Giọng suy tư triết lý

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 77 - 82)

7. Đóng góp mới của luận văn

3.2.2.Giọng suy tư triết lý

Sự vĩ đại của dân tộc không chỉ thể hiện trên phương diện hào hùng của những trang sử vẻ vang với những chiến công oanh liệt, mà còn vĩ đại trong những nỗi đau, giọt

nước mắt của đắng cay và mất mát. Nguyễn Trọng Oánh đã góp thêm cái nhìn sâu sắc, toàn diện khi nói về sự vĩ đại của nhân dân.

Có thể thấy trong những tác phẩm văn học sau 1975 , "những bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành cùng bi kịch của lịch sử và thông qua những số phận ấy, người ta thấy hiện lên dáng vẻ, bóng hình của dân tộc, của thời đại, của nhân loại nói chung trong hành trình tồn sinh và không ngừng khai sáng, trong sự vận động từ tăm tối, khổ nhọc, đau thương vươn tới ánh sáng của sự sống, tự do và hi vọng” . Viết về nỗi đau của dân tộc, các nhà văn đã khắc họa chân thực, sâu sắc những mất mát, đau thương qua những trang văn thấm trải nỗi đau của chính những người lính từng đi qua cuộc chiến. Trong các tác phẩm tiểu thuyết, các tác giả luôn nhằm thể hiện những suy tưởng sâu sắc về những vấn đề liên quan đến số phận lịch sử cộng đồng và số phận cá nhân đặt trong tương quan rộng lớn số phận của dân tộc ở những thời điểm phản ánh rõ nét nhất những biến cố lịch sử mang đậm dấu ấn thời đại.

“ Ván cờ đến nước phải thí quân để cứu vãn tình thế. Nhưng ai? Ai là người ở lại

trong trận đánh ngày mai? …. Lại thêm bao người nữa. Thực im lặng. Chỉ cần trung đoàn trưởng nói vậy là anh hiểu. Anh nhẩm tính từng cây súng còn lại trong tiểu đoàn. Năm người ở lại, ba người bảo vệ thương binh. Những người đó tất nhiên phải là những người tin cậy nhất. dẫu không nói ra họ cũng biết rằng họ có thể hy sinh” [tr.36,37-1]

“…Ông nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt, nơi có cái thi hài để đó. Thỉnh thoảng qua ánh chớp, ông lại trông thấy khuôn mặt ướt đầm nước mưa của anh chiến sĩ. Những mớ tóc rũ xuống trên trán, hai cái hốc mắt lõm sâu xuống, nếu không nhìn cái dây buộc ở cổ tay thì người ta tưởng như anh đang chắp hai tay lên bụng mà nằm nghỉ một cách bình thản sau trận chiến đấu mệt nhọc…”[tr.95-1]

Ông Ba Kiên đến lúc cuối đời, vẫn còn mang theo mình những lo lắng của một người suốt đời cống hiến cho dân cho nước: “ Ngoài bếp, ngọn lữa đã tàn. Ông Ba Kiên

vẫn nằm vậy, một tay nắm tay ông Hai Trụ, một tay nắm tay Thị. Ông nhìn ra bên ngoài. Cơn mưa vừa rửa sạch bầu trời. Những ngôi sao như được sáng ra long lánh. Ngày xưa mẹ ông bảo ông rằng mỗi người là một vì sao, ai chết thì vì sao đó sẽ tắt. Bây giờ ngôi sao nào

đang tắt?... Ông Dũng rồi một mình sẽ chèo chống công việc ra sao? Thằng Thêm hơn bốn mươi tuổi đầu rồi chưa chịu lấy vợ. Tội nghiệp cái thằng…Nó là người cùng sống một trung đoàn với ông hơn hai mươi năm nay. Chẳng ai yêu trung đoàn bằng nó. Cái tội giáo điều của nó cũng đáng thương thôi… Bọn thằng Lâu, thằng Tuyên rồi sẽ đứng lên đảm đương lấy nhiệm vụ… Chẳng có trung đoàn nào như trung đoàn này… Cuộc chiến đấu lọc lại nguyên chất…”[tr.188-2]

Cái chết của ông Ba Kiên đã là tổn thất lớn cho trung đoàn 16 lúc bấy giờ, khi cuộc chiến đang bước vào hồi gay go, quyết liệt nhất, “ Đời lính, thị đã từng chứng kiến biết

bao nhiêu cuộc chia ly, vậy mà chưa lần nào anh thấy đau xót như lần này. Đúng như ông Hai nói: nhà cha chết thì anh cả phải lo. Bọn Thị bây giờ chẳng khác gì con mất cha. Ngồi nhìn Sáu Trang và thằng Hùng ủ rũ, Thị thấy mình có trách nhiệm, không thể cứ ủ rũ như vậy mãi được

Nghĩ đến đấy, Thị nhón một củ báng, bảo Sáu Trang và Hùng: - Thôi, ăn đi một miếng mà lấy sức. Để rồi ta lo liệu ông việc”[tr.191-2]

Trong văn học chống Mỹ, các tác phẩm văn học đã "bộc lộ rõ sự trăn trở, khao khát đào sâu bản chất, ý nghĩa của những vấn đề lớn lao của dân tộc và nhân loại. Mỗi tác phẩm, không chỉ thể hiện tầm vóc tư tưởng và tài năng riêng của nhà văn mà còn hàm chứa tư tưởng, nhận thức chung cả dân tộc... Các nhà văn không chỉ xác định vị trí của mình trong dòng lịch sử lớn đang vận động, mà còn nói lên được những suy ngẫm, khát vọng của nhiều thế hệ". Từ sau năm 1975, văn học Việt Nam "từ điểm nhìn hiện tại,... phóng chiếu cái nhìn sâu xa về lịch sử đất nước - một lịch sử oai hùng nhưng cũng không ít thương đau và bất hạnh. Ý thức nói nhiều về bi kịch khiến cho văn học không rơi vào tụng ca dễ dãi mà thể hiện chiều sâu ngẫm ngợi của các nhà văn về thế thái nhân tình trong sự chuyển động không ngừng của lịch sử": “Cuộc chiến tranh này ác liệt lắm, rạch

ròi lắm, chẳng có chỗ đứng nào cho người muốn sống một đời sống bình thường như chị Ba”[tr.293-2]

Kế thừa và phát triển những thành tựu của các tác giả đi trước, Nguyễn Trọng Oánh không ngừng sáng tạo và làm mới thể loại. Khác với các tiểu thuyết trước đây, các nhà

văn thường thể hiện chiều sâu sự suy tư trong tác phẩm của mình bằng việc sử dụng hình thức cái tôi trữ tình nhập vai, hóa thân vào các nhân vật để chiêm nghiệm, suy tư , hoặc qua hình thức đối thoại giữa chủ thể và nhân vật trữ tình . Ở các tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh, mọi sự suy tư, triết lý đều khởi thủy từ tiếng nói của nhân vật. Những suy ngẫm, khái quát về lịch sử và những suy tư về số phận con người bao giờ cũng xuất phát từ chứng nghiệm thực tế của chính bản thân mỗi nhân vật. "Chiêm nghiệm, suy tư là những trạng thái tự nhiên của con người, là những khoảng lặng tâm linh đưa con người về với chính mình trong một thế giới tinh thần thuần khiết". Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh có thể thấy, dấu ấn riêng trong những tác phẩm của ông là những suy tư, lý giải về số phận con người, về hạnh phúc, về chiến tranh của những người lính đang ngày đêm chống càn trong những vùng đất trắng…, và cả suy nghĩ về chiến tranh của những người ở phía bên kia chiến tuyến, về ý nghĩa của chiến tranh với cả những hào hùng và cả những đau thương mất mát:

“ Bằng bản năng của một người lính chiến, ông hiểu mang máng rằng tình hình đã có thay đổi, những ngày rôm rả đầu tiên của tết Mậu Thân không còn nữa. Sự giằng co giữa ta và địch đã đến lúc quyết liệt. Sức chiến đấu của bộ đội giống như một sợi dây cao su kéo căng, bây giờ đang chùng lại”[tr.34-1]

“…Hai cái bóng nhô lên trên bờ sông, lặng lẽ như hai mô đất. Họ ngồi vậy rất lâu, nhìn bốn phía mênh mông như nỗi lo âu của chính họ. Làm thế nào bây giờ đây? Đi đâu? Đường nào? Dòng sông bạc trắng vỗ mãi những đợt sóng lao xao dưới chân…”[tr.81-1]

Suy nghĩ của Lựu khi một lần hèn nhát bỏ trốn khỏi đơn vị và đang nằm trú ẩn ở nhà má Hai:“ Không có cái hạnh phúc nào mà không phải trả giá. Không biết ngày xưa có

một thằng bạn học nào đó đã nói với Lựu như thế. Bây giờ ngồi đây, anh chợt nghĩ đến câu nói này và tự nhủ: “ Những người như Nghĩa, như Tuyên đã phải trả giá cho những phút giây hạnh phúc này của họ”. Còn anh, anh đã không đủ can đảm” [tr.306-1]

Là suy nghĩ của Tuyên khi một lần anh phải giết kẻ thù của mình không phải trong một trận đánh chính quy, mà chỉ là một cuộc chiến đấu bất đắc dĩ và bắt tù binh cũng bất đắc dĩ: “… Anh bổng cảm thấy như sau cái sự việc đó mình già đi hàng chục tuổi. Anh nghĩ

đến những điều mà xưa nay anh chưa từng nghĩ. Rồi đây, trong cuộc chiến đấu này, anh sẽ còn gặp bao nhiêu trường hợp khó xử như thế. Và bổng nhiên anh nghĩ rằng. Từ hôm qua trở về trước, anh vẫn còn là một đứa trẻ.” [tr.311-1]

Đối với người lính “Hình như trong chiến tranh có những yêu cầu khác. Cái gì cũng

cao hơn. Tình yêu cũng cao hơn, nghệ thuật cũng phải cao hơn: nói cho hay cho trúng mà lại cho thật! Lãnh đạo tưởng càng khó vì không phải hô hào suông. Nhưng đó là nói mọi thứ đúng nghĩa của nó: Tình yêu là tình yêu, nghệ thuật là nghệ thuật. Chính trị là phải làm cho quần chúng thật giác ngộ. Từ trong tình yêu hình như ông đã nhận ra điều này…”[tr. 349-2]

Lý giải về cuộc đời, về chiến tranh và số phận con người cũng như bản chất thực của cuộc sống là điều cốt yếu đằm sâu trong dòng suy tư của nhà văn. Sự suy tư, triết lý trong các tác phẩm tiểu thuyết trước đây thường được các nhà văn thông qua các biến cố lịch sử để khái quát hiện thực lịch sử của dân tộc và số phận của nhân dân, từ đó lý giải và triết lý về sự lựa chọn của con người trong những năm tháng sôi bỏng ấy: "Người ta không thể chọn được sinh ra nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Còn ở tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh , mọi sự suy tư, lý giải về lịch sử luôn gắn liền với tư tưởng của nhà văn về con người, đó là khát vọng đi tìm và giải mã tính người, giải mã những suy nghĩ, tâm tư sâu kín trong tâm hồn con người, mà ông cho rằng đó là những suy nghĩ thật. Do vậy, chiều sâu sự suy tư trong các tác phẩm của ông là những trăn trở tìm mình từ chính cái tôi tác giả. Tuy nhiên, sự khắc khoải của những dòng tâm tư trong các tác phẩm của ông không nhằm ý nghĩa cụ thể, bó hẹp, đóng khung cho số phận cá nhân một con người cụ thể, mà mang ý nghĩa phổ quát cho cả một thế hệ.

Khi viết về chiến tranh, tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh không chỉ nhằm kể, tả lại hiện thực cuộc chiến, mà chiều sâu của những trang văn là những suy tư, triết lý được rút ra từ những trải ngấm của nhà văn qua dòng hồi ức về quá khứ. Hiện thực chiến tranh trong trang viết của ông được soi chiếu từ cái nhìn trải nghiệm của người lính đã và đang đi qua nỗi đau của cuộc chiến. Và "chiến tranh đã giúp cho các nhân vật khám phá ra một

chiều khác của cuộc đời, sự sống và cái chết, chính nghĩa và phi nghĩa, nhìn nhận sâu hơn về đồng đội, người thân và người yêu.

“ Ông Hai ổng cẩn thận lắm, bây giờ trong ấp ai biết người nấy, không phải không

tin nhau, nhưng mà một người khai ra là lộ hết. Đến như anh em hoạt động ngoài này, hầm ai nấy biết” [tr.195-2]

“ Đã làm chính trị là phải dấn thân. Đã đấu tranh cho một ý thức hệ là phải coi thường sự sống chết” [ 15;62]

“Trong cuộc chiến, cả hai bên, cho đến phút cuối cùng, đã có những người chết như vậy, họ chết không nhìn thấy chiến thắng, cũng không nhìn thấy chiến bại. Họ, những người cầm súng, chỉ biết có chiến đấu”[19;62] (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong các tiểu thuyết của ông: Đất Trắng; Mây cuối chân trời; Người thắng cuộc…, Những vấn đề suy tư, triết lý không gì khác là những vấn đề nhân sinh muôn thuở của con người: sự sống, cái chết, niềm hạnh phúc và sự đau khổ... Nhức nhối trong tâm thức ông là con đường tìm kiếm và khám phá bản chất, ý nghĩa của chiến tranh, khám phá bản chất hạnh phúc thật của con người. Đó là sự khao khát và là mục đích sống của con người bao thế hệ. Bản chất của cuộc sống là sự tồn tại biện chứng của những mặt đối lập, sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau... Từ thực tế trải nghiệm của một người đã vào sinh ra tử trong chiến tranh, đã từng đối diện với nguy hiểm và cái chết, chất triết lý trong tiểu thuyết Nguyễn Trọng Oánh đã vươn tới bản chất triết học và khoa học. Chân lý về cuộc sống là sự kiếm tìm, là niềm tin hướng về tương lai, không có một định luật, một công thức hay một con đường nào định sẵn, tất cả đang trên đường, đang là phía trước khai mở…

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 77 - 82)