Nhân vật nổi bật nhất của Trần Thùy Mai người phụ nữ

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 92 - 98)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Nhân vật nổi bật nhất của Trần Thùy Mai người phụ nữ

Trong truyện ngắn của mình, Trần Thuỳ Mai luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho những người phụ nữ. Khảo sát tác phẩm của nhà văn, chúng tôi nhận ra nhân vật nữ chiếm số lượng rất lớn và trở thành hình tượng trung tâm, xuyên suốt trong hầu khắp các truyện ngắn của chị. Nhân vật nữ của Trần Thuỳ Mai rất đa dạng, nếu xét về nghề nghiệp thì có đầy đủ các thành phần: từ người lao động bình thường đến người nghệ sĩ, từ người trí thức đến gái bán hoa; nếu xét về độ tuổi thì có tuổi trẻ, có trung niên và cả tuổi xế bóng; nếu xét về địa lí thì có cả người miền xuôi lẫn người miền ngược, người trong nước đến người nước ngoài. Những người phụ nữ trong truyện của Thuỳ Mai luôn gắn với tình yêu, sống chân thật với bản ngã của mình, chấp nhận trả giá cho những gì mình lựa chọn. Mỗi tác phẩm là một số phận, là một tình huống, một cảnh đời không hề lặp lại, thể hiện cảm nhận sâu sắc về con người và cuộc đời của nhà văn.

Người phụ nữ trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai thường có ngoại hình đẹp và nội tâm phong phú. Họ là những Trúc (Chị Hai ơi) với “khuôn mặt trái xoan, nước da rời rợi trắng” và cái nhìn xoáy buốt; là Lan (Thương nhớ Hoàng Lan) nhỏ nhắn, tinh nghịch, xinh xắn và rất đáng yêu; là Aphin (Nước Thề), Hơ Thuyền (Thuyền trên núi), những cô gái miền núi xinh đẹp, khoẻ mạnh, hồn nhiên, yêu tin bằng tất cả tấm lòng trong sáng, thánh thiện của mình; Là Chăn Tha (Chăn Tha) với vẻ đẹp của những đường cong mềm mại và đôi mắt chứa đựng sự hoang dã, u uẩn của núi rừng Campuchia; họ Là Quyên, là Ni, là Na, là Vân, là Naoko, Akiko, Thể Tú... Tất cả đều đẹp, bản lĩnh, đều có trái tim đa cảm và khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc với tình yêu của mình. Và hầu hết họ đều rơi vào bi kịch trên con đường kiếm tìm sự bình yên và hạnh phúc.

Trước hết phải kể đến những nhân vật nữ trẻ tuổi, chưa hề đối mặt với những vấp váp trong hôn nhân. Họ xuất hiện trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai với vẻ đẹp tràn trề sức sống và một khát vọng tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ. Trong truyện ngắn Gió thiên đường, chúng ta thật ấn tượng với nhân vật Mi - vũ sư xinh đẹp, đa cảm và tình yêu mà cô dành cho Hiếu, anh chàng có nụ cười răng mẻ và cái đầu hai mái. Mi đã bất chấp lời khuyên của cha để được sống trong tình yêu của Hiếu bởi chính tình yêu đó đã làm cho “những giờ dạy khiêu vũ không còn mệt mỏi, không thấy những buổi học thi ban đêm là chán chường, không thấy những nỗi lo, căng thẳng khi mẹ hết tiền, em cần sách vở, ba cần uống thuốc... Cả cuộc sống đang trở nên nhẹ nhàng...”. Mi là đại diện cho những cô gái trẻ của thời hiện đại, dám yêu và tin vào chính mình khi đến với tình yêu. Trong Mi có cả chút ngông cuồng nông nổi của tuổi hai mươi luôn muốn chiến thắng, không chấp nhận thất bại khi đối diện với những thử thách trong tình yêu: “Mắt Hiếu cứ thiêu đốt và tôi cứ cố tình làm cho lòng mình trở nên băng giá. Không biết trong cuộc chiến im lặng này, ai lì hơn ai? Lửa trong mắt Hiếu tan trước hay tảng băng trong lòng tôi tan ra trước”. Và rồi: “dần dần tôi bỗng thấy thú vị với những cuộc gặp lặng lẽ đó: giống như một bản nhạc không lời êm dịu và sâu vô tận”. Tình cảm của Mi, cách nghĩ của Mi dễ dàng nhận được sự đồng cảm của người đọc, bởi lẽ nó xuất phát từ một trái tim chân thành. Có trải qua những cảm xúc từ hạnh phúc ngọt ngào đến đau khổ thất vọng, con người mới cảm nhận hết được “trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào mà khổ đau cũng đầy thi vị”.

Naoko, một cô gái đến từ đất nước Nhật, biết thời gian còn lại của cuộc đời mình ngắn ngủi, cô đã sống, yêu và nâng niu những gì thân thuộc quanh mình. Tình yêu giữa Naoko và Kha, giữa một du khách và một hướng dẫn viên du lịch là một mối tình rất trong sáng, thánh thiện. Sự gần gũi, đồng cảm, chia sẻ giữa họ thật ý nhị và cao thượng: “Nhưng chợt tôi hụt hẫng rồi như nín tắt. Một nỗi im lặng rất sâu, rất mênh mông bao phủ trên trời đất xung quanh. Bên tôi, Naoko như ngâm, chìm đắm” [58, 138]. Giữa thời đại @ với

tình yêu chớp nhoáng và đầy thực dụng của giới trẻ, những tình yêu trong trẻo, lãng mạn như vậy thật giàu ý nghĩa.

Trong sự đa tạp của cuộc sống hiện đại, những người trẻ tuổi nuôi dưỡng và gìn giữ cho mình một tình yêu trong sáng, không thực dụng quả không phải là chuyện dễ dàng. Truyện ngắn Trần Thuỳ Mai dày công xây dựng và thể hiện nhân vật nữ đầy đam mê. Tình yêu trong của họ luôn là những khát khao cháy bỏng, khát khao được “cháy tới cùng”, không chấp nhận nửa vời, họ quyết liệt ngay cả khi rời bỏ nó. Khát vọng, ham muốn và khả năng giữ gìn những giá trị tuyệt đối của tình yêu trong truyện của Trần Thuỳ Mai ở người phụ nữ bản lĩnh và quyết liệt hơn đàn ông. Tí trong Lên phố khi yêu “tưởng như có thể vác cả thế gian lên vai” [58, 29], cô quên cả cái vất vả trong cuộc mưu sinh và cả nỗi nhớ quê da diết. Tí bán bánh bao để dành dụm tiền cho Dũng, hi sinh lặng lẽ bằng tình cảm chân thành nhất. Khi biết Dũng không cưỡng lại được cạm bẫy của vật chất và quyền lực, Tí đã quyết định về quê mà không cần một lời thanh minh, giải thích. Tình yêu hồn nhiên của Tí không giữ nổi Dũng, cô rời bỏ Dũng bằng tất cả bản lĩnh của một người phụ nữ trẻ. Tâm trạng nuối tiếc giấc mơ ngọt ngào về tình yêu là nỗi đau bị kìm nén, mặt trái cuộc sống được phô bày trong vòng xoáy bội bạc của nó với sự “tha hoá” của Dũng và chính nỗi đau khó hàn gắn của Tí: “Tí tiếc giấc mơ đến hẫng cả người. Chỉ là mơ thôi. Làm chi mà có. Nắm lấy cái gối, Tí vút mạnh vào người chị Sanh, gắt lên...” [58, 34].

Cũng như Tí, Na trong Người bán linh hồn cũng yêu bằng trái tim trong sáng và sự hi sinh tất cả cho người mình yêu. Trong tình yêu mà Na dành cho Tuấn có cả sự yêu thương và sùng kính. Na vốn là một cô gái ngoại hình không có gì nổi bật, ngoài “đôi mắt to đen với hàng lông mi dày và cong, trông man dã và nồng nàn” [60, 238]. Na yêu Tuấn từ năm đầu tiên học ở trường nghệ thuật. So với Tuấn, Na kém tài năng về hội hoạ và: “Sự kém tài năng khiến nàng dần dần xem người yêu như một thần tượng. Về sau, khi đã sống chung, nàng là người yêu, người bạn, người phục vụ và bảo vệ chàng,

ngủ cùng giường với chàng ban đêm, nấu ăn cho chàng ban ngày, làm người mẫu thường xuyên cho chàng vẽ, bởi chàng chẳng có tiền thuê mẫu...” [60, 243]. Tình yêu của Na dành cho Tuấn là một thứ tình yêu trong sáng, thuần khiết và giàu đức hi sinh. Vì Tuấn, vì tình yêu và tài năng của Tuấn, Na đã bán mình để anh có đầy đủ điều kiện để sáng tạo nghệ thuật. Sự hi sinh ấy quá lớn, Na rất đau khổ, nhưng nàng đã tình nguyện bởi “nàng muốn ghánh lấy cái phần tục lụy nghệ thuật để cho tâm hồn anh khỏi bị tổn thương”. Nhưng rốt cục, tình yêu và sự hi sinh của Na không được đền đáp. Tuấn đã rơi vào vòng xoáy bội bạc của cuộc đời, trở thành “kẻ bán linh hồn”, phụ bạc niềm tin, tình yêu và lí tưởng nghệ thuật mà cả Tuấn và Na hằng ấp ủ bởi ánh hào quang của tiền tài và danh vọng.

Quả thực những nhân vật nữ trẻ tuổi của Trần Thuỳ Mai hiện lên trong các tác phẩm của chị đầy ấn tượng. Sống giữa thời hiện đại mà những cô gái này yêu bằng tình yêu thánh thiện và đẹp đẽ, không hề thực dụng. Trong trái tim nhân hậu và đa mang của họ, tình yêu và sự hi sinh bao giờ cũng ăm ắp tràn đầy. Rõ ràng trong dụng ý nghệ thuật, Trần Thuỳ Mai không hề muốn viết về những người trẻ tuổi như những người nông cạn, hời hợt, mà trái lại họ hiện lên trên trang viết của chị là những con người trẻ tuổi, trong sáng mà sâu sắc, đằm thắm, đầy bản lĩnh, dám sống và làm chủ cuộc đời mình.

Người phụ nữ trong tác phẩm của Trần Thuỳ Mai luôn là hiện thân của lòng yêu thương, sự hi sinh nhẫn nhục. Nhân vật Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng là một ví dụ. Chị thương yêu, sùng kính, phục tùng chồng một cách tuyệt đối, ngay cả khi đáng phẫn nộ, ghen tuông thì chị vẫn lặng lẽ, dịu dàng.

Chị chủ động chấp nhận hết hi sinh này đến hi sinh khác để mong đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho người đàn ông mà mình tôn thờ. Khi nhận ra bản chất giả dối của người chồng, thần tượng trong chị sụp đổ, Hạnh đã qụy ngã tưởng không gượng dậy nổi. Nhưng rồi như một cơ duyên, Hạnh tìm đến một niềm tin mới, chị trao gửi tình yêu của mình cho một ông Thánh, người chồng trong tưởng tượng, “hình nộm” của tình yêu. Những xúc cảm bột phát

nhưng rất mãnh liệt của Hạnh khi thầy Phương, người chồng cũ, đụng chạm đến Ông Hoàng Bảy - người chồng mới trong tâm tưởng “cô Hạnh đứng dậy, run bần bật như bị xúc phạm” gợi lên những xót xa cay đắng của nữ giới, phẩm hạnh càng cao thì gánh nặng cuộc đời càng dày thêm. Cảm xúc của người đọc khi câu chuyện kết thúc chính là sự cảm thông đối với sự khát khao yêu thương, coi sự hi sinh cho người mình yêu như một lẽ sống và nỗi đau không thể hoá giải của người phụ nữ, những con người ghim chặt mình vào tình yêu, tình đời với những ý nghĩa tốt đẹp nhất.

Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai là những con người lưỡng phân, khát khao sống và yêu mãnh liệt, muốn vươn tới một chân trời mới với ánh hào quang rực rỡ nhưng lại chẳng dám vượt qua giới hạn trước mắt bởi cuộc sống mưu sinh, tương lai và danh dự. Tình yêu, nhất là tình yêu đầu đời luôn là thứ họ ngưỡng vọng, là thứ để họ nuối tiếc hoặc để tự an ủi mình những lúc buồn khổ. Đó là người phụ nữ không tên trong Thập tự hoa,

Giông mùa xuân đã từ chối hạnh phúc vì biết rằng “mỗi người đàn ông đều có con thuyền và giấc mơ của mình, họ đến bến để rồi ra đi” [57, 102] và không muốn giữ lại bên mình “những cuộc đời bị giam hãm”. Họ cố sống cuộc sống như số phận an bài mặc dù trong đời đã từng thổn thức, khát khao; để rồi những khát vọng của tình yêu, những khoảnh khắc thật sự hạnh phúc muôn đời chỉ là huyền thoại, chỉ còn trong kí ức, hoài niệm.

Người phụ nữ trong Thập tự hoa đã nguyện đóng đinh đời mình vào quá khứ với kỉ niệm ngọt ngào cuả tình yêu. Khi người đàn ông của mình ra đi, chị dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con gái bé nhỏ và sống bằng kỉ niệm với “bó hoa màu nâu khô của dĩ vãng”. Trong quan niệm của chị, “mỗi đời người đều có một cây thập tự phải mang”. Vì thế mà chị không dám sống với những khát khao hạnh phúc của tương lai mà chị hằng mong ước, với chị hạnh phúc “chỉ là một ước mơ hoang tưởng mà thôi”. Người phụ nữ này sống an phận với những kỉ niệm tình yêu đã thuộc về dĩ vãng và không dám dấn

thân vào những cuộc phiêu lưu mới vì đã có “một vòng tròn khép kín khoá chặt cuộc đời và tâm hồn chị”.

Nhân vật Quyên trong truyện ngắn Cánh cửa thứ chín vì không chịu nổi sự tẻ nhạt của cuộc sống gia đình, đã khát khao mở “cánh cửa thứ chín” của đời mình, dù biết sau “cánh cửa” ấy là một thế giới khác mà bước chân vào có thể “bị cháy”, “bị bỏng”. Quyên khao khát đến được thế giới ấy, “sẽ chịu cháy”, “chịu bỏng” để được đau đớn, được yêu thương. Xây dựng nhân vật Quyên, nhà văn đã tạo điều kiện cho người phụ nữ truyền thống vượt qua những rào cản của chuẩn mực đạo đức, dám bứt phá khỏi vòng cương toả đã làm cơ thể họ “lạnh giá”. Thế nhưng, dẫu cảm nhận được thứ tình cảm trong mình là “tình yêu đang mỗi lúc một lớn lên”, và dẫu đã gặp được “người trong mộng”, đã vượt qua giới hạn cho phép của người phụ nữ đã có gia đình, Quyên vẫn hốt hoảng quay về. Có thể nói Trần Thuỳ Mai đã dựng lên một “câu chuyện ngoại tình êm ái” tưởng như là vô lí, nhưng lại rất hợp lí khi đặt nó trong quy luật tâm hồn con người. Song, cuối cùng nhà văn cũng chấp nhận đúng nhìn nhân vật của mình với cánh cửa thứ chín không được mở cùng với bức thông điệp bỏ ngỏ đầy tính nhân bản của bi kịch khát khao tình yêu mà không dám yêu của người phụ nữ hiện đại. Nhân vật Quyên cảm thấy mình “đã tự chôn mình” cùng với thế giới sau “cánh cửa thứ chín” và “tôi đang khóc tôi”, khóc cho những khát khao mà chính mình phải vùi lấp.

Có thể nói, Trần Thuỳ Mai xây dựng thành công những nhân vật nữ vừa có tính cách yếu đuối, mềm mỏng, hướng nội, nhưng cũng rất cứng cỏi, mạnh mẽ, có ý thức đấu tranh để gìn giữ tình yêu, sống có lí trí. Họ là những người phụ nữ sống thiên về tình cảm, khó có thể chịu nổi cuộc sống tẻ nhạt thiếu tình yêu trong hôn nhân. Thế nhưng, khi gặp được tình yêu ngoài hôn nhân, họ lại rơi vào những mâu thuẫn, giằng xé giữa tình yêu của mình với đạo đức, danh dự và bổn phận, trách nhiệm. Nhân vật phụ nữ của Trần Thuỳ Mai không có những con người ích kỉ, tàn nhẫn, sẵn sàng dẫm đạp lên cuộc sống của người khác, thậm chí là người thân của mình để tìm hạnh phúc cho

riêng mình như trong các truyện ngắn Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ hay Hạnh của Nguyễn Minh Dậu. Người phụ nữ trong tác phẩm của Trần Thuỳ Mai với khát vọng hiện sinh cháy bỏng nhưng vẫn rất nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh; dẫu rằng trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ luôn bất ổn về mặt nội tâm, vướng vào nhiều hệ lụy của cuộc đời.

Tóm lại, nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của Trần Thuỳ Mai là những con người sâu sắc trong quan niệm nhân sinh với những trăn trở đầy giông bão, nhưng tất cả đều hướng đến sự thánh thiện, lòng nhân hậu, vị tha. Trần Thuỳ Mai đã khắc hoạ những số phận phụ nữ đầy trắc trở, đa đoan, hiếm có ai hạnh phúc. Người phụ nữ trong truyện ngắn của Thuỳ Mai luôn gắn với đau khổ, bởi khát vọng tình yêu, hạnh phúc trong họ lớn quá và nhân hậu quá. Những khát khao, ham muốn chẳng bao giờ nguôi và chẳng bao giờ trọn vẹn. Vì thế mà hầu như truyện ngắn nào của chị cũng chan chứa hoài niệm và mơ ước huyền thoại về một tình yêu, một hạnh phúc mong manh, khó nắm giữ, dễ bị thời gian khoả lấp. Bởi vậy, đọc truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, ta vẫn thường bắt gặp hình tượng người phụ nữ hiện đại với lòng độ lượng và đức hi sinh cao cả, với niềm đam mê sống và khát khao hạnh phúc giữa đời thường, với “chất lửa” luôn rực cháy trong tâm hồn. Đó cũng chính là một trong những nét độc đáo của ngòi bút truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, nhà văn “giàu tính nữ vào loại bậc nhất trong làng truyện ngắn hiện nay”.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 92 - 98)