Kết cấu xoay quanh tình huống tiêu biểu

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 77 - 82)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.1.Kết cấu xoay quanh tình huống tiêu biểu

Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không có những tình huống lớn, bao hàm các xung đột đời sống mang tính kịch cao, sự va chạm giữa các nhân vật gay

gắt và bị dồn nén trong một không gian, thời gian ngột ngạt. Đậm chất trữ tình, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai được kết cấu xoay quanh những tình huống nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn bởi khả năng biểu đạt của tác phẩm.

Loại kết cấu xoay quanh tình huống tiêu biểu đầu tiên mà Trần Thuỳ Mai lựa chọn là những tình huống nhỏ trong giao tiếp hàng ngày. Truyện ngắn Nàng công chúa lạc loài được tổ chức dựa trên tình huống nhân vật Tôi

gặp lại Ái Duy tại căn phòng mình trong hoàn cảnh cách đó vừa tròn một năm, Cầm - người yêu của anh bỏ anh đi mất. Ái Duy là cô bé học trò ngây thơ mà thời sinh viên anh dạy kèm. Xoay quanh tình huống gặp gỡ ấy, hàng loạt chi tiết khác được xây dựng theo dòng tâm trạng và niềm trăn trở của nhân vật. Đó là những chi tiết và sự việc góp phần làm nổi bật tình huống như chi tiết nhân vật Tôi sững người nhìn thấy nốt ruồi son dưới cổ và chợt nhận ra cô bé Ái Duy; tình tiết Ái Duy bịt mắt anh khi đang chạy xe trên đường với một suy nghĩ “dại dột và điên rồ”: nếu chết mà được nằm bên nhau thì đó là một hạnh phúc; chi tiết nhân vật Tôi gặp một cô gái giống hệt Ái Duy đang nhảy nhót quay cuồng lả lướt bên một người đàn ông lạ trong đêm dạ vũ của một năm sau đó, để rồi quặn thắt với ý nghĩ: “Biết đâu chừng ở một nơi xa xôi nào đấy em chẳng đang phấn son quay cuồng trong tay những gã đàn ông không quen biết?”. Có thể thấy được rằng ở đây tác giả đã xây dựng tình huống chính làm trụ cột để các tình huống khác phát triển. Kết cấu và tình huống như vậy bộc lộ tư tưởng nghệ thuật sâu sắc: chỉ với “điều thiện còm cõi”, con người chẳng những không cứu vớt được một con người, mà thậm chí còn có thể vô tình đẩy người ta lăn xuống vực thẳm. Chỉ có niềm tin ở con người và ngọn lửa khao khát một cuộc sống tốt đẹp là “sức mạnh mãnh liệt không tàn lụi”.

Với kiểu kết cấu như vậy, cốt truyện Mưa đời sau xây dựng xung quanh sự kiện nhân vật Nhím (Thể Tú) lấy chồng. Tình huống chính ở đây là Thể Tú quyết tâm lấy một người đàn ông nhiều hơn tuổi bố mình. Từ đó phát sinh những tình huống khác: sự phản ứng gay gắt và quyết liệt của người cha;

những dòng hồi ức đan xen trong thực tại của nhân vật Tôi - người mẹ; những suy tưởng của “tôi” từ chính cuộc đời mình, một người đã không dám đấu tranh để giữ lại tình yêu, chấp nhận cuộc sống một đời “khắc khẩu trong lặng lẽ”, và từ đó có cái nhìn thông thoáng hơn đối với sự lựa chọn hạnh phúc của con gái. Dường như cách kết cấu ấy khiến cho tác phẩm bộc lộ rõ hơn tư tưởng của người viết: cần phải có cái nhìn công bằng hơn đối với tình yêu và hạnh phúc của giới trẻ, một khi cuộc sống đã đổi thay. Những áp lực, định kiến trong gia đình và xã hội có thể khiến con người vuột mất hạnh phúc.

Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chủ yếu được kết cấu dựa trên tình huống tâm trạng bởi chúng hầu hết thuộc loại truyện không có cốt truyện li kì hấp dẫn, mà chủ yếu là loại truyện tâm tình, sâu sắc về tâm lí. Và điều này khiến các tác phẩm ấy đầy chất thơ, phảng phất hơi hướng truyện tâm tình của Thạch Lam.

Truyện ngắn Cánh cửa thứ chín được kết cấu xoay quanh một tình huống tâm trạng: Quyên hốt hoảng nhận ra tình cảm của mình với người đàn ông chưa từng gặp mặt qua những cuộc trò chuyện bằng điện thoại, đặc biệt là sau khi nghe huyền thoại về chín cánh cửa, cô nhận ra mình đang đứng trước “cánh cửa thứ chín” của cuộc đời. “Đấy chính là tình yêu mỗi lúc một lớn lên, và tôi linh cảm cuộc đời tôi sẽ sụp đổ dưới sức nặng của tình yêu ấy”. Quyên chợt hiểu ra rằng: “Không phải những hồi chuông điện thoại làm rối tâm tư tôi. Làm rối tâm hồn tôi chính là nỗi khát khao được nhìn thấy, dù chỉ trong một phút, cuộc đời bao la mà trước nay tôi chỉ nhìn trong tưởng tượng”. Thế giới thực mà Quyên đang sống là bốn bức tường vây kín với “tiếng kêu cứu của một người tù”. Truyện không có những mâu thuẫn hay xung đột giữa các nhân vật, cũng không có nhiều hành động bên ngoài, mà gần như chỉ có những xung đột nội tâm, những dòng tâm tưởng miên man xoay quanh tình huống tâm trạng tiêu biểu ấy.

Cùng một kiểu kết cấu xoay quanh một tình huống tâm trạng như vậy, truyện ngắn Khúc nhạc rừng dương là những dòng suy tưởng của nhân vật tôi,

người kể chuyện. Câu chuyện bắt nguồn từ ngày cuối cùng “tôi” rời trường âm nhạc. Trước khi đi, “tôi” đến chào cô bé Thảo - cô bé say mê tập Pianô đã có lần ngất xỉu, bỏ lại đôi guốc nhỏ xinh mà anh đã tự tay mang trả. Khi anh đến, cô bé đã đàn lên những âm thanh dè dặt chưa thành khúc, đoạn nhạc mà mình tự sáng tác và tâm sự với anh về quê hương đầy cát gió của mình. Nhân vật tôi ra đi với cảm giác đã bỏ lại sau lưng một thứ gì thân thuộc như người khách tri âm vậy. Tình huống tâm trạng xuất hiện: “Khi đã ở một nơi rất xa, thỉnh thoảng trong lòng tôi lại vang lên dư âm những tiếng nhạc thánh thót, dè dặt như những giọt nước len lỏi qua kẽ đá rêu phong của thời gian. Và mỗi lần như thế tôi lại nhớ đến lời cô gái: “cồn cát duyên hải mỗi năm tiến vào bờ hai trăm mét...”. “Bất giác tôi thấy lòng ngỡ ngàng, dường như nơi cô gái ấy có cái gì mà tôi chưa hiểu trọn. Liệu cô bé nhỏ nhắn của tôi có định đem những âm thanh êm ái, rụt rè kia chống đỡ với những tiếng ào ào của gió cát? Câu hỏi chỉ là câu hỏi chưa có lời giải đáp nhưng nó vẫn cứ trăn trở trong tôi. Một câu hỏi như một niềm hi vọng... một niềm tin...”. Tình huống tâm trạng ấy được tháo gỡ bằng chính “khúc nhạc rừng dương” mà nhân vật tôi đã được nghe chính Thảo trình tấu sau ba năm gặp lại trong lế kỉ niệm trường. Cô bé đã trả lời cho anh, cho tất cả mọi người, cho chính những gì sâu thẳm trong cõi lòng cô bằng tiếng nhạc, rằng: “Cồn cát duyên hải mỗi năm tiến sâu vào đồng bằng” khiến người ta tưởng một ngày kia, giải đất này chỉ còn là cát biển. Song “còn có những rừng dương. Những cây dương mảnh khảnh, lả lướt mà sức mạnh vô song, những cây dương liễu đưa những tấm thân nhỏ nhắn ra chắn bao nhiêu cơn gió cát...”

Như đã từng nói ở trên, kết cấu là cách thức tổ chức tác phẩm, nhưng nó không chỉ giới hạn bởi tương quan về hình thức giữa các bộ phận, mà còn bao hàm cả sự liên kết bên trong nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm. Bởi vậy, kết cấu là yếu tố quan trọng trong việc bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm cũng như quan niệm nghệ thuật, tài năng và phong cách của nhà văn. Theo đó, nếu phát hiện được tình huống tâm trạng tiêu biểu có tính chất

xương sống của mạch cảm xúc nhân vật trong những câu chuyện của Trần Thuỳ Mai, người đọc tinh ý có thể đón được ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Chẳng hạn, mấu chốt cho sự phát triển câu chuyện trong truyện Khói trên sông Hương không phải là tình huống Tung, người anh chồng của Trang trở về tìm gặp cô sau mười năm sống ở xứ người. Tình huống chính tạo nên bao sợi dây giăng mắc cảm xúc để mọi tình huống khác kí sinh trên đó lại chính là tình huống tâm trạng: Trang thú nhận với Tung về sự yếu đuối, không dám đón nhận tình yêu bằng niềm khát khao của chính mình: “Em không dối anh, em đang tìm cách dối em. Chỉ vì em không vượt nổi một ám ảnh: hình như em sinh ra không phải để hưởng hạnh phúc. Trang không còn sợ mình không vượt qua được rào cản xã hội, cô “không sợ đạp bóng lần nữa” (đêm động phòng, bà mẹ chồng đi sau lưng cô con dâu, đạp lên bóng, để cô dâu không thể “cứng đầu cứng cổ”), nhưng lại không thể vượt qua cái rào cản chính trong tâm hồn mình. Cô “không thể tin chắc chắn vào bất cứ diều gì, trừ những bài ca”. Trang tự thấy mình “sẽ chẳng là gì cả nếu tách rời dòng sông và tiếng hát”. Thế nhưng, khi Tung đã đi rồi, Trang thấy rực lửa trong trái tim, lửa cháy đến tận cùng. Tình huống tâm trạng ở đây đóng vai trò như một chiếc cọc chắc chắn để các tình huống khác làm chỗ dựa mà leo. Qua một tình huống tâm trạng như vậy, bi kịch nội tâm nhân vật được thể hiện sâu sắc, gợi xúc cảm và sự suy ngẫm ở người đọc.

Cũng tương tự như thế, tình huống tâm trạng tiêu biểu trong truyện ngắn Thuốc ba màu xuất hiện khi Vũ nhận ra sự gắn bó giữa anh và Akiko là không thể: “Những gì ở trong tranh, trong mơ, ở giữa tôi và nàng đều thuộc về một thế giới khác, không bến bờ. Thế giới của thần linh. Và thần linh là để cách xa và tôn thờ, không thể chạm tay vào, chạm vào một phút thôi, tất cả sẽ tan biến thành hư vô. Giờ đây trong Vũ “chỉ còn những giọt tinh huyết cuối cùng, sôi trào mãnh liệt để một mai sẽ thình lình khô cạn”. Với sự lựa chọn kết cấu và cách dẫn dắt câu chuyện dựa vào tình huống tâm trạng như vậy, truyện ngắn này đã chuyển tải được thông điệp mà Trần Thuỳ Mai gửi gắm,

rằng, người ta sống trên đời có những giới hạn không thể vượt qua, dẫu ước mơ, khát vọng thì vô bờ bến.

Có thể nói, kiểu kết cấu xoay quanh một tình huống tiêu biểu, mà chủ yếu là tình huống tâm trạng như đã trình bày ở trên đã khiến truyện ngắn Trần Thuỳ Mai dẫu không có cốt truyện đặc sắc nhưng vẫn tạo được sự thống nhất, hoàn chỉnh và hấp dẫn. Sự co giãn linh hoạt của tình huống tâm trạng được kết hợp khéo léo với ngôn ngữ, giọng điệu mang đậm chất trữ tình và không - thời gian huyền thoại hoá đã làm nên sức hút riêng cho truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Tuy nhiên, đặc sắc kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm của Trần Thuỳ Mai lại thể hiện rõ nét hơn trong kiểu kết cấu thứ hai: kết cấu theo dòng ý thức.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 77 - 82)