Kết cấu một hình thức nghệ thuật cơ bản của tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 76 - 77)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Kết cấu một hình thức nghệ thuật cơ bản của tác phẩm văn học

Kết cấu là một phương tiện khái quát nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nó thuộc yếu tố hình thức, vai trò quan trọng và to lớn của nó thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu làm nên nội dung tác phẩm. Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm (...). Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm.

Nói một cách ngắn gọn, kết cấu là cách tổ chức, lên kết các yếu tố bên trong và bên ngoài, tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Kết cấu là một phương diện cơ bản của sáng tạo nghệ thuật, đảm nhận vai trò tổ chức các thành tố: quan niệm, không - thời gian, điểm nhìn trần thuật, lời văn,... do vậy kết cấu bao giờ cũng gắn liền ý nghĩa nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm. Chính vì thế khái niệm kết cấu luôn được đề cập trong hầu hết các công trình nghiên cứu văn học gần đây.

Kết cấu tác phẩm bao giờ cũng gắn liền với nội dung cuộc sống và tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm. Nó thể hiện rõ nhất quá trình vật lộn với tài liệu sống để biểu hiện một chân lí khái quát và phản ánh quá trình tư duy cũng như sự vận động của tư duy nghệ thuật của nhà văn. Lựa chọn kiểu kết cấu nào cho tác phẩm, thường thể hiện mục đích nâng cao sức biểu hiện của đề tài và chủ đề, tăng cường sức tác động nghệ thuật, phục vụ tối đa cho nhiệm vụ và tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

Riêng đối với thể loại truyện ngắn, kết cấu cũng là một nhiệm vụ nghệ thuật khó khăn mà nhà văn cần đạt tới để tác phẩm trở thành một chỉnh thể

thống nhất và sinh động, hấp dẫn. Vì truyện ngắn thường chỉ phản ánh một mảnh nhỏ, một lát cắt của cuộc sống trong một hình thức gọn ghẽ, nên càng yêu cầu người viết có cách tổ chức sắp xếp tác phẩm sao cho phù hợp. Dĩ nhiên, nói là cách tổ chức, sắp xếp, nhưng kết cấu không phải là một yếu tố kĩ thuật thuần tuý; không đơn giản chỉ là những thủ pháp chi phối nội dung, đóng vai trò biểu hiện nội dung. Kết cấu còn có tính độc lập tương đối của nó trong tương quan với nội dung tác phẩm. Và, muốn xác định kết cấu, cần phải xét trong yêu cầu thể hiện nội dung tác phẩm và hiệu quả mà tác phẩm đạt được.

Có rất nhiều kiểu kết cấu khác nhau trong truyện ngắn, tuỳ thuộc vào ý đồ sáng tạo và tài năng của nhà văn. Bên cạnh một số kết cấu truyền thống như: kết cấu theo trình tự thời gian (trật tự tuyến tính), kết cấu theo tuyến nhân vật, kết cấu tâm lí, kết cấu đi vào giữa truyện... trong thực tế sáng tác truyện ngắn còn xuất hiện nhiều kiểu kết cấu khác. Trần Thuỳ Mai trong sáng tác của mình cũng vận dụng một số kiểu kết cấu thông thường. Trên mỗi truyện ngắn, chị sử dụng một kết cấu cụ thể, khá độc đáo. Qua sự khảo sát trên toàn bộ truyện ngắn của nhà văn, chúng tôi thấy truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chủ yếu tập trung vào các kiểu kết cấu cơ bản: kết cấu xoay quanh một tình huống tiêu biểu; kết cấu theo dòng ý thức; kết cấu truyện trong truyện. Xin được lưu ý rằng, sự phân chia và gọi tên các kiểu kết cấu trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chỉ có ý nghĩa tương đối, nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu của đề tài. Bởi trong thực tế có những truyện ngắn bao hàm trong nó nhiều kiểu kết cấu khác nhau, chỉ có thể tạm gọi nó bằng một cái tên mang ý nghĩa tương đối mà thôi. Luận văn cùng không đi vào tìm hiểu tất cả các kiểu kết cấu mà Trần Thuỳ Mai sử dụng, mà chỉ tập trung vào những kiểu kết cấu cơ bản và nổi trội như đã kể đến ở trên.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn trần thùy mai (Trang 76 - 77)