Cảm hứng về cái đẹp

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 68)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Cảm hứng về cái đẹp

Xin được mượn lời của NXB Văn Nghệ khi giới thiệu về tập truyện ngắn Một mình ở Tôkyô” để nói về cảm hứng này trong sáng tác của Trần Thuỳ Mai: “Cái đẹp không thể tách rời thi pháp truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Dù dang dở hay vẹn vẻ; dù cái ác, cái xấu vẫn còn tồn tại trong đời sống thông qua những câu chuyện tình đẹp mà buồn, song thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả là: Hãy sống đẹp, hãy yêu thương và tha thứ bởi nó là cội nguồn của một đời sống nguyên khôi ý vị”. Quả vậy, trân trọng, gìn giữ cái đẹp, khát khao chiếm lĩnh, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp luôn được thể hiện trong sáng tác của Trần Thuỳ Mai ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Cảm hứng về cái đẹp trước hết thể hiện ở xúc cảm mãnh liệt khi tác giả viết về con người với đời sống tâm hồn phong phú, giàu lòng nhân ái. Con người trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai ít khi hiện lên với sự méo mó, tha hoá về nhân cách, mà nếu có thì tác giả cũng tìm ra những mảnh vỡ nhân cách

lấp lánh trong tâm hồn họ, những mảnh vỡ ấy nâng đỡ họ, giúp họ có đủ can đảm đứng lên và tiếp tục cuộc sống. Trần Thuỳ Mai tha thiết đi tìm vẻ đẹp khuất lấp của con người giữa bộn bề cuộc sống hôm nay.

Cuộc sống luôn vận động với tốc độ chóng mặt, cuốn theo cả những thay đổi của con người cho phù hợp với sự hối hả của thời đại. Nhưng không vì thế mà con người mất đi vẻ đẹp của nhân cách, của tâm hồn, của khát vọng, niềm tin. Điều này thể hiện trong hầu khắp các tập truyện của Thuỳ Mai. Ngay cả khi tập trung miêu tả những nhân vật có chút khiếm khuyết về hình thể (“nụ cười răng mẻ” của Hiếu trong Gió thiên đường, bước chân khập khiễng của Nguyệt ở Quỷ trong trăng, thân hình quá ư mảnh mai của một nghệ sĩ múa “để lộ cả xương cổ, xương bả vai” của Ngân trong Đêm tái sinh,...) thì Trần Thuỳ Mai cũng cố gắng khắc sâu, ghi đậm những nét đẹp về tâm hồn và nhân cách, hoặc tài năng của họ. Ở Hiếu là một quan niệm sống và yêu rất hiện đại, không bị bó buộc bởi những định kiến, ở Ngân là cái đẹp của một tâm hồn và tài năng của người nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, ở Nguyệt là niềm khát khao hạnh phúc, khát khao được thoát khỏi kiếp sống mòn mỏi của “vùng đồi hoang vắng quanh năm luôn chờ bão tới”.

Là nhà văn nữ, Trần Thuỳ Mai thể hiện niềm trân trọng và tự hào trước vẻ đẹp cả về ngoại hình lẫn phẩm chất của giới mình, cho dù cái đẹp đôi khi lại là nguyên nhân của những bi kịch cuộc đời. Ngọc Bình (Nàng công chúa té giếng), Tống Nương (Tống Nương), Thể Cúc (Thể Cúc), nàng Tống (Thần nữ đi chân không),... là những giai nhân trong lịch sử, đáng được trân trọng bởi cả vẻ đẹp thể chất lẫn tâm hồn. Tác giả dựng lại những bi kịch cuộc đời họ bằng một niềm xót xa khi tài sắc bị dập vùi: “Trời ơi, từ xưa đến giờ, đâu có thời nào không có người đẹp. Sao cứ mỗi khi người đàn ông bất tài làm mất nước thì lại đổ thừa cho người đẹp làm đổ nước nghiêng thành?”; “Tài sắc cũng là một quyền năng, sao không thể nương tay?” [61, 231-232]. Không chỉ những người phụ nữ trong lịch sử mà những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại cũng được Trần Thuỳ Mai say mê thể hiện với niềm trân trọng.

Những nhân vật như Lan (Thương nhớ Hoàng lan), Vân (Người điên vì hoa), Hơ Thuyền (Thuyền trên núi), Quyên (Cánh cửa thứ chín), Ng. (Thị trấn hoa Quỳ vàng), người phụ nữ trong Thập tự hoa,... là những người phụ nữ mang trong mình những nét đẹp hiện đại. Ngoài vẻ đẹp hình thức, họ còn mang vẻ đẹp tâm hồn của những con người khát khao hạnh phúc, khát khao tình yêu bất tử. Thế nhưng, cái đẹp và hạnh phúc, tình yêu trong hàng loạt truyện ngắn của Thuỳ Mai đều rất mong manh. Hạnh phúc mà người thiếu phụ trong Thập tự hoa được hưởng hết sức ngắn ngủi, chẳng khác gì “một giấc mơ hoang tưởng”. Để rồi suốt đời nàng phải mang vác trên đôi vai mảnh mai của mình “cây thập tự” quá khứ. Tình yêu của Lan trong Thương nhớ Hoàng lan cũng mong manh, cũng hoang tưởng như vậy. Lan buộc lòng phải lấy chồng xa xứ, còn Minh thì tiếp tục sống đời tu hành. Những gì mà Quyên trong Cánh cửa thứ chín được hưởng lại càng mong manh hơn. Chỉ cần một lần gặp “người trong mộng” là hạnh phúc tan biến như bong bóng xà phòng: “Một thế giới vừa bị lấp vùi. Những hồi chuông điện thoại đã tắt, không còn mây trời, biển và rừng trong bốn bức tường vây kín...”. Có nghĩa là tình yêu của nàng với người nàng vẫn chuyện trò qua điện thoại cũng chỉ là “một giấc mơ hoang tưởng” mà thôi. Ngay vẻ đẹp của Thanh Thúy Tàu (Gió thiên đường), của Ngân (Đêm tái sinh) của Lan (Thương nhớ Hoàng lan),... cũng đã ẩn chứa sự mong manh, rất dễ tan biến. Mỗi câu chuyện là một tình khúc buồn, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những tình khúc buồn ấy nhắc nhở mọi người phải biết tận hưởng, phải biết bảo vệ, phải biết nâng niu, trân trọng cái đẹp và hạnh phúc trong cuộc sống.

Bằng niềm xúc cảm sâu sắc về cái đẹp, Trần Thuỳ Mai khắc hoạ nổi bật những nhân vật phụ nữ dịu dàng, đa đoan, những người phụ nữ nhân hậu, vị tha, giàu lòng hi sinh. Những nhân vật như Na trong Người bán linh hồn, Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, Tí trong Lên phố, Aphin trong Nước thề... là những con người như vậy. Họ sống với sự tự nguyện hi sinh, âm thầm lặng lẽ, không hề đòi hỏi được đền đáp. Dẫu sự hi sinh của họ có khi là vô nghĩa giữa

cuộc sống xô bồ phồn tạp mà tha nhân không vượt qua được vòng xoáy bội bạc của cuộc đời. Điều này phần nào đã được nói rõ khi tác giả luận văn trình bày cảm hứng về thân phận người phụ nữ ở 2.2.1.

Ngoài những mẫu người phụ nữ mà nhân cách nổi bật là sự hi sinh đến quên mình, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai còn khắc hoạ đậm nét những người phụ nữ luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp của truyền thống văn hoá Huế, và cũng qua đó, tác giả thể hiện tình yêu thiết tha những nét đẹp của miền đất mà mình gắn bó. Đó là bà Lài trong Dòng suối cạn nguồn với những câu hò Huế nuôi dưỡng tình yêu suốt một thời tuổi trẻ. Đó là Trang trong Khói trên sông Hương khước từ tình yêu để “âm thầm cháy một mình” với những bài ca Huế, bởi Trang biết mình “không là gì cả nếu rời dòng sông và tiếng hát”. Đó là một Tiểu Phượng trong Huyền thoại về chim Phượng với “cái cử chỉ vuốt tóc mềm mại... cử chỉ muôn đời của những cô gái Huế”, với cái mong muốn giới thiệu với du khách những cái đẹp của xứ Huế, nhất là cái đẹp ở phần hồn của đền đài lăng tẩm. Phượng yêu thích và say mê giới thiệu về cái đẹp bởi cô “tin rằng khi nhìn một cái gì đẹp, người ta sẽ mới hơn, tốt hơn”. Bà Lài, Trang và Phượng mang những vẻ đẹp của mảnh đất cố đô, và chính họ đã giúp người ta tìm lại được chất Huế khi tưởng như cả đất trời và con người xứ Huế đã đổi thay đến mất hết cả vóc dáng lẫn linh hồn. Nhưng, dẫu “Đường Lục Bộ đã mang khuôn mặt khác. Ngã tư Âm Hồn vẫn còn đó, nhưng khó mà nhận ra cái ngã tư ngày xưa” thì “Thành phố ấy vẫn tồn tại, dù không còn vị mứt gừng xâm và những tà áo tím ngày xưa” (Huyền thoại về chim Phượng).

Từ những điều đã nói ở trên, có thể thấy Trần Thuỳ Mai viết về vẻ đẹp tâm hồn người, về văn hoá Huế bằng một niềm xúc động chân thành, mãnh liệt. Cũng với niềm rung cảm ấy trước cái đẹp, Trần Thuỳ Mai say mê thể hiện nó trên bình diện nghệ thuật. Một bộ phận khá lớn truyện ngắn của Thuỳ Mai lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật diễn xướng (văn hoá văn nghệ dân gian và ca Huế) hội hoạ, điêu khắc, xiếc, âm nhạc, thơ ca... và để lại ấn tượng khá sâu đậm về cái đẹp.

Thật vậy, đọc Dòng suối cạn nguồn, Khói trên sông Hương người đọc có cảm giác Trần Thuỳ Mai đã làm sống lại những làn điệu ca Huế, những điệu hò mái nhì mái đẩy như “ru cả đám đông trai gái đang lịm đi theo những lời tâm tình: cả người hát, người nghe đều say trong dòng suối mật. Mưa, nắng, đói, khát, lo phiền, những vất vả... thôi không còn nữa” (Dòng suối cạn nguồn). Trong Dòng suối cạn nguồn những câu hò Huế dường như đi suốt cuộc đời mỗi nhân vật, gắn với tình yêu, hạnh phúc và những kỉ niệm ngọt ngào. Khi vui cũng như khi buồn, hò Huế là người bạn tâm tình thắm thiết giúp họ trút bỏ được những ghánh nặng trong cuộc sống, truyền tải được những niềm vui để chia sẻ với những người xung quanh. Gắn với vẻ đẹp của loại hình diễn xướng dân gian này là hình tượng những nghệ nhân già một đời gắn bó, lưu giữ những câu hò cổ xưa: “nội sợ mai sau nội chết rồi, câu hò câu hát cũng chết theo không ai còn nhớ nữa” (Dòng suối cạn nguồn). Khác với

Dòng suối cạn nguồn, truyện ngắn Khói trên sông Hương bàng bạc âm hưởng ca Huế, một loại hình âm nhạc vốn là âm nhạc bác học, nhưng lại được lưu giữ trong môi trường dân gian. Cái đẹp của ca Huế được cảm nhận ở những chỗ “luyến láy”, “rõ, tươi, đằm thắm” và ở sự thể hiện của người ca nữ “tươi tắn mà chững chạc, trang nhã mà nồng nàn, đa tình mà không đa dâm...” (Khói trên sông Hương).

Trân trọng và nâng niu cái đẹp, Trần Thuỳ Mai thể hiện cảm xúc của con người khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Đó là vẻ đẹp của những khúc nhạc trong cảm nhận của người nghe, ở đó không chỉ có âm thanh mà có cả hình ảnh, gợi những tình cảm: “Cùng với tiếng nhạc, hình ảnh một ngôi làng xa xôi chợt hiện về trong trí nhớ, một ngôi làng tôi chưa hề thấy, nhưng không hiểu sao lại gần gũi như chính nơi chôn rau cắt rốn. Tôi lại thấy những ngọn dừa (...) Rồi tiếng bom đạn, tiếng cát, những âm thanh của hãi hùng kinh sợ, tiếng nỉ non của nỗi niềm đau khổ, xót thương, mất mát (...) Hình ảnh vô tình, hung dữ của sự huỷ diệt” [51, 34]; “Ông bảo tôi: bản này rất trừu tượng, khi đánh chỉ nghĩ đến âm thanh thôi. Vậy mà sao tôi cứ tưởng tượng ra tiếng

chim hót nơi lùm cây cỏ... Tôi nhắm mắt, tưởng mình vừa thức dậy sáng mai, tưởng đang ở trong ấm áp của gối chăn...” [60, 64]. Đó cũng chính là vẻ đẹp từ những bức tranh như bức tranh “một con mèo đang uốn mình, trong bụng là hai mảng âm dương màu xám lam và đỏ thẫm” có thể hình dung người phụ nữ mang thai mang trong lòng cả vũ trụ trong truyện ngắn Thập tự hoa; là vẻ đẹp của bức tranh phụ nữ bán khoả thân trong Người bán linh hồn khiến “bất cứ ai đứng trước bức tranh cũng bồi hồi xúc động” bởi bức tranh ấy được vẽ từ “nét cọ tài hoa của người đàn ông yêu nàng”, bởi có “một ngọn lửa cháy rực từ nỗi say đắm của người hoạ sĩ, ngọn lửa thần ấy chiếu lên thân thể người đàn bà để soi sáng cho người ta thấy phần linh hồn ẩn đằng sau da thịt” [60, 142]; là vẻ đẹp riêng của nỗi cô độc tận cùng của người nghệ sĩ từ bức tranh “Một cái chai không, trống rỗng tận đáy, nằm chổng chơ trên bàn bên cạnh cái cốc đổ nghiêng. Ngoài cửa sổ, một mảnh trăng lưỡi liềm, lạnh, sắc, tất cả chìm trong một màu xanh hun hút, âm vang” [55, 51]... Có lẽ cái đẹp mà người hoạ sĩ sáng tạo từ những sắc màu, hơn bao giờ hết xuất phát từ một cảm hứng thiết tha đối với đời, với người. Điều đó Trần Thuỳ Mai thấy được,

cảm được và giúp người đọc thấm được cũng bởi một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và say mê cái đẹp. Chính niềm xúc cảm mạnh mẽ trước cái đẹp và lòng yêu thương đã khiến nhà văn thể hiện thành công hình tượng nhân vật những người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật và những giây phút thăng hoa trong sáng tạo của họ như Vũ (Thuốc ba màu) với những gam màu huyền thoại và sự tự nguyện hi sinh cho người mình yêu có cuộc sống tốt đẹp; Hưng (Chuyện ở phố hoa xoan) với bức tượng nàng Êva chưa biết lành dữ và niềm xúc động, tiếc nuối khi Vy ngây - nàng Êva của anh “ra khỏi vườn địa đàng”; Trúc Ty - người phụ nữ đẹp với bức tranh Chiếc phao cứu sinh của đời mình; rồi Thìn, Thiệp chân cò, Tư râu, Nguyệt... ở Quỷ trong trăng, Ngân - nghệ sĩ xiếc trong truyện ngắn Đêm tái sinh như được sinh ra lần nữa khi tiết mục múa vòng được công chúng nhiệt thành đón nhận. Điều này xin được nói rõ ở chương 3 khi bàn về nhân vật nghệ sĩ trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai.

Là một nhà văn yêu thiết tha cái đẹp, Trần Thuỳ Mai thể hiện năng lực khám phá, phát hiện cái đẹp ngay cả ở việc miêu tả thiên và cảnh vật. Thiên nhiên trong truyện ngắn của Thuỳ Mai luôn gắn với tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Đó là thiên nhiên rất đẹp và thơ mộng, vẻ đẹp tạo cho con người cảm giác nó vừa hư vừa thực. Có khi đó chỉ là ánh nắng “Trời vẫn nắng, một thứ nắng hư ảo, chập chờn theo lối mòn dẫn ra bờ biển cũ” [61, 12], là “gió cao nguyên tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng” [61, 241]. Có lúc đó lại là “trăng sáng quá, tròn và rực rỡ trên chiếc mâm vàng giữa trời” trong truyện ngắn Thương nhớ Hoàng lan; “Ánh trăng từ cửa sổ hắt vào, trải dài phủ lên người Akikô. Trăng nhuộm màu sáng bạc trên màu áo, màu tóc, khuôn mặt nghiêng nghiêng của nàng" trong Thuốc ba màu

khi nhân vật Vũ ngắm nhìn người yêu mình trong nỗi đau. Đó là vẻ đẹp được thể hiện qua hình tượng cây Hoàng lan mà Lan gửi lại tặng Minh khi ra đi để Minh tiếp tục cuộc đời tu hành trong Thương nhớ Hoàng lan, vẻ đẹp mang tính triết lí. Hoàng lan được vun trồng, tưới tẩm, lớn lên từ nước giếng chùa mà chính Đăng Minh đã tự đào khi cố gắng kéo dài thời gian, vượt qua cửa ải cuối cùng. Khi Hoàng lan nở hoa, thì lòng của Đăng Minh cũng khế hợp với lòng Phật. Tính hiện đại và chất triết lý sâu sắc của tác phẩm được gửi trọn vào hình tượng cây Hoàng lan này: Tình yêu cứu rỗi cái đẹp. Cái đẹp lại mong manh trước ngọn gió vô thường, vì chấp thường cho nên chúng sinh đau khổ. Nhưng rồi chính đau khổ đôi khi lại là chất liệu làm nên hạnh phúc. Con người có khát vọng thành Phật - khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ - nhưng sự thành Phật của con người sẽ là hư vô, ảo tưởng nếu nó không khởi nguồn từ tình thương - thương chúng sinh. Trong cuộc đời, có lẽ mỗi người nên gieo trồng trong mảnh đất lòng mình một cây Hoàng lan như thế. Để rồi “Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian” (Thương nhớ Hoàng lan).

Có thể nói, cảm hứng về cái đẹp được thể hiện trong hầu hết các tập truyện của Trần Thuỳ Mai ở nhiều phương diện. Từ thiên nhiên đến con

người, từ văn hoá Huế với những thuần phong mĩ tục đến các loại hình nghệ thuật. Từ hình ảnh dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình đến những dãy núi mờ xa ẩn hiện trong sương sớm, rồi cả những đền đài lung linh huyền thoại, những tiếng chuông chùa thong thả ngân vang, với những điệu ca Huế buồn thương da diết cõi lòng... đến vẻ đẹp đức hạnh, thuỷ chung tha thiết vô ngần thẳm sâu trong tâm hồn người phụ nữ Huế... Tất cả in đậm trong trang văn

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w