Giọng triết lí, suy ngẫm

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 131 - 144)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2.2. Giọng triết lí, suy ngẫm

Một trong những xu hướng của truyện ngắn sau 1975 là vươn tới sự khái quát, triết luận về đời sống. Xu hướng ấy đã tạo ra một mạch văn triết lí với những tên tuổi: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Phạm Thị Hoài... Họ triết lí về thời đại, về xã hội, về nghệ thuật, về lẽ sống chết, vinh nhục, ngay thẳng, đểu giả...

Triết lí suy ngẫm cũng là một đặc trưng của giọng điệu truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Như nhiều nhà văn nữ khác, triết lí trong truyện của chị là những chiêm nghiệm khơi nguồn từ những mất mát, khổ đau trong cuộc đời. Giọng trết lí trong sáng tác của chị không chua chát, mệt mỏi, bất lực, chán chường kiểu như: “gia đình là cái hang ổ cuối cùng”, hay: “Hôn nhân là nơi người này có vô số cơ hội để hành hạ người khác một cách hợp thức...” trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ và Phạm Thị Hoài. Khi triết lí, Trần Thuỳ Mai tỏ ra ít tranh biện, mà chủ yếu là những suy ngẫm, chiêm nghiệm nhẹ nhàng nhưng thấm thía về mọi vấn đề của đời thường, về hôn nhân, về tình yêu, về hạnh phúc...

Triết lí về lẽ sống chết ở đời, Trần Thuỳ Mai đặt vào suy nghĩ của nhân vật Niết, một người phụ nữ không hề có chút hạnh phúc trong hôn nhân, người phụ nữ đã sinh một “con thú người” sau khoảnh khắc rất Người với Dõng, tên lực điền bị truy bắt vì giết chết con trai Chánh Hội. Trong nỗi ám ảnh về “cơn lửa trời trong truông vắng”, về sự bùng lên dữ dội của lửa giữa sấm sét, mãnh liệt và rồi tàn lụi, Niết đã tin rằng: "Người ta chỉ có mặt trên đời này như những ảo ảnh, những ảo ảnh hiện ra, di động, gặp nhau rồi dang xa. Rồi tan biến như bọt đầu sóng nước” (Lửa của khoảnh khắc). Tác giả đã nhìn thấy nỗi bất an của con người trong đời sống, sự nhỏ bé và hữu hạn của kiếp người, tiếng nói suy ngẫm của chị như một châm ngôn: “Chính mặt trời cũng không vĩnh cửu” (Thị trấn hoa quỳ vàng).

Thấu hiểu con người, hạnh phúc, tình yêu trong giới hạn của đời sống, Trần Thuỳ Mai trao lời cho nhân vật Vũ khi khước từ chung sống với nguời

anh yêu, một cô gái trẻ người Nhật đã yêu và tôn thờ anh, bởi vì trong anh “chỉ còn những giọt tinh huyết cuối cùng, sôi trào mãnh liệt để rồi một mai sẽ thình lình khô cạn”. Vũ nói với Akikô: “Tất cả chúng ta đều giốing nhau ở chỗ có một hoàn cảnh không thể vượt qua. Ở chỗ khát vọng thì vô bờ mà thực tế luôn giới hạn” (Thuốc ba màu).

Cũng với triết lí ấy về lẽ sống, ở một hình thức diễn đạt khác, người kể chuyện ở ngôi thứ ba dấu mặt từ sự ra đi của ông Thanh trong “trò chơi cấm” với người phụ nữ mà “có người ấy, thế giới này thật rộng lớn và vang ngân”, suy nghĩ và khái quát:“Con người thật kì lạ, muốn phiêu lưu nhưng không dám vượt ra khỏi những rào cản của cuộc sống bầy đàn” (Trò chơi cấm).

Có khi, bằng giọng triết lí, Trần Thuỳ Mai như muốn chuyển tải những chân lí vĩnh cửu của cuộc sống: “Khi người ta hạnh phúc, người ta không cảm thấy mình đang trên đường đi đến cõi chết” (Giông mùa xuân).

“Cuộc đời như một dòng sông, không ai nói trước được nó sẽ đi qua những ghềnh thác nào... Lẽ nào vì sợ thác ghềnh mà sông không dám chảy?” (Gió thiên đường).

“Sông trôi về biển là sông mất. Nhưng sông không chảy thì còn gì là sông” (Khói trên sông Hương).

Sông vẫn phải chảy dẫu qua lắm thác ghềnh. Con người vẫn phải sống và hướng về phía trước, cho dẫu cuộc sống hôm nay còn nhiều cay đắng, và hạnh phúc thường mong manh. Có lẽ một phần nhờ những chân lí ấy mà nhân vật của Thuỳ Mai dù không hạnh phúc trong tình yêu, kém may mắn trong cuộc sống, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên sống đẹp, sống vị tha.

Với giọng điệu triết lí, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai đã chạm đến những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh nhức nhối: Đâu là tồn tại? Đâu là hạnh phúc? Và đâu là tình yêu? Gần như không một truyện ngắn nào của chị giải quyết được triệt để những vấn đề có ý nghĩa siêu hình ấy. Nhưng qua lời của nhân vật, chúng ta có thể thấy được những quan điểm mang tầm khái quát và rất tiến bộ của tác giả. Chẳng hạn, nhân vật Nhím (Thể Tú) bị gia đình ngăn cản

cuộc hôn nhân với một người đàn ông đáng tuổi cha, với suy nghĩ “con sẽ sống cuộc đời con”, nhân vật đã tìm cách đấu tranh cho tình yêu: “Nếu phải chọn giữa một hạnh phúc mong manh và một bất hạnh vững bền, nên chọn cái gì hơn?”. Cô bé thông minh với tư tưởng rất hiện đại đã triết luận: “Nhân loại rất đông nhưng chẳng ai thay thế được ai” (Mưa đời sau).

Trần Thuỳ Mai vẫn thường viết về những tình yêu đẹp như ảo ảnh, rất trong trẻo dù là rất mong manh. Đọc truyện ngắn của chị, người ta không tìm thấy yếu tố dục tính. Có lẽ trong quan niệm của chị, đúng như lời nhân vật Trúc Ty trong Chiếc phao cứu sinh: “Sex là một món quà lớn của tình yêu, nó không thể lớn hơn chính tình yêu.” Với tác giả, tình yêu là lẽ sống, và bởi vậy: “Trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào, mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thật là sự khủng khiếp” (Gió thiên đường).

Bằng giọng điệu suy ngẫm, Trần Thuỳ Mai trăn trở về hạnh phúc gia đình khi dẫn người đọc đến với bi kịch của những cuộc hôn nhân. Có cuộc hôn nhân chỉ có tình yêu từ một phía như cuộc hôn nhân của Út và Phan trong

Nước vĩnh cửu, có cuộc hôn nhân chỉ như sự thực hiện di nguyện của người bạn để mãi mãi không tìm thấy nụ cười trên khuôn mặt nhau như cuộc hôn nhân của Hà và Cường trong Ngôi dền sống, có cuộc hôn nhân không tình yêu của Niết và Thầy Thông trong Lửa của khoảnh khắc, lại có cuộc hôn nhân cô dâu đã quá mỏi mệt vì chờ đợi để rồi tự kết liễu đời mình trước lễ vu quy trong Người điên vì hoa,... Tác giả cũng đã để cho nhân vật của mình băn khoăn: “Hôn nhân có thực sự quan trọng như thế không? Có xứng để người ta phải đi lên tận đỉnh núi cao để xin một lời chứng nhận của Thượng đế? Để rồi chẳng bao lâu sau lại tìm cách để thoát ra, như tôi bây giờ...” (Nước vĩnh cửu). Đó cũng là dấu ấn của hình tượng tác giả với những cay đắng trong cuộc đời mà chị đã từng trải nghiệm. Hoài nghi về hạnh phúc, chẳng thể chắc chắn nó có hay không có, tồn tại hay không tồn tại trong mỗi cuộc hôn nhân cũng là

niềm trăn trở, suy ngẫm của rất nhiều người trong đời sống hiện đại. Nhà văn đã nghĩ cùng, nghĩ hộ và lên tiếng hộ độc giả.

Trong truyện ngắn Trinh nữ, nhân vật Na sau khi ra đi với suy nghĩ sẽ nhường lại tình yêu cho chị gái, đã lựa chọn sinh con mà không buộc người đàn ông của mình đi đến hôn nhân, vẫn có được sự “mãn nguyện và hạnh phúc”. Đó cũng là một lựa chọn đáng được trân trọng. Chị Niết, chị gái của Na vì không dám đấu tranh với gia đình nên đã không có được hạnh phúc với Chinh, chị mãi là một trinh nữ “như một xác ướp thơm tho và cao quý”. Trong truyện ngắn này, nhân vật không định nghĩa về hạnh phúc, về gia đình nhưng ý nghĩa triết lí cũng vẫn được toát ra từ giọng điệu trầm buồn lẫn với xa xót và cũng khá cứng cỏi của lời người kể chuyện. Câu chuyện như là hệ quả của hoài nghi về hạnh phúc gia đình và là dẫn chứng cho những châm ngôn về lẽ đời đã từng được phát biểu trong những truyện ngắn khác: “Không ai sở hữu được ai trên đời này” (Gió thiên đường) và “Không ai sang nhượng được một con người” (Nước vĩnh cửu).

Giọng điệu triết lí trong văn Trần Thuỳ Mai không hề gượng ép hay giả tạo. Trái lại, rất chân thành, bởi đó chính là những đau đắng và hạnh phúc trong đời mà chị đã quan sát, thể nghiệm và trải qua. Từ sự đồng cảm với thân phận của người phụ nữ, chị triết lí về nỗi cô đơn, bất hạnh của họ như chiêm nghiệm chính mình sau những mất mát đắng cay:

“Đàn ông khởi đầu một cách điên cuồng rồi dịu đi trong hèn nhát. Còn đàn bà càng lúc càng giam mình trong những kỉ niệm, ngu dại và xót xa” (Thập tự hoa).

Từ góc nhìn của người phụ nữ, Thuỳ Mai để cho nhân vật của mình khái quát về đàn ông trong những hoàn cảnh khác nhau. Người phụ nữ lãng mạn khi đã mất tình yêu vẫn mang trên mình cây thập giá, “luôn thấy những người đàn ông đều tốt” luận giải với con mình: “Mỗi người đàn ông đều có con thuyền và giấc mơ của mình, họ đến bến rồi lại đi xa” (Thập tự hoa). Bà Hải, người đàn bà điềm đạm, chững chạc, luôn tự tin và bình tĩnh trước mọi

chuyện khi nghe chồng “tự khai” về sự “thương cảm và mủi lòng” của mình khiến cô Bưởi có mang, đã ngẫm nghĩ: “Đàn ông... cứ như một cái túi thủng hai đầu, túm đầu này thì hở đầu nọ” (Tháng tư trở lại).

Quả thực, bằng sự đồng cảm với số phận và khao khát hiện sinh của nhân vật, tác giả đã gợi trong lòng người đọc những trăn trở và suy ngẫm. Suy cho cùng, triết lí rút ra từ truyện ngắn Trần Thuỳ Mai cũng là: làm thế nào để có được tình yêu và hạnh phúc thật sự trên cõi đời. Điều đáng chú ý là: dẫu cay đắng, đau khổ thì giọng triết lí của chị cũng không cay độc, gai góc mà nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Những lời triết lí ấy bật ra tự nhiên từ trái tim nhạy cảm và sự trải nghiệm cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Dường như mỗi truyện ngắn của chị đều vươn tới sự khái quát đời sống. Bởi vậy, sử dụng giọng điệu triết lí là cần thiết để có được sự cô đọng, súc tích của tác phẩm trong hình thức thể loại tự sự ngắn. Cùng với giọng trữ tình tha thiết, thủ thỉ tâm tình, giọng triết lí suy ngẫm đã làm nên đặc sắc riêng về giọng điệu cho truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, góp phần làm nên và khẳng định phong cách truyện ngắn của tác giả này trên văn đàn đương đại.

KẾT LUẬN

1. Trong số nhiều cây bút nữ chuyên tâm với truyện ngắn như Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Lý lan, Nguyễn Thị Thu Huệ..., Trần Thuỳ Mai đã thực sự tạo nên một cá tính sáng tạo. Phong cách nghệ thuật của chị đã được định hình ngay từ những ngày đầu cầm bút và nó không ngừng vận động, phát triển cùng với sự nỗ lực tìm tòi và đổi mới chính mình. Trần Thuỳ Mai không hướng đến những vấn đề gay gắt, những xung đột nóng bỏng trong đời sống, mà tập trung hướng vào những bi kịch nhân sinh qua việc lựa chọn đề tài tình yêu, đề tài đời sống tâm linh và đề tài lịch sử. Với ba mảng đề tài này, tác giả thể hiện được cái nhìn về con người với chiều sâu của nó: con người cá nhân với cái tôi nội cảm, với nỗi cô đơn và niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc; con người tâm linh với chiều sâu vô thức, tiềm thức, với trực giác và niềm tin tôn giáo; con người lịch sử và tiếng nói khát khao đồng cảm từ những bi kịch của những người phụ nữ bị lãng quên trong quá khứ.

Trên phương diện cảm hứng sáng tạo, tác giả đã bộc lộ niềm xúc động mãnh liệt của mình về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Khát vọng được sẻ chia, nỗi đau bị phụ bạc của người phụ nữ đau đáu trên từng trang viết của Thuỳ Mai. Nhà văn đã thực hiện được mong muốn sống cùng số phận các nhân vật của mình trên từng trang viết khi đề cập đến nỗi đau của mỗi phận người trong cuộc sống đa tạp hôm nay. Cảm hứng về cái đẹp cũng là một cảm hứng chủ đạo trong sáng tác truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai, trong đó cái đẹp được cảm nhận từ nhiều khía cạnh: thiên nhiên, nghệ thuật, con người và văn hoá Huế... Tất cả khẳng định tác giả có một tâm hồn nhạy cảm và yêu thiết tha cái đẹp, biết trân trọng và nâng niu cái đẹp giữa bao nhiêu phồn tạp của cuộc đời.

2. Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không chỉ để lại dấu ấn ở việc lựa chọn đề tài và cảm hứng sáng tạo mà còn độc đáo ở nhiều yếu tố thuộc hình thức nghệ thuật. Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cho thấy nét riêng của Trần Thuỳ Mai

là ở phương diện kết cấu. Ngoài việc sử dụng nhiều dạng kết cấu truyền thống, có thể thấy được nét mới mẻ trong nghệ thuật kết cấu truyện của chị trên các dạng thức cơ bản: kết cấu xoay quanh tình huống tiêu biểu, đặc biệt là xoay quanh tình huống tâm trạng; kết cấu theo dòng ý thức; và kết cấu truyện trong truyện. Trong đó, loại kết cấu lồng ghép, kết cấu truyện trong truyện... với sự vận dụng linh hoạt các dạng thức khác nhau trong cùng một truyện ngắn là sở trường của chị. Trên cơ sở những kiểu kết cấu này, Trần Thuỳ Mai đã thể hiện được lối tư duy tự sự hiện đại với việc sử dụng dòng hoài niệm, ý thức và nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật khá sắc sảo, phù hợp với chất huyền ảo vốn là nét đặc trưng khó lẫn trong truyện ngắn của mình.

Tìm hiểu nhân vật trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, chủ yếu là nhân vật trung tâm, nhìn từ vị trí, vai trò của nó trong góc độ kết cấu, chúng tôi quan tâm đến những loại nhân vật tiêu biểu: nhân vật người phụ nữ; nhân vật nghệ sĩ và nhân vật lịch sử. Trong đó, hình tượng nhân vật nữ nổi bật lên với những phát hiện tinh tế của một nhà văn nhạy cảm và có khả năng khai thác chiều sâu nội tâm. Nhân vật của chị chứa đựng chiều sâu của sự suy ngẫm, sự tinh tế của tâm trạng, cảm xúc, những phản ứng tâm thức kín đáo, những nỗi đau tinh thần rất cụ thể. Vẻ đẹp tâm hồn, sự hướng thiện của nhân vật đã tạo nên giá trị nhân bản cho truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, góp phần thể hiện dấu ấn cá tính sáng tạo của tác giả. Đó là một nhà văn nữ “dịu dàng và đa đoan”, một nhà văn đậm chất Huế ở sự thâm trầm, sâu sắc.

3. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai là một thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng ngay cả khi chị viết về những bão táp đời người, bởi “những cơn bão vẫn thường mang tên phụ nữ”. Nét độc đáo về ngôn ngữ trong sáng tác của Thuỳ Mai trước hết thể hiện ở việc sử dụng hiệu quả lớp từ ngữ địa phương và từ ngữ tôn giáo. Trong truyện ngắn của chị, hai lớp từ ngữ này được khéo léo sử dụng với mật độ và tần số xuất hiện phù hợp, gây được hiệu quả thẩm mĩ tích cực ở người đọc, tạo được nét duyên dáng rất Huế.

Cách tổ chức lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai khá linh hoạt. Điều đó được thể hiện ở việc sử dụng đa dạng hoá các kiểu câu; ở lời văn trần thuật với lối trùng điệp độc đáo, khiến truyện gần với thơ; ở sự khéo léo trong sử dụng đối thoại, độc thoại, đặc biệt là sự vận dụng độc thoại ngay trong đối thoại, độc thoại “lai ghép” giữa lời nhân vật và lời người kể chuyện. Gắn liền với tổ chức lời văn là ý thức tạo giọng điệu riêng ở truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai với vẻ đặc sắc của giọng trữ tình tha thiết và giọng triết lí suy ngẫm. Có thể khẳng định, ngôn ngữ truyện ngắn Trần Thuỳ Mai là thứ ngôn ngữ đậm chất trữ tình, ngôn ngữ lay thức lòng người bởi những cảm nhận hết sức tinh tế về cuộc đời, về con người. Chính bởi thế mà Trần Thuỳ Mai đã tạo và giữ được màu sắc riêng trong làng truyện ngắn hiện nay bằng chất giọng ấm áp tình đời, trong khi ở các nhà văn nữ khác lại gia tăng sự táo

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 131 - 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w