8. Cấu trúc luận văn:
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội
Quảng Xương được xem là một huyện nghèo, đồng đất không mấy thuận lợi, lại chịu nhiều thiên tai. Song, hiện nay, kinh tế của huyện vào diện khá của tỉnh, GDP liên tục tăng qua các năm, thu nhập bình quân đầu người có mức tăng khá, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Thêm nữa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Sự đổi thay kỳ diệu đó có được là do Quảng Xương đã đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cánh làm. Quảng Xương đã từ lâu được coi là trọng điểm lúa của tỉnh. Quảng Xương là một trong những huyện có tiềm năng về thủy, hải sản. Hơn nữa, đồng thời là huyện có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng.
Kinh tế tăng trưởng nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng: Quảng Xương chia thành hai vùng rõ rệt: đồng bằng và ven biển. Song phần lớn số dân vẫn sống bằng sản xuất nông nghiệp là chính, nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn không chỉ là sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, mà còn là nỗi trăn trở của bà con nông dân. Bởi vậy, các cấp uỷ Đảng và chính quyền xã, huyện cùng lo với dân, cán bộ huyện thường xuyên xuống xã để điều tra, xem xét từng vùng đất để từ đó vận động khuyến khích dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho hợp lý. Với chủ trương, sách lược phát triển hợp lý, đến nay, nhiều xã trong huyện đã lựa chọn cho mình hướng đi đúng. Trong đó có những xã đã chuyển hàng chục ha đất cấy lúa bị thoái hóa sang trồng cói, phục vụ nhu cầu phát triển thủ công nghiệp.
Kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển mạnh. Đến năm 2010, hệ thống giao thông thủy lợi cơ bản đã được hoàn thiện. Hiện nay, 100% số xã đã có đường ôtô đến xã, toàn huyện có 60 km đường rải nhựa, hệ thống cầu cống trên các trục đường giao thông đảm bảo thông tuyến, không những tạo nên thuận lợi cho việc đi lại, mà còn là một trong những tiền đề cơ bản để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đối với hệ thống thủy lợi, hiện có 65% diện tích sản xuất được tưới bằng nguồn nước tự chảy (8.000 ha), 35% diện tích còn lại được tưới bằng nguồn nước tạo nguồn với hình thức chủ yếu là bơm điện và bơm dầu (4.000 ha), kênh mương tưới phần lớn đã được xây dựng và kiên cố, tạo thuận lợi lớn cho nông nghiệp phát triển. Mạng lưới điện, nước không ngừng được củng cố, đến nay, hiện có 85% số dân được dùng nước hợp vệ sinh, 99% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia.
Là một huyện đồng bằng ven biển nên Quảng Xương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa canh: Trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nghề làm ruộng vẫn là chủ yếu. Các xã ven biển có nghề đánh cá, tập trung ở xã Quảng Nham. Các nghề thủ công truyền thống như: mây tre đan (Quảng Phong, Quảng Đức), nghề chiếu cói (Quảng Phúc, Quảng Vọng), nghề làm đồ thờ (Quảng Hùng), nghề làm quạt giấy (Lưu Vệ - Quảng Tân). Các nghề phụ, các làng nghề chỉ làm lúc nông nhàn còn chủ yếu vẫn làm nông nghiệp. Ở xã Quảng Nham, Quảng Thái ngư dân chỉ đi biển khi trời lặng, những ngày biển động lại làm nông nghiệp.
Do địa hình và đất đai Quảng Xương bằng phẳng, có các hệ thống sông ngòi cung cấp nước tưới đầy đủ nên kinh tế nông nghiệp Quảng Xương rất phát triển. Năng xuất lúa cao do cấy các loại giống mới và đưa khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Bình quân năng suất hàng năm là 2.5 tạ/sào. Tổng thu lương thực quy thóc năm 2010 là 131.000 tấn, bình quân đầu người là 670 kg/người.
Công cuộc đổi mới đã tạo cho nông nghiệp Quảng Xương một khí thế mới. Chủ trương giao đất lâu dài cho nông dân đã tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, tăng
năng xuất cây trồng, ổn định đời sống. Từ năm 2003, chủ trương “Dồn điền, đổi thửa” tạo cho người nông dân khắc phục tình trạng manh mún trong nông nghiệp, có đủ ruộng đất để khoanh vùng chuyển đổi giống cây trồng, mùa vụ để đạt hiệu quả cao.
Với lợi thế về vị trí địa lý đã tạo thuận lợi cho việc tiếp thu tiến bộ khoa học – kĩ thuật để phát triển kinh tế: “Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng GDP năm 2000 của huyện đạt 628,4 tỷ đồng, bằng 8,1% GDP toàn tỉnh; năm 2005 đạt 943,5 tỷ đồng, bằng 7,9% GDP toàn tỉnh. Thu nhập bình quân theo đầu người ngày càng tăng, năm 2000 đạt 2,79 triệu đồng, năm 2005 đạt 4,73 triệu đồng” [29, 10].