8. Cấu trúc của luận văn
1.1.2.2. Nội dung dạy học hội thoại trong phân môn Tập làm văn lớp 2
Rèn luyện kĩ năng nói giúp học sinh có năng lực dùng tiếng Việt để học tập, giao tiếp… trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Trong việc rèn kĩ năng nói thì nói trong hội thoại nghĩa là các nghi thức lời nói được sắp xếp trong chương trình dạy Tập làm văn được cấu tạo theo hai mạch: dạy làm văn nói và dạy làm văn viết. Đây là điểm khác cơ bản giữa chương trình theo sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 mới và sách giáo khoa chưa được cải cách (cũ). Vì theo sách cải cách chia Tập làm văn thành hai loại: bài văn miệng và bài văn viết. Cả hai loại bài này chủ yếu là lời độc thoại. Có quan niệm cho rằng bài làm miệng chỉ chuẩn bị cho bài viết. Cả bài miệng và bài viết đều chú ý thực hiện nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng sản sinh văn bản mà chưa quan tâm nhiều đến nghi thức lời nói trong giao tiếp hàng ngày. Các em có thể sắp xếp câu, từ để nói (viết) về một cảnh đẹp nhưng lời nói giới thiệu, làm quen, hay xin lỗi người khác lại khó nói. Trong sách Tiếng Việt lớp 2 mới đưa hai mạch: làm văn nói và làm văn viết là rất hợp lí vì ngoài những điểm chung (đều là hoạt động của sản sinh văn bản), văn nói có những điểm riêng về đề tài, nội dung, ngữ cảnh, chất liệu… Không phải đề tài nào, nội dung nào cũng có thể đem ra nói được. Văn nói có nhiệm vụ đưa học sinh vào các hoàn cảnh giao tiếp. Chương trình làm văn gồm các tiết rải đều ở hai học kì thì học sinh được rèn luyện kĩ năng nói hầu hết ở các tiết. Có 27 tiết được rèn luyện nói trong đó có 4 tiết hoàn toàn tập trung vào rèn luyện kỹ năng nói. Các nội dung bài luyện nói thường rất gần gũi, quen thuộc với học sinh lớp 2, thường xoay quanh môi trường hoạt động giao tiếp trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là những kỹ năng giao tiếp đơn giản, thông dụng gắn với quan hệ vai giao tiếp hàng ngày mà các em thường đảm nhận. Ví dụ như tuần đầu tiên các em được học cách “Tự giới thiệu về mình”. Được nói về bản thân mình, tự giới thiệu cho cô giáo và các bạn cùng nghe để làm quen với cô giáo và các bạn, điều đó thật
cần thiết và cũng thật là thích thú đối với các em. Hay các em được học cách “Chia vui, chia buồn, an ủi” để vận dụng trong cuộc sống hàng ngày, để dần hình thành nhân cách tốt cho các em, các em trở thành người biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Nội dung dạy làm văn theo chương trình sách Tiếng Việt mới còn chú ý luyện cho các em lời nói đối thoại (tả ngắn, kể ngắn). Ví dụ bài tả ngắn về biển – Tuần 24. Khác với sách giáo khoa cũ chỉ luyện kĩ năng nói độc thoại (chủ yếu qua hình thức trả lời câu hỏi theo nội dung bài tập đọc. Ví dụ như bài: Phong cảnh đền Hùng – Học sinh dựa vào bài tập đọc cùng tên để trả lời câu hỏi…). Việc đưa lời hội thoại đơn giản trong quan hệ hòa hợp tới học sinh có tác dụng giúp học sinh 7, 8 tuổi sớm có khả năng hòa nhập với xã hội rộng lớn. Từ bài học trên lớp các em biết vận dụng vào thực tế cuộc sống để trở thành người học sinh nói những lời nói đẹp. Bên cạnh đó, những lời hội thoại đơn giản sẽ tạo tiền đề sau này cho các em tập nói lời hội thoại phức tạp, lời độc thoại ở những mức yêu cầu khác nhau. Từ đó cũng tạo ra được sự hứng thú tập nói cho học sinh.
Các ngữ liệu trong dạy Tập làm văn không lặp lại ngữ liệu trong các giờ Tập đọc, Kể chuyện trước đó. Ở một số bài có sự lặp lại như tiết “Tự giới thiệu” có phần được lặp lại của mẫu cấu trúc bài Tập đọc “Tự thuật” nhưng đó là những điều khi làm tự thuật hay tự giới thiệu không thể thiếu (giới thiệu tên, quê quán). Sự thay đổi ngữ liệu giúp giờ làm văn tạo không khí sôi nổi trong giờ học.
Việc rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2 trong phân môn Tập làm văn thực hiện theo phương pháp giao tiếp thể hiện chủ yếu thông qua hệ thống bài tập và biện pháp dạy học. Các bài Tập làm văn đưa ra với nhiều hình thức khác nhau: Bài tập học sinh nhận biết mẫu lời nói, có bài nhằm giúp học sinh
thực hành, có bài rèn luyện nói dạng Nghi thức lời nói mang tính gợi mở để học sinh phát huy tính sáng tạo nhiều hơn.