8. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Nhóm biện pháp liên quan đến hình thức tổ chức hoạt động hội thoạ
hội thoại trong giờ Tập làm văn lớp 2
Để các em có thể giao tiếp một cách suôn sẻ trong cuộc sống hằng ngày thì trong quá trình dạy giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hành về nghi thức lời nói: Tất cả những nghi thức lời nói luôn xảy ra trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, có em mạnh dạn thì hay nói còn những em nhút nhát thì ít nói. Bởi vậy, giáo viên phải dùng những biện pháp tích cực để các em nhút nhát nói ra những điều mà các em suy nghĩ trong đầu. Có thể tổ chức trò chơi sắm vai với những tình huống cụ thể để mỗi học sinh được tự do bộc lộ suy nghĩ, cách diễn đạt của mình. Ngoài ra, giáo viên nên lưu ý thái độ của học sinh khi nói với từng đối tượng là lớn hơn mình, bằng mình hay nhỏ hơn mình thì có những đại từ xưng hô khác nhau và những cử chỉ thể hiện cũng khác tùy tình huống vui hay buồn.
Khi nói và viết lưu ý học sinh nên thêm những từ chỉ tình cảm để câu văn thể hiện sự lễ phép, lịch sự như: nhé, nha, a … Mặt khác, giáo viên không chỉ dạy cho học sinh thực hành giao tiếp trong tiết học mà còn phải giáo dục các em mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày với một thời gian dài.
Điều quan trọng hơn nữa là giáo viên cần cho các em nắm rõ tình huống vì khi viết các em hay lầm lẫn giữa lời đáp và lời nói.
Ví dụ: Em nói thế nào khi bạn xin lỗi em vì đã làm dơ áo em. Các em có thể bị lầm và nói là: - Xin lỗi bạn vì tớ lỡ làm bẩn áo bạn. Nguyên nhân là
do các em chưa đọc kỹ đề, sự suy xét của các em còn non nớt. Bởi vậy, giáo viên cần tập cho các em đọc kỹ đề bài. Đặt mình vào tình huống của đề bài, cùng sắm vai theo tình huống đó. Có vậy, các em mới không bị lầm lẫn.
Với dạng bài nói và đáp lời khẳng định, phủ định có lẽ tương đối dễ đối với các em, các em chỉ cần nói có hoặc không. Tuy nhiên, giáo viên cần giải thích cho các em thuật ngữ khẳng định, phủ định. Vì nếu không giải thích, các em chỉ làm theo mẫu trong sách giáo khoa thì không thể phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Còn nếu ta giải thích thì khi vừa gặp dạng bài này các em sẽ tự giác hiểu và làm bài tốt. Bởi vậy giáo viên cần cho các em thực hành sắm vai và cần lưu ý tình cảm thể hiện qua thái độ.
Ví dụ: Khi đáp lời khẳng định thì thể hiện sự vui mừng, đáp lời phủ định thể hiện sự tiếc nuối. Có thế thì người nghe mới hiểu được tình cảm của mình.
2.2.2.1. Phương pháp tích cực hoá hoạt động nhóm trong giờ học hội thoại
* Ý nghĩa: Nhóm, tập thể có vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân
cách học sinh. Nhân gian ta có câu: "Không thầy đố mày làm nên" nhưng cũng có câu: "Học thầy không tày học bạn". Thông qua nhóm học sinh được trao đổi, bày tỏ ý kiến của riêng mình. Nếu ý kiến đúng sẽ được sự đồng tình của các bạn trong nhóm. Ngược lại, nếu ý kiến chưa đúng, chưa đủ sẽ được các bạn góp ý và bổ sung để sản xuất. Có thể nói tổ chức học theo nhóm là một phương pháp hay được giáo viên đưa vào nhiều tiết học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Nhất là trong chương trình Tiểu học 2000, phương pháp hoạt động nhóm cũng khẳng định rõ vai trò của nó trong việc tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh .
Để các em học hội thoại một cách hiệu quả thì cách tốt nhất là cho các
em làm việc theo nhóm. Vì hội thoại là sự đối đáp qua lại giữa các vai khác nhau nên khi cho các em làm việc theo nhóm dưới sự hướng dẫn giám sát của giáo viên sẽ giúp các em tiếp thu bài được tốt hơn. Hoạt động theo nhóm cũng là cách hiệu quả nhất để các em học hỏi lẫn nhau, góp ý cho nhau. Như vậy, các em sẽ nhớ nội dung bài học được tốt hơn và việc các em ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống sẽ được dễ dàng hơn.
* Nội dung phương pháp: Nhận thức được tầm quan trọng của việc
học theo nhóm này, giáo viên nên cố gắng lựa chọn cách tổ chức sao cho hoạt động nhóm đạt hiệu quả cao nhất, khắc phục được tình trạng học sinh lười suy nghĩ, ỷ lại. Phương châm chia nhóm của giáo viên nên là: Làm sao cho tất cả các học sinh trong nhóm đều được tham gia hoạt động để khám phá kiến thức theo yêu cầu của giáo viên. Tuỳ theo nội dung từng bài tập, giáo viên có thể có các cách chia nhóm khác nhau.
Ví dụ: Khi dạy nội dung xin lỗi ( tuần 4) .
Với Bài tập 1: Nói lời đáp của em trong mỗi trường hợp sau: a- Em lỡ bước, giẫm vào chân bạn .
b- Em mải chơi, quên làm việc mẹ dặn , c- Em đùa nghịch, va phải 1cụ già .
Để giúp học sinh thực hành tốt các tình huống, tôi đã phân nhóm 2 . Trong đó: HS1: Nói lời xin lỗi
HS2: Nói lời đáp
Còn với BT1 bài: Đáp lời chào - lời tự giới thiệu (tuần 19) giáo viên nên chia học sinh theo nhóm 5 (1 em vai chị phụ trách sao, 4 em khác vai các em nhỏ trong sao nhi đồng).
Với cách phân nhóm như vậy, các em đã tham gia thực hành tốt. Em nào cũng cố gắng thể hiện tình huống một cách tự nhiên. Giờ học nhờ đó sôi nổi, các em rất thích thú khi tham gia đóng vai.
Để hoạt động nhóm có hiệu quả, phát huy tính tự giác tích cực của học sinh thì vai trò người định hướng, bao quát lớp của giáo viên rất quan trọng. Bên cạnh đó, giáo viên cần quan tâm đến việc tuyên dương, khen ngợi kịp thời những nhóm hoặc cá nhân thực hành tốt. Đồng thời nhắc nhở khéo với những học sinh chưa tập trung hoạt động nhóm. Việc rèn cho học sinh kỹ năng nói còn được thể hiện trong quá trình nghe và nhận xét ý kiến của các bạn nhóm khác. Khi đã lắng nghe và nhận xét được các ý kiến của bạn tức là các em đã tập trung cao vào hoạt động nhận thức. Lời nhận xét đúng, đầy đủ là điều kiện đánh giá học sinh đó có tập trung vào bài hay không. Nhận thức được vấn đề này, trong quá trình giảng dạy giáo viên nên luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhận xét của học sinh, giúp các em tự tin hơn trong quá trình học tập.
2.2.2.2. Biện pháp quan tâm hình thức sinh hoạt lớp, sinh hoạt sao
* Ý nghĩa: những giờ sinh hoạt sao, sinh hoạt lớp cũng là một cơ hội tốt
để các em thực hành những tình huống hội thoại được học. Chính vì vậy, thông qua các giờ sinh hoạt sao, sinh hoạt lớp giáo viên biết tận dụng khoảng thời gian này để các em được rèn luyện thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao.
* Nội dung phương pháp: Trong các giờ sinh hoạt lớp, giáo viên nên
luôn chú ý duy trì đều đặn và xây dựng cho học sinh nếp sinh hoạt. Ngay từ đầu năm học sau khi phân chỗ ngồi hợp lý (em khá giỏi ngồi cạnh em trung bình hoặc yếu). Mỗi tổ có 1 tổ trưởng theo dõi nền nếp hàng ngày của tổ. Thông thường trong giờ sinh hoạt lớp giáo viên nên chia làm 2 phần. Sơ kết tuần trước và sinh hoạt sao.
- Tổ trưởng theo dõi thi đua của các bạn trong tuần theo mẫu kẻ sẵn của thầy giáo. Nếu em nào vi phạm một lần sẽ bị đánh dấu 1 gạch (-). Mỗi điểm tốt (9-10) được đánh dấu bằng lá cờ xanh hoặc đỏ cắm trên bảng thi đua. Việc theo dõi này diễn ra hàng ngày có sự theo dõi giám sát của giáo viên và lớp trưởng.
- Cuối tuần, vào tiết sinh hoạt lớp, từng tổ trưởng lần lượt nhận xét các hoạt động của tổ mình. Lớp trưởng tổng hợp và nêu nhận xét chung.
- Tiếp theo các thành viên trong tổ nêu ý kiến bổ sung.
- Cuối cùng giáo viên tổng hợp và nêu nhận xét cụ thể về những việc làm tốt của lớp, tuyên dương học sinh có nhiều tiến bộ và nhắc nhở học sinh chưa thực hiện tốt.
Mục đích của những việc làm trên là giúp cho học sinh rèn tính bạo dạn, tự tin. Đó là tiền đề quan trọng để rèn kuyện kỹ năng nói cho học sinh.
+ Sinh hoạt sao:
Tiếp sau phần nhận xét nền nếp của lớp, giáo viên nên tiến hành tổ chức cho các em sinh hoạt sao.
Trong hoạt động này, giáo viên nên luôn chú ý luân phiên thay đổi các hình thức sao cho phù hợp với nội dung chủ điểm của từng tuần, từng tháng.
Chẳng hạn trong tháng 3, với chủ điểm Quốc tế Phụ nữ, giáo viên sẽ tổ chức cho các em sinh hoạt sao với các nội dung :
Tuần 1: Biểu diễn văn nghệ hát các bài hát về bà, mẹ, cô giáo. Tuần 2: Đọc thơ theo chủ đề 8/3.
Tuần 3: Kể về bà, mẹ, cô. Tuần 4: Trò chơi Ô chữ.
Khi tổ chức các nội dung trên, tôi đã tạo cho các em học sinh tâm lý phấn khởi, tự tin và bổ sung thêm những hiểu biết cho các em theo từng chủ điểm.
2.2.2.3. Biện pháp tổ chức các trò chơi rèn luyện khả năng hội thoại
Với học sinh lớp 2, để đạt được mục đích rèn luyện kĩ năng nói cho các em, người giáo viên phải chú trọng đến việc phát triển khả năng tham gia hội thoại. Ở loại bài làm văn miệng các bài văn dạng Nghi thức lời nói, giáo viên cần cho các em rèn luyện lời đối thoại, phát triển ở học sinh lời nói miệng có văn hóa, đúng mục đích.
a. Trò chơi phỏng vấn:
Trò chơi này có thể áp dụng vào bài tập 1, tuần 1: Tự giới thiệu. Câu và bài.
* Mục đích:
- Luyện tập cách tự giới thiệu về mình và về người khác với thầy cô; bạn bè hoặc người xung quanh.
- Phân công: 1 học sinh đóng vai phóng viên truyền hình, còn 1 học sinh đóng vai người trả lời hoặc 1 học sinh đóng vai chị phụ trách, 1 học sinh đóng vai đội viên Sao Nhi đồng… sau đó đổi vai.
- HS có thể chơi trò chơi này theo nhóm hoặc cả lớp.
- Để tất cả các em nắm được cách chơi, trước khi giao việc cho từng em, GV cần tổ chức cho một hoặc hai cặp HS làm mẫu trước lớp.
* Cách chơi: - Một học sinh giới thiệu về mình (tên; quê quán; học lớp,
trường; thích môn học nào; thích làm việc gì… )
- Sau khi nghe bạn giới thiệu xong về mình, phóng viên phải giới thiệu lại từng bạn với cả lớp (hoặc nhóm ). Nội dung phải chính xác; cách giới thiệu
càng rõ ràng, mạch lạc, hấp dẫn càng tốt. Cho nhiều học sinh tập làm phóng viên.
- Cuối cùng cho lớp bình chọn phóng viên giỏi nhất.
b. Chọn lời nói đúng: * Mục đích:
- Luyện tập cách nói lịch sự khi cần cảm ơn người khác và đáp lại lời cảm ơn của mình.
- Rèn thói quen lịch sự trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày; tập cảm ơn và xin lỗi bằng những lời khác nhau.
* Chuẩn bị:
- 4 tranh minh hoạ (4 băng giấy ghi) 4 tình huống khác nhau có xuất hiện lời cảm ơn và lời đáp lại lời cảm ơn.
+ Một bạn trai tới xách giúp một vật nặng cho một bạn gái. + Một bạn bị vấp ngã được một bạn khác đỡ dậy.
+ Trong giờ vẽ, bạn nữ cho bạn nam mượn bút chì.
+ Trên đường đi học về, bạn nam đưa cho bạn nữ chai nước uống. - Chia nhóm: 8 học sinh / 1 nhóm.
- 1 túi xách to đựng một số đồ vật, 1 chiếc bút chì màu, 1chai nước uống.
- Cử 2 HS giúp việc cho GV.
* Cách tiến hành:
- Mỗi nhóm cử 2 HS tham gia trò chơi ở tình huống 1 lên trước bảng lớp để HS khác theo dõi.
- HS đại diện của từng nhóm lần lượt lên chơi trò đóng vai ở mỗi tình huống đã cho trong khoảng một phút.
Ví dụ: 2 HS đại diện cho nhóm 1 tham gia chơi. Một em đóng vai bạn gái đang xách một chiếc túi to, bước đi chậm chạp và nặng nhọc. Một HS đóng vai bạn trai đến bên bạn gái và nói: “Bạn để mình xách đỡ cho nào! ” rồi đỡ lấy chiếc túi từ tay bạn gái. Bạn gái nói: “Cảm ơn bạn, bạn tốt quá! ’’ Bạn trai cười tươi và nói: “Có gì đâu, việc nhỏ thôi mà! ”
- Sau khi đại diện cả 4 nhóm đã chơi xong về một tình huống, GV yêu cầu 2 HS giúp việc đọc to lời của hai vai trong từng nhóm để cả lớp cùng nghe lại và bình chọn lời nói đúng.
- HS tiếp tục chơi ở các tình huống khác theo gợi ý nói trên.
Chú ý: 2 HS giúp việc GV ghi lại câu nói của hai bạn tham gia chơi ở từng tình huống, mỗi HS giúp việc cho GV chỉ chuyên ghi lại lời nói của một vai (vai “cảm ơn” hoặc vai “đáp lại lời cảm ơn ” ).
c. Nhận lại đồ dùng * Mục đích:
- Cung cấp một số cách nói lịch sự trong giao tiếp; phục vụ các bài dạy về nghi thức lời nói (phủ định, nhờ cậy, yêu cầu, đề nghị ).
- Rèn thói quen dùng lời nói lịch sự khi cần đề nghị trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày.
* Chuẩn bị:
- Khoảng 20 đồ dùng thông thường của HS: mũ, sách, vở, bút… Mỗi đồ dùng có gắn tên chủ ở phía trong (phía khuất ) của đồ vật.
- Một bàn đặt các đồ vật. Cạnh bàn có 1 HS ngồi làm nhiệm vụ trả đồ dùng cho chủ nhân của nó khi tan học.
- 3 HS giúp việc cho GV.
- Khoảng 20 lá cờ nhỏ để trao cho người đạt yêu cầu của trò chơi.
* Cách tiến hành:
- Nêu cách chơi: Một nhóm khoảng 10 HS làm động tác đứng dậy ra về khi tan học (đứng theo thứ tự để chờ lấy đồ dùng cá nhân).
Từng HS đến lượt mình thì nói lời đề nghị. Ví dụ: - Cho tôi xin cái mũ (bút, cặp,..)
Học sinh làm nhiệm vụ trả đồ dùng, cố ý trao nhầm đồ dùng cho từng bạn.
Học sinh nhận đồ dùng, xem lại tên chủ nhân (ghi ở đồ dùng) và nói hai câu: Một câu có nội dung “phủ định” đó không phải là đồ dùng của mình; một câu có nội dung “đề nghị” bạn trả lại đồ dùng cho mình.
Ví dụ: - Cái bút này không phải của tôi. Cho tôi xin cái bút màu xanh ở đằng kia!
Hoặc: - Xin lỗi cậu! Cái bút này không phải của mình. Cậu lấy giúp mình cái bút màu xanh nằm ở góc trong kia kìa!
HS nói đúng một câu được nhận một lá cờ.
- Từng HS trong nhóm lên nhận đồ vật từ tay người trả đồ vật và nói hai câu theo quy định của trò chơi. GV và HS cả lớp xác nhận kết quả và trao cờ cho người nói đúng.
Những HS được cờ đứng sang một bên, những HS không được cờ đứng sang một bên. Cuối cùng GV khen thưởng cho HS được cờ và yêu cầu HS được cờ lần lượt bắt tay các bạn chưa được cờ để động viên.
d. Đóng vai khen ngợi nhau: * Mục đích:
- Luyện tập cách nói lịch sự khi khen ngợi người khác và đáp lại lời người khác khen mình.
- Rèn thói quen lịch sự trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày; tập khen ngợi bằng những lời khác nhau.
* Chuẩn bị:
- 3 hình vẽ (3 băng giấy ghi) 3 tình huống khác nhau có xuất hiện lời khen và lời đáp lại lời khen:
+ Một số bạn khen một bạn gái mặc bộ váy đẹp. + Một số bạn khen một bạn trai bơi giỏi.
+ Một bạn gái vẽ tranh con gà trống đẹp. Các bạn khác xem tranh và khen.
- 5 HS mặc quần áo đẹp.