Phương pháp dạy học điển cố trong văn biền ngẫu

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 50)

Văn biền ngẫu hay còn gọi là biền văn xuất hiện từ thời Ngụy Tấn. Câu văn của biền văn đòi hỏi một kết cấu đối xứng, thanh vận thì chú ý đến bằng trắc, âm luật phải hài hòa. Biền văn là lối văn chương được dùng trong các bài phú, trong các văn bản hành chính như biểu, tấu, bi, minh, chế cáo, điếu, tế, chiếu, sách, điệp, thư, chúc, sớ… Khi viết thể văn này, người ta rất hay dùng điển cố. Tuy nhiên bên cạnh đó điều này

vốn thuộc vào đề tài, có những bài mang nội dung tả cảnh núi non sông nước, người ta ít khi dùng điển cố.

Do biền văn chịu sự chi phối của luật đối xứng về thanh vần nên điển cố cũng theo sự ước chế của đặc điểm văn ấy. Đối ngẫu do hai vế tạo thành, khi dùng điển cố luôn luôn mỗi vế ít nhất có một điển. Trong biền văn, các nhà nho đòi hỏi dùng từ phải diễn nhã, tức và vừa sang trọng vừa nhã nhặn. Sang trọng tức là dùng nhiều điển cố sâu xa, uyên bác và nhã nhặn là nói về tinh thần hàm súc, kín đáo sao cho lời ít, ý nhiều, chữ gần nghĩa xa. Nhưng nếu như các hình thức văn học khác việc dùng điển cố mới là biện pháp tu từ điểm xuyết vào quá trình hình thành văn thì trong biền văn việc dùng điển cố trở thành một đặc điểm nổi bật.

Ví dụ: Hịch tướng sĩ văn được mở đầu bằng một loạt điển cố: Dự Nhượng, Kỷ Tín, Do Vu, Thân Khoái… Hay mở đầu Bạch Đằng giang phú dẫn ta về thế giới của những Tam Ngô, Bách Việt, Cửu Giang, Ngũ Hồ. Quá trình sử dụng điển cố trong biền văn nhằm hai ý nghĩa. Đó là dùng chuyện cũ đời xưa để làm chỗ dựa cho ý kiến hiện tại của mình, minh chứng cho một điều rằng quan điểm của mình đã có trong lời của thánh hiền, của danh nhân thưở trước hoặc đã từng là bài học được lịch sử chứng minh. Ý nghĩa thứ hai đó là lấy chuyện cũ để gợi mở sự liên tưởng, dùng quá khứ để soi rọi hiện tại hoặc dự đoán tương lai để rút ra một kết luận về nhân sinh và xử thế. Chính vì vậy dùng điển cố trong biền văn xét đến cùng không chỉ là một trò chơi chữ, phô trương sự uyên bác mà chính là để mượn việc cũ làm sáng tỏ ý mới, lấy chuyện xưa để ví chuyện bây giờ, mượn người để nói về ta. Trần Hưng Đạo lấy điển cố về trung thần nghĩa sĩ trong sử sách là để giáo dục tinh thần xả thân cứu nước, cứu chủ cho tướng sĩ đời Trần. Trương Hán Siêu viện đến Cửu Giang, Ngũ Hồ là muốn nói lên cái chí phóng khoáng, ngao du hồ hải của mình hiện tại.

Điển cố trong biền văn thường không ghi rõ xuất xứ và thậm chí có khi chỉ cắt xén lấy một vài từ trong cả câu nói hoặc lời văn của người xưa và thậm chí có khi chỉ cắt xén lấy một vài từ trong cả câu hoặc lời văn của người xưa để phục vụ dụng ý của mình. Người đọc phải là người hiểu nhiều, biết rộng về lịch sử và văn học cổ mới lĩnh hội được ý của người viết. Chẳng hạn như điển “gieo roi” trong Bạch Đằng giang phú

của Trương Hán Siêu và điển “một cỗ nhung y” trong Bình Ngô đại cáo

của Nguyễn Trãi.

“Những tưởng gieo roi một lần sạch Nam bang bốn cõi”. Ở đây Trương Hán Siêu chỉ trích lấy hai chữ “gieo roi” trong cả một câu nói huyên hoang, khoác lác của Bồ Kiên, tướng nước Tần, ý muốn nói “quân ta mạnh đến mức chỉ gieo roi ngựa xuống sông là đủ chặn dòng sông lại mà vượt qua”. Nếu không hiểu được điều đó thì khó mà hiểu hết nội dung, ý nghĩa châm biếm sâu sắc của Trương Hán Siêu. Quá trình phân tích vế câu “Một cỗ nhung ý chiến thắng làm nên công oanh liệt ngàn năm” trong đoạn kết của Bình Ngô đại cáo, một số giáo viên trong quá trình dạy học đã phê phán rằng Nguyễn Trãi quy toàn bộ công lao chiến thắng vào một mình Lê Lợi. Nhưng thực ra nếu mà hiểu đây cũng chỉ là một điển tích mà Nguyễn Trãi rút từ trong thiên “Vũ thành” ở Kinh thư

thì có cách giải thích chính xác hơn. Vũ Vương nhà Chu dấy nghĩa tiêu diệt vua Trụ - tên bạo chúa của xã hội nô lệ Trung Quốc thời cổ đại, cho nên quần chúng hoan nghênh, chờ đón ông như một vị cứu tinh đến giải phóng cho mình. Vì vậy có người cho Vũ Vương là “nhất nhung y” là để nói lên sự nghiệp khởi nghĩa của Lê Lợi là sự nghiệp vì dân trừ bạo giống như Vũ Vương thời nhà Chu chứ không phải như những cách nghĩ thông thường.

Trên đây là những đặc điểm của thể văn biền ngẫu nói chung và đặc điểm của sự hiện diện của điển cố trong thể loại này nói riêng. Từ những đặc điểm đó đề ra phương pháp dạy học điển cố trong thể văn này theo

yêu cầu của đổi mới dạy học văn. Dạy biền văn, học biền văn mà không hiểu, từ ngữ điển cố thì không thể hiểu nội dung. Mà hiểu vốn là điều kiện để cảm, để yêu. Hứng thú thực sự đối với biền văn chỉ có thể có được trên cơ sở hiểu rõ nôi dung các bài văn đó.

Việc đầu tiên của công việc dạy học điển cố trong biền văn là định hướng cho học sinh học biền văn. Ngoài những điểm chung của việc đọc điển cố trong các thể văn, việc đọc điển cố trong biền văn còn có yêu cầu riêng. Những đặc trưng riêng biệt này xuất phát từ đặc điểm của thể văn này. Biền văn ngày xưa sáng tác để bình. Bình là một lối đọc lên bổng xuống trầm, theo những tiết điệu quy định. Người ta thưởng thức bài văn không chỉ qua hình tượng mà còn qua âm hưởng của câu văn. Trong quá trình đọc, tuy mỗi loại có phong cách đọc riêng, đọc cáo, hịch thì uy nghiêm dõng dạc, đọc phú kinh nghĩa thì sảng khoái ngân nga, đọc văn tố thì bi ai thống thiết… Nhưng chung quy lại nó vẫn bị chi phối bởi quy luật chung đó điển cố cũng bị chi phối. Bên cạnh việc đọc đúng, đọc chính xác, đọc diễn cảm là một phần quan trọng để bước đầu tạo nên cái “hồn” của tác phẩm. Quá trình đọc như vậy học sinh nắm vững được âm hưởng đó là động lực tác động tốt đến việc hiểu nội dung và ý nghĩa của điển cố nói riêng và điển tích nói chung. Làm tốt việc định hướng cho học sinh đọc tốt điển cố có thể xem là chìa khóa mở ra cánh cửa cho việc dạy tốt điển cố trong văn biền ngẫu.

Có nhiều phương pháp và biện pháp dạy học điển cố trong văn biền ngẫu. Ở những phần đầu chúng ta đã xác định được bản chất của điển cố. Chính điều này đã tạo nên khoảng cách và sự xa lạ khó hiểu đối với học sinh hiện nay. Chính vì điều này cho nên muốn dạy học tốt điển cố trong văn học cổ nói chung và trong văn biền ngẫu nói riêng là phải cho học sinh hiểu được nội dung của các điển cố. Mức độ hiểu được điển cố bao nhiêu thì ý đồ của tác giả và nội dung của tác phẩm được tái hiện bấy nhiêu. Quá trình giúp học sinh hiểu được điển cố người giáo viên đã làm

một công việc xích dần khoảng cách giữa quá khứ với hiện tại, tái hiện lại lịch sử. Đây chính là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu và cũng là nhiệm vụ nặng nề của việc dạy điển cố. Để làm được việc này quá trình dạy phải thông qua con đường cắt nghĩa và chú giải sâu. Quá trình cắt nghĩa, đó là tìm ra ý nghĩa của văn bản. Thông qua cắt nghĩa các yếu tố, hình ảnh, các từ, câu, các bộ phận trong chỉnh thể của mạch văn làm cho chúng ta bộc lộ ý riêng của từng phần. Quá trình cắt nghĩa và phân tích phải đi liền với nhau. Quá trình cắt nghĩa làm sáng tỏ sự độc đáo của tác phẩm, góp phần làm phát triển ngày càng cao năng lực tự cảm thụ đồng thời làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về văn học nghệ thuật của các em, giúp các em đi sâu vào lĩnh hội thẩm mỹ, nắm chắc yêu cầu giao tiếp văn học một cách trực tiếp.

Quá trình cắt nghĩa đối với việc dạy điển cố trong văn biền ngẫu là chưa đủ lột tả hết nội dung và ý nghĩa. ngôn ngữ được lựa chọn theo vần điệu, tiết kiệm ngôn ngữ nhằm truyền tải lượng thông tin lớn. Còn bản thân điển cố nó là những câu chuyện, những từ ngữ của những tác phẩm từ thời xa xưa, được các tác giả mượn sử dụng lại nhằm chuyển tải nội dung và giá trị tư tưởng. Để làm tốt điều này phải áp dụng phương pháp chú giải sâu. Chính nhờ phương pháp này rút ngắn được khoảng cách thẩm mỹ, đỡ “thời sự hóa” các điển cố. Tùy theo mức độ và vị trí, tầm quan trọng của các điển cố mà có những cách chủ giải khác nhau. Dạy học Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nếu như không chú giải sâu những điển cố thì không thể dạy học tốt văn bản này.

Tấm lòng cứu nước vẫn đăm đăm muốn tiến về phía Đông , Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả .

Nếu như không chú giải sâu những điển tích này thì ý nghĩa của câu thơ chưa lột tả hết được. “Phía đông”, “phía tả” học sinh chỉ hiểu đó là những địa danh phương hướng bình thường. Việc hiểu như vậy nghĩa câu thơ trở nên phiếm diện. Quá trình dạy đến đây phải chú giải sâu

“phía đông” chữ lấy từ Hán thư, từ câu nói của Lưu Bang (Hán Cao Tổ) khi bị Hạng Vũ đẩy vào đất Tây Thục. Lưu Bang bực tức nói: “Dự tiệc dục đông nhĩ, an năng uất uất cửu cư thư hồ” (ta cũng muốn trở về đông, sao chịu chết ở chốn này). Còn “phía tả” (Tín Lăng Quân nước Ngụy nghe tiếng Hầu Doanh là một hiền sĩ, mình ngồi phía hữu, dành phía tả cho Hầu Doanh, tả coi như trên hữu, có ý tôn trọng người hiền). Như vậy quá trình chú giải điển cố các lớp ý nghĩa của câu thơ như được gỡ dần ra. Tấm lòng tôn trọng người hiền, ý chí đánh đuổi quân xâm lược xây dựng đất nước được khắc sâu thể hiện. Nếu như quá trình dạy học giáo viên và học sinh không làm tốt điều này hiệu quả giáo dục mang lại sẽ không cao.

Câu Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào có sử dụng điển cố. Điển cố “hòa nước sông” nếu như không chú giải một cách thật sâu sắc về nó thì có thể học sinh hiểu sai lệch về ý nghĩa của nó, hay chỉ hiểu vấn đề ở ở một góc cạnh nào đấy. Nếu không xem đó là điển cố nhiều học sinh rơi vào cách nghĩ (do điều kiện thiếu thốn cho nên tướng sĩ và quân ta thời điểm đó đã hòa rượu với nước sông để uống nhưng vẫn thấy ngon). Như vậy ý nghĩa câu văn trở nên thô thiển và không có mạch cảm xúc. Phải cho học sinh thấy “hòa nước sông” là một điển cố lấy trong Văn tuyển chép lời Hoàng Thạch Công: Xưa có viên tướng giỏi, khéo dùng binh, nhân có người biểu chai rượu, viên tướng đó truyền tập hợp quân đội bên dòng sông, rồi đổ chai rượu xuống sông mọi người đều nhắp, gọi là chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau chiến đấu một lòng. Về điều này theo truyền thuyết ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa có truyện suối rượu, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa có truyện hòn đá khao đều nói Lê Lợi xưa có làm động tác đổ rượu xuống sông để khao quân. Quá trình chú giải như vậy mới lột tả hết ý nghĩa của bài cáo và ý đồ của tác giả. Nó khác xa với ý nghĩa ban đầu mà quy tụ ở đó là những giá trị chân lý.

Sau khi chú giải nghĩa đen của điển cố, giáo viên cần phân tích hoặc chú giải thêm giá trị thẩm mỹ của điển cố, đặt nó trong văn bản để bình giảng, cắt nghĩa nó, tìm ra tấc lòng trong đó của tác giả. Quá trình này vô cùng quan trọng bởi bản thân các điển cố đó là điểm nhấn về nội dung tư tưởng của tác giả.

Khi chúng ta chú giải, cắt nghĩa là đưa điển cố ra khỏi văn bản. Nghĩa đó là nghĩa của các điển cố, khi đã rõ nghĩa của điển cố rồi thì phải trả nó lại với văn bản, hay nói cách khác từ nghĩa của điển cố để soi rọi làm sáng tỏ nội dung của văn bản. Đây mới là đích cuối cùng của việc dạy học. Để làm được điều này phải thông qua bình giảng. Cơ chế dạy học mới ngại khi nhắc tới cụm từ này. Song dạy thơ văn cổ nói chung, dạy văn biền ngẫu có điển cố nói riêng nếu như thiếu nó thì chắc chắn sẽ không thành công. Song quá trình bình giảng phải tùy thuộc vào mức độ. Quay lại ví dụ ở Bình Ngô đại cáo. Khi hiểu nghĩa của hai điển cố “về đông”, “phía tả” thì người giáo viên phải bình giảng được từ hai điển cố đó để nói tấm lòng khát khao cứu nước cứu dân, trông chờ, tôn trọng người hiền của Lê Lợi. Từ đó khắc sâu thêm nỗi khó khăn, vất vả của nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đầu khởi nghĩa. Hay “hòa nước sông” sau khi hiểu nghĩa của điển cố phải cho học sinh hiểu được rằng: ngoài sự đoàn kết, cùng cam cộng khổ ở đây còn thể hiện một sự đồng lòng nhất trí cao độ. Ở đây ranh giới tướng - quân, vua - tôi - mà tất cả là một, đều có một mục đích, một chí hướng đánh giặc giải phóng dân tộc.

Như vậy bình giảng là đi từ cái hay cái đẹp mà giáo viên cảm nhận được kích thích sự rung động nghệ thuật ở học sinh. Ở cơ chế dạy học mới quá trình bình giảng không phải là sự áp đặt về tư duy nhận thức và cảm thụ thẩm mỹ. Mà quá trình bình giảng ở đây có tính định hướng cho con đường tiếp nhận văn chương ở học sinh. Bình giảng điển cố trong quá trình dạy văn biền ngẫu là hai việc làm được thực hiện song song với

nhau. Nếu như quá thiên về giảng thì tiết dạy trở nên khô khan, lý thuyết. Nhưng ngược lại nếu thiên về bình thì trở nên sáo rỗng mông lung. Quá trình bình giảng của giáo viên phải cân nhắc ở trình độ học sinh mà vận dụng khác nhau. Nó được ví như gia vị của món ăn, nếu thiếu thì món ăn trở nên nhạt nhẽo, đơn điệu, nhưng nhiều quá thì mất hết hương vị đặc trưng.

Tóm lại quá trình dạy điển cố trong biền văn là một khâu trong rất nhiều khâu của quá trình dạy học. Chúng ta không thể lấy riêng điển cố ra khỏi văn bản để dạy độc lập. Quá trình dạy điển cố được đặt trong việc dạy văn bản biền văn. Mục đích của dạy điển cố đó là giúp các em hiểu sâu sắc nội dung giá trị bản thân của của các điển cố để làm nổi bật nội dung giá trị tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả thể hiện trong tác phẩm. Có nhiều phương pháp dạy điển cố nói riêng và thể văn biền ngẫu nói chung. Trên đây là những phương pháp thông thường ứng dụng cho việc dạy điển cố trong văn biền ngẫu. Trong quá trình dạy học tùy theo đối tượng, tùy theo tác phẩm mà linh động vận dụng.

Chương 2

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w