6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. tài đời sống tâm linh
Như đã làm rõ ở phần 1.3.1 sự đổi mới của truyện ngắn sau 1975 thể hiện trước hết ở cách tiếp cận hiện thực ở chiều sâu, quan tâm đến con người cá nhân, cá thể. Và như vậy, văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng sau 1975 bắt đầu dò tìm một thế giới đằng sau thế giới hiện thực, đó chính là thế giới của những giấc mơ, của vô thức, hư ảo, thế giới của những vấn đề siêu hình, siêu thực. Ở mục 1.3.2 tác giả luận văn cũng đã xác định, một trong những bước tiến trên hành trình nghệ thuật của nhà văn Trần Thuỳ Mai là việc xây dựng con người tâm linh trong truyện ngắn của mình. Chính tác giả cho rằng: những yếu tố văn hoá thoát thai từ tôn giáo luôn tiềm tàng trong đời sống tinh thần con người mà “cuộc sống của chúng ta tất yếu sẽ ngày càng công nghiệp hoá, và càng phát triển thì con người càng bị cuốn vào cuộc đua hối hả của toàn nhân loại. Tâm linh sẽ là điểm tựa không thể thiếu giúp con người khỏi đánh mất mình. Chỗ nương dựa ấy, thường gọi là chân tâm. Chân tâm sẽ là nơi xuất phát mọi hành vi hướng thiện, để mỗi người trở thành trung tâm của tình thương yêu, sự tha thứ, những gì làm cho cuộc đời này đẹp và đáng sống hơn. Quan trọng hơn, giữ được chân tâm thì con người sẽ luôn là chính mình, tránh được khỏi trở thành một chi tiết trong một guồng máy khổng lồ - bi kịch lớn của thời hiện đại” [33]. Chính bởi vậy, khi viết về đời sống tâm linh, viết về tôn giáo, Trần Thuỳ Mai thường quan tâm đến vẻ đẹp tâm hồn con người và sự lựa chọn những vấn đề sinh tử của cuộc sống: đạo và đời, tu hành và thế tục, đối mặt và chạy trốn khát khao...
Thế giới tâm linh là cõi sâu kín, vô hình trong con người mà ở đó, con người sống với niềm tin tôn giáo, với sự mách bảo của tâm hồn thông qua linh cảm, tiềm thức, vô thức, giấc mơ... Khảo sát truyện ngắn Trần Thuỳ Mai
chúng tôi tạm chia các tác phẩm ở mảng đề tài này ra làm hai nhóm: nhóm các tác phẩm viết về tôn giáo và nhóm các tác phẩm đề cập đến những vấn đề khác trong đời sống tâm linh.
Có thể thấy rõ số lượng truyện ngắn viết về tôn giáo xuất hiện trong 12 tập truyện đã in của Trần Thuỳ Mai chưa phải là thật nhiều. Các truyện ngắn tiêu biểu cho nhóm đề tài này là: Hải đường tăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Phật ở Kyongju, Trăng nơi đáy giếng, Lửa của khoảnh khắc... Điều làm chúng tôi chú ý là ở chỗ cái nhìn của tác giả đối với vấn đề tôn giáo. Thuỳ Mai không viết về vấn đề nhạy cảm và tế nhị này với cái nhìn gay gắt của sự lên án những hiện tượng cuồng tín và dường như chị cũng không dùng ngòi bút của mình vào việc “hoằng dương chánh pháp truyền bá giáo lí nhà phật” như một vài cây bút khác. Truyện ngắn viết về tôn giáo của Trần Thuỳ Mai giản dị và đẹp đẽ, những vẻ đẹp của huyền thoại, cổ tích mà qua đó người đọc thấy được tấm lòng yêu thương nồng hậu và nhân ái đối với mọi kiếp người.
Một trong những truyện ngắn viết về tôn giáo được độc giả yêu thích nhất của nhà văn Trần Thuỳ Mai là truyện Thương nhớ Hoàng Lan. Ở truyện ngắn này có sự kết hợp lạ lùng giữa đạo và đời, giữa ý định và phận số, giữa khoảnh khắc và vô cùng vô tận. Nhân vật trong truyện như có cơ duyên với cõi đạo nhưng lại “nặng nợ với đời”. Họ tìm đến cửa Phật như một cái duyên tiền định. Cha của Minh vốn là một chú tiểu hiền hoà, trung thực, thông minh, học giỏi, được cử làm giáo sư ở một trường tư thục của Giáo Hội. Nhưng ông không đi trọn nghiệp tu hành bởi vướng vào duyên đời khi gặp một “cô bé nữ sinh tinh nghịch có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê”, cô bé ấy đã “yêu thầy đến phát bệnh, để rồi thầy phải lựa chọn”. Ông rời chùa, bởi “Tu hành là để cứu chúng sinh. Nay có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ”. Trở về giữa đời, nhưng vẫn không dứt nổi nghiệp tu, “ông vẫn ăn chay, mặc áo nâu và tụng kinh sớm chiều” vì “không bỏ đời theo đạo được thì ông đem đạo về giữa đời”.
Chuyện thầy tiểu rời chùa thoát tu để về giữa cõi tục lấy vợ sinh con là một điều cấm kị của Phật giáo. Thế nhưng Trần Thuỳ Mai không xây dựng tình huống ấy nhằm vào mục đích phê phán mà chị nhìn chuyện tu thành hay không, nhìn sự day dứt giữa đạo và đời của nhân vật với cái nhìn nhân ái và cảm thông. Dù cha Minh đã đã quyết tu giữa đời, nhưng “tiếng tụng kinh đêm khuya nghe chừng khắc khoải. Chao ôi, với những con thuyền khắc khoải ấy, kiếp nào cha mới đến được Tây Phương?”. Để đến được cõi Tây Phương cực lạc trong quan niệm của nhà phật thì phải thật sự thoát tục, với tiếng cầu kinh khắc khoải của một cõi lòng không thể nào thanh tịnh ấy, làm sao nhân vật này có thể đắc đạo được khi vẫn còn duyên nợ vời cõi đời.
Đọc Thương nhớ Hoàng Lan, dường như ta thấy rõ một quan điểm: tu không nhất thiết phải là khổ hạnh theo kiểu hành xác, ép xác, cũng không phải “tu trên núi thì dễ, tu giữa chợ mới khó. Không ở giữa đời, làm sao biết đời đục mà tránh” theo kiểu ngụy biện, bởi thực ra “đời không đục, không trong”. Trong quan niệm của nhà Phật, thì tu ở đâu chăng nữa thì điều cốt lõi vẫn là ở cái tâm của mình: “thứ nhất tại tâm, thứ hai tại cảnh, thứ ba tại chùa”. Giữ được cái tâm trong sáng, an bằng thì việc ngộ đạo mới dễ dàng. Khi kiếp tu hành vướng phải nghiệp duyên, về sống giữa cuộc đời trần tục vẫn rất cần cái tâm trong sáng ấy. Một mặt nào đó, tinh thần nhập thế của đạo Phật cũng được thể hiện kín đáo qua truyện ngắn này. Đạo Phật đã đi vào cuộc sống, đem những giáo lí của mình để phổ độ chúng sinh. Nếu phát tâm ngộ đạo thì vẫn có thể “tu tại gia” (cha của Minh bảo con: kinh sách chuông mõ đây cả, con chẳng phải đi đâu), không có điều kiện tụng kinh thì chỉ cần tu tâm, gắng sửa những sai lầm trong cuộc sống làm người, bởi khi "tâm không an thì có cầu cũng vô ích”. Tôn giáo nào cũng hướng con người giữ lấy chân tâm rồi mới cầu mong giải thoát. Đạo giúp cho cái tâm trong sáng, giúp cho cuộc đời nhân ái và tốt đẹp hơn, còn đời đối với kẻ tu hành lại là bước thử thách như “lửa thử vàng” để đạt đến chân tu.
Trở lại với truyện ngắn Thương nhớ Hoàng Lan, dường như cuộc đời của chú tiểu Đăng Minh và người cha đều gặp nhau ở định mệnh. Hai cha con họ đều lựa chọn cuộc sống tu hành và đều vướng nghiệp duyên, dù đã coi tu hành là chuyện sinh tử của đời mình nhưng tình duyên khó dứt. Minh tự nhận thấy, hình như mình sinh ra là để đi tiếp con đường dang dở của cha mình, nhưng dù đã xuất gia, Minh vẫn không “vô vi” được với đời. Mẫu thuẫn trong tư tưởng của Minh là một minh chứng sinh động cho sự day dứt giữa đạo và đời, những gì mà hầu hết tiểu tăng trên con đường ngộ đạo cũng đều gặp phải. Cũng giống như cha, trước Lan, Minh cũng chới với: “vẻ đẹp này là sắc hay không?”. Trong kinh phật có câu “không bất dị sắc, sắc bất dị không”, nên khi cõi lòng day dứt không yên, nhân vật không thể phân biệt được rạch ròi đâu là đời, đâu là đạo. Tác giả sử dụng triệt để khả năng phân tích tâm lí nhân vật khi để cho Minh độc thoại: “Vẻ đẹp này có phải phù du? vẻ đẹp này là sắc hay không? Chỉ thấy ngợp vì trăng (...) trước mặt tôi chập chờn lấp loá những con đường. Những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và phật...”. Đó là những chấp chới của một trái tim rung động trước vẻ đẹp, trước tình yêu. Khi đối diện với Lan, chú tiểu Minh bối rối, hốt hoảng thấy mình đỏ mặt, “ngắt những cọng cỏ, vò nát trong đôi tay run run”; Rồi cả những ám ảnh khiến tâm người tu hành không thể bằng an: “Bao nhiêu đêm, cứ chợp mắt là thấy Lan hiện ra, mảnh dẻ, thanh thoát, đầu đội chiếc mâm vàng sóng sánh nước đi thẳng đến bờ vực. Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió”. Trần Thuỳ Mai đã để cho Minh băn khoăn: “Nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không?... trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn?”. Tác giả đã đi sâu vào khai thác triệt để và có hiệu quả những mâu thuẫn, giằng xé nội tâm, những uẩn khúc tạo nên bi kịch ngầm đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật. Nhờ đó, nó gợi nên những ám ảnh, suy ngẫm trong lòng người đọc bởi sự khắc khoải của tâm linh, bởi “chưa nghe gỗ đá thành Phật bao giờ”. Để có được sự đắc đạo theo đúng quan niệm của nhà phật, hẳn trên hành trình
gian khổ, người tu hành cũng phải sống rất người, rất đời, đủ trải nghiệm, đủ bản lĩnh để vượt lên chính mình. Minh hoàn toàn quyết tâm với nghiệp tu hành, Minh không muốn như cha mình, không muốn tiếng tụng kinh giữa đêm khuya của mình nghe có những day dứt nửa đời nửa đạo, dù vẫn đôi khi “chợt nghe tiếng mình khắc khoải”. Ngộ ra được một điều: đạo và đời là hai thế giới hoàn toàn khác nhau mà đối với người xuất gia (tu tại chùa) thì không thể dung hoà hai thế giới ấy, không thể đi chung một con đường, chú tiểu Minh “nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ một nghìn lần kinh Thuỷ sám” và “tụng cho Lan một lần kinh cầu siêu thoát”. Đoạn kết của tác phẩm viết về tâm sự của Minh trước sự lựa chọn hi sinh của Lan thấm đẫm tinh thần nhân ái, từ bi hỉ xả của đạo Phật. Những giọt nước mắt rất tự nhiên, rất đời, đúng với quy luật tâm lí, tình cảm của con người, nhưng lại là cả một sự nỗ lực của Minh “như ép cho hết những dòng tục luỵ cuối cùng”, để để đưa chiếc thuyền lòng vào neo nơi bờ thanh thản mà bước hẳn từ cõi đời sang cõi đạo.
Trong tác phẩm, Trần Thuỳ Mai cũng đã xây dựng thành công nhân vật vị Thầy của Đăng Minh. Là người có linh giác về tương lai con người, rất nghiêm mà giàu lòng từ mẫn, không la rầy, trách cứ đệ tử, lại có tâm bình đẳng, dung thông, nhìn đời vốn không trong không đục, sinh ra đời được trưởng ngộ bậc minh sư giác ngộ như thế này, quả là một diễm phúc lớn mà Đăng Minh có được. Đăng Minh, cái tên có ý nghĩa thật hay - ngọn đèn đang chiếu sáng - là chính Thầy đã đặt. Phải chăng, Thầy đã ký thác một niềm tin kiên cố vào người đệ tử chân tu tương lai: giàu lòng từ bi, trí tuệ, có bản lĩnh và khả năng độ cha, độ mẹ và hết thảy chúng sinh đang mê mờ trong vô minh sang bờ giác? Điều đáng quý là Thầy thấu hiểu được hoàn cảnh, căn cơ và tư chất giác ngộ của đệ tử mình. Khi thấy lòng đệ tử mình đang chao, lòng từ bi đã bị vướng ái kiến, Thầy không rầy la, mà chỉ nhìn thẳng vào mắt đệ tử một cách thuỳ từ và trả lời: “Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết lòng mình”. Đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường, còn việc chọn lựa và đi hay không là mỗi người phải tự
quyết và tự độ. Khi thấy đệ tử đang oà khóc trước sự hi sinh của Lan, luống cuống che mặt, Thầy từ bi và thông cảm, vỗ về: “Cứ khóc đi con”; “Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ”. Khi đệ tử xin phép, được hay không, trồng cây Hoàng lan tội nghiệp ấy, Thầy bảo: “Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung”. Đặc biệt vị Thầy tuyệt vời ấy đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng quá đẹp, khiến người ta bật khóc khi một tay dắt người đệ tử đáng thương, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống. Sau Giác Duyên, chính Thầy là hiện thân vẻ đẹp tình thương quảng đại và trí giác của vị Tăng trong đạo Phật đã thong dong bước vào thế giới nghệ thuật ngôn từ.
Khác với Thương nhớ Hoàng Lan, truyện ngắn Hải đường tăng kể về câu chuyện của một nhà sư. Trước khi đến với chốn tu hành, ông đã làm lễ ăn hỏi với người con gái mình yêu và đã thoái hôn khi nhận ra cõi tu hành mới là cuộc sống thực của mình. Ông đã quyết tâm lựa chọn và sẵn sàng bỏ đi dù bết rằng mình đã gây đau khổ cho Luyến. Luyến, người phụ nữ bị từ hôn đã tìm đến chùa với nỗi thống hận sau hai mươi năm chịu đủ mọi đắng cay, tủi nhục, mất mát, tan vỡ đến tận cùng. Bấy giờ nhà sư mới nhận ra rằng: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình (...) Một hạt mầm vô tình gieo từ hai mươi năm đã thành cây đắng trái độc. Không tránh khỏi. Nghiệp dĩ đã khởi, hãy để cho nghiệp đi đến cùng rồi mới có thể sánh vai với trời xanh mây trắng” [62, 165]. Với tất cả tấm lòng của một nhà sư ngộ đạo suốt hai mươi năm sống kiếp tu hành, sư Viên Tâm đã làm nguôi dần và tắt hẳn ngọn lửa thù hận trong lòng Luyến bằng cách để cho người phụ nữ bất hạnh này nói ra hết những điều chất chứa trong lòng. Bởi có lẽ, thù hận kia ngày càng nặng nề do Luyến không có chỗ để chia sẻ, không có người nào là tri âm, không có ai lắng nghe nàng nói. Thế nên khi bình minh đến, Luyến: “nhận thấy rõ ánh mắt hiền hậu đang chăm chú lắng nghe... lòng nàng bỗng thấy nhẹ đi. Có một người đang lắng nghe nàng (..) Giờ đây, nàng đã biết sợ vực sâu, và đã trút được hết lửa bỏng trong lòng. Lúc đến đây, nàng nghĩ không có gì để mất. Bây giờ nàng
biết quý sinh mạng của mình” [62, 165]. Còn sư Viên Tâm, khi gặp tình huống Luyến trần truồng trong thiền phòng của mình, sau khi trấn tĩnh được, “ông đã không nghĩ đến việc làm sao gỡ mình ra khỏi thế bí, mà nghĩ làm thế nào để cứu chữa cái tâm hồn què quặt đã đến với ông trong đêm này”. Sư Viên Tâm vẫn biết việc “cứu chữa cái tâm hồn què quặt” của Luyến sẽ ảnh hưởng đến việc thăng chức thượng toạ của mình và làm “Tăng chúng trong chùa nhìn ông bằng ánh mắt khác”. Ở đây tác giả dường như muốn gợi ca vẻ đẹp tấm lòng từ bi bác ái của nhà sư đặt việc cứu vớt chúng sinh lên trên cả thanh danh trong sạch của một vị tu hành. Hình tượng Sư Viên Tâm cũng cho người đọc hiểu rằng, người tu hành tụng kinh, niệm phật, tích thiện, sửa mình để cầu mong giải thoát và cứu độ chúng sinh; họ sẽ thấy thanh thản với những gì mình đã làm, đã sống với cái tâm trong sáng của mình. Chính tư tưởng và vẻ đẹp tấm lòng ấy đã làm cho ngôi chùa nhỏ trên núi mà sư Viên Tâm tự mình dựng lên sau ngày rời chùa Phật Tích với cành Hải Đường của sư trụ trì đưa về từ xứ Phật, ngày càng đông khách đến, ở đó, họ tìm thấy sự vững tâm, thấy mình được che chở. Có thể nói, qua tác phẩm, người đọc thấy được dấu ấn văn hoá Phật giáo của mảnh đất cố đô đã đi vào trang viết của chị tự nhiên như hơi thở, như chính đời sống tâm linh của người dân xứ Huế vậy.
Trong truyện ngắn đề cập đến vấn đề tôn giáo của Trần Thuỳ Mai, con