Những biểu hiện chủ yếu của cái kỳ lạ trong truyện truyền kỳ

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 52 - 56)

Không thể cho rằng “Truyền kỳ là những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền”. Nếu như vậy thì vô tình chúng ta đã đồng nhất truyện truyền kỳ với công trình sưu tầm truyện dân gian, vô hình trung đã biến các tác giả truyện truyền kỳ kể cả những tài năng như Nguyễn Dữ thành những nhà sưu tầm. Sự sáng tạo nghệ thuật, dấu ấn cá nhân của tác giả bị xóa mờ. Chỉ cần đối chiếu một truyện truyền kỳ và một truyện dân gian đủ thấy cách hiểu này quá khác xa với sự thật. Truyện Người thiếu phụ Nam Xương ghi lại một câu chuyện có thật ở Hà Nam. Đó là nàng Vũ thị có chồng đi chinh chiến xa ở nhà một mình với con. Hằng đêm khi con hỏi bố thì nàng chỉ vào chiếc bóng của mình trên vách nhà bảo đó là bố. Chính chi tiết này sau khi người chồng trở về đứa trẻ không nhận đó là bố mình. Nàng Vũ thị bị chồng ruồng rẫy cho rằng không chung thủy. Uất ức và để chứng minh cho tấm lòng trong trắng của mình. Nàng đã nhảy xuống sông tự tử và người dân xung quanh đã lập đền thờ nàng bên bờ sông. Truyện Nam Xương nữ tử lục (chuyện Người con gái Nam Xương) của Nguyễn Dữ cũng được sáng tạo trên cơ sở chất liệu vốn có này. Song truyện của Nguyễn Dữ từ đoạn kết thúc của truyện dân gian còn có một đoạn dài quan trọng hơn. Ở đây tính chất của truyện truyền kỳ bắt đầu mới bộc lộ.

Sở dĩ chúng tôi đưa ra sự so sánh này để khẳng định một điều: truyện truyền kỳ không đồng nhất với bất kỳ thể loại nào từ truyện dân gian, truyện lịch sử… Nó là một thể loại riêng biệt, có giá trị và có những đặc điểm riêng của thể loại.

“Đặc điểm lớn nhất chi phối các đặc điểm khác là tính chất khác lạ của con người và sự vật, hiện tượng được phản ánh. Người xưa gọi đó là chất kỳ (thần kỳ quái dị)” [19, 52].

Như vậy tính chất kỳ lạ không những là đặc trưng riêng của thể loại này mà nó là một trong những điểm tựa để nuôi dưỡng thể văn này, tạo nên sức sống bền vững trong lòng bạn đọc bao thế hệ.

Có nhiều phương pháp để tạo nên cái kỳ lạ của truyện truyền kỳ, hay nói cách khác cái kỳ lạ của truyện truyền kỳ được bộc lộ và biểu hiện với nhiều khía cạnh. Song tất cả điều có một điểm chung đó là xóa nhòa ranh giới thông thường thay đổi tính chất của sự vật, hiện tượng, theo lẽ thông thường. Truyện truyền kỳ xây dựng những thế giới khác, ngoài thế giới hiện sinh của con người, như thượng giới. Nói như vậy thì hiển nhiên chúng ta đồng nhất truyện truyền kỳ với truyện thần kỳ. Ở truyện thần kỳ cũng dựa trên yếu tố thần kỳ, nhưng chúng có điểm khác nhau đó là các nhân vật trong truyện đều là các vị thần còn ở truyện truyền kỳ một phần là những con người bình thường đó xen lẫn nhiều chi tiết, nhiều yếu tố hoang đường.

Yếu tố kỳ lạ được biểu hiện cụ thể trong các truyện truyền kỳ phong phú đa dạng. Chẳng hạn: Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (trong Truyền kỳ mạn lục), Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên viết về cảnh dưới âm phủ. Hay Người con gái Nam Xương viết về thủy cung. Đây là hai thế giới khác biệt, hoàn toàn xa lạ. Một thế giới thực tại và một thế giới ảo tưởng. Người ta có thể sống bình thường ở các thế giới khác thường này, với các quan hệ được mô phỏng từ cõi trần.

Ở truyện truyền kỳ con người có khả năng với thế giới siêu nhiên, một thế giới thiên hình vạn trạng, phổ biến nhất là ma quỷ. Các tác giả “quỷ vật giả, thác dĩ tác hiếu kỳ” (lấy ma quỷ để gợi tính hiếu kỳ). Ở đó cỏ cây và muông thú, ma quỷ và thần linh dưới ngòi bút của tác giả đều nhân hóa. Sự nhân hóa này có khi ở cả phần xác lẫn phần hồn, hoặc chỉ

là phần hồn. Thế giới phi nhân đó có khi hòa hợp trộn lẫn với con người, cùng sống, tồn tại, có mối quan hệ mật thiết với con người bằng một vỏ bọc khác. Chẳng hạn trong Truyền kỳ mạn lục, truyện Mẫu đơn đăng ký

kể chuyện người và ma yêu nhau sau đó làm việc đồi bại, phải mời Thanh quan đạo nhân dẫn binh tướng đi bắt hai người về trị tội. Hay truyện Từ Thức lấy vợ tiên kể về cuộc sống của một anh chàng nghèo lấy được vợ tiên. Giữa cõi trần và cõi tiên tưởng chừng như trái ngược dưới trí tưởng tưởng của tác giả trở nên hòa hợp. Đây cũng chính là những yếu tố làm nên điều kỳ lạ trong truyện truyền kỳ. Bên cạnh sự trộn lẫn hòa hợp với thế giới con người, ở nhiều truyện truyền kỳ, thế giới phi nhân còn đối địch với thế giới con người. Ở khía cạnh này hai thế giới phi nhân và thế giới con người tồn tại song song với nhau, luôn luôn đối chọi lẫn nhau. (Chẳng hạn truyện Yêu nữ Mai Châu hay Tinh chuột trong

Thánh Tông di thảo). Quá trình tồn tại hai thế giới với nhau trong truyện truyền kỳ tạo nên bức tranh cuộc sống đặc thù và phong phú. Sự đối chọi giữa hai thế giới này, con người bao giờ cũng chiến thắng.

Trên đây biểu hiện của những điều kỳ lạ trong truyện truyền kỳ. Những yếu tố đó được hình thành bắt nguồn từ nhiều cơ sở khác nhau. Hay nói cách khác đó là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, tư duy khoa học chưa phát triển, thế giới quan tôn giáo, sự trưởng thành của ý thức thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật.

Truyện truyền kỳ ra đời trong thời điểm tư duy khoa học của con người chưa phát triển, con người chưa có căn cứ khoa học để giải thích những điều kỳ bí của tự nhiên cũng như các sự việc xảy ra xung quanh. Họ phải mượn yếu tố thần kỷ của lực lượng siêu nhiên, có thể làm những việc mà người thường không thể làm được để lý giải, để cắt nghĩa. Chính những yếu tố này bên cạnh tạo nên sự mới lạ, huyền bí cho tác phẩm còn làm thỏa mãn những băn khoăn trăn trở mà hàng ngày họ đặt ra. Bên cạnh đó trong quan niệm của người phương Đông luôn luôn tồn tại hai

thế giới: thế giới của con người và thế giới của thần linh huyền bí. Ở thế giới thần linh huyền bí cũng tồn tại hai thái cực, bên thiện, bên ác. Bên thiện đó chính là thần, tiên, bụt, các đấng siêu nhân này được con người tôn thờ và luôn luôn giúp đỡ người. Bên ác đó chính là ma quỷ, luôn luôn lôi kéo, xúi dục con người làm việc xấu, luôn quấy nhiễu con người. Hai thế giới này luôn luôn tồn tại và có quan hệ qua lại với nhau. Không chỉ vậy, người phương Đông còn quan niệm con người chết đi không phải là hết mà đó chỉ là sang thế giới khác, một thế giới vĩnh hằng đó là cõi âm. Cõi âm được xem như một thế giới có luật lệ, có công việc và nơi đó được xem là phiên tòa của cuộc đời. Những người ở trần gian làm điều tốt thì xuống đó được hóa kiếp, có cuộc sống tốt đẹp. Những người ở trần gian làm việc xấu xuống đó sẽ bị lưu đày khổ cực. Quan niệm tôn giáo đó đã khắc sâu vào tâm trí của nhân dân, các tác giả sáng tác văn chương nói chung và truyện truyền kỳ nói riêng đã mạnh dạn đưa những chi tiết thần kỳ, kỳ lạ đó vào trong tác phẩm của mình và được người đọc hậu thuẫn bằng đồng tình chấp thuận.

Một yếu tố nữa là cơ sở tạo nên cái kỳ lạ trong truyện truyền kỳ đó chính là hoàn cảnh xã hội. Nhiều tác giả muốn phản ánh những vấn đề có liên quan đến xã hội, đến giai cấp thống trị. Sức mạnh thống trị và quyền uy sẽ không cho phép những tác phẩm và tác giả sáng tác đó tồn tại. Muốn đạt được mục đích và nguyện vọng của mình các tác giả phải nhỡ những điều kỳ lạ, những điều không có thực trong đời sống hiện tại để chuyển tải. Một thế giới thực thực, hư hư là cái cớ để cho người đời chiêm nghiệm về cuộc sống thực tại. Việc thích những điều kỳ lạ, những cái khác thường huyền bí trong tâm lý tiếp nhận người đọc cũng là một yếu tố khích lệ, tạo điều kiện cho cái mới kỳ lạ xuất hiện trong truyện truyền kỳ.

Trên đây chính là những cơ sở để hình thành nên cái kỳ lạ trong truyện truyền kỳ. Mỗi truyện, mỗi tác giả có những cơ sở khác nhau để

tạo nên cái kỳ lạ. Và bản thân cái kỳ lạ cũng được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.

Tóm lại, lẽ tồn tại của truyện truyền kỳ là chỗ đưa đến một bức tranh lạ về thế giới và con người bằng những cách nhìn khác lạ. Dĩ nhiên không phải mọi giá trị của nó đều có tính khả thủ. Đây là tư tưởng cần thấu suốt để dạy học thể loại này. Cần tạo nên một tâm thế thích hợp để đến với truyện truyền kỳ, chấp nhận những ước lệ của thể loại mới thu nhận được cái hay của nó.

Một phần của tài liệu Phương pháp giảng dạy một số loại giá trị văn chương việt nam trung đại ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w