Điển cố hàm chứa nội dung và ý nghĩa sâu sắc nhưng thể hiện một hình thức tiết kiệm lời đến mức thấp nhất. Có những sự việc hoặc lớn hoặc nhỏ, cần được diễn tả sâu sắc đồng thời gợi mở một hướng xa xôi mà mạnh mẽ, nhưng diễn đạt một cách dài dòng khó nói hết ý. Nếu khéo dùng điển cố thì những chữ ngắn gọn, hàm chứa ý nghĩa sâu xa là phương tiện diễn đạt tốt nhất, giúp lời, ý thêm đậm đà, lý thú. “Chọn điển cố hay có thể làm tăng thêm cái đẹp hàm súc trong lời thơ, nhanh chóng đạt đến hiệu quả “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng” (lời hết mà ý vô cùng - Thương Lang thi thoại, Thi biện, Nghiêm Vũ) cùng là mục đích mà Chung Vinh trong thi phẩm từ gọi là “văn dĩ tận nhi ý hữu dư” (văn đã hết mà ý vẫn còn) mà Mai Nghiên Thần gọi là: “Hàm bất tận chi ý kiến ư ngôn ngoại” (ý tưởng bất tận ngoài lời - Lục nhất thi thoại)” [84].
Như vậy từ một vài câu hay từ ngữ, có khi một từ, điển cố có thể dẫn dắt người đọc đi vào thế giới cổ xưa và đi đến một ý nghĩa chung, khái quát cho hình ảnh ấy. Tính khái quát của điển cố không dừng lại ở đó, một điển cố còn có thể mang nhiều ý nghĩa, khái quát cho những hình tượng khác nhau, có mối liên quan gần gũi.
Ví dụ: Truyện Kiều sử dụng điển cố: “Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. “Hoa đào năm ngoái” mượn ý bài thơ Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ đời Đường Khứ niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Ngày này năm ngoái ở cửa đây. Mặt trời và hoa đào cùng ánh hồng. Mặt người chẳng biết ở nơi đâu. Hoa đào vẫn cười với gió đông như xưa). Ý nói người xưa tìm đến mà vật đổi sao dời, không thấy được cố nhân.
Điển cố làm cho văn chương thêm hàm súc. Chỉ một vài từ ngữ đưa vào câu văn, câu thơ tác giả đã diễn đạt những ý nghĩ sâu xa, không chỉ
vậy, đối với những người sáng tác số lượng điển cố phong phú, đa dạng, mang nhiều nội dung ý nghĩa khác nhau. Đây chính là điều kiện tốt để các tác giả lựa chọn đưa vào sáng tác của mình. Bên cạnh giá trị làm cho câu văn, câu thơ thêm hàm súc, cô đọng, sự xuất hiện của các điển cố còn làm cho văn chương thêm tinh vi, tế nhị.