Phương pháp dạy học cái kỳ lạ trong truyện truyền kỳ

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 65 - 71)

Trong chương trình Ngữ văn phổ thông có đưa vào một số truyện truyền kỳ như: Con hổ có nghĩa, Người con gái Nam Xương, Chức phán sự ở đền Tản Viên, Dế chọi. Việc dạy học truyện truyền kỳ cho đúng với bản chất của thể loại văn chương này là điều rất khó khăn, trước hết phụ thuộc vào việc nhận thức giá trị thẩm mỹ đặc thù của thể loại từ đó hiểu

đúng những giá trị cơ bản của từng tác phẩm cụ thể. Điều này quan trọng nhất nhưng chưa phải là tất cả. Quá trình dạy học người giáo viên phải thấm nhuần những giá trị thẩm mỹ định hướng cho đối tượng học sinh là một lớp người có quan điểm thẩm mỹ cũng như tư duy khác xa với con người trong truyện truyền kỳ.

Cái kỳ lạ là thuộc tính của truyện truyền kỳ nghĩa là không có nó thì không phải truyện truyền kỳ đích thực. Chính vì vậy dạy - học truyện truyền kỳ phải tránh xa thái độ máy móc đối với cái siêu thực, xem đó là duy tâm. Việc sử dụng yếu tố siêu thực trong nhiều tình huống là giải pháp tối ưu. Chẳng hạn ở truyện Dế chọi, làm sao Bồ Tùng Linh phản ánh cuộc sống nghèo khổ của nhân dân và thái độ đối với giai cấp thống trị trong không khí chính trị chuyên chế, với chế độ học phiệt của nhà Thanh nếu như không sáng tạo những sự việc hư hư, thực thực. Hay với

Truyền kỳ mạn lục, lần đầu tiên ở Việt Nam có một tác phẩm văn chương dám phê phán cả hệ thống chính trị của xã hội phong kiến sâu sắc như vậy. Ở đó những hủ tục trọng nam khinh nữ, hay chiến tranh liên miên được phơi bày nhờ vào thế giới ma quỷ, ẩn dụ để nói đến xã hội con người. Nếu như không dựa vào những điều kỳ lạ này, cho dù Nguyễn Dữ có tâm huyết bao nhiêu, ngòi bút có sâu sắc đến đâu thì xã hội phong kiến có để cho tác phẩm lưu truyền đến ngày hôm nay?

Bên cạnh đó Nho giáo rất đề cao chức năng giáo huấn con người theo đạo lý phong kiến. Truyện truyền kỳ là một trong những thể loại có thể chuyển tải tốt nhất chức năng này. Bởi truyện truyền kỳ có sức lôi cuốn độc giả. Ở đây trí tưởng tượng của con người được thỏa sức phát huy, ngôn ngữ từ tác phẩm giàu tính nghệ thuật để xây dựng nên hình tượng chân thực về chính, tà. Nghĩa là dù phương thức thể hiện cuộc sống có sai lệch với tư tưởng “hãn: ngôn, quái, lực, loạn thần” của Khổng Tử nhưng mục đích lại phù hợp. Truyện truyền kỳ vẫn sống và phát triển mạnh mẽ hàng ngàn năm qua dưới xã hội phong kiến đến ngày nay.

Bất cứ truyện truyền kỳ nào cũng vừa có yếu tố thực vừa có yếu tố siêu thực, thiếu một trong hai yếu tố thì không phải là truyện truyền kỳ đích thực. Theo cách gọi của người xưa, yếu tố siêu thực là hư. Ở truyện truyền kỳ cái thực luôn luôn được cái hư hóa, cái thực luôn luôn được thực hóa. Ví dụ, ở truyện Người con gái Nam Xương, nàng Vũ thị có chồng đi chinh chiến xa nhà, đêm đến chỉ cho con chiếc bóng trên tường nói là bố nó. Tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, cộng với nam quyền độc đoán của chồng đã đẩy nàng đến nỗi oan. Bị chồng nghi oán, ruồng rẫy đến mức phải tìm đến dòng nước lạnh lẽo để quyên sinh. Cái chết của Vũ thị là hệ quả của nam quyền cộng với chiến tranh của các tập đoàn phong kiến lúc bấy giờ. Đó là cái chết đau lòng, đầy thương tâm của nàng. Tuy nhiên tác giả của truyện truyền kỳ không để cho những người dân vô tội chịu cái chết oan uổng. Không thể đồng thuận cho những hủ tục và thực trạng của xã hội phong kiến luôn chà đạp lên những người dân vô tội, Nguyễn Dữ đã hình dung ra một thế giới khác. Nơi nàng Vũ thị kết thúc - hay chạy trốn một cuộc đời oan trái cũng là nơi mà trí tưởng tượng của ông làm nên thế giới thủy cung, một cuộc sống khác xa với trần thế. Ở đó nàng được sống trong tình thân ái, yêu thương và được đề cao tôn trọng. Đó là cái hư trên cơ sở cái thực. Sự biến đổi giữa cái thực và cái hư là điểm quy tụ các giá trị nhân văn sâu sắc. Là nơi mà các tác giả gửi gắm khát vọng, những ước mơ hoài bão của mình.

Nhiều công trình nghiên cứu truyện truyền kỳ Trung Quốc đã đi đến kết luận chung: ma quỷ trong văn học Trung Quốc không ngoài hai loại quyến rũ người và dọa người, trong đó phần lớn là quyến rũ mê hoặc người. Những hiện tượng này thường phần nhiều là do thư sinh nghèo dù đã có vợ hay chưa có vợ một mình ở chốn thư trai hằng mơ tưởng có một người đẹp làm bạn với mình. Đó là dục vọng của con người bị lễ giáo phong kiến xem là tội lỗi. Họ mượn hình ảnh ma quỷ để thực hiện khát vọng của con người. Ma quỷ trong truyện truyền kỳ Trung Quốc có tư

cách tội nhân. Loại nhân vật ma nữ trong truyện truyền kỳ Việt Nam còn có tư cách nạn nhân. Trong Truyền kỳ mạn lục, tác phẩm đỉnh cao của truyện truyền kỳ ở Việt Nam, loại nhân vật ma nữ là nạn nhân nổi bật hơn. Họ chính là những hồn ma của những phụ nữ bị giặc ngoại xâm, thần quyền, cường quyền, vương quyền và nam quyền làm hại.

Dạy học các tác phẩm truyện truyền kỳ khi tiếp cận với loại nhân vật này cần có cái nhìn thấu đáo và định hướng cụ thể cho học sinh để tránh có cái nhìn quy chụp dẫn đến sai lệch giá trị của các hình tượng. Đây chính là điều trong dạy học truyện truyền kỳ cần khai thác để làm rõ thêm năng lực sáng tạo nghệ thuật của từng tác giả. Thế giới “hư” thuộc về sự tưởng tượng của mỗi tác giả. Tùy theo sự cảm nhận, vốn hiểu biết, quá trình tư duy nghệ thuật mà tạo nên sức lôi cuốn độc giả ở từng tác phẩm, của từng tác giả.

Dạy học truyện truyền kỳ người giáo viên cần có những phương pháp để tạo nên sự liên kết trong tác phẩm, bởi vì truyện truyền kỳ một phần sử dụng chất liệu có thực một phần do hư cấu. Nếu không xác định một cách rõ ràng và có định hướng cụ thể thì sẽ tạo nên sự khập khiễng trong quá trình tiếp nhận của học sinh. Ngay cả những chuyện mà theo lôgic thông thường thì khó tin là thực, tác giả có ý thức tạo ra sự liên kết giữa những giá trị do mình hư cấu và những giá trị tồn tại thực. Để làm được điều này mỗi tác giả có một thủ pháp riêng, nhưng phổ biến là gắn cho sự kiện nhân vật thể hiện trong tác phẩm một thời gian xác định: chẳng hạn đời Minh (Dế chọi), hoặc có một không gian xác định. Ví dụ,

Con hổ có nghĩa ở Đông Triều, Lạng Giang. Hay gắn với một di vật cụ thể như đền Tản Viên trong truyện Chức phán sự ở đền Tản Viên.

Việc dạy truyện truyền kỳ trong cơ chế dạy học mới đặt ra nhiều vấn đề cho người dạy cũng như người học. Đây là thể loại có sử dụng nhiều thể loại văn học khác như vận văn, biền văn. Nếu như không có định hướng cụ thể cho học sinh sẽ dẫn đến một sự đồng nhất về thể loại.

Để làm tốt điều này, phải cắt nghĩa được những thủ pháp nghệ thuật của truyện truyền kỳ. Chẳng hạn, việc gắn kết giữa giá trị thực tồn và giá trị hư cấu nhằm nhiều mục đích. Mục đích trước hết đó là biến thực và hư những giá trị đối lập này làm cho truyện thêm phần chân thực và có nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ trước hết là tác giả truyện truyền kỳ hẳn quan niệm thực và hư khác với người đọc chúng ta. “Tế thần như thần tại” (cúng thần coi như có thần), nói theo lời Khổng Tử (Luận ngữ). Nhà văn nào đối lập rạch ròi hai cõi thực và siêu thực sẽ không viết được truyện truyền kỳ hoặc chỉ ra được những tác phẩm nửa vời.

Việc thực hiện tốt việc dạy học cái kỳ lạ trong truyền kỳ không nằm ngoài mục đích và tiêu chí chung là giúp các em hiểu một cách thấu đáo giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật của từng tác phẩm theo đặc trưng của thể loại. Chính vì điều đó cho nên muốn làm nổi bật được nét đặc trưng của cái kỳ lạ trong truyện truyền kỳ phải làm tốt những vấn đề liên quan trong truyện truyền kỳ. Bởi chúng ta biết rằng trong mỗi tác phẩm các vấn đề có mối quan hệ tác động qua lại với nhau. Để tháo gỡ một chi tiết nghệ thuật nào đấy thì hiển nhiên tác động với nhiều chi tiết khác có liên quan. Sự khác biệt trong thế giới quan và nhân sinh quan của con người trong truyện truyền kỳ là một rào cản lớn trong việc dạy và học ngày nay, hạn chế năng lực cảm thụ tác phẩm cho nên người dạy phải có ý thức và chú ý khắc phục điều này. Trước khi dạy truyện truyền kỳ, cần làm rõ những đặc điểm trong quan niệm về thế giới con người của loại tác phẩm này cũng là một cách tạo không khí tốt cho giờ dạy văn. Tránh tình trạng khi đến những tình huống kỳ lạ mới thực hiện việc này, gây nên sự lộn xộn trong tư suy nhận thức cũng như không khí mỹ cảm của giờ dạy. Việc làm đó dường như là sự gỡ bí, sự biện hộ cho tình huống. Điều này không nằm trong chủ đích của người sáng tạo. Yếu tố kỳ lạ phải được tiếp nhận trong một tâm thế lạ lẫm và có sự suy tưởng thấu hiểu mới có giá trị đích thực.

Dạy học cần khai thác đặc điểm của vấn đề nhân vật trong truyện truyền kỳ. Khác với truyện dân gian, truyện chí quái, nhân vật được bộc lộ thông qua hành động. Quá trình hoạt động của nhân vật như được lập trình sẵn, tác giả thông qua hành động để khắc họa tính cách nhân vật. Còn nhân vật trong truyện truyền kỳ có diện mạo riêng, được bộc lộ qua hành động và diễn biến nội tâm. Diễn biến nội tâm đây chính là tác giả dụng công, là cách để tác giả kéo điều “hư” trở về gần với đời sống thực hơn. Nhân vật trong truyện trở nên gần gũi với đời sống hiện thực hơn.

Bên cạnh đó cốt truyện của truyền truyền kỳ đa dạng và phức tạp hơn hẳn truyện dân gian và các thể loại văn tự trước đó như chí quái và cổ văn, một mặt để tạo nên nhân vật khác thường và sự kỳ lạ, mặt khác tác giả truyền kỳ cũng ý thức rằng đây cũng chính là một phương pháp tái tạo giá trị thẩm mỹ.

Văn học nói riêng nghệ thuật có tính chất giao thoa, sự giao thoa này có khi diễn ra giữa các vùng miền trong phạm vi của một quốc gia, có khi diễn ra giữa các quốc gia. Những giao thoa hòa nhập này không phải đồng nghĩa với sự hòa tan, đánh đồng một cách sao chép. Văn học các quốc gia đón nhận những gì mình còn thiếu để biến thành nét đặc trưng của mình. Đây là điều cần cân nhắc trong quá trình nghiên cứu và dạy học truyện truyền kỳ. Truyện truyền kỳ Việt Nam không hình thành trong nước mà được du nhập từ Trung Quốc sang. Quá trình di thực sang một nền văn học mới tất yếu chúng sẽ có những sự biến đổi. Vì chúng tồn tại trong một hệ thống thể loại khác, phải thích ứng với điều kiện lịch sử xã hội mới để phù hợp với truyền thống văn học, văn hóa bản địa nói chung. Để làm nổi bật được sự giao thoa này quá trình nghiên cứu hoặc dạy học cần có sự đối sánh với các tác phẩm của Trung Quốc hoặc các nước khác để tìm ra sự tương đồng và khác biệt làm phong phú thêm kiến thức của bài học cũng như kiến thức về thể loại. Để làm được điều này người giáo viên phải có một lượng kiến thức sâu rộng về thể loại và biết chọn lọc những kiến thức hữu quan.

Chương 3

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w