Kết cấu theo dòng ý thức

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 82 - 87)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2.2. Kết cấu theo dòng ý thức

Có thể nói đây là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện tâm lí nhằm miêu tả những diễn biến tinh vi, phức tạp của đời sống nội tâm con người. Trong những truyện này, chỉ có một vài sự việc, còn lại là cảm giác, suy nghĩ của nhân vật với những hồi ức, liên tưởng và độc thọai nội tâm. Nếu có sự kiện thì sự kiện chỉ đóng vai trò khơi gợi cho dòng chảy tâm lý. Tiêu biểu cho truyện có kết cấu tâm lý này là những truyện của Thạch Lam (Dưới bóng Hoàng lan, Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa...), những truyện của Thanh Tịnh (Tôi đi học...), và một số truyện ngắn của Nam Cao như: Đời thừa, Trăng sáng...

Để mạch truyện trôi theo dòng tâm tưởng nhân vật, khiến cho quá khứ, hiện tại đan cài lẫn nhau trong tác phẩm là kiểu kết cấu sở trường, mang dấu ấn sáng tạo riêng của Trần Thuỳ Mai. Nó cho thấy truyện ngắn của chị đã tiếp cận được với tư duy tự sự hiện đại với những dòng tâm trạng nhân vật đứt nối, gập gãy, mơ hồ. Một số tác giả gọi kiểu kết cấu này là kết cấu đồng hiện quá khứ - hiện tại. Riêng quan điểm của tác giả luận văn, gọi như thế không sai, nhưng đồng hiện là một thủ pháp nghệ thuật không chỉ dùng riêng cho phương diện kết cấu. Chúng tôi muốn gọi tên kiểu tổ chức tác phẩm này là kết

cấu theo dòng ý thức, bởi sự cùng xuất hiện những hình ảnh, những suy tư, những tình cảm... trong quá khứ và hiện tại ở tác phẩm nghệ thuật đều do dòng ý thức nhân vật mà có. Kiểu kết cấu này đã có nhiều nhà văn tên tuổi trong nền truyện ngắn Việt Nam hiện đại sử dụng và đạt đến đỉnh cao như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải... Và đến Trần Thuỳ Mai, tác giả đã vận dụng và khai thác triệt để, có hiệu quả kiểu kết cấu này. Nó trở thành quy tắc nghệ thuật chi phối cách tổ chức, sắp xếp các lớp nội dung và hình thức tác phẩm. Đọc nhiều truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chúng ta dễ thấy, trong dòng ý thức của nhân vật cùng một lúc xuất hiện nhiều khung cảnh, nhiều hình ảnh và tiếng nói của quá khứ và hiện tại, thực tại lẫn khát vọng và tâm linh đồng hiện bên nhau. Với cách tổ chức tác phẩm như vậy tác giả thực sự đã tạo được nét riêng nổi bật trong sáng tác truyện ngắn của mình.

Một bộ phận khá lớn truyện ngắn Trần Thuỳ Mai được bắt đầu từ thời hiện tại, rồi đẩy lùi dần về quá khứ. Nhân vật thường hướng về những ngày đã qua với niềm tiếc nuối hoặc tôn thờ. Quá khứ và hiện tại trong dòng tâm tư của nhân vật luôn có một mối gắn kết, luôn có một gạch nối để hai thế giới ấy đồng hiện bên nhau.

Truyện ngắn Huyền thoại về chim Phượng là một trong những truyện tiêu biểu cho lối kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật chính. Trong những dòng suy tưởng miên man của ông Ninh, có sự xâm nhập lẫn nhau giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại là chuyến về Huế làm công tác khảo cổ mà ông Ninh đã bỏ dở nhiều năm. Hiện tại đó cũng là ấn tượng về sự đổi thay của mảnh đất và con người xứ Huế qua lời của những người bạn trước khi ông trở lại Huế. Khi đặt chân đến mảnh đất cố đô xưa, những hồi ức quá khứ chợt sống lại trong ông, vẹn nguyên như mới hôm qua. Đó là kí ức về Bội Hoàn, cô gái láng giềng thuở trước cùng với “cái cười ngậm kim và một lúm đồng tiền thật ngọt”. “Nụ cười và cái lúm đồng tiền ấy mãi mãi đi vào kí ức ông Ninh, lẫn trong những hoài niệm xa xăm về Huế”. Kí ức gần nhất sống lại trong ông là kỉ niệm lần trước về Huế ông đã gặp Bội Hoàn. Tất cả đã đổi thay, cô đã có

chồng, có con sau ba năm kể từ ngày ông tập kết. Sự tàn phai của dung nhan cô gái làm ông hết sức ngỡ ngàng: “có ai, trong khi yêu cái má lúm đồng tiền trên má một người đàn bà, lại tưởng được rằng một ngày kia nó sẽ biến thành một nếp nhăn sâu như dao cắt?”. Nụ cười nhợt nhạt xã giao và vết nhăn dài hằn trên má - dấu vết còn lại của lúm đồng tiền xưa đã khiến ông thất vọng mà bỏ dở chuyên đề nghiên cứu về thành cổ. Lần này trở lại, hình ảnh của quá khứ lại hiện ra trước mắt, song hành với những gì đang diễn ra trong hiện tại. Có sự đồng hiện ấy là nhờ sự xuất hiện của Phượng - cô gái hướng dẫn viên du lịch, người cộng tác với ông. Sau những định kiến ban đầu về cô gái Huế hiện đại mới 20 tuổi, ông Ninh nhận ra: cô giống hệt Bội Hoàn ba mươi năm về trước. Từ đó, quá khứ và hiện tại đã xâm nhập, đan xen vào nhau vào nhau trong tâm thức ông Ninh, thông qua cái gạch nối là Phượng - cô gái có vẻ đẹp hài hoà kì lạ. Chính những hoài niệm về quá khứ đã giúp ông Ninh nhận ra: “Sự trùng hợp kì lạ. Nhưng Bội Hoàn có cái gì gợi nhớ đến cành liễu, còn Phượng thì ông nghĩ đến một búp thông non. Bội Hoàn... chỉ là một bóng hình đã tan, một bóng hình quá mỏng manh chỉ tồn tại được trong giấc mơ hơn là trong cuộc sống. Nhưng cuộc sống, một cô bé có cái nhìn mới lạ đã lớn lên”. Hoá ra chất Huế, hồn Huế vẫn tồn tại. Ông Ninh đã tìm lại Huế qua một con người, qua cái nắng tháng tư giữa cuộc sống tràn trề của xứ Huế chứ không phải qua kí ức một thời về ngôi nhà thâm nghiêm có hai con lân sành ngoài cổng, về vị mứt gừng xâm, về những tà áo tím xưa. Với cảm nhận của riêng mình, ông Ninh cho rằng, chính Phượng đã mang trong mình một huyền thoại thời hiện đại. Huyền thoại về một con chim Phượng non “lộng lẫy, dũng mãnh gấp bao lần tiền thân của nó”. Trở đi trở lại giữa hai thế giới quá khứ và hiện tại, ông Ninh đã tìm thấy điều tưởng chừng như đã mất bằng chính niềm tin và tình yêu với con người và đất Huế.

Cũng lựa chọn kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật, truyện ngắn Thị trấn Hoa Quỳ Vàng dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nội tâm của nhân vật Ng. với những hoài niệm đẹp trong quá khứ và sự tự ý thức về thực tại. Theo

tiếng gọi của cảm xúc nhân vật, quá khứ và hiện tại gần như luân phiên xuất hiện. Ng. đang ở hiện tại với chiếc xe lam đi đến nơi hò hẹn, ngay lập tức đã sống với quá khứ với những chiếc xe ngựa và lần đầu tiên hẹn hò. Đang từ cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thị trấn cũ, Ng. lại mường tượng thấy một thị trấn hoa quỳ vàng và tấm bảng gỗ tên lữ quán Hướng Dương. Quá khứ đẹp đẽ ấy vô cùng có ý nghĩa đối với Ng. bởi nó mang câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của cô và người đàn ông đã cùng cô đắm mình trong khúc hát địa đàng, “lần đầu tiên và mãi mãi”. Tình yêu của họ như một niềm khao khát muốn vươn tới cái gì đẹp đẽ ở bên ngoài cuộc sống. Thế nhưng, cùng với quá khứ ấy là một hiện tại: người đàn ông không đến, thị trấn đã thay đổi, nhan sắc của Ng. cũng đã khác xưa. Thực tại này đối lập với quá khứ ấy. Tình yêu đẹp và vĩnh cửu thực ra chỉ tồn tại trong khao khát mà thôi. Sử dụng kiểu kết cấu này rất thuận lợi cho việc tái hiện những dòng tâm lí của nhân vật, phục vụ cho ý đồ dịch chuyển sự chú ý của người đọc từ những sự kiện được miêu tả ở bên ngoài vào nội tâm nhân vật.

Không giống như Huyền thoại về chim PhượngThị trấn hoa quỳ vàng, truyện ngắn Thuyền trên núi là những trang kỉ niệm được lần giở trong kí ức của nhân vật tôi, người hoạ sĩ, thầy giáo trẻ miền xuôi đã từng sống và dạy học trên đất Tây Nguyên. Đó chính là kỉ niệm về cô gái của núi rừng ĐăcSưk - Hơ Thuyền với một tình yêu, niềm tin mãnh liệt và khát vọng được về xuôi nhìn sóng biển Quy Nhơn. Đó còn là kí ức về tình yêu ảo tưởng với Ni - cô bé sinh viên có ngoại hình giống Hương, người yêu đầu của anh. Xúc động nhất vẫn là kí ức về lần trở lại Tây Nguyên với bao day dứt. Cái chết và pho tượng nhà mồ của Hơ Thuyền trở thành nỗi ám ảnh, bởi anh còn nợ cô gái Tây Nguyên này một lời hứa. Hơ Thuyền đã thắt cổ chết trên đỉnh núi cao sau hai năm đợi chờ thầy giáo. Khi chết, mắt cô mở, nhìn về phía Quy Nhơn với cả niềm khao khát được bay về biển, căng cánh buồm to lớn để ra khơi. Không thể có thuyền trên núi, cô gái đã chết để được bay theo tiếng gọi của trái tim về một nơi có biển, có người cô chờ đợi. Theo dòng hồi ức của nhân

vật, người đọc thấy được tư tưởng nhân văn ẩn sau sự nuối tiếc và sám hối, với những chi tiết vừa thực vừa ảo.

Bài thơ về biển khơi cũng như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại về nỗi bất hạnh của cô gái nghèo với niềm khát khao tự do và tình yêu, hạnh phúc. Kí ức miên man của cô gái đưa dẫn người đọc về những ngày trong quá khứ của cô gái “bị đóng khung” trong bốn bức vách của căn nhà gỗ nhỏ trên sườn núi cao. Cho đến một ngày, xuất hiện một chàng thi sĩ đưa cô đến với những khát vọng trước biển bao la. Nhưng rồi chàng thi sĩ ấy cũng ra đi, để lại trong cô niềm khao khát và tiếc nhớ khoảng trời xanh, vùng biển rộng và ánh nắng mặt trời, những chân trời xa thẳm mà thi sĩ ấy đã dắt cô qua. Rõ ràng câu chuyện chẳng có cốt truyện đặc biệt, chỉ là hoài niệm về một khoảnh khắc đẹp đẽ trong quá khứ được tái hiện lại qua dòng ý thức của nhân vật.

Kết cấu truyện ngắn Chiếc phong linh cũng vậy. Toàn bộ câu chuyện là hoài niệm ngọt ngào của nhân vật Kha về những ngày vui vẻ bên Naoko Yoshida, về những nỗi buồn rất nhẹ nhưng rất sâu của thời gian Naoko trở về đất Nhật không quay trở lại, về linh cảm người bạn gái đã giã từ cõi sống khi Kha chợt nghe tiếng chiếc phong linh Naoko để lại rung lên trong gió như có ai đang gọi tên mình. Với kết cấu này Trần Thuỳ Mai đã thành công trong việc thể hiện con người tâm linh bằng trực giác, linh cảm nhạy bén của nhân vật và đồng thời thể hiện vẻ đẹp mong manh của tình yêu, hạnh phúc.

Trong kết cấu của một tác phẩm, bên cạnh cốt truyện, bố cục thì việc tổ chức không gian và thời gian nghệ thuật là một việc làm rất quan trọng. Để phục vụ cho kết cấu theo dòng tâm tưởng của nhân vật, Trần Thuỳ Mai đã lựa chọn những không gian nghệ thuật đặc thù để làm nền cho những mối tình đẹp đẽ, huyền diệu, khiến cho khoảnh khắc mong manh trong tình yêu trở thành vĩnh cửu. Và chính trong không gian ấy, thế giới tâm linh sâu kín của con người mới có dịp biểu lộ chân thật nhất. Không gian nghệ thuật nổi trội mà Thuỳ Mai tạo dựng trong các tác phẩm của mình là thứ không gian lãng mạn, đan xen giữa thực tại và hư ảo. Đó là một thị trấn Sapa đầy tuyết (Để

nhìn thấy tuyết); một Hội An cổ kính trầm mặc (Chiếc phong linh); một thành phố cao nguyên đẹp mà buồn lặng (Trò chơi cấm); một khoảng núi rừng uy linh và huyền bí (Thuyền trên núi); gió cát và sóng biển (Thị trấn hoa quỳ vàng) hay chốn thâm nghiêm của một đế đô (Lửa Hoàng cung) v.v..

Với lối xây dựng tổ chức tác phẩm như trên của Trần Thuỳ Mai, có người xem đây là lối viết lãng đãng, không bám sát hiện thực, xa cách với đời thường. Nhưng xét đến cùng thì với cách xây dựng tác phẩm này, đây là lối kết cấu đẹp, ẩn chứa những giá trị nhân văn, thể hiện được tài năng sáng tạo và chiều sâu tư tưởng của tác giả. Bởi lẽ, nhiệm vụ của kết cấu là “tổ chức tác phẩm sao cho chủ đề tập trung, tư tưởng thống nhất, sao cho chủ đề tư tưởng thấm sâu vào từng bộ phận của tác phẩm” [16, 143]. Mà tư tưởng ôm trùm toàn bộ sáng tác Trần Thuỳ Mai là tư tưởng nhân văn sâu sắc, là niềm cảm thông, khơi dậy ngọn lửa khát khao bị vùi nén trong trái tim người. Tư tưởng ấy tất yếu phải tìm đến một kiểu kết cấu phù hợp. Trần Thuỳ Mai đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa phơi bày diễn biến tâm lí, dẫn dắt câu chuyện theo dòng ý thức, tâm trạng của nhân vật chính. Vận dụng và tổ chức thành công quá trình vận động bên trong của các trạng thái cảm xúc nhân vật, Trần Thuỳ Mai đã thành công trong việc thể hiện kết cấu theo dòng ý thức cho truyện ngắn của mình một cách linh hoạt, qua đó bộc lộ sâu sắc tư tưởng - chủ đề của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w