Kết cấu truyện trong truyện

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 87 - 91)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.3.Kết cấu truyện trong truyện

Kết cấu truyện trong truyện vốn dĩ xuất hiện trong văn xuôi Việt Nam ngay từ đầu thế kỉ XX với sớm nhất là Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Kết cấu truyện lồng truyện là một kết cấu phức tạp, có thể gọi đó là đa kết cấu bởi tự thân mỗi truyện cũng là một tổ chức chịu sự chi phối của một tổ chức lớn là câu chuyện bao trùm. Vì lẽ đó truyện đi theo kết cấu này thường có nhiều chủ đề nằm trong một chủ đề chung. Kết cấu này đòi hỏi người kể phải biết xâu chuỗi các câu chuyện cho thống nhất trong một chỉnh thể. Khảo sát truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, chúng tôi thấy có một số lượng khá lớn các

tác phẩm mà trong đó có sự xuất hiện nhiều kiểu kết cấu khác nhau. Có một số truyện như Mưa đời sau, Cha nuôi, Bầy thú Bông của Quỳnh, Nàng công chúa lạc loài... bên cạnh kiểu kết cấu chính (xoay quanh một tình huống tiêu biểu) còn có những kết cấu kí sinh (kết cấu theo dòng hồi ức của nhân vật, kết cấu đảo lộn trật tự thời gian...). Chúng tôi đã bám vào kiểu kết cấu nổi trội nhất, xem đó là kết cấu chính để phân loại kết cấu truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Nhưng cũng có nhiều trường hợp truyện ngắn không có kết cấu nổi trội, cùng tồn tại ở nó nhiều kiểu kết cấu khác nhau, đan xen trong đó nhiều mẩu chuyện, nhiều đoạn đời của nhân vật gắn với những sự kiện khác nhau, chúng tôi coi đó là những tác phẩm đa kết cấu và tạm gọi là kết cấu truyện trong truyện. Truyện trong truyện ở truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không đơn thuần là câu chuyện nhỏ lồng trong câu chuyện lớn như trước đến nay ta vẫn quan niệm về kiểu kết cấu này. Có khi nó là những câu chuyện của những con người ở những thời đại khác nhau, không có quan hệ gì với nhau được kể tách bạch, đặt bên cạnh nhau để người đọc xâu chuỗi và nhận ra tư tưởng nghệ thuật (trường hợp Thiên thạch). Có lúc đó lại là những câu chuyện của qúa khứ và hiện tại của các thế hệ đan xen lẫn nhau nhằm mục đích thực hiện ý đồ nào đó (trường hợp Giấc mơ trên đỉnh Ngựa trắng). Ở nhiều nhà văn, việc xây dựng truyện ngắn đa kết cấu là cá biệt, còn ở Trần Thuỳ Mai thì đó lại là sở trường. Điều đó rất hợp với chất huyền ảo trong truyện của chị, kéo theo dòng hoài niệm, ý thức với thế mạnh độc thoại nội tâm liên tục được tái sử dụng. Nhiều khi, lối kết cấu ấy giúp tác giả đưa ra được cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về hiện thực, khi tạo ra được nhiều “bè” văn hoá, tạo được ấn tượng về một thế giới đầy tính hỗn dung.

Dòng suối cạn nguồn kể về câu chuyện Giáo sư Thanh đưa đoàn sinh viên đi sưu tầm văn hoá dân gian, ông gặp gỡ và cảm nhận về bà Lài và ông Phàn, những nghệ nhân còn sót lại của những điệu hò mái nhì mái đẩy, hát đối đáp giao duyên một thời. Trong tác phẩm còn có chuyện hát hò của thời tuổi trẻ, chuyện tình yêu của ông Phàn, bà Lài; chuyện về số phận con người,

về lí tưởng, con đường mỗi một người lựa chọn để đưa con thuyền chèo lái cuộc đời mình cập bến.

Điều đáng lưu ý là ở những tác phẩm có kết cấu truyện lồng trong truyện, những câu chuyện trong một truyện không tách rời mà luôn được chêm xen vào nhau một cách linh hoạt, tạo ra ấn tượng về sự chân thực của chuyện được kể, kéo độc giả lại gần với thế giới nghệ thuật của tác phẩm hơn, đồng thời tạo sự sinh động cho truyện. Tống Nương là một đặc sắc đa kết cấu trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Xoay quanh sự kiện Án lục người đàn bà họ Tống (một tên khác của truyện ngắn Tống Nương), tất cả sự kiện truyện ngắn được tái hiện. Thế nhưng, do sự lựa chọn đề tài lịch sử, kiểu kết cấu theo dòng ý thức với những giấc mơ huyền thoại cũng đồng thời được thể hiện rất rõ. Trong truyện có sự đan cài nhiều mẩu chuyện khác nhau: chuyện về việc ép cung luận tội của triều đình đối với Tống Nương, chuyện về cái chết của Thừa Nhi dưới tay Chúa Nguyễn Phúc Tần, chuyện về nội bộ dòng dõi nhà chúa... tất cả được tái hiện lại trong dòng hồi tưởng của Tống phu nhân, nhưng không phải là những đoạn hồi ức đứt gãy mà nó hiện lên mồn một, sinh động như là những câu chuyện độc lập mà người đọc đang chứng kiến. Ở truyện ngắn này còn xuất hiện kiểu kết cấu cắt lớp đan cài của điện ảnh. Tất cả các kiểu kết cấu đó cùng tham gia tái hiện lại bi kịch của Tống Nương ở một chiều kích mới, với cảm quan mới về lịch sử.

Truyện ngắn Giấc mơ trên đỉnh Ngựa trắng kể về câu chuyện tình cảm giữa Tuấn Anh, người “bảo vệ rừng kiêm hướng dẫn viên du lịch” và Ngọc, một du khách lên núi Ngựa trắng cùng ông của mình. Thế nhưng trong truyện ngắn này có sự đan cài giữa những câu chuyện trong thực tế diễn ra hàng ngày với những giấc mơ của Ngọc, rồi cả những sự việc trong cuốn tiểu thuyết mà Tuấn Anh viết dở qua câu chuyện kể của những người thợ rừng. Kết cục, tất cả những câu chuyện đều có chung một nhân vật chính mà khi nhân vật ấy chết đi sự thật mới vỡ ra - đó là người ông của Ngọc với mối tình cùng nàng Lilly trong linh giác Ngọc, trong huyền thoại mà Tuấn Anh nghe

kể, và cả cuốn tiểu thuyết viết dở của Tuấn Anh. Sử dụng kết cấu truyện trong truyện với lối đan cài các câu chuyện quá khứ, hiện tai, chuyện thực tế, chuyện tâm linh bằng thủ pháp huyền thoại hoá không gian, thời gian khiến cho truyện ngắn này có một sức hấp dẫn kì lạ. Truyện ngắn chạm tới những vấn đề của tâm linh huyền bí, làm nên sự thành công của tác giả trong tư duy truyện ngắn.

Thiên thạch là một trường hợp khá đặc biệt, được tuyển vào tuyển tập truyện ngắn “những trang viết lạ”. Cái lạ đầu tiên có lẽ là ở phương diện kết cấu. Bên cạnh việc thể hiện kết cấu theo dòng ý thức với sự đồng hiện quá khứ - hiện tại - tương lai là sự phát triển của kết cấu cắt lớp trong điện ảnh. Mặt khác, trong Thiên thạch chứa đựng trong đó ba truyện: truyện Anu và Eta, kể về cái ngày con người biết yêu đúng nghĩa (đây chính là huyền thoại do tác giả tự dựng lên); truyện Tang nương gói ghém bi kịch ngàn năm người phụ nữ không được sống với tình yêu và khát khao hạnh phúc của mình; và truyện về Nori - mẫu người phụ nữ hiện đại với những suy nghĩ phức tạp về tình yêu. Ba truyện ấy được trình bày rõ ràng, tách bạch, có cảm giác như không có chút liên quan gì với nhau. Chỉ khi đọc xong, ngẫm nghĩ và xâu chuỗi lại, người đọc mới thấy cả một lịch sử về tình yêu của loài người được tái hiện. Có thể nói kết cấu đặc biệt này đã đẩy dung lượng truyện ngắn lại gần với tiểu thuyết, khiến cho truyện ngắn trong một kết cấu nhỏ gọn lại có thể ôm chứa một dung lượng lớn.

Chủ trương xây dựng truyện ngắn đa kết cấu, truyện lồng trong truyện làm cho truyện ngắn bớt đơn điệu. Sự đan cài các câu chuyện vào nhau là một cách thức tạo sự luân phiên điểm nhìn, góp phần làm cho con người nhân vật (nhất là thế giới nội tâm của nó) được xem xét dưới nhiều góc độ và được xây dựng một cách tự nhiên hơn. Đó chính là thế mạnh của kết cấu truyện lồng trong truyện, góp phần tạo dựng cho truyện một nghệ thuật trần thuật hiện đại. Xây dựng được kết cấu truyện ngắn như trên, so với những ngày đầu với kiểu kết cấu xoay quanh những tình huống va chạm đời thường trong Một chút

màu xanh, Cuốn sách, Trần Thuỳ Mai đã tiến một bước dài trong hành trình nghệ thuật của mình.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 87 - 91)