6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. tài tình yêu
Tình yêu vốn là đề tài muôn thuở của văn chương và là đề tài được nhiều nhà văn nữ theo đuổi và thể hiện. Tình yêu là một đề tài không hề mới nhưng lại là đề tài nổi bật trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Ngay từ ngày đầu cầm bút cho đến tận bây giờ chị vẫn viết về tình yêu với tất cả những biên độ của nó: Tình yêu với những rung động nhẹ nhàng của tuổi mới lớn, tình yêu sau hôn nhân với bao muộn phiền và nước mắt, tình yêu lãng mạn với những ảo vọng, tình yêu trong sự đối mặt với những định kiến xã hội, với những toan tính vụ lợi... Trong truyện ngắn của mình, Trần Thuỳ Mai khám phá tương đối đầy đủ các cung bậc của tình yêu: những dư vị ngọt ngào, sự dữ dội, ngang trái, nỗi đau đớn, xót xa, cả khát vọng lẫn sự chối bỏ trong tình yêu.
Là phụ nữ, lại phải trải qua không ít sóng gió của cuộc đời, Trần Thuỳ Mai thấm thía nỗi đau, sự tổn thương và mất mát trong tình yêu. Chính bởi thế, tình yêu trong truyện ngắn của chị không chỉ đơn thuần là những câu chuyện lãng mạn, thấm đẫm nước mắt mà còn là cái cớ để tác giả nói về niềm ao ước có được tình yêu mãnh liệt và bất tử, về khát vọng hạnh phúc giữa những xô bồ phồn tạp của cuộc sống. Mỗi một câu chuyện tình trong truyện ngắn của chị đau đáu một nỗi niềm.
Tình yêu của Ng. và người đàn ông trong Thị trấn hoa quỳ vàng là một mối tình hết sức lãng mạn, tưởng như không có thật trên đời. Mười năm yêu nhau, họ lấy cái thị trấn ven biển đầy hoa quỳ vàng, bãi biển trắng xoá cát và sóng làm nơi hò hẹn. Mỗi năm họ gặp nhau một lần vào một thời gian đã định vào “ngày ấy, giờ ấy”, “năm nào cũng vậy” và năm nào họ cũng nghỉ lại ở lữ quán Hướng Dương không quá một ngày đêm với giao ước không bao giờ nói lời từ biệt. Cuộc sống một năm trong cảm nhận của Ng. là “một năm lặn lội trần gian”. Tình yêu, sự gặp gỡ của họ như là sự cứu chuộc cho những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường: “Chỉ một đêm thôi, họ đã sống đủ cho ba trăm sáu mươi lăm ngày”. Cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp, còn hạnh
phúc lại mong manh, dễ bị khoả lấp bởi những lo toan thường nhật. Ng. và “người ấy”, cuộc đời của họ “luôn luôn có hai thực tại, một thực tại mỗi ngày, tầm thường, bất lực, cay đắng và thực tại trong khát vọng, huy hoàng, rực rỡ, không bến bờ”. Chính cái “thực tại trong khát vọng” với mối tình hết sức lãng mạn ấy đã nâng đỡ họ trong cuộc sống. Dĩ nhiên, bởi quá lãng mạn và đẹp đẽ, tình yêu của họ không thể là vĩnh cửu cùng với thời gian và những biến động của cuộc sống như cảm nhận của Ng. “chính mặt trời cũng không vĩnh cửu”. Trong truyện, tác giả đã hướng theo nhu cầu tình cảm và khát vọng của nhân vật để xây dựng không gian của tình yêu mang đậm sắc màu huyền thoại, hư hư, thực thực. Không gian hò hẹn, những kỉ niệm được huyền thoại hoá bởi nó là những hoài niệm của nhân vật, hoài niệm bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh, hư ảo bởi nó được soi chiếu qua nội tâm nhân vật.
Có thể nói ở một phương diện nào đó, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không thực. Những câu chuyện tình, những không gian hò hẹn, những kỷ niệm đôi lứa thường được nhìn từ những hoài niệm đã được chính nhân vật huyền thoại hoá qua lăng kính tâm tưởng. Có truyện là huyền thoại được Trần Thuỳ Mai dựng lên để thể hiện những kỷ niệm đẹp về một thời tuổi trẻ. Tuy không đến được với nhau nhưng về già hai người vẫn để lại trong nhau những dấu ấn đẹp của một thời (Dòng suối cạn nguồn). Hay huyền thoại về những nàng mỹ nhân trong lịch sử (Tống nương)... Hiếm có mối tình huyền thoại nào của Trần Thuỳ Mai được miêu tả ở thời hiện tại. Có những mối tình như sợi xích níu giữ nhân vật, biến thực tại thành dư âm của quá khứ bỏng rát và dịu dàng. Lửa của khoảnh khắc là câu chuyện về một mối tình như vậy.
Niết (Vãi Thông) trong Lửa của khoảnh khắc luôn sống nhờ vào quá khứ. Người đàn bà ấy không ý thức được ý nghĩa của những dư âm quá vãng trong phần đời của mình, Niết luôn muốn rũ bỏ những ám ảnh của quá khứ. Có lẽ bởi bằng chứng tình yêu của Niết là thằng Cọt, một con thú nhỏ được thai nghén trong một khoảnh khắc rất người. Thằng Cọt là hình ảnh của quá khứ luôn trì níu, đeo đẳng không buông tha bà, nó không có tuổi, không có
nhân tính, không có gì hết nhưng vẫn sống để ám ảnh người sống. Và trong sâu thẳm tâm hồn, Vãi Thông mong muốn tất cả chỉ là ảo ảnh. Ánh lửa của “khoảnh khắc rất người” ấy vẫn tồn tại trong sự hiện hữu của thằng Cọt, trong đôi mắt vô hồn trừng trừng man dại của người đàn ông mang hình hài một đứa trẻ. Mãi cho đến khi thằng Cọt chết, Vãi Thông mới thực sự nhận ra rằng kiếp người cuối cùng cũng chỉ là ảo ảnh.Và: “không có nỗi ám ảnh của quá khứ thì cuộc đời của bà cũng chẳng còn gì để sống. Dù trì độn và điên dại, đôi mắt thằng Cọt cũng không ngừng phản chiếu ánh lửa của một khoảnh khắc bất tử... Và giờ đây khi ánh lửa đã tắt đi vĩnh viễn, tất cả tháng ngày của bà chỉ còn lại hư không”. Vãi Thông đã sống trong sự đày đoạ suốt ba mươi năm với hoài niệm về ánh lửa của một mối tình trong khoảnh khắc mà không hề hay biết. Quá khứ tình yêu không ngừng ám ảnh, nhưng chính nó đã giúp bà tồn tại để trải nghiệm những khổ đau và hạnh phúc của một kiếp người.
Đọc những câu chuyện tình yêu của Trần Thuỳ Mai người đọc được sống trọn vẹn trong không gian, thời gian, trong hơi thở mang đậm tính cổ tích huyền thoại, lung linh mờ ảo. Phải chăng chính điều đó làm cho các truyện ngắn về tình yêu của chị giàu hấp dẫn hơn? Giấc mơ trên đỉnh Ngựa trắng đan cài giữa những giấc mơ của Ngọc với sự thực trong câu chuyện kể của Tuấn Anh về mối tình đầy bi kịch của một thiếu phụ người Pháp có mái tóc vàng trẻ đẹp tên là Lilly với một chàng phiên dịch trẻ tuổi và rất đáng yêu. Thủ pháp đồng hiện không gian thời gian quá khứ - hiện tại dã tạo nên độ mờ ảo có duyên cho truyện ngắn này. Chất huyền thoại được tạo nên từ tình yêu của Lilly với anh chàng phiên dịch trẻ. Lilly đã yêu và chấp nhận chết cho người mình yêu được sống, nàng đã rơi xuống dòng thác mạnh, bị nước cuốn trôi không còn dấu tích. Nàng đã chết như một thiên thần, để câu chuyện về mối tình của nàng sẽ được những ngọn gió, những lá cỏ hồn nhiên trên đỉnh Ngựa trắng mãi ru ca, kể đến muôn đời. Chất huyền thoại cổ tích ấy đã tạo ra một độ nhoè làm cho giá trị nhân sinh, nhân bản của truyện ngắn như càng
sâu đậm hơn in dấu rõ nét trong lòng người đọc hơn, vì dường như nó cũng tự nhiên hơn, không mang tính áp đặt tư tưởng của người viết vào nhân vật.
Viết về tình yêu có mang những yếu tố cổ tích, huyền thoại không phải là đặc sắc riêng trong truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai. Đọc nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như Con gái thuỷ thần, Trái tim Hổ... ta cũng bắt gặp lối viết “giả cổ tích”. Nhưng chất văn của Nguyễn Huy Thiệp rất mạnh bạo, ngang tàng và trong những câu chuyện về tình yêu dẫu mang dấu ấn cổ tích nhưng vẫn trần trụi đến chua chát, nó mang cái nhìn về hiện thực điềm tĩnh, sắc lạnh, giàu tinh thần phân tích. Trong khi đó, chất huyền thoại, cổ tích trong những câu chuyện tình yêu đậm chất trữ tình của Trần Thuỳ Mai lại lung linh như ảo ảnh, yếu tố hư - thực pha trộn lẫn nhau nhằm thể hiện một khát vọng tình yêu và hạnh phúc rất nhân bản của trái tim phụ nữ nhân hậu, dịu dàng, đa đoan. Điều này làm nên nét riêng, mới mẻ, khá độc đáo của Trần Thuỳ Mai khi xử lí đề tài tình yêu, đề tài đã trở thành xưa cũ với văn học nghệ thuật.
Nét riêng trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Trần Thuỳ Mai đó còn là gắn tình yêu với định mệnh. Định mệnh xui khiến, sắp đặt những cuộc gặp gỡ tình cờ để rồi người ta yêu nhau say đắm; định mệnh cũng sắp sẵn những giới hạn không thể vượt qua trong mỗi đời người khiến cho những người yêu nhau phải biệt li, xa cách. Trong quan niệm của người phương Đông, định mệnh là cái trời định sẵn, không thể chống đối, trốn chạy hay vượt thoát. Có lẽ đều này phần nào lí giải được vì sao trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai tình yêu đẹp đến vậy nhưng hầu hết kết thúc lại là con đường hai ngả, là dang dở, phân li. Đọc Thập tự hoa, Cánh cửa thứ chín, Non Nước mùa đông, Trò chơi cấm, Thị trân hoa quỳ vàng,... ta thấy đó đều là những mối tình ở ngoài cánh cửa hôn nhân nhưng rất trong sạch, không vướng chút dục vọng bản năng nào. Nó không nghiêng về những kiểu tình yêu trần trụi, vô luân, đậm sắc màu tính dục mà là những mối tình lãng mạn, đằm thắm như thuở ban đầu. Cuộc sống hôn nhân thiếu sự cảm thông chia sẻ, gây “những chán
nản vu vơ”, rồi những cuộc gặp gỡ định mệnh làm nảy sinh tình yêu... Sau hôn nhân, nhân vật của Trần Thuỳ Mai tìm thấy ở người mình yêu niềm cảm thông chia sẻ, là đời sống tinh thần lãng mạn, đẹp đẽ mà trong hôn nhân họ không thể có được chứ hoàn toàn không có chút toan tính vụ lợi hay chỉ đơn thuần là sự cuồng si thể xác. Đa số nhân vật của Thuỳ Mai khi gặp tình yêu định mệnh đều có sự băn khoăn, day dứt giữa khát vọng và thực tại, để rồi cuối cùng có sự lựa chọn cần thiết cho cuộc sống của mình. Dù lựa chọn ấy chưa hẳn đã đúng với mọi người và nhiều khi nhân vật phải tự dập tắt khao khát hiện sinh cháy bỏng trong lòng.
Quyên trong Cánh cửa thứ chín đã không thể vượt qua cánh cửa thứ chín của mỗi đời người để thật sự vươn đến chân trời riêng trong ảo vọng của cô. Quyên tình cờ nhận ra “người đàn ông đích thực của đời mình” khi nghe một cuộc điện thoại nhầm số vào máy điện thoại gia đình. Và rồi, cô ao ước vượt ra những giới hạn của cuộc sống gia đình vốn bình yên nhưng tẻ nhạt, ao ước được “lao sâu vào khám phá một thế giới”, mà “anh cũng là một thế giới”. Quyên phiêu bồng với thế giới của riêng mình trong tưởng tượng qua những cuộc điện thoại, rồi cuộc gặp đầu tiên trong đêm trăng khiến Quyên có cảm giác lâng lâng, êm ái của một thứ hạnh phúc tươi mới; lúc đó, cô “ước mơ được rực cháy suốt cả quãng đời còn lại”, ước mơ ấy mãnh liệt “như một ám ảnh điên rồ thiêu đốt tâm trí”. Nhưng hiện thực cuộc sống gia đình là thứ ánh sáng ban ngày làm tan biến ảo vọng trong cô, Quyên không thể rũ bỏ, không thể vượt thoát ra ngoài cánh cổng với “những ngày rất dài trong khu vườn lặng lẽ” để đến với một chân trời mới. Quyên đã kịp dừng lại ở “cánh cửa thứ chín” - cánh cửa định mệnh của đời mình. Tình yêu của Quyên và “anh” là câu chuyện “ngoại tình êm ái”, đầy những khát vọng vào một thứ hạnh phúc không thể có được trong cuộc sống hằng ngày của rất nhiều cuộc hôn nhân thời hiện đại. Cuộc tình đó chóng vánh kết thúc khi con người nhận ra hạnh phúc lắm khi chỉ là sự hư phù và có những giới hạn thiên định cho mỗi kiếp người, không thể nào bước qua.
Tình yêu của ông Thanh và người thiếu phụ Huế sống ở dốc Mimôsa trong Trò chơi cấm, của Nguyệt và Thìn trong Quỷ trong trăng, của Hảo và Hải trong Non nước mùa đông, Của Dõng và Niết trong Lửa của khoảnh khắc... đúng là những tình cảm đặc biệt đáng được cảm thông, trân trọng. Phải chăng Trần Thuỳ Mai muốn gửi đến độc giả của chị một thông điệp: giữa cuộc sống xô bồ phồn tạp và nhiều khi chán nhàm này, cần phải nâng niu trân trọng những rung động lãng mạn, những khoảnh khắc “rất người”, bởi yêu thương còn là lí do để người ta sống. Và: “Vẫn biết chân trời là nơi không đến được, nhưng dù sao cũng phải có một chân trời” (Cánh cửa thứ chín). Tình yêu trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai hầu hết là dang dở, là không thành, là ngắn ngủi, là cách ngăn, nhưng nó lại là thứ để khát khao, thậm chí để ngưỡng vọng và tôn thờ. Vì thế những câu chuyện tình trong truyện ngắn của chị thường gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ, trăn trở về con người hiện đại lưỡng diện, vừa khao khát “xé rào” để tìm đến với tình yêu, lại vừa không dám sống với tình yêu, bởi “những giới hạn không thể nào vượt qua” mà họ tin rằng đó là định mệnh.
Trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, nhiều khi ta bắt gặp những tình yêu rất trong sáng, thánh thiện giữa những người Việt Nam với người ngoại quốc mà một số người gọi đó là “tình yêu không biên giới”. Ở những tình yêu này, khoảng cách địa lí, phong tục tập quán, văn hoá, ngôn ngữ không còn là vật cản khi những trái tim đã hoà cùng nhịp đập. Tình yêu của Akiko và hoạ sĩ Vũ trong Thuốc ba màu mà chính nhân vật coi đó là định mệnh, là “không hề có sự giới hạn, không hề có sự bất lực”; tình yêu của Kha và Naokô trong
Chiếc phong linh; của Như và Stephano người Ý trong Hoa sứ trắng; tình yêu qua Internet giữa Ngân và Stephen người Iceland trong Nến hoa hồng; mối tình mới nảy nở giữa Miên và Robert nhân một chuyến cô đi lưu diễn và học tập ở Pháp trong Mưa ở Strasbourg... là những tình yêu như vậy. Các nhân vật trong những truyện ngắn này đã vượt qua được những khác biệt về văn hoá,
ngôn ngữ để đến với nhau bởi một điều giản đơn, đó là định mệnh, là số phận của họ, có nhau trong một đoạn đời hoặc là mãi mãi, dù phải cách xa.
Con người trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai luôn cháy lên ngọn lửa của niềm khát khao tình yêu và hạnh phúc. Họ không chỉ vượt qua giới hạn của không gian, thời gian, văn hoá, ngôn ngữ để yêu nhau mà còn vượt qua những giới hạn của tuổi tác, tục lệ và thói quen của cộng đồng để sống với tiếng gọi của con tim. Dường như ngoài quan niệm “tình yêu không biên giới” ta con gặp một sự khẳng định của tác giả trong sáng tác của mình: tình yêu không có tuổi! Trong Mưa đời sau, nhân vật Thể Tú đã yêu người đàn ông lớn hơn tuổi bố mình và kiên quyết đấu tranh, thuyết phục gia đình để giữ hạnh phúc của mình; cô không chấp nhận đặt cha mẹ và người yêu lên bàn cân để lựa chọn, bởi “nhân loại rất đông nhưng chẳng ai thay thế được ai”. Ở nhiều truyện ngắn khác, Trần Thuỳ Mai đã xây dựng những tình yêu giữa người con trai ít tuổi với những người phụ nữ nhiều tuổi hơn mình như Hiệp và Trúc trong Chị Hai ơi, Thắng trong Thập tự hoa, đôi tình nhân trong Giông mùa xuân... mà độ chênh về tuổi tác nghiêng về người phụ nữ quá lớn gây cho người đời sự bất mãn, bởi “nó xúc phạm tới một định kiến khó dời chuyển trong tâm trí nhiều người, định kiến về trật tự” (Giông mùa xuân). Các nhân vật trong những truyện ngắn này hầu như đều có những thời gian hạnh phúc, dù “đó là thứ hạnh phúc đầy thương tích”. Họ là những con người hiện đại dám đối mặt với quan niệm truyền thống, họ “không bị cản trở bởi cái ấn