi, hiền hòa trong nhưng cũng vô cùng kiên cường, mạnh mẽ với lòng quyết tâm giành lại độc lập không dung chứa những kẻ thù xâm lược, lời tuyên ngôn “Ba mươi năm tử chiến/Không chung thước đất với kẻ thù xâm lược” như còn truyền tụng mãi với non nước ngàn năm…

Quang Dũng đã có những thành công lớn trong việc xây dựng hình tượng quê hương, đất nước. Với hình tượng này Quang Dũng đã gắn liền tạo được những hình ảnh vừa chân thật bình dị nhưng cũng hết sức hùng vĩ, thiêng liêng với cảm xúc tự hào và niềm yêu thương quê hương tha thiết. Quê hương, đất nước trong thơ Quang Dũng được thể hiện với nhiều giọng điệu khác nhau, khi thì hào sảng, ngợi ca, khi thì tâm tình sâu lắng. Với hình tượng này thơ Quang Dũng đã tạo được một nét riêng, một cá tính riêng mặc dù vẫn mang những nét thân quen, quen thuộc.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 74 - 83)