Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai một phong cách độc đáo của

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai một phong cách độc đáo của

truyện ngắn Việt Nam sau 1975

1.3.2.1. Trần Thùy Mai - con người và văn chương.

Trần Thùy Mai sinh năm 1954 tại Hội An - Quảng Nam, quê gốc ở Huế. Trần Thùy Mai luôn sống gắn bó và yêu thương mảnh đất Huế quê hương của chị. Chị tâm sự: “Mẹ tôi là người Huế, vào Hội An làm việc. Bà sinh tôi ở đây rồi lại quay về Huế sống. Vì vậy, tôi sinh ra và lớn lên ở hai thành phố cổ. Sau này tôi lại được đến nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam để ghi chép dân ca, ca dao. Tôi rất cảm cái chất u ẩm, thầm kín của hò mái nhì Huế, yêu cái chất mãnh liệt nồng nàn của hò khoan Quảng Nam. Một bên thì mơ màng sương khói: Lên non ngậm ngải tìm hương/ Em đây ở với người thương tới cùng. Còn một bên thì dữ dội: Tay em cầm con dao sắc, trao qua cái rổ, cắt cái cổ con kê/ Hai ta lên miếu mà thề/ Cạn sông lở núi đừng hề bỏ nhau.. ”.

Ảnh hưởng của hai thành phố cổ thơ mộng, hiền hoà với tất cả cảnh vật, con người, văn hoá vật chất, tinh thần... sau này, qua sự quan sát, cảm nhận, chiêm nghiệm thấm thía của nhà văn đã đi vào sáng tác của chị rất tự nhiên, dung dị, nhẹ nhàng, khó quên.

Trần Thùy Mai học trường nữ trung học Đồng Khánh Huế. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế năm 1976, nguyên là giảng viên bộ môn Văn học dân gian của khoa Ngữ văn trường Đại Học sư phạm Huế. Từ năm 1987 chị là biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hoá - Huế. Là hội viên hội nhà văn Việt Nam và Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Năm 1975, 22 tuổi, Trần Thùy Mai có truyện ngắn đầu tiên đăng báo Văn nghệ và sự nghiệp văn chương của chị bắt đầu từ đó. Sau này, nhìn lại sáng tác của mình bấy giờ, chị nói: Còn trẻ nên truyện của mình dàn trải lắm. Rồi thời gian trôi qua, cô gái Huế dịu dàng này làm vợ, làm mẹ, trải nghiệm đủ mọi buồn vui, hạnh phúc và cay đắng trong cuộc đời, trang viết của chị đã sâu lắng, cô đọng và cũng dữ dội, quyết liệt hơn. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ bất hạnh, chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống trở nên đậm nét. Khát vọng tình yêu và hạnh phúc của họ cũng mãnh liệt, riết róng hơn trong sáng tác của chị. Trần Thùy Mai tâm sự: “Hồi còn trẻ mình cũng thích văn chương, thích viết. Nhưng có lẽ sau 40 tuổi thì mới biết viết văn phải trả giá bằng sự từng trải, trả giá bằng cả cuộc đời. Hình như khi người ta bị đổ vỡ lớn thì càng khao khát đến với thế giới nghệ thuật, giống như một sự nương tựa. Và có lẽ trong sự nương tựa đó mình lại viết được nhiều hơn, nhờ đó mà có thêm nhiều bạn đọc” [22].

Bản thân nhà văn là người phụ nữ rất nhạy cảm và tinh tế. Chị luôn sợ sự cô độc bởi nó đem đến cho chị cảm giác không yên ổn. Cuộc sống không bình lặng khiến Trần Thùy Mai luôn khao khát kiếm tìm niềm đồng cảm, sự sẻ chia để xua đi cảm giác cô đơn trống vắng trong lòng. Với chị, “viết văn là một cách để thương yêu” nên trên từng trang văn của chị luôn hiện hữu tấm lòng thương yêu và sự chan hoà với cuộc sống. Toàn bộ các nhân vật trong

truyện ngắn của chị đều mang dáng dấp riêng và được nhà văn gửi gắm những tâm sự, suy nghĩ của mình về cuộc đời, về con người.

Không ồn ào vội vã chạy theo những thị hiếu tầm thường, Trần Thùy Mai lặng lẽ, kiên trì tạo được những bước đi vững chắc trong làng truyện ngắn. Chị viết chắc và khá đều tay. Trong những năm tháng làm giảng viên Đại học, chị vẫn viết đều đặn và cho ra đời tập truyện ngắn đầu tay, tập Bài thơ về biển khơi (1983). Sau đó một năm, Cỏ hát, tập truyện thứ hai của chị (in chung với Lý Lan) ra đời.

Văn chương có một ý nghĩa rất lớn đối với Thuỳ Mai. Nhờ viết văn mà chị cảm thấy cuộc đời được mở rộng, mình vượt qua được giới hạn chật hẹp của chính mình. Những năm đầu tiên cầm bút, chị coi viết văn là thú vui, đến khi được độc giả yêu thích thì chị: “Cầm bút với một sự hoảng sợ, sợ không làm hài lòng độc giả, sợ độc giả sẽ bỏ mình mà đi; viết mãi thì cũng nguôi sợ”. Đối với chị, khi tác phẩm đến được với độc giả, được độc giả đón nhận thì nỗi cô đơn trong lòng mình được nguôi ngoai.

Với ngọn lửa của lòng đam mê được yêu, được viết, được cùng sống với số phận mỗi nhân vật mà mình sáng tạo, Trần Thùy Mai liên tiếp cho ra đời các tập truyện ngắn để lại dấu ấn sâu đậm, có sức sống lâu bền trong lòng người đọc. Năm 1994, tập truyện ngắn Thị trấn hoa quỳ vàng ra mắt bạn đọc và sau đó, gần như đều đặn hàng năm chị đều có tác phẩm xuất bản: Trò chơi cấm

(1998), Gió thiên đường (2000), Quỷ trong trăng (2002), Biển đời người

(2002), Thập tự hoa (2003), Đêm tái sinh (2004), Mưa đời sau (2005), Lửa hoàng cung (2007), Mưa ở Strasbourg (2007); Một mình ở Tôkyô (2008). Sự ra đời của các tập truyện như là cách để nuôi dưỡng ngòi bút và tri ân với độc giả. Với văn chương, Trần Thuỳ Mai không ồn ào, rất tĩnh lặng, nhẹ nhàng nhưng lại có sức lan toả và luôn có một lượng độc giả ổn định.

Cho đến nay, hơn 30 năm cầm bút với 12 tập truyện ngắn, 4 tác phẩm được chuyển thể thành phim và một số giải thưởng xứng đáng (giải B của Hội nhà văn Việt Nam năm 2002 cho tập Quỷ trong trăng, giải thưởng Văn học

nghệ thuật năm 2003 của Uỷ ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam cho tập

Thập tự hoa và giải thưởng hàng năm của hội VHNT Thừa Thiên Huế năm 2008 dành cho tập truyện Một mình ở TôKyô...), nhà văn Trần Thùy Mai đã thực sự tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả. Người ta biết đến, tìm đến truyện ngắn của chị bởi sự nhẹ nhàng, lặng lẽ, tinh tế, sâu sắc trong con người và trong sáng tác của một nhà văn “giàu tính nữ bậc nhất trong làng truyện ngắn hiện nay”.

1.3.2.2. Quá trình hình thành phong cách truyện ngắn Trần Thuỳ Mai

Với hơn 30 năm miệt mài cầm bút nhà văn Trần Thuỳ Mai luôn cố gắng tìm tòi, thể nghiệm để tránh lặp lại mình và phù hợp với thị hiếu độc giả đang ngày một khác trước, tất nhiên, không phải và không thể là tất cả. Trong sáng tác của mình, chị đã tạo được tiếng nói riêng, thấm đẫm chất Huế, vừa dung dị, gần gũi, đằm thắm, đời thường, vừa gần với thơ và cũng đậm chất triết lí. Dấu ấn phong cách của Trần Thuỳ Mai để lại trên sáng tác truyện ngắn không lạ nhưng cũng không phải là đã cũ. Đó là cả một sự vận động từ trong nội tại để bắt nhịp với cuộc sống được quy định bởi tầm nhận thức, khả năng khám phá và tấm lòng của nhà văn gửi gắm cho con người và cuộc đời những gì mà mình đã nung nấu, ấp ủ.

Thuộc thế hệ nhà văn thời hậu chiến, Trần Thuỳ Mai cũng hướng ngòi bút của mình đến sự khám phá và phản ánh hiện thực ở góc nhìn đời tư, thế sự. Viết về con người đời tư trong đời sống hiện đại, chị không bạo liệt và gai góc, phân tích, mổ xẻ để rồi cay đắng, giễu cợt như nhiều cây bút khác. Chị chiếm lĩnh hiện thực ở tầng sâu khi hướng đến những số phận cá nhân với những lo toan, dằn vặt và những khát vọng đời thường bằng cái nhìn nhân ái, giàu tinh thần nhân bản. Bởi thế, hiện thực trong tác phẩm của chị nhiều khi không thể nhìn bằng con mắt ráo hoảnh, trần trụi mà phải cảm nhận bằng cả tâm hồn thông qua những bi kịch nội tâm, thậm chí cả những giấc mơ huyền thoại. Trong hiện thực cuộc sống mà chúng ta tìm thấy ở sáng tác của Trần Thuỳ Mai dẫu vẫn có sự chen lẫn, đan cài giữa cái cao thượng và thấp hèn,

giữa ích kỷ và bao dung, giữa phần người và phần quỷ... nhưng Trần Thuỳ Mai luôn dùng hiện thực ấy để hướng con người tới cái đẹp, cái thiện, để phần người lấn át phần quỷ, hướng con người đến niềm tin vào cuộc sống. Chính vì thế, đọc truyện ngắn của chị, người đọc ít thấy sự xô bồ, hỗn tạp của cuộc sống, có chăng chỉ ở một vài tác phẩm trong những năm đầu cầm bút; hầu như chỉ thấy trong tác phẩm của chị sự thanh thoát, nhẹ nhàng, dẫu có bi kịch nhưng vẫn đầy tin yêu ở cuộc đời. Trần Thuỳ Mai đã từng tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm là giữ cho tâm hồn mình sự rung động trước cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin vào con người. Vì con người rất đẹp và cho dù nó có mặt xấu xí tầm thường đi nữa thì mình cũng không thể sống mà không thương yêu”.

Với quan niệm như thế về cuộc sống và con người, Trần Thuỳ Mai đã đề cập đến những số phận riêng lẻ, những khát vọng, những bi kịch nhân sinh từ góc quan sát khá hẹp: gia đình và tình yêu với những quan hệ đời thường. Thực ra, tiếp cận hiện thực từ góc nhìn đời tư là cả đặc điểm của truyện ngắn sau 1975 chứ không riêng gì truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Chỉ tính riêng các nhà văn nữ ta có thể bắt gặp tư duy nghệ thuật này ở Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Thu Huệ,... với sự bàng hoàng trước cuộc sống, niềm trăn trở trước sự sa sút của nhân tính, sự băng hoại đạo đức ở một lớp người do mặt trái của cơ chế thị trường; những cảnh bức bối ngột ngạt, những vết rạn nứt, những cơn sốc và sự khủng hoảng trong quan hệ vợ chồng, cha con, anh em. Nét khác biệt của Trần Thuỳ Mai là ở chỗ, riêng với đề tài gia đình, chị không qúa chú trọng tới những vấn đề mâu thuẫn phức tạp giữa mẹ chồng - nàng dâu, hay trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hoặc sự ngột ngạt, bức bối cần phải giải quyết ngay trong cuộc sống vợ chồng. Chị viết về gia đình với những câu chuyện bình thường, giản dị mà chan chứa lòng thương yêu và niềm tin, hi vọng. Hoa hướng dương, Ở một nơi xa xôi, Thương lắm ngoại ơi,... là những câu chuyện như thế. Cũng có những truyện Thuỳ Mai đề cập đến mâu thuẫn gia đình dẫn đến sự chao đảo và nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc, nhưng chị đã đặt nhân vật vào những day dứt, giằng xé giữa

tình yêu, cuộc sống và nghệ thuật, buộc họ phải tự cân nhắc, đắn đo để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với quan niệm đạo đức truyền thống. Đọc

Cuốn sách Một chút màu xanh ta thấy rõ điều đó.

Có thể nhận thấy, trong thời gian đầu của cuộc đời cầm bút, Trần Thuỳ Mai còn khá dè dặt, chưa khơi sâu vào khám phá đời sống trong giới hạn tối đa của nó. Dẫu vậy, cũng có thể thấy được nét đẹp trong cảm nhận, khám phá hiện thực ở sự chân thành và niềm mong muốn được nuôi dưỡng yêu thương cho tổ ấm gia đình của chị.

Sau những trải nghiệm trong cuộc đời và nghiệp văn, đặc biệt là từ tập truyện Thị trấn hoa quỳ vàng trở đi, cảm nhận về cuộc đời và con người, tư duy nghệ thuật của Trần Thuỳ Mai có sự thay đổi theo hướng tích cực. Một trong những nét nổi bật của truyện ngắn Trần Thuỳ Mai là sự thể hiện con người cá nhân trong sự bộc lộ cái tôi nội cảm; những suy ngẫm về số phận cá nhân, trăn trở về lẽ sống được bộc lộ qua nhiều mảng đề tài, rõ nhất là đề tài tình yêu. Con gười cá nhân với cái tôi nội cảm trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai sống thiên về tâm hồn, tình cảm. Những truyện ngắn Lửa của khoảnh khắc, Thập tự hoa, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện ở phố hoa xoan, Người điên vì hoa, Thương nhớ Hoàng lan... thấm đẫm những khát vọng tốt đẹp về con người, về cuộc đời và cũng mang đầy vị mặn của những đau khổ, mất mát riêng mang. Quá khứ, hoài niệm được sử dụng ở mức tối đa, nhiều khi những hình ảnh của hoài niệm hiện ra như cuốn phim quay chậm: “Trái tim héo hắt của vãi Thông đã ngừng đập vào đúng lúc người đàn bà ấy nhận ra, không có nỗi ám ảnh của quá khứ thì cuộc đời bà cũng chẳng có gì để sống” (Lửa của khoảnh khắc).

Con người cá nhân với cái tôi nội cảm được thể hiện phổ biến qua sự tự phân tích, trăn trở, dằn vặt của nhân vật trong cái nhìn đầy yêu thương và cảm thông của Trần Thuỳ Mai. Với việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, truyện của chị luôn là nhịp thở của trái tim nồng nàn, đắm say. Nhân vật của chị sống bằng tâm hồn, nặng lòng với chữ tình, trái tim đập nhờ hơi ấm của

tình yêu. Nhờ đó, người đọc nhận thấy tình yêu không đơn thuần là tình cảm nam nữ, mà còn là biểu tượng của khát vọng tuyệt đối, là sự níu giữ niềm tin, là sự băn khoăn kiếm tìm lẽ sống.

Theo dõi hành trình nghệ thuật của Trần Thuỳ Mai với sự xuất hiện những tập truyện gần đây, có thể thấy sự thể hiện tâm lí nhân vật trong truyện ngắn của chị ngày một sắc sảo hơn, nhà văn có xu hướng rời xa dần truyền thống tạo hình bằng ngôn từ để đi vào phạm vi của những cái vô hình. Từ sự đối diện của con người với những bi kịch đời thường để thể hiện những vấn đề ẩn tàng trong cõi tâm linh huyền bí, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai đã thực hiện những bước chuyển mình trong sáng tạo nghệ thuật. Nỗi đau và sự cô đơn khiến con người tin vào những điều siêu hình. Họ nhìn thấy có một cõi khác ngoài cõi người hữu hạn, có sự tương thông, thấu hiểu, thần giao cách cảm... Lạc vào thế giới tâm linh là cách đào thoát mà ở đó họ tìm thấy niềm an ủi. Họ luôn sống trong nỗi ám ảnh của quá khứ, của những giấc mơ và sự linh cảm. Để thể hiện con người tâm linh, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai thường có sự đan xen, pha trộn giữa thật và ảo, huyền thoại và thực tế, xưa và nay. Chất huyền thoại không ngừng được tái hiện trong truyện ngắn của chị; ở hầu hết các tập truyện của Thuỳ Mai đều có một số truyện lấy đề tài trực tiếp từ huyền thoại hay lịch sử, nổi bật như: Giấc mơ trên đỉnh Ngựa trắng, Lửa hoàng cung, Huyền thoại về chim phượng, Thiên thạch, Tống Nương... Bằng việc khắc hoạ con người tâm linh, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai đã cho thấy cái nhìn biện chứng, toàn diện về con người, đồng thời thể hiện sự tìm tòi, lí giải, tiếp cận bản chất phức tạp của “con người bên trong con người” trên hành trình nghệ thuật.

Tóm lại, hành trình nghệ thuật của Trần Thuỳ Mai ngay từ những ngày đầu tiên cầm bút đã được xác định chắc chắn và nó không ngừng vận động, phát triển cùng với sự nỗ lực tìm tòi và đổi mới chính mình. Mỗi một tập truyện ngắn ra đời, trong lòng nó đã có những tín hiệu dự báo sự đổi thay, chứa những dự phóng cho sự cách tân về sau trên cơ sở khắc họa yếu

tố nổi trội. Hầu hết những tìm tòi, thể nghiệm mới trong sáng tạo nghệ thuật của Thuỳ Mai đều được độc giả nhiệt thành đón nhận, bởi những thể nghiệm ấy khiến chị không lặp lại chính mình và cũng không làm nhoè đi, trái lại, ngày càng khẳng định chắc chắn những dấu hiệu phong cách vốn đã định hình từ trước. Chúng ta có thể kỳ vọng vào những bước tiến tiếp theo của một Trần Thuỳ Mai với tôn chỉ trong đời sống và nghệ thuật là ở sự chân thành, một Trần Thuỳ Mai luôn nỗ lực, nghiêm túc trong sáng tạo, bởi: “Nghệ thuật cũng như tình yêu, phải khó khăn, không chấp nhận sự dễ dãi” (Khói trên sông Hương).

CHƯƠNG 2

PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN TRẦN THUỲ MAI

TRÊN PHƯƠNG DIỆN LỰA CHỌN ĐỀ TÀI VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w