Những đổi mới về hình thức nghệ thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 26 - 32)

7. Đóng góp mới của luận văn

1.2.4. Những đổi mới về hình thức nghệ thuật

Nền văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận ở hầu hết các thể loại, trong đó có tiểu thuyết. Trong sự vận động chung của nền văn học, tiểu thuyết- một loại hình tự sự cỡ lớn đã và đang có nhiều nổ lực chuyển mình, đổi mới

nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại, của đời sống văn học và của đông đảo độc giả đương đại. Không khí đời sống mới là môi trường sáng tạo cho các nhà văn, vượt lên trên những quy định, khuôn khổ truyền thống vốn lâu nay là áp lực với người viết. Chưa bao giờ những quan niệm mới về văn chương, về nhà văn, về hiện thực và con người, về đổi mơi tư duy nghệ thuật lại trở nên bức thiết như lúc này. Nhiều cây bút tiểu thuyết đã có ý thức cách tân trong cách nhìn và trong lối viết, có những tác phẩm thành công hoặc đang trên đường tìm tòi, thể nghiệm. Trong quá trình đó, tiểu thuyết đã trải qua những bước thăng trầm, so với những thể loại văn xuôi khác. Trong sự vận hành chung của thể loại, những tác phẩm như Đất Trắng của Nguyễn Trọng Oánh; Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân; Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy… đã là những minh chứng cho sự chuyển đổi tư duy sáng tạo và quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Đây là những tác phẩm khởi động ngõ hầu đưa tới sự đổi mới triệt để và quyết liệt hơn trong cách nhìn hiện thực và thi pháp thể loại. Sự cách tân trên phương diện hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết có thể thấy rõ ở một số phương diện: dung lượng, kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức tạo dựng không gian và thời gian nghệ thuật…

Về mặt dung lượng: Tiểu thuyết hiện đại đã có những cách tân mới so với tiểu

thuyết truyền thống. Đó là sự xuất hiện của loại tiểu thuyết ngắn. Tiểu thuyết trong văn học truyền thống trước đây thường có dung lượng lớn, được chia thành nhiều chương, nhiều hồi, có nhiều nhân vật với khả năng khái quát hiện thực rộng lớn, ngược lại các nhà tiểu thuyết hiện đại lại trình làng những tác phẩm với dung lượng ngắn, nhỏ, ít nhân vật, thậm chí chỉ xoay quanh một sự kiện, một số phận nhân vật nào đó. Vì vậy tiểu thuyết hiện đại cũng khác với lối kể chuyện truyền thống là bám vào nội dung cốt truyện, tiểu thuyết hôm nay diễn tiến không theo trình tự thời gian, không gian cụ thể, kể những cái nằm sâu trong tiềm thức và vô thức, những cái nằm ngoài lý luận của hiện thực tỉnh táo, những cái hỗn mang… Nhiều khi cốt truyện lại giản đơn hoặc là không có gì. Có thể kể ra một số tiểu thuyết như: Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Thời xa vắng của Lê Lựu; Con tốt

sang sông của Nguyễn Trọng Oánh…

hiệu quan trọng của những nổ lực tìm tòi, đổi mới nghệ thuật tự sự của các nhà văn đương đại và chứng minh cho một quan niệm về tính toàn thể của thế giới chỉ có thể biểu hiện và nhận ra phân mảnh của thực tại và tham vọng miêu tả toàn bộ hoặc phần lớn thế giới trong một tác phẩm tiểu thuyết, điều này trong thực tế khó mà đạt được

Việc đổi mới về dung lượng kéo theo sự đổi mới về kết cấu của tiểu thuyết. Tiểu thuyết có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, về nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại hoàn kết, bởi vì nó là "sử thi của thời đại chúng ta", tức là sử thi của cái hiện tại, cái đang hàng ngày hàng giờ đổi thay, bởi vì điều quan trọng đối với nó là sự tiếp xúc tối đa với cái thực tại dang dở "chưa xong xuôi", cái thực tại đang thành hình, cái thực tại luôn bị đánh giá lại, tư duy lại. Trong văn học truyền thống, chúng ta thường gặp những kiểu kết cấu chương hồi, kết cấu tâm lý, kết cấu luận đề, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến v.v. tiểu thuyết không chịu được những chế định chặt chẽ, nó không có quy phạm cố định và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau. Nhìn vào cách tổ chức, kết cấu tác phẩm có thể thấy được mối liên hệ cốt lõi giữa các hiện tượng cũng như khả năng chiếm lĩnh thế giới trong tính đa diện, phức điệu, sinh động, mâu thuẫn lưu chuyển và thống nhất của các nghệ sĩ trước hiện thực khách quan.

Những năm 1945-1975, do yêu cầu của lịch sử, văn học phải hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc, do đó tiểu thuyết giai đoạn này mang đậm tính chất sử thi và cảm hứng lãng mạn. Kết cấu tiểu thuyết chủ yếu là một chiều, lấy trục thời gian, sự kiện làm cơ sở.

Sau 1975 vấn đề dân chủ hóa trong đời sống xã hội đi vào văn học như một yêu cầu của thời đại, tiểu thuyết không chỉ chuyển đổi trong nội dung miêu tả mà còn thay đổi về hình thức một cách rõ rệt. Kết cấu tiểu thuyết đa dạng, nhiều tầng lớp, trong tác phẩm có sự đan cài thời gian quá khứ và hiện tại. Kiểu kết cấu được sử dụng phổ biến là kết cấu phân mảnh, lắp ghép và xu hướng kết thúc mở, để ngỏ trong tự sự thay vì khép kín như trước đây. Lối kết thúc này để lại cho người đọc những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở sau khi đọc tác phẩm.

Cùng với những đổi mới về kết cấu là sự đổi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân

vật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời.

Trong cuộc sống đầy những xô bồ, biến thiên, phức tạp, con người đôi khi cũng biến hóa khôn lường, do vậy nhân vật đôi khi chỉ được phác họa ở một vài nét nào đó và có khi trong một số tác phẩm người ta thấy xuất hiện kiểu nhân vật mang tính chất biểu trưng. Nhân vật có thể là người, có khi là vật… Nhà văn có thể đứng ở nhiều góc độ khác nhau mà soi chiếu vào hiện thực cuộc sống vốn đa chiều, phức tạp. Nhân vật được đặt trong nhiều mối quan hệ, có khi nhập nhằng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người được nhìn nhận trên nhiều bình diện khác nhau. Nhà văn cũng quan tâm nhiều hơn đến mọi hạng người trong xã hội, thể hiện một cách biện chứng những mặt tự nhiên – xã hội của con người.

Do sự chi phối của hiện thực đời sống và đặc điểm thi pháp trong sáng tạo văn học, tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực, con người trong giai đoạn mới một cách nhanh nhậy và sắc bén. Nhà văn đã nhận diện con người đích thực với nhiều kiểu dáng nhân vật, biểu hiện phong phú và đa dạng nhu cầu tự ý thức, sự hòa hợp giữa con người tự nhiên, con người tâm linh và con người xã hội. Điều đó minh chứng cho một xã hội đầy những phức tạp và không ít những mặt trái của cơ chế thị trường đang hoành hành. Đồng thời thể hiện bản lĩnh của người cầm bút dám khắc họa một cách trung thực và khách quan hiện thực đời sống.

Nghệ thuật tổ chức tạo dựng không gian và thời gian nghệ thuật cũng đã có sự thay

đổi, có thể thấy sự pha trộn, tích hợp nhiều bình diện thời gian trong tiểu thuyết. Không gian – thời gian nghệ thuật là những hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật thể hiện tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự miêu tả, trần thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn, một thời gian nhất định.

Thời gian nghệ thuật là thời gian có thể được thể nghiệm trong tác phẩm với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, chiều thời gian là hiện tại hay quá khứ, tương lai. “Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới, đồng thời cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong

thế giới”. Mỗi nhà văn đều lựa chọn cho mình một hình thức kiến tạo không gian-thời gian riêng trong tác phẩm: có thời gian quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, cũng có thời gian trôi trong diễn biến sinh hoạt hay thời gian gắn với các vận động lịch sử của thời đại.

Cũng như vậy, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, không có hiện tượng nghệ thuật không có không gian, không có nhân vật, nền cảnh nào. Chính vì vậy sự đổi mới cách tân trong hình thức tác phẩm không thể không cách tân trong tổ chức không gian-thời gian nghệ thuật. Trong giai đoạn văn học trước 1975 chủ yếu là thời gian một chiều theo tuyến tính sự kiện lịch sử. Sau 1975 thời gian được tổ chức một cách đa tuyến, đa chiều. Xây dựng thời gian trên dòng tâm trạng và ý thức của nhân vật được nhiều tác giả tiểu thuyết lựa chọn. Sự đồng hiện quá khứ-hiện tại-tương lai cũng tạo nên mạch văn có sức hấp dẫn, lôi cuốn.

Không gian trong tác phẩm cũng là không gian đa chiều. Điều này phù hợp với hiện thực cuộc sống “đa chiều”, phức tạp thời hậu chiến. Rõ ràng ý thức và sự thể hiện không gian-thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 đã có sự vận động phát triển. Không gian được các nhà văn tập trung miêu tả không phải là không gian rộng lớn, không gian cộng đồng mà là không gian đời thường gắn với sinh hoạt đời tư cá nhân, không gian hẹp gắn với những mối quan hệ, những mâu thuẫn, xung đột được bộc lộ một cách rõ nét nhất.

Trong không khí đổi mới của văn học, các nhà văn, nhà lý luận - phê bình nhận ra: “Không thể khuôn tiểu thuyết vào một số nguyên tắc nghệ thuật cứng nhắc, bất biến, mà chính là phải mở ra những khả năng tiềm tàng vốn có của thể loại này”. Vì có như vậy, cái “máy cái” của văn học mới có thể phản ánh được chiều rộng lẫn bề sâu của hiện thực đa dạng, phức tạp của cuộc sống. Vì vậy, trong quan niệm của các nhà văn, tiểu thuyết là một hình thức cấu trúc ngôn từ “động”. Với quan niệm này, các nhà văn Việt Nam thời kỳ đổi mới đã sáng tác những tác phẩm hướng dần đến nguyên tắc đa âm, có khả năng đối thoại. Đây cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại. Tính chất này đã tạo nên những tầng ý nghĩa khác nhau cho tác phẩm, gợi nên những hồi âm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở người đọc, đồng thời đòi hỏi khả năng “đồng sáng tạo” của

người đọc. Từ năm 1929, M. Bakhtin đã phát hiện ra người sáng tạo tiểu thuyết đa thanh là Dostoievski: “Tiểu thuyết chứa đựng nhiều tiếng nói mâu thuẫn nhau, đối đáp nhau, độc lập với nhau, xung đột nhau; nó không độc thoại, không đồng nhất, không khép kín, không kết thúc, nó mở, nó luôn luôn biến đổi, luôn luôn trở thành, nó “sống” nhất, so với các thể loại văn học khác; mà nó tiếp thu, hòa lẫn, cải tạo và phát triển”. Chiến tranh qua đi, đất nước trở lại lại bình yên với những bộn bề phức tạp của cuộc sống, những vui buồn, hạnh phúc và khổ đau đang diễn ra hàng ngày. Cuộc sống tự nó cất lên tiếng nói đa âm của mình, vì thế nhà văn cũng có sự đa dạng hơn trong đề tài, cảm hứng, giọng điệu. Trong văn học truyền thống chủ yếu là giọng tự hào, ngưỡng vọng, ngợi ca với một niềm tôn kính, khâm phục cao độ, vì thế mà ngôn ngữ thanh cao, trong sáng. Văn xuôi hôm nay đã không né tránh được những dung tục, trần trụi do đó mà ngôn ngữ giọng điệu cũng trở nên gần gũi, suồng sã, thậm chí có cả thứ ngôn ngữ thong tục hàng ngày của nhiều hạng người. Khoảng cách của nhà văn và cuộc sống được xóa bỏ cho nên có thể lắng nghe, cảm nhận tất cả mọi điều từ cuộc sống và đưa và trang sách. Từ ngôn ngữ một giọng trước đó đã chuyển sang ngôn ngữ đối thoại, nhiều giọng. Có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ nhân vật, tạo nên tiếng nói đa thanh, nhiều khi rất khó phân biệt đâu là ngôn ngữ tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm.

Tuy nhiên, với sự nhìn nhận, trải nghiệm sâu sắc các nhà văn đã suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người. Vì vậy một số tác phẩm lại thấy xuất hiện nhiều giọng suy tư triết lý. Lúc này nhà văn không chỉ dừng lại ở việc khám phá bề ngoài hiện thực mà còn muốn đi sâu vào cõi tâm linh của con người để nắm bắt và lí giải những điều bí ẩn và phức tạp của nó.

Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm cũng đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật của tiểu thuyết thời kì đổi mới. Độc thoại nội tâm trở thành một phương thức trần thuật của tiểu thuyết thời kì đổi mới. Độc thoại nội tâm trở thành một thủ pháp nghệ thuật hiệu quả trong quá trình tự ý thức của nhân vật, đi sâu vào thế giới nội tâm đầy bí ẩn của nhân vật. Thông qua việc vận dụng thủ pháp dòng ý thức giúp nhà văn khai thác, khám phá thế giới tâm linh của con người. Kỹ thuật dòng ý thức, sử dụng thời gian đồng hiện, hồi ức, hoài niệm, dòng suy tưởng, những giấc chiêm bao, nhằm để nhân

vật tự bộc lộ những miền sâu kín của tâm hồn nằm ngoài vòng kiểm soát của ý thức con người.

Đánh giá tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới không thể không ghi nhận những đổi mới cách tân về nội dung và hình thức thể hiện của các nhà văn. Điều này đánh dấu một bước phát triển mới của văn học, khẳng định sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, khả năng chiếm lĩnh, phản ánh và sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi không có điều kiện đi sâu khảo sát tất cả các phương diện trong sáng tác của tất cả các nhà văn. Chúng tôi chỉ xin đi sâu vào tìm hiểu tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, một trong những người được xem là nhạy cảm với sự đổi mới của đất nước. Vì vậy việc tìm hiểu, phân tích các tác phẩm của ông trên các phương diện về nội dung và hình thức nghệ thuật là mong muốn khẳng định lại vị trí của Nguyễn Trọng Oánh trên văn đàn và những đóng góp của ông trong quá trình đổi mới văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w