7. Đóng góp mới của luận văn
2.4.2. Sự gia tăng của cảm hứng bi kịch
Phạm trù cái bi có cơ sở khách quan là nỗi khổ đau và chết chóc của con người. Nhưng không phải mọi mọi nỗi khổ đau và mọi sự chết chóc đều có thể gọi là cái bi, đều gây nên cảm xúc bi kịch. Chẳng hạn cái chết đáng đời của một kẻ xấu xa gây nên sự thoả mãn nhiều hơn; cái chết ngẫu nhiên không mang ý nghĩa cao cả của một người tốt được người ta coi như một chuyện thương cảm. Cảm xúc bi kịch bao hàm sự xót xa, thương tiếc , đồng cảm gắn liền với lòng tự hào rằng con người có sức mạnh vượt ra khỏi sự tầm thường, vượt lên nỗi đau khổ, có những hành động quyết định, mặc dù có những nguy cơ gây chết chóc cho họ. Tái hiện những mâu thuẫn bi kịch trong tác phẩm của mình, lí giải chúng , điển hình hoá chúng, nhà văn- qua cốt truyện tác phẩm- tô đậm những xúc cảm đau đớn của các nhân vật, làm gia tăng tính khốc liệt của các sự kiện diễn ra trong đời sống. “ Cảm quan bi kịch ra đời do sự bất mãn với thực tại xã hội. Nó có thể do sự không thoả mãn của các nhân với địa vị của chính mình trong môi trường xã hội, nhưng cảm quan “ cao cả” thật sự mang tính bi kịch xuất hiện khi cơ sở chính của việc không chấp nhận thực tại không phải là sự bất hạnh của bản thân mình, mà là những đau khổ của người khác, sự không phù hợp hoàn toàn giữa thực tại với những lí tưởng của cá nhân”. Các tác phẩm mang cảm hứng bi kịch thường đi sâu thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt , căng thẳng , thường trực của nhân vật. Muốn lột tả được nội dung ấy nhà văn không thể chỉ gia công xây dựng các tình huống xung đột có tính chất đối kháng giữa cá nhân với xã hội , mà còn phải thể hiện những “ trận bão trong đầu” giữa phần cao cả với thấp hèn, giữa phần con với phần người, phần rồng phượng với phần rắn rết trong mỗi con người.
Theo dòng chảy của văn học Việt Nam sau 1975, với xu hướng nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua của dân tộc, các nhà văn nhận thấy rằng đó không chỉ là cuộc chiến với những chiến thắng hào hùng, oanh liệt, cũng không đơn thuần chỉ có những mất mát hi sinh, vì vậy văn học không chỉ có cảm hứng tự hào ngưỡng vọng ngợi ca, và cũng không đơn thuần là phê phán. Văn học hôm nay nhìn về cuộc chiến và số phận người lính bằng cái nhìn đa chiều, toàn diện, khách quan. Nguyễn Trọng Oánh là một trong những cây bút tiền trạm của nền văn học đổi mới, trong những tác phẩm của ông ta thấy nổi bật lên là cảm hứng bi kịch với niềm xót xa nhức nhối về chiến tranh và số phận người lính. Những biến cố lịch sử, những cơn lốc của cuộc sống mới đã tác động mạnh mẽ tới con người.
Tuy nhiên có thể nhận thấy một điều, cảm hứng bi kịch trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh không đem đến cái nhìn bi quan tiêu cực mà ngược lại dẫu bị đẩy đến tận cùng của những khó khăn, hiểm nguy, vất vả thì bản chất người lính không cho phép họ khuất phục trước số phận, sa ngã hay lùi bước trước cái xấu cái ác. Nhà văn luôn đặt niềm tin vào giá trị con người, dù đứng trước những khó khăn, nguy hiểm nhưng con người vẫn luôn có niềm tin: “Còn lại duy nhất vững chắc nhất trong con người những cán bộ vùng ven lúc
bấy giờ là lòng tin ở sự lãnh đạo sáng suốt của trung ương Đảng. Mỗi lần khẳng định lại điều này cho mình thì họ lại yên tâm vượt qua mọi khó khăn”
Có thể nhận thấy rằng, hiện thực chiến tranh được thể hiện bằng cảm hứng bi kich không chỉ có trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh mà còn có trong rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời như: Bảo Ninh, Lê Lựu… Nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, cảm hứng bi kịch được nhà văn thể hiện trong mọi góc cạnh của cuộc chiến, trong từng tâm trạng của mỗi nhân vật. Tất cả các tiểu thuyết của ông hầu hết chỉ dừng lại miêu tả cuộc chiến ở một phạm vi hẹp, là một vùng đất, một con phố, một cơ quan… Nhưng sự khủng khiếp, khốc liệt của nó lại thật đậm nét, bởi những vùng đất, những con người mà ông phản ánh như là những hình mẫu của cả đất nước lúc bấy giờ.
Trong nền văn học cách mạng nói chung và tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh nói riêng, cái anh hùng bao giờ cũng đi liền với cái bi kịch, bởi thành quả cách mạng bao giờ cũng được trả giá bởi máu xương của hàng triệu quần chúng. Đó là một hiện thực có cả máu và hoa. Tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh vừa mang âm hưởng anh hùng ca vừa mang âm hưởng bi tráng.
Chương 3
ĐÓNG GÓP CỦA TIỂU THUYẾT NGUYỄN TRỌNG OÁNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN NHÂN VẬT, GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ