Đặc điểm thẩm mỹ của thơ kháng chiến chống Pháp 1945-

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 30 - 35)

7. Cấu trúc luận văn

1.1.2. Đặc điểm thẩm mỹ của thơ kháng chiến chống Pháp 1945-

Cùng với sự ra đời và trưởng thành của lớp nhà thơ cách mạng trong cuộc kháng chiến lịch sử - cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ ca 1945 – 1954 đã thu được rất nhiều những thành tựu đặc sắc, là giai đoạn mở đầu cho nền thơ ca cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về chất lượng đội ngũ sáng tác, cả về chất lượng thơ ca. Thành công đó đã tạo cho thơ 1945 - 1954 những nét riêng biệt, khác biệt hoàn toàn với thơ ca trước cách mạng. Nó được biểu hiện qua những đặc điểm lớn sau:

Một nền thơ ca hướng về cách mạng, phục vụ cách mạng, lấy hiện thực cách mạng làm nguồn cảm hứng lớn cho văn học cách mạng, là vũ khí đấu tranh của cách mạng. Thơ 1945 - 1954 luôn bám sát hiện thực cách mạng, lấy đó làm đề tài, cảm hứng cho sáng tác của các nhà thơ. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, liền sau đó đất nước ta lại tiến hành hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc dân tộc, vì thế nền văn học phải hướng về cách mạng, động viên, cổ vũ tinh thần cho cuộc

kháng chiến. Văn học phục vụ chính trị là một yêu cầu cơ bản và tất yếu của Đảng ta. Lúc này Đảng giữ vai trò tiên phong, lãnh đạo, chỉ đạo văn học nghệ thuật đi theo chủ trương, đường lối mà Đảng đề ra, vì thế thơ ca phải có những chuyển biến cho phù hợp. Để phù hợp, thơ ca phải có những cách tân, những biến đổi mới, khai thác những đề tài mới, xây dựng những hình tượng nhân vật mới, tìm tòi ngôn ngữ mới sao cho phù hợp với đời sống xã hội, đồng thời đáp ứng một phần không nhỏ cho nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Thơ 1945 - 1954 đã tập trung biểu hiện những tình cảm cộng đồng và tinh thần dân tộc một cách sâu sắc, thể hiện tình yêu nước với những cách biểu hiện phong phú phong phú, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội với cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào cách mạng, “Thơ ca đã vận động và vươn lên theo hướng đó” [49, 80]. Các nhà thơ nhanh chóng nhận ra vai trò của mình và hòa nhập hồn thơ vào cái hồn của thời cuộc. Trước những biến cố dữ dội của cuộc sống cách mạng trước những điều mới và lạ, các nhà thơ đã thấy được niềm tin nên tin tưởng trong đội ngũ của tập thể, giai cấp, dân tộc.

Trong thơ 1945 - 1954, lòng yêu nước là tình cảm và sâu sắc nhất, nó gắn bó mọi người Việt Nam trong một khối thống nhất, đặc biệt trong cách mạng và hoàn cảnh, tình cảm ấy càng được bền chặt và được thể hiện thành nhiều trạng thái khác nhau. Là một Quang Dũng với Mắt người Sơn Tây thiết tha, sâu lắng về miền đất đá ong, một Hoàng Cầm Bên kia sông Đuống đau xé lòng trước cảnh quê hương bị tàn phá, một Nguyễn Đình Thi với Đất nước bâng khuâng trước cảnh thu về… Lòng yêu nước còn đi liền với lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù, tinh thần lạc quan vượt gian khổ và luôn đặt niềm tin vào lãnh tụ.

“Mỗi thời kì văn học, mỗi khuynh hướng sáng tác đều có một số hình tượng nổi bật, in dấu ấn của mình… Kế thừa dòng thơ yêu nước, thơ kháng chiến đã khắc họa được nhiều hình tượng mới mẻ như hình tượng Tổ quốc, hình tượng lãnh tụ, hình tượng người chiến sĩ cách mạng, hình tượng nhân dân… khác về chất so với thơ trước 1945”. [87, 87]. Thơ giai đoạn 1945 – 1954 cũng như giai đoạn 1954 - 1975

hình tượng người chiến sĩ cách mạng đã trở thành hình tượng trung tâm, “trong thơ hình ảnh anh bộ đội đã thu hút nhiều bút lực” [87, 85]. Cùng với những hình tượng khác, hình tượng người chiến sĩ đã tạo nên một giai đoạn với những nét riêng biệt của nó, góp phần khẳng định vai trò của thơ ca cách mạng trong nền văn học nước nhà. Người lính trong thơ 1945 - 1954 luôn hiện lên là những con người hiền lành, giản dị, chất phác nhưng rất anh dũng. Chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của người lính trong một số bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Nhớ của Hồng Nguyên… ở mỗi bài thơ hình tượng người lính đều hiện lên với những vẻ đẹp riêng nhưng bao trùm lên tất cả là cảm hứng ngợi ca, tự hào những con người chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên thơ 1945 - 1954 vẫn chưa đi sâu khai thác những mặt tinh tế trong tâm hồn người chiến sĩ mà nặng về phần lí trí, song điều đáng ghi nhận là hình tượng người chiến sĩ càng ngày càng trở nên gần gũi với cuộc sống.

Hình tượng người mẹ, người vợ, em bé liên lạc, dân quân, thanh niên xung phong cũng được chú trọng xây dựng, miêu tả. Họ thuộc nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi nhưng đều tỏa sáng trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Bản thân họ rất mộc mạc, giản dị, nhưng bản lĩnh, hai vai gánh vác nợ nước thù nhà. Mỗi một hình tượng đều có những cách thể hiện riêng, cảm xúc riêng nhưng nổi bật vẫn là tinh thần hăng say lao động, sản xuất phục vụ kháng chiến, luôn luôn hướng về cuộc cách mạng. Một số bài thơ thể hiện rõ nét hình tượng này như Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông, Nhớ của Hồng Nguyên, Bầm ơi của Tố Hữu… Có thể nói “thơ cách mạng đã sáng tạo ra một thế giới sử thi độc đáo, trong đó già trẻ, lớn bé, thanh niên, phụ nữ, tiền tuyến, hậu phương, bộ đội, cán bộ… đều sống trong một cuộc đời chung khác thường” [78, 91].

Thơ 1945 - 1954 luôn miêu tả và thể hiện hình tượng nhân vật trong các mối quan hệ xã hội chứ không phải các mối quan hệ riêng tư, gia đình. Các mối quan hệ này dù có được nói đến cũng phải đặt trong mối quan hệ xã hội , làm “cụ thể hóa và sâu sắc thêm cho những tình cảm xã hội, quan hệ cộng đồng”, “các giới hạn cá nhân

bị phá vỡ để hòa chung trong cuộc sống lớn” [79, 93]. Con người trong thơ ca được đặt trong không gian lớn, môi trường lớn, không gian cộng đồng để từ đó bộc lộ, tự hiện diện. Vì thế trong thơ “cái tôi” cá nhân cũng ít có cơ hội xuất hiện mà dành lớn công sức cho sự biểu hiện “cái tôi” trữ tình quần chúng và các nhân vật trữ tình trong thơ. Những bà Bủ, bà Bầm, chú Lượm, cô gái dân quân… là những nhân vật đại diện cho quần chúng, mang lý tưởng của thời đại và đấu tranh cho cuộc chiến đấu của dân tộc.

Thơ 1945 - 1954 mở rộng phạm vi đề tài, tăng cường chất liệu hiện thực và các yếu tố tự sự, đưa thơ trở về với hiện thực đời sống của nhân dân, đất nước, từ đó nhà thơ “đã tìm thấy chất thơ trong đời sống hàng ngày, trong sinh hoạt, lao động và đấu tranh của quần chúng” [59, 97]. Những nhà thơ cách mạng trước những biến đổi lớn của hiện thực cuộc sống đã hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân, vui cái vui của mọi người, buồn cái buồn của mọi người, thay dổi dần quan niệm sống cho phù hợp, vì thế thơ cũng trở nên gần gũi đời thường hơn. Do vậy, tình cảm được biểu hiện nhiều nhất, đẹp nhất trong thơ tình đồng đội khó phai mờ, cùng chung vai sát cánh vượt qua gian khổ. Tình quân dân cũng hiện lên hết sức chân thật, sâu sắc, qua Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Làng tôi của Lưu Trùng Dương, Nhớ mãi của Quang Dũng… Có thể nhận thấy thơ 1945 - 1954 đã tìm thấy chất thơ trong cái bình dị hàng ngày, cái gần gũi của đời sống kháng chiến, những tình cảm, cảm xúc của con người quần chúng và có những cách biểu hiện cho phù hợp, “hầu hết những bài thơ nào cũng được dan dệt bằng những chi tiết, hình ảnh, sự việc của đời sống kháng chiến” [59, 99] làm gia tăng đáng kể chất tự sự của thơ, đan xen với những vần thơ chau chuốt lại xuất hiện lối kể chuyện, miêu tả không chỉ có ở một số bài thơ ngắn nhất mà ở những bài thơ có độ dài gần với trường ca, truyện thơ như Kể chuyện Vũ Lăng của Anh Thơ, Người đàn bà Ninh Thuận của Tế Hanh, Mẹ con đồng chí Chanh của Nguyễn Đình Thi… Đây là một trong những đặc điểm mới mẻ, đặc sắc góp phần lớn cho sự thành công của thơ 1945 – 1954.

Thơ 1945 - 1954 sử dụng phổ biến các thể thơ dân gian song không ngừng đổi mới, cách tân, phát triển thơ theo thể thơ tự do và lối thơ hợp thể. Tố Hữu được xem nhà nhà thơ xuất sắc nhất trong việc sử dụng thành công thể thơ lục bát quen thuộc của dân gian (Bầm ơi, Việt Bắc…). Còn Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Lưu Trọng Lư lại đặc biệt thành công khi khai thác thể thơ hát dặm Nghệ Tĩnh trong những bài thơ tiêu biểu của mọi người. Thơ tự do đã được thể nghiệm trong thơ mới 1932 – 1945 nhưng chưa thực sự thành công. Sự biến đổi của thể thơ cùng với những nội dung mới của thời kì mới đã đáp ứng được nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống khẩn trương, quyết liệt… Thơ tự do vì thế trở nên thuận lợi, có điều kiện phát triển và thể hiện khả năng nắm bắt, phản ánh dung chứa được nhiều vấn đề của thời đại.

Cùng với sự biến đổi về nội dung, tư tưởng, cảm xúc ngôn ngữ thơ cũng có những biến đổi tương ứng. Ngôn ngữ thơ 1945 - 1954 chuyển dần sang ngôn ngữ đời thường, mộc mạc, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Những từ ngữ so sánh theo lối ví von của ca dao, cách đối đáp hàng ngày, từ ngữ địa phương không còn quá xa lại với địa hạt thơ 1945 – 1954, trở thành nét đặc sắc, nét riêng, nét mới của thơ kháng chiến. Ngôn ngữ thơ không còn sự cầu kì vốn có nữa mà trở nên gần gũi, bình dị, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và những không gian làng quê với ngô, khoai sắn, ngò cải, con trâu… không gian rộng lớn của đất nước cũng được biểu hiện rất sinh động mang lại cho người đọc những cảm xúc mới, tạo nên bước đột phá mới cho thơ kháng chiến. Một đặc điểm của thơ kháng chiến là việc sử dụng rộng rãi địa danh, chưa bao giờ thơ ca lại có sự xuất hiện nhiều địa danh như vậy, nhưng sự xuất hiện đó không hề mang lại những phản cảm, trái lại góp phần biểu hiện những tình cảm quê hương, đất nước thắm thiết hơn, gần gũi hơn. “Quang Dũng và Tố Hữu là hai tác giả tiêu biểu nhất cho việc sử dụng thành công địa danh trong thơ” [59,101]. Thơ 1945 - 1954 cũng chuyển dần từ thơ điệu ngâm sang thơ điệu nói và đạt được những bước đi chắc chắn.

Thơ 1945 - 1954 là một bước đi dài trong nền thơ ca Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của thơ ca cũng như đội ngũ sáng tác. Đó là kết quả của một quá trình lích lũy lớn tạo những tiền đề cho thơ ca chống Mỹ phát triển.

1.1.3. Một phong cách giữa nhiều phong cách đa dạng

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 30 - 35)