6. Cấu trúc luận văn
3.3.2.1. Giọng trữ tình tha thiết
Trữ tình là sự bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, thái độ, tình cảm... của chủ thể với thế giới. Trong tác phẩm văn chương, trữ tình là sự tràn đầy của xúc cảm, sự nồng nàn của cảm hứng, sự rộn rã của giai điệu tâm hồn phả ra từ trang viết. Thiên tính nữ là người bạn tri kỉ của giọng điệu trữ tình. Dưới cái nhìn mền mại của phái nữ, giọng điệu trữ tình tha thiết bộc lộ qua nhiều vấn đề, đặc biệt là cảm xúc về thế sự đạo đức. Thông qua kiểu giọng này nhân vật trực tiếp bộc lộ thế giới nội tâm, tính cách khi nhìn nhận về con người, tình yêu, thiên nhiên, quá khứ, kỉ niệm...
Giọng trữ tình được sử dụng khá phổ biến trong truyện ngắn nữ thời kì đổi mới. Trần Thuỳ Mai được coi là cây bút giàu nữ tính bậc nhất trong làng văn hiện nay. Trữ tình là thế mạnh của chị. Chị luôn giữ cho truyện ngắn của mình một giọng ấm áp, giàu xúc cảm và mang nét duyên dáng quyến rũ, thủ thỉ tâm tình rất Huế. Không đặc sắc về cốt truyện và tình tiết, song truyện
ngắn của Trần Thuỳ Mai lại có khả năng lắng đọng nhờ chất trữ tình ngọt ngào. Khảo sát giọng điệu trong mối tương quan thống nhất của lời văn miêu tả, lời kể chuyện, lời đối thoại và độc thoại có thể hình dung rõ nét về chất giọng ấy trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai.
Với khuynh hướng trữ tình hoá, giọng điệu tác phẩm của Trần Thuỳ Mai nghiêng về chất thơ, chất huyền thoại. Cùng với không gian và thời gian mang sắc màu huyền thoại, những chi tiết vừa thực vừa ảo, với giọng trữ tình tha thiết, tác giả đã xây dựng thành công những nhân vật gắn với những cuộc tình mong manh, những khát vọng chân thành. Ngay cái nhan đề của tác phẩm cũng đã phần nào gợi lên chất giọng êm đềm, dịu ngọt, thiết tha, đậm đà nữ tính: Bài thơ về biển khơi, Thương nhớ Hoàng lan, Thuyền trên núi, Nàng công chúa lạc loài, Huyền thoại về chim Phượng...
Chất giọng trữ tình trong văn Trần Thuỳ Mai nằm ngay trong cách xưng hô rất nhẹ nhàng, tình cảm như: “chàng”, “nàng”, “cô bé”, “cô gái nhỏ”, “người đàn bà”, “chị”... Tuyệt nhiên không thấy trong truyện ngắn của chị cách xưng hô kiểu móc máy, gay gắt như: “hắn”, “y”, “gã”, “thị”... Trần Thuỳ Mai kể về cuộc đời, số phận của những người phụ nữ xinh đẹp, tốt bụng, đa cảm với giọng trữ tình đằm thắm: “Người đàn bà mỉm cười. Bỗng nhiên nàng thấy như tâm hồn yếu đuối của mình đang tựa hẳn vào niềm hi vọng của đứa trẻ...Con thuyền chở ngọn lửa của trái tim non dại khơi từ giấc mơ tro vùi của mẹ...”(Thập tự hoa).
Đời sống sâu kín trong tâm hồn con người là điều quan tâm đặc biệt của Thuỳ Mai. Để thể hiện đời sống sâu kín đó, trong truyện ngắn của mình, nhà văn đã sử dụng thích hợp lối độc thoại nội tâm với giọng điệu trữ tình tha thiết. Truyện ngắn của chị là những câu chuyện tình yêu đẹp như ảo ảnh, mà ở đó, các nhân vật thường sống trong những hoài niệm đẹp như trong cổ tích về những phút giây hạnh phúc trong tình yêu. Họ luôn hồi tưởng lại quá khứ, ngưỡng vọng về quá khứ trong cảm xúc lâng lâng, như ảo, như thực. Bởi vậy mà nỗi đau, những mất mát, chịu đựng, hi sinh của nhân vật cũng dễ dàng
được bộc lộ: “... Một thế giới đã bị vùi lấp. Tôi đã tự chôn mình cùng với thế giới ấy và giờ đây tôi đang khóc tôi.” (Cánh cửa thứ chín).
“Hạnh phúc, hạnh phúc không chỉ là tĩnh vật, không là người, không là phong cảnh. Tôi không bao giờ vẽ nó ra được. Nhưng nó mãi còn trong những sắc màu. Tôi vẽ hối hả, vẽ không ngừng, sợ kỳ nghỉ qua đi và Akiko lại đem đi tất cả, bỏ lại tôi với nỗi trơ trụi, với nỗi buồn, cái chai rỗng và cái cốc lẻ loi của mình”; “... ngày nào còn sống tôi còn đợi. Dù em dã ra đi với lời vĩnh biệt, nhưng biết đâu ít nhất một lần nữa trong đời, em sẽ đến và chỉ trong khoảnh khắc, tôi sẽ sống lại cùng em những gam màu huyền thoại. Là màu hồng phơn phớt ở đầu những nụ hồng trắng. Là màu xanh biếc trong mắt của những người đang hôn nhau. Là màu tím than huyền hoặc trên cao những đêm hạnh phúc. Niềm mong mỏi ấy âm ỉ mãi trong tôi như cái tàn thuốc dẫu bị gạt lìa ra nhưng vẫn cố cháy nốt cho đến lúc bạc trắng thành tro” (Thuốc ba màu).
Giọng điệu trữ tình tha thiết cho phép tiếp cận và khai thác triệt để cái tôi bề sâu của con người. Không chỉ viết về nỗi đau và sự mất mát, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai luôn đề cao sự tha thứ, lòng nhân ái của con người đối với con người. Chính điều đó đã làm dịu đi những nhọc nhằn, đau đớn của cuộc đời và kiếp người: “Bỗng nhiên tôi se lòng. Thương ba. Thương tôi. Và tôi chợt hiểu vì sao mãi mãi ba tôi không quên được Thanh Thuý Tàu, một con người phản bội” (Gió thiên đường).
“Bất giác tôi oà khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những dòng tục lụy cuối cùng (...) Hoàng Lan lớn lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian.
Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ” (Thương nhớ Hoàng Lan). Lòng yêu thương, sự bao dung độ lượng của con người mang sức mạnh cảm hoá. Những giọt nước mắt của chú tiểu Minh khi ở cuối “mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật” chính là sự thanh tẩy tâm hồn, khiến bản thân ngày càng hướng đến tận thiện, đi trọn đường tu. Bằng giọng trữ tình tha thiết, cùng với
truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, nhiều truyện ngắn của các tác giả nữ như Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Thị Ấm... cũng mang tiếng nói của lòng nhân ái, bao dung, vị tha, góp một phần lớn vào việc thể hiện cái tôi nữ tính của họ.
Giọng trữ tình trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai còn được thể hiện trong việc miêu tả thiên nhiên. Trong truyện ngắn của chị, thiên nhiên được miêu tả là những cảnh sắc phong phú, gần gũi với con người. Đó là thiên nhiên bảng lảng sương trời xứ Huế: “Mùa xuân hồi đó hình như nhiều hoa đào hơn, còn mùa thu thì tơ trời cứ bay bay, có lúc sà xuống vắt rên những ngọn cây ven đường” (Khói Trên Sông Hương).
Đó còn là cảnh vật của nhiều miền đất xa xôi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... là khung cảnh rừng Biển Hồ khi anh bộ đội Việt Nam bị thương được cô gái Campuchea che chở, khung cảnh thanh bình gợi những tình cảm gần gũi thân thương: “Ngoài cửa chòi, những sợi khói xanh lam mỏng mảnh vươn cao rồi nhạt nhoà trên nền trời. Xa xa dưới kia là mảnh ao đã cạn, chỉ còn lại vũng nước nhỏ, trên vũng nước sót lại một bông súng lạc loài đỏ thắm” (Chăn Tha); Là vẻ đẹp đặc trưng của mùa đông xứ Hàn trong truyện Phật ở Kyongju: “Tuyết rơi lấm chấm những hạt nhỏ trong không trung; những cây phong lá đỏ, những cây ngân hàn lá vàng vào mùa thu giờ đây cũng đã rụng hết lá, phơi những cành trơ trên mưa bụi tuyết” (Phật ở Kyong- Ju)...
Điều đáng ghi nhận là tuyệt đại đa số hình ảnh thiên nhiên trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai đều rất có hồn và gợi hồn. Thiên nhiên trong truyện của chị luôn gắn với những biến thái tâm trạng và cảm xúc của nhân vật, khiến cho những câu chuyện kể mang dáng dấp của những bài thơ văn xuôi, đậm chất trữ tình... Chẳng hạn, trong Thị trấn hoa quỳ vàng, từ hiện tại, thiên nhiên khiến quá khứ của nhân vật Ng. hiển hiện: “Gió chiều thổi mạnh, mắt nàng bắt đầu nheo lại trước những đợt cát biển. Biển, biển và biển. Mặt trời đã xuống rất thấp, những đám mây hình thù quái dị sáng rực lên trên mặt sóng. Ng. nhìn thấy trong màu vàng của mây những hình ảnh của quá khứ, rõ ràng,
lặng lẽ...”. Trong truyện ngắn này, hai lần tác giả sử dụng câu có cấu trúc đặc biệt mang nhịp điệu của xúc cảm nhân vật để miêu tả ngoại cảnh: “Biển, biển và biển”. Nhân vật ngập tràn trong gió biển để nhờ sự “vô hạn của vòm trời” mà cầm giữ người mình yêu. Quả thực, thiên nhiên ở đây không còn là những hiện tượng khách quan thuần tuý mà được lọc chiếu qua lăng kính nội tâm nhân vật, gia tăng đáng kể chất trữ tình cho giọng điệu tác phẩm.
Chất trữ tình thấm sâu trong sáng tác của Trần Thuỳ Mai bởi những câu văn dài hơi, tiết điệu chậm rãi, nhẹ nhàng với nhiều thanh bằng, nhiều định ngữ, giàu hình ảnh... Tất cả tạo nên một chất giọng êm ái và trầm lắng, dễ đi vào lòng người: “Mười năm trước họ không biết gì về nó, ngoài một địa danh bất chợt nhặt ra từ trí nhớ mông lung, một địa danh mơ hồ gợi lên một vùng đất xa xôi ven biển. Dường như sự lựa chọn ấy cũng là một tiền định, vì trong những giấc mơ cản đường thoát của mình, Ng. luôn luôn thấy người ấy hiện ra trước mắt nàng giữa tiếng sóng gầm dữ dội. Biển, biển sôi trào và trái tim nàng cũng sôi trào như biển”... “Sau này, năm nào trở lại thị trấn Hoa Quỳ Vàng, họ cũng gặp nhau, nơi lữ quán ấy, căn phòng ấy - nơi mà họ đã đắm mình trong khúc hát địa đàng, lần đầu tiên và mãi mãi. Suốt năm này qua năm khác, khúc nhạc ấy hoài vọng trong kí ức rất riêng của hai người, như một tiếng gọi tỉ tê, lặng lẽ, đau đớn, không ngừng thôi thúc họ đạp lên những vòng gai để quay trở lại” (Thị trấn Hoa Quỳ Vàng).
“...Tuổi thơ hầu như không mẹ, không cha, chúng tôi lớn lên bên bà nội. Cho mãi đến ngày lớn khôn, tôi còn nhớ như in cái tiếng ru trầm trầm, khàn khàn của người, hoà trong tiếng lá tre xào xạc, tiếng những thân tre nghiêng ngả cọ vào nhau và tiếng võng đưa kẽo kẹt...” (Chuyện cũ ở quê nhà).
Có người chê câu văn của Thuỳ Mai dài, nên bỏ bớt những định ngữ... Nhưng chất văn trữ tình tha thiết ấy lại rất cần đến hình thức ấy. Cái giọng tâm tình thủ thỉ, duyên dáng mà “dữ dội ngầm” rất ấn tượng, lôi cuốn chính là nét riêng và là thế mạnh của nữ nhà văn xứ Huế này.