Văn học Việt Nam trung đại là một thời kỳ lớn dài hơn mười thế kỷ, phong phú về loại thể và có nhiều thành tựu cao. Nhìn một cách tổng thể,
các tác phẩm được lựa chọn vào chương trình Ngữ văn nói chung và chương trình Ngữ văn phổ thông nói riêng đều là những tác phẩm có nhiều giá trị. Qua các tác phẩm đó, con người Việt Nam được tái hiện hết sức cụ thể từ tâm hồn, tính cách, tâm tư sâu kín. Dạy học văn học trung đại để thấy rõ bản chất tâm hồn, văn hóa của con người Việt Nam thời kỳ trung đại là mục tiêu phấn đấu của giáo viên và học sinh các cấp học đặc biệt là giáo viên trung học phổ thông. Trong những năm gần đây, phần văn học Việt Nam trung đại chiếm một tỉ lệ khá lớn trong chương trình lớp 9 trung học cơ sở, lớp 10 - 11 trung học phổ thông, góp phần làm phong phú kiến thức văn học cho học sinh và khẳng định được vị thế của giai đoạn văn học trung đại.
Phương pháp dạy học văn học trung đại vừa có điểm thống nhất (đặc biệt là nguyên tắc dạy học tác phấm văn chương theo đặc trưng thể loại), vừa có những điểm khác biệt so với dạy văn ở các thời kỳ khác.
Việc đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh qua trung tâm, phát huy tính tích cực ở học sinh làm việc trực tiếp với văn bản thông qua đọc hiểu. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, tổng hợp và phân tích những phát hiện, những cảm thụ của học sinh. Quá trình đổi mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình dạy và học các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông. Sự ảnh hưởng ở đây có nghĩa là nhiệm vụ đặt ra đối với người dạy nặng nề hơn. Bởi ngoài tính chất chung của bộ môn Văn trong nhà trường văn học trung đại còn có những nét đặc thù. Như ở phần đầu đã nói, do nhiều yếu tố như khoảng cách lịch sử, sự chênh lệch về văn hóa, sự khác biệt về thẩm mỹ là rào cản lớn cho quá trình tự chiếm lĩnh của học sinh. Hơn thế nữa trong văn học trung đại sử dụng điển cố là một trong những thủ pháp nghệ thuật chính. Bản chất điển cố là những câu chuyện, từ ngữ của các bài thơ khác có giá trị được dùng nhiều lần. Cách làm này xa lạ với học sinh hiện nay. Để tự hiểu và cảm nhận được
điển cố là vấn đề không dễ đối với học sinh phổ thông lẫn giáo viên. Nghĩa của các điển cố được khúc xạ qua những lời giải thích ngắn gọn không đầy đủ. Hơn thế nữa nếu như bỏ qua việc cắt nghĩa điển cố thì việc hiểu và cảm nhận tác phẩm văn học dường như không thực hiện được. Bởi mỗi điển cố trong văn bản văn học là điểm nhấn, là chìa khóa cho việc giải mã nội dung và ý nghĩa của các văn bản văn chương Việt Nam trung đại.
Như vậy vấn đề dạy học điển cố trong các loại tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông được quan tâm chú trọng. Nếu như làm tốt công việc này thì hiệu quả dạy học đạt kết quả cao. Đối với các loại văn học, sự hiện diện của điển cố đóng vai trò chức năng, giá trị biểu cảm có khác nhau, phù hợp với đặc trưng của các thể loại đó. Vậy lại phải có những phương pháp dạy điển cố phù hợp với đặc trưng riêng về thể loại văn học Việt Nam trung đại.