Tài lịch sử

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 57 - 63)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3.tài lịch sử

Viết về lịch sử là một trong những khuynh hướng rõ nét của văn xuôi Việt Nam nói chung và truyện ngắn nói riêng sau 1975. Theo đó, sự kiện, nhân vật lịch sử được dùng làm chất liệu để tác giả sáng tạo và phản ánh hiện thực theo cái nhìn và cách kiến giải riêng của nhà văn. Trong làng truyện ngắn sau 1975, có nhiều nhà văn đã khá thành công với đề tài lịch sử như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo... Điều đó cho thấy, Trần Thuỳ Mai không phải là người duy nhất viết truyện ngắn về đề tài lịch sử. Tác giả luận văn quan tâm đến nét riêng, yếu tố nổi bật trong những truyện ngắn của chị viết về mảng đề tài này.

Có thể nói, trong sáng tác của mình, đề tài lịch sử - đặc biệt là lịch sử các vương triều ở Huế - rất được Trần Thuỳ Mai chú tâm khai thác. Lựa chọn

đề tài lịch sử, Trần Thuỳ Mai không hề tái hiện lại lịch sử với những biến động xã hội lớn lao của nó, cũng không quan tâm nhiều đến những người anh hùng của một thời đại, những người “làm nên lịch sử”, chị chỉ tập trung để ý đến số phận của những con người “bị cả lịch sử lẫn văn học bỏ quên”. Đây là điểm khác biệt khá độc đáo của Thuỳ Mai với các tác giả khác khi lựa chọn đề tài lịch sử cho sáng tác của mình. Trong chính sử, các sử gia thường ghi rất sơ lược về những nhân vật này, thậm chí có những phần bị giấu nhẹm, nhưng qua những dòng chữ còn lại đó, ta có thể thấy những số phận, những tình cảnh rất con người. Trần Thuỳ Mai muốn dùng văn học phục dựng những chỗ bị lướt nhoà đó bằng sự nhìn nhận con người lịch sử với những gì nó vốn có, những gì mà lịch sử không ghi lại, không muốn công nhận nó bởi một mục đích hay điều kiện nào đó. Các truyện ngắn Thể Cúc, Lửa hoàng cung, Thần nữ đi chân không, Nơi có những cây tùng xanh biếc, Tống nương, Nàng công chúa té giếng, Chăn Tha... là những tác phẩm được viết bởi sự lựa chọn đề tài lịch sử của nhà văn. Qua những tác phẩm này, người đọc có được những hiểu biết mới về quá khứ qua sự cảm nhận, phân tích, lí giải của chị.

Viết về lịch sử, trước hết Trần Thuỳ Mai đề cập đến cuộc sống của những người phụ nữ trong cung cấm. Họ sống trong “thế giới của đàn bà, nhỏ nhặt, nhàm chán và lặng lẽ” [61, 21]. Cuộc sống của họ trong chốn thâm cung thật là buồn tẻ, đơn điệu, gò bó. Cô công chúa Quỳnh Thơ (Lửa hoàng cung), con thứ ba của Hoàng Quý Phi lớn lên trong thế giới ấy. Bị giam hãm trong bốn bức tường thành hết năm này qua năm khác, chỉ thấy những người đồng phái, tất cả niềm khao khát được hiểu, được biết về thế giới bên ngoài bị đè nén, ức chế nên những người phụ nữ ham hiểu biết như Quỳnh Thơ thường sinh bệnh trầm uất. Dưới thời nhà Nguyễn, việc chữa bệnh cho phụ nữ ở nội cung đầy tính “kỷ luật”: một quan ngự y sẽ đến khám và bốc thuốc, nhưng ngự y không được gặp bệnh nhân. Bệnh nhân được đặt nằm trên một chiếc giường, phía ngoài màn được rủ xuống, một cánh tay bệnh nhân được thò ra và thị tỳ sẽ đặt nó trên một cái ghế nhỏ, quanh cườm tay bệnh nhân nơi bắt

mạch được quấn một phần lụa, lí do là không được đụng tới da thịt của họ. Cô công chúa Quỳnh Thơ mười bốn tuổi đã có hành động nổi loạn khi Thái y đến khám bệnh: vén bức màn lên để nhìn một người đàn ông để thoả niềm mong muốn được tìm hiểu cặn kẽ những điều mình chưa biết. Hành động nổi loạn ấy khiến nàng bị đày xuống lãnh cung tối tăm lạnh lẽo. Chính điều này hai năm sau đã đem lại hạnh phúc cho Quỳnh Thơ, nàng được giải phóng khỏi lãnh cung, khỏi Hoàng cung để đến một nơi tràn đầy ánh lửa, nhờ vào một cuộc biến loạn trong cung. Sử sách không ghi lại cuộc sống của Quỳnh Thơ như sáu mươi tám nàng công chúa khác trong cung, nhưng người đời tin rằng Quỳnh Thơ đã sống hạnh phúc với khát khao được khám phá thế giới. Viết về lịch sử, trong tác phẩm này, rõ ràng Trần Thuỳ Mai đã bổ sung vào sự thật lịch sử những huyền thoại trong dân gian (câu chuyện công chúa Quỳnh Thơ và chàng dũng sĩ phóng ngựa trắng đi đón mặt trời). Mặt khác, trong sử sách, người đời đều biết vua Tự Đức “vô tự” mà việc dân phu nổi loạn lại xảy ra dưới thời Tự Đức, thế nhưng Trần Thuỳ Mai đã viết trong truyện có đến 69 nàng công chúa. Phải chăng, tác giả đã tạo độ nhoè cho sự thật lịch sử, không thật sự “trung thành” với sử sách bởi mục đích cuối cùng không phải là tái hiện và miêu tả sự kiện. Bởi vậy, khắc họa nhân vật Quỳnh Thơ với sự “nổi loạn” để thể hiện khát vọng tự do, khát vọng thoát ra ngoài cuộc sống tù túng, chật hẹp, nhàm chán và lặng lẽ. Khát vọng ấy không chỉ cần được khẳng định trong đời sống hiện đại mà còn xứng đáng được tôn trọng, đề cao ngay cả trong quá khứ. Niềm tin của cư dân rằng Quỳnh Thơ và tráng sĩ sống hạnh phúc ở một nơi nào đấy tràn trề ánh lửa mà Trần Thuỳ Mai nói đến ở cuối truyện cũng chính là niềm tin của tác giả với con người hiện đại: nếu sống với lí tưởng và khát vọng của chính mình thì sớm muộn gì con người cũng sẽ có được hạnh phúc.

Như đã nói trên đây, khi viết về lịch sử, Trần Thuỳ Mai chọn đối tượng cụ thể là những con người nhỏ bé trong lịch sử, đó là những người đàn bà (những công chúa và vương phi) của vương triều Nguyễn. Họ chỉ có cái tên

rất nhỏ trong lịch sử, nhưng bi kịch của cuộc đời thì lớn, và bi kịch ấy không phải của riêng một thời nào. Cho nên, khó có thể phân biệt rạch ròi rằng Trần Thuỳ Mai viết về lịch sử là để nhìn nhận lại lịch sử hay là dùng quá khứ để nói hiện tại. Chẳng hạn, truyện ngắn Nàng công chúa té giếng viết về cuộc sống, bi kịch đau đớn của Ngọc Bình (công chúa của nhà Lê), vốn là vợ của Quang Toản, vua cuối cùng của triều Tây Sơn, sau buộc phải làm vợ thứ ba của vua Gia Long. Ngọc Bình là chiến lợi phẩm, trong mấy mươi năm bà phải làm vợ và sinh con cho một người đã xé xác chồng mình. Công chúa Ngọc Ngôn, con gái bà mắc chứng “té giếng” - một chứng bệnh thần kinh, phải lớn lên giữa ánh mắt kì thị của hoàng cung. Trong truyện, Trần Thuỳ Mai đã sử dụng những chi tiết mang tính huyền thoại như chi tiết công chúa Ngọc Ngôn trông giống Quang Toản, chi tiết Nhị Phi họ Nguyễn nhắc với Tống hậu chuyện Tần Thuỷ Hoàng nằm trong bụng mẹ mười hai tháng mới sinh để tô đậm nỗi kì thị của nội cung với Ngọc Bình, khắc sâu bi kịch của đời bà.

Viết về lịch sử, Trần Thuỳ Mai khá thành công khi khắc hoạ những bi kịch của con người trong lịch sử bằng tình cảm nhân đạo của một nhà văn hiện đại. Án lục người đàn bà họ Tống là truyện ngắn viết về bi kịch tài sắc của Tống nương (câu chuyện dã sử về một người phụ nữ, đến nay trong sử sách còn lại, chuyện về Tống Nương chỉ là một nghi án không rõ ràng). Đó là bi kịch của một con người tài sắc, tưởng quyền lực là một thứ sức mạnh vô song nên đã cố tình đeo bám, nhất là sau khi Chúa mất. Để nhân vật Tống Nương tự biết sai lầm của cuộc đời mình là đã sống dựa vào quyền thế, dường như Trần Thuỳ Mai muốn nhắc nhở con người hiện đại rằng: quyền uy không phải là tấm lá chắn vạn năng, một khi con người không tự làm chủ được cuộc đời mình thì tiền bạc, danh vọng cũng thành hư vô, cũng là vô nghĩa. Thông điệp này tác giả cũng từng nhắn gửi đến người đọc ở các truyện ngắn viết về tình yêu, viết về nghệ thuật.

Như vậy, có thể thấy được rằng, Trần Thuỳ Mai lựa chọn đề tài lịch sử nhưng chỉ coi lịch sử như là tấm phông, như là chất liệu để sáng tạo nghệ

thuật. Nhà văn không mô tả lại quan điểm chính sử mà mạnh dạn đi vào ngõ ngách tâm hồn nhân vật, khiến nhân vật hiện lên sống động, gần gũi với cuộc sống hôm nay.

Nếu như trước đây, viết về các nhân vật lịch sử, các nhà văn thường miêu tả từ điểm nhìn một chiều từ phía người trần thuật, thì đến Trần Thuỳ Mai, tác giả còn sử dụng thủ pháp miêu tả nhân vật từ điểm nhìn bên trong với việc vận dụng độc thoại nội tâm. Bằng cái nhìn ấy nhân vật ý thức được bi kịch của cuộc đời họ, ý thức được niềm khổ đau, hạnh phúc, nỗi cô đơn của họ, mà ý thức này thường chỉ thấy được ở con người hiện đại. Với cái nhìn này, nhân vật hoàng thân Cường Để (Nơi có những cây tùng xanh biếc), ông hoàng yêu nước sống lưu vong trên đất Nhật hiện lên như con người đang sống cuộc sống hôm nay với nỗi cô đơn và niềm đau đáu được hồi hương. Con người và nỗi đau của Hoàng thân còn được nhìn qua cái nhìn của AndoChie, người phụ nữ Nhật sống trọn với ông bằng tình yêu thương trong suốt quãng đời lưu vong của mình, nên nhân vật lịch sử này được nhìn nhận toàn diện hơn, thật hơn với những cảm xúc chân thành, tươi mới, không bị đóng khung trong những ràng buộc của quan điểm chính sử.

Viết về nhân vật “nhỏ bé” trong lịch sử không phải với chức năng, phận vị, trong “tư thế lịch sử” của họ, Trần Thuỳ Mai hướng tới mục đích bộc lộ quan điểm, cái nhìn về con người và cuộc đời với tấm lòng nhân ái, thiết tha trân trọng con người. Những nhân vật Thể Cúc, Đoàn Trưng, Tống Nương, Cường Để, AndoChie, Ngọc Bình, Chăn Tha... với những bi kịch lớn trong lịch sử được nhà văn thể hiện với khát vọng sống, khát vọng yêu thương của con người cô đơn. Họ không phải là những con người mà tên tuổi vang vọng trong lịch sử nhưng bi kịch thì lớn và không phải của riêng một thời nào. Dù ở thời vàng son xưa cũ hay trong lòng hiện tại thì con người cũng thường rơi vào những bi kịch giữa khát vọng và hiện thực, bi kịch giữa tài sắc và sự nghiệt ngã của số phận, bi kịch bởi những xung đột và thành kiến xã hội, bi

kịch của sự tự ý thức. Đó có lẽ là tiếng nói chung của mọi thời đại mà Trần Thuỳ Mai thấy được khi đứng từ hiện tại mà nhìn về quá khứ.

Khi viết về đề tài lịch sử, một số tác giả thường theo truyền thống mà nương theo dòng thời gian, sự kiện. Trần Thuỳ Mai lại dẫn dắt người đọc khám phá lịch sử ở những góc sâu khuất của tâm hồn con người chứ không phải những sự kiện bên ngoài. Vì vậy, truyện ngắn viết về đề tài lịch sử của chị ít khi đi theo lối kể chuyện có trước, có sau mà theo dòng suy tư miên man của nhân vật. Ở truyện ngắn Thể Cúc, bên cạnh những đoạn văn miêu tả “chuyện trong nhà” Đoàn Trưng, rồi chuyện tổ chức khởi nghĩa, tác giả dành nhiều trang để miêu tả trạng thái tâm lí, tình cảm của nhiều nhân vật: Đoàn mẫu, Tùng Thiện Công, Tùng Thiện phu nhân và đặc biệt là Thể Cúc với nỗi đau mất chồng, mất con khiến nàng “quay mòng mòng như con thú điên dại, mắt nàng đỏ rực cuồng điên, lăn lộn trong tay các gia nhân thị nữ...” [61, 153]. Các yếu tố sự kiện trong truyện ngắn này được triển khai chủ yếu theo mạch vận động cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật. Con người được khám phá đầy đủ và trọn vẹn hơn, phát hiện ra những điều bí ẩn mà chúng ta chưa biết tới.

Truyện ngắn Tống Nương lại hoàn toàn chỉ là những kí ức đứt nối, pha trộn với hiện tại. Trong dòng chảy tâm thức của nhân vật, khi thì hình ảnh chúa Phúc Lan với những yêu thương chiều chuộng hiện lên khiến nhà ngục và những đòn tra tấn biến mất, khi thì hình ảnh của Thừa Nhi hiện ra, rồi những hoài niệm lại theo nhau trở về, bóng ma của chúa, rồi lại trở về thực tại với những đau đớn của cực hình và oan khuất... Tất cả khiến cho mạch truyện luẩn quẩn trong dòng ý thức của nhân vật, khác xa với lối viết truyện lịch sử theo kiểu kết cấu biên niên, đi theo trật tự sự kiện. Xây dựng tác phẩm theo dòng tâm thức của nhân vật, nhà văn có điều kiện đi sâu vào những diễn biến tâm lí phức tạp, khiến cho nhân vật lịch sử hiện lên sinh động với tất cả những gì có thể hình dung về họ trong tư - cách - Người (tác giả luận văn nhấn mạnh). Đây là thế mạnh của Trần Thuỳ Mai nói riêng và cũng là hướng tìm

tòi đã được khẳng định bằng tác phẩm của văn xuôi viết về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam sau 1975 nói chung.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 57 - 63)