Vị trí của Quang Dũng trong nền thơ kháng chiến chống Pháp 1945-

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 27 - 30)

7. Cấu trúc luận văn

1.2. Vị trí của Quang Dũng trong nền thơ kháng chiến chống Pháp 1945-

1954

1.2.1. Đội ngũ các nhà thơ “thế hệ chống Pháp”

Cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập kéo dài suốt ba mươi năm của đất nước ta đã tác động, chi phối vô cùng mạnh mẽ đến đời sống xã hội, tâm tư, tình cảm của mỗi người Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng lớn, chủ đạo góp phần thúc đẩy nền văn học dân tộc lớn mạnh, đa dạng và phong phú. Nhiều thể loại văn học giai đoạn này phát triển rầm rộ, đạt được nhiều thành tựu lớn, đánh dấu một nền thơ ca cách mạng xuất sắc không chỉ trên các lĩnh vực thơ ca, văn xuôi … mà còn hình thành được một đội ngũ sáng tác đông đảo tập hợp dưới lá cờ cách mạng. Thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng với sự chuyển mình của hiện thực cách mạng đã bắt được mạch chung của cách mạng và đều có những đặc điểm, thành tựu và đội ngũ sáng tác riêng.

Đội ngũ sáng tác của thơ ca 1945 – 1954 là đội ngũ mới, có nhiệm vụ đi tiên phong tạo nền móng cho nền thơ ca cách mạng. Đây là giai đoạn tiếp nối thơ ca trước đó và nối liền thơ ca chống Mỹ sau này vì vậy đội ngũ các nhà thơ cũng trở nên hết sức đặc biệt. Ngoài lớp nhà thơ mới được hình thành và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn có một số lượng lớn các nhà thơ đã có tên tuổi, đã có những thành tựu nhất định về thơ ca giai đoạn trước cách mạng.

Lớp nhà thơ xuất hiện trước cách mạng đã từng ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm nổi bật thời kì trước như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu, Anh Thơ … hầu hết đều thuộc phong trào Thơ mới 1932 – 1945. Trong bối cảnh lịch sử mới, họ

đã nhập cuộc với đời sống cách mạng, hòa mình với cuộc kháng chiến và đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thơ ca cách mạng. Mã Giang Lân cho rằng chính “cách mạng đã thay đổi cả nhận thức và tình cảm của lớp người có tên tuổi” này [ 49, 31]. Tuy nhiên sự nhập cuộc của các nhà thơ mới không hề đơn giản. Trước cách mạng bản thân họ đều là những nhà thơ lãng mạn, đề cao cái “tôi” cá nhân và nhiều lúc không tìm được lối đi cho chính mình, rơi vào trạng thái quẩn quanh, bế tắc. Trong hoàn cảnh mới, lớp nhà thơ này nhập cuộc đã tìm được đường đi mới cho mình, hòa mình vào cách mạng và quan điểm thơ ca của họ cũng dần thay đổi. “Nhiều thái độ, chính kiến, quan niệm cuộc đời và nghệ thuật rất khác nhau, nhưng các nhà thơ đều gặp nhau ở một tâm trạng rất quý là góp sức mình vào sự nghiệp chung, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Anh Thơ… có những chuyển biến quan trọng. Sự chuyển biến diễn ra phức tạp, quanh co, dai dẳng. Có người viết nhiều viết khỏe nhưng chưa thật nhuần nhuyễn (Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư)… Có người viết rất ít, hầu như im lặng (Huy Cận). Điều nhận ra ở đây là thơ của họ đã đến với cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng một cách chân thành, say sưa nhưng có khi rơi vào trình trạng đơn giản, nôm na, dễ dãi” [49,109].

“Về cơ bản, họ đã vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ, cách biệt của một cuộc “nhận đường”, “lột xác”, một cuộc đấu tranh “Phá cô đơn - Ta hòa hợp với người”, “Từ chân trời một người ra đến chân trời mọi người”. Dẫu chưa thực sự có được sự hòa điệu với tâm hồn của những con người “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, nhưng sự hòa nhập và bước đầu nhiệt thành của lớp nhà thơ này đã tạo được những đóng góp bước đầu, đáng quý của họ vào nền thơ cách mạng, kháng chiến” [47, 44].

Lớp nhà thơ thứ hai chính là lớp nhà thơ trẻ ra đời và trưởng thành trong phong trào cách mạng, được cách mạng “đào tạo và bồi dưỡng”: Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Vũ Cao, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… Tuy là những nhà thơ mới, trẻ nhưng “dần đã khẳng

định được bản sắc riêng, giàu vốn sống thực tế, góp cho thơ những tiếng nói vừa khỏe khoắn, giàu ấn tượng” [47, 43]. Lớp nhà thơ này có người từng tham gia trong quân đội hình thành kiểu nhà thơ – chiến sĩ, vừa sáng tác vừa tham gia cách mạng như Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… Lực lượng khá đông đảo các nhà thơ xuất hiện, trưởng thành ngay trong lòng đời sống kháng chiến đã hòa nhập tự nhiên vào cuộc sống mới. Đây là lớp nhà thơ chủ đạo có đóng góp lớn cho thơ ca kháng chiến chống Pháp, mang đến cho thơ ca 1945 – 1954 những giá trị mới, chắc, khỏe mang đậm hơi thở cuộc sống. Họ có những điều kiện thuận lợi hơn lớp nhà thơ trước cách mạng trong quá trình phát triển nhưng đồng thời cũng mang trong mình những trọng trách, những nhiệm vụ lớn lao. Sáng tác của họ phải thực sự phản ánh được đời sống kháng chiến dưới nhiều khía cạnh và mang hơi thở thời đại.

Thơ kháng chiến phải tập trung thể hiện những tình cảm lớn lao của dân tộc, bám sát hiện thực đời sống kháng chiến, ngợi ca động viên, cổ vũ cả nước hướng về cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Những bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước như Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi…, tình đồng đội có Đồng chí của Chính Hữu, Viếng bạn của Hoàng Lộc…, tình quân dân cá nước có Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu…, một số bài thơ thể hiện tình cảm và lòng biết ơn lãnh tụ như Sáng tháng năm

của Tố Hữu, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Theo chân Bác của Anh Thơ… Lớp nhà thơ này đã xây dựng thành công nhiều hình tượng mới cho thơ ca (người chiến sĩ cách mạng, người mẹ, người vợ, Bác Hồ…) với những cảm xúc chân thực với ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi.

Một điều đáng lưu ý là trong lớp các nhà thơ chống Pháp, những năm đầu của cuộc kháng chiến đã xuất hiện một số những bài thơ phát triển không thuận chiều trong tầm đón nhận của người đọc, mang cảm hứng lãng mạn như Ngày về của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan… Đại biểu xuất sắc nhất khai thác theo hướng lãng mạn anh hùng là Quang Dũng. Thơ Quang Dũng có cốt cách trượng phu, hào hùng, bộc lộ tâm hồn tinh tế hào hoa, với bút pháp

vừa táo bạo tung hoành, vừa tinh tinh tế tạo nên hồn thơ cổ kính xen lẫn với hiện đại. Tây Tiến của Quang Dũng “được xem là thi phẩm độc đáo toàn bích hiếm có của nền thơ kháng chiến” [59, 85]

Cũng với sự chỉ đạo của đội ngũ lãnh đạo, hòa với đời sống cách mạng, các nhà thơ đã nhận thức kịp thời và tiếp tục sáng tác, đóng góp cho nền thơ ca cách mạng Qua thời gian, đội ngũ sáng tác đã thực sự trưởng thành và có những đóng góp lớn cho thơ ca 1945 – 1954, đánh dấu sự chuyển mình của nền thơ Việt Nam hiện đại và ngày càng lớn mạnh không ngừng. Vai trò, vị trí của lớp nhà thơ kháng chiến chống Pháp là không nhỏ, góp phần thay đổi diện mạo cho thơ ca, đạt được những thành tựu lớn và tạo những tiền đề cho thơ kháng chiến chống Mỹ, “cùng tạo nên một nền thơ giàu chất hiện thực và tính chiến đấu kế thừa xuất sắc truyền thống “thơ đánh giặc” của cha ông” [47, 43]. Nhiều nhà thơ có tên tuổi ở giai đoạn này vẫn tiếp tục sáng tác ở giai đoạn sau và đạt được những thành công lớn. Tuy vậy mỗi giai đoạn thơ vẫn có những nét riêng, nét đặc trưng nhất của nó, ghi nhận sự đóng góp lớn của đội ngũ các nhà thơ cách mạng.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ quang dũng (Trang 27 - 30)