Cái nhìn mới về hiện thực thời hậu chiến

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 57 - 62)

7. Đóng góp mới của luận văn

2.3.Cái nhìn mới về hiện thực thời hậu chiến

Chiến tranh đã đi qua, trên khắp dải đất Việt Nam cây đã phủ xanh, trên những hố bom bao công trình nhà máy đã mọc lên xóa dần những dấu vết quá khứ đau thương. Nhưng không vì thế mà cuộc chiến tranh suốt 30 năm tự nhiên mất đi trong ký ức người Việt. Dường như trong tâm thức mỗi con người Việt Nam nhất là thế hệ những người đã đi qua chiến tranh, chiến tranh như vẫn còn hiện diện trên khuôn mặt, trong tâm hồn, trên đôi mắt. Vết thương da thịt năm tháng có thể lành còn vết thương tâm hồn mãi mãi hằn sâu.

Có thể nói tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975 là mảng gây được nhiều tiếng vang trong công chúng như Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Đất trắng, Con tốt sang sông, Người thắng

cuộc của Nguyễn Trọng Oánh, Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trường Thiên Lý, Không phái trò đùa của Khuất Quang Thụy…Cái mà tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn này

tập trung đó là suy tư của những con người sau cuộc chiến, có khi còn miêu tả cả sự tha hóa đạo đức, nhân cách; đó còn là tình yêu muôn màu muôn vẻ và có cả những dục vọng cá nhân. Vì thế đã tạo nên cái nhìn phức tạp trong đa dạng về số phận con người sau chiến tranh.

Nhân vật Hoàng trong tác phẩm Con tốt sang sông trở về quê hương sau mười năm đi B, anh được gia đình, hàng xóm vui mừng chào đón “ Hoàng đi B về. Nhà anh đêm ấy

đèn sáng choang, tiếng nói tiếng cười ồn ã… Chiều nay, khi chiếc xe chở anh, từ đường quốc lộ số một, rẽ vào làng. Hoàng chưa kịp ló đầu ra đã có người kêu toáng lên từ ngoài cổng làng… Khách với chủ cùng vào nhà một lúc. Có người còn đến đứng trong sân chờ Hoàng trước khi anh xuống xe. Vừa đặt ba lô, khách đã đầy nhà. Hầu như thời sự xóm Bảy tối hôm đó, tập trung vào việc ông Hoàng ở Sài Gòn về. Họ đến chúc mừng sự đoàn tụ của

gia đình, đến để xem, mười năm ở chiến trường, người lính về nhà có gì khác? Cũng có người đến đây để nghe kể về chiến dịch Hồ Chí Minh” [6,7;60]. Nhưng sau những lời hỏi

thăm tình hình đó người ta mới hỏi thật: Hỏi thật chú Hoàng, ở Sài Gòn ra chú có mua

sắm được gì không? Đến khi Hoàng trả lời, là bộ đội thì lấy đâu tiền mà mua thì nhiều

người cười, họ không nói gì nhưng họ cũng không tin lời Hoàng nói, có người khi thấy đồ đạc của anh chỉ trần xì một ba-lô và một túi lưới thì không tin vào mắt mình mà cố gạn hỏi: Đồ đạc chú có để gì lại Hà Nội không hay là chỉ có nhừng này mang theo người? [10;60]. Hoàng cảm thấy bối rối, thấy lo lắng vì những ánh mắt soi mói, chờ đợi, nghi hoặc của mọi người. Người ta có thể nghĩ là anh liêm khiết quá, anh dại quá, sao vào Sài Gòn mà lại không kiếm chác được gì mang về cho gia đình, cho họ hàng làng xóm.. Rồi đến ngay cả Thanh, vợ Hoàng cũng có những hờn dỗi, trách móc, tủi thân về những tủi cực mà chị phải trải qua khi là vợ lính: “Người ta cứ tưởng chồng mình đi B làm lớn, thì ở

nhà cái gì cũng có. Có tiền chính sách gửi về hàng tháng. Giải phóng tha hồ…”[18; 60]

hàng xóm ốm nửa đêm cũng chạy sang nhà chị xin sâm, con chị đi học bị bắt nạt, nhà cửa bị sập mỗi lần bị bom, những lần chạy tản cư chị chỉ một thân một mình lo liệu tất cả, có hôm đang đi ngoài đường đã nghe con chị dậm chân trong bếp kêu mẹ là kiến cắn, thằng em ngoài sân khóc kêu mẹ là trưa rồi mà chị không nấu cơm, người ta đồn rằng chồng chị đi B thì có vàng gửi về cho vợ con… Những nỗi niềm đó chị không biết chia sẽ cùng ai mà chỉ chịu đựng một mình. Đến khi chồng chị về, chị hiểu ngay rằng người ta đến nhà chị thăm chồng chị thì ít mà đến vì tưởng sẽ có quà từ miền Nam về là nhiều, ai cũng liếc cái ba lô của anh. Bao nhiêu tủi cực chị mười năm nay chị phải nói với chồng chỉ là cho hả tủi mà thôi. Hoàng nghe mà thấy thương vợ và thấy đau lòng.

Hoàng vốn là người sống chân thật nên giờ đây anh cảm thấy lạc lỏng trước sự đổi thay của cuộc sống, của con người: trở về cơ quan, anh cảm thấy không quen với lối sống, lối sinh hoạt khác với trước khi anh đi B và mười năm ở rừng. Anh được nằm trên giường bằng gỗ cứng cong khác với tấm ván trong rừng năm xưa, giờ đây người ta cũng không còn ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân, người ta đi làm từ tám giờ sáng trưa về nhà, hai giờ lại đến, mới bốn giờ chiều cơ quan đã vắng hoe, anh cảm thấy nhớ đồng đội, nhớ năm tháng ở chiến trường “chỉ có việc sống với chết, chỉ có việc chạy bom và đánh Mỹ, thế mà

lại khỏe, còn bây giờ về giữa thủ đô đêm buông màn tắt đèn vậy mà không ngủ được…”[ 35;60]. Hoàng cảm thấy cô đơn, lạc lỏng, không có người chia sẻ với mình. Anh

cảm thấy giờ đây tất cả đã đổi khác, người ta không còn đối xử với nhau thân mật bằng tình cảm chân thành nữa mà tất cả đều chỉ vì lợi ích của cá nhân, người ta tìm mọi cách vơ vét tài sản chung về bỏ túi riêng, người ta đối xử với nhau, giúp đỡ nhau, thân mật với nhau đều nhìn vào đồng tiền, bây giờ ai cũng chỉ lo cho cái niêu của người ta mà thôi: “

Điều ngạc nhiên nhất là khi Hoàng thấy bác Mạnh ăn cắp gỗ cơ quan đưa về quê. Bác Mạnh cũng đã bòn xét chấm mút vào phần của Hoàng. Bác Mạnh đã biết đi buôn. Bác Mạnh đã kỳ cục xin được một chuyến đi Sài Gòn. Những người tốt mà còn như vậy, vậy những người xưa nay vẫn không tốt lắm thì sao ?” [50;60]

Hoàng dần nhận ra sự thay đổi của thời cuộc từ chính những gì mà anh thấy trong cuộc sống hàng ngày ở cơ quan, ở những người như bác Mạnh, Dũng, Phương Nhi…và ngay cả ở những con người như thầy giáo Chi mà trước đây cũng là người thật thà như anh, thì giờ đây cũng phải khác trước, thầy lên Hiệu trưởng vì người ta trưng thầy lên mà thôi, thầy cũng dựa vào những mối quan hệ với gia đình học sinh để nhờ việc này việc nọ, thầy nâng điểm cho học sinh… thầy nói: “ Ngày xưa tôi còn trẻ, còn tâm huyết, còn nghĩ

đến việc làm nên một cái gì đó có ích cho xã hội. Cái ngày tôi mới vào Đảng, mới đi hoạt động, chú biết đó, tôi không nghĩ một li hào gì cho tôi. Tôi chỉ nghĩ mình dầu là con tốt trong bàn cờ, cũng là con tôt mới sang sông, con tốt chưa lụt. Con tốt đó ít ra cũng thí được con tượng, con sỹ, thậm chí khi đắc thời cả một con mã, con xe, có khi con tốt đó còn nắm bắt cả con tướng của đối phương. Còn bây giờ, tôi chỉ là con tốt lụt..” [29;60]

Những bài học từ bác Mạnh, thầy giáo Chi, Vượng, Phương Nhị, Cương… và từ chính những nhìn nhận, những điều anh va chạm trong quá trình anh chạy vạy khắp nơi để cố xin cho vợ anh một chỗ dạy ở Hà Nội mà cũng không được cũng bởi vì anh thiếu nhanh nhạy, anh thiếu tiền, anh không khéo để rồi cuối cùng vợ anh vốn là một giáo viên giỏi ở Nghệ An bây giờ lại phải lên vùng Hà Sơn Bình để dạy. Anh trở về quê bán nhà đưa vợ con ra Hà Nội tưởng như gia đình được đoàn tụ mà cuối cùng lại cũng như con tốt sang sông, không biết lần này sang sông rồi có làm nên chuyện gì không, chưa biết rồi

mình sẽ thế nào. Mọi thứ đều có cái giá của nó cả, anh chỉ biết tự động viên mình “cái gì

rồi cũng sẽ quen”.

Nhưng rồi chính anh cũng phải tự nhìn nhận về cuộc sống, cũng phải dần thay đổi để phù hợp ,để tồn tại, để người ta không còn cười mà gọi anh là thằng người rừng, là thằng hâm, thằng Khốt-ta-bít. Anh cũng phải học, anh cũng phải trần thân để tìm ra quy luật của cuộc đời. Anh bắt đầu làm quen từ việc im lặng lắng nghe người ta bàn luận trong cuộc họp, anh bắt đầu biết mang thuốc lá, mang những thứ được cấp mà không dùng ra phố bán, lúc đầu anh còn thấy ngượng ngập, xấu hổ, lén lút đi ra khỏi cơ quan như một đứa ăn cắp, anh cảm thấy khó khăn hơn cả chuyện đi trinh sát trận địa năm xưa, anh sợ người ta bắt gặp, anh phải nói dối khi đi, ra đến nơi anh không biết bán thế nào. Nhưng rồi một hai lần đâm ra quen, khi nghĩ đến việc có thêm mấy chục bạc anh lại chặc lưỡi và lại ra đi… Với Hoàng và những người lính trở về từ chiến trường như anh giờ đây họ dần hiểu ra rằng “Ngày xưa chúng ta vững vàng trong một tình huống đơn giản hơn, bây giờ

chúng ta vững vàng trong một tình huống phức tạp hơn”. Cuộc sống, xã hội, con người đổi

thay từng ngày theo quy luật phát triển của nó, đòi hỏi người lính hôm nay cũng phải có những thay đổi để theo kịp, để có thể tồn tại.

Chiến tranh không phải lúc nào cũng đưa lại hào quang, mà còn đày ải tàn nhẫn cả thể xác lẫn tinh thần, làm cho con người biến đổi cả về nhân cách. Cái giá phải trả cho hai chữ “hòa bình” là xương máu của những người đã từng cầm súng chiến đấu. Đáng lí ra họ là những người trải qua sự đau đớn và mất mát trong chiến tranh thì họ phải biết quý giá hòa bình và thấy hân hoan khi là người chiến thắng, nhưng không phải ai cũng thấy cái hân hoan đó. Chiến tranh trong các tiểu thuyết sau 1975 không còn là sự tự hào của một lớp người nữa mà ở đó nó chứa chất biết bao sự thất vọng, nỗi buồn, nỗi bi thương của con người. Đã có ai viết về chiến tranh lại chỉ ra như Bảo Ninh rằng: “chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm, tuyệt tự khủng khiếp nhất dòng giống con người” . Đã có rất nhiều người lính phải nằm lại chiến trường, có người may mắn trở về nhưng cũng mang trong mình những thương tật do chiến tranh để lại. Nhưng cũng có những người trở về đã hoàn toàn thay đổi so với trước kia, họ lợi dụng quá khứ để tìm

cách trục lợi cho riêng mình, họ bị cuốn vào vòng xoáy của việc chạy đua chính trị, họ tìm cách lôi kéo, tạo bè kết cánh trong cơ quan, tìm cách để tranh quyền, đoạt vị.

Ông Phổ trong Người thắng cuộc cũng là một nhân vật tiêu biểu cho kiểu người biến đổi sau chiến tranh. Ông đã từng tham gia chiến trận, đã từng bị thương tích, giờ đây khi trở về cơ quan ông tự nhận thấy mình tuy là người nhiều tuổi nhưng cũng là người có năng lực, mà ở trong cơ quan này khó có ai hơn ông, kể cả những người trẻ được học nhiều, có bằng cấp này nọ thì ông cũng không xem ra gì, ông hiện đang giữ chức phó tổng biên tập và ông nghĩ rằng trong kỳ đại hội cơ quan sắp tới ông sẽ trúng cử vào ban chấp hành khóa mới. Ông đã tìm mọi cách lôi kéo mọi người bỏ phiếu cho mình, còn những ai chống đối lại ông, không về phe ông thì ông tìm cách đẩy đi học hoặc đi công tác vào đúng dịp đại hội. Nhưng mọi kế hoạch của ông đã sụp đổ khi ông đi công tác thì ở nhà ông Danh tổng biên tập đã chỉ đạo chuẩn bị đại hội, chỉ chờ ông về là tổ chức ngay, khiến cho ông Phổ không kịp trở tay và cuối cùng ông Phổ cũng trúng cử, nhưng trúng một cách chật vật khi trong cuộc bầu cử khi số phiếu bầu của ông lại thấp, lại phải bầu lần thứ ba, lại chỉ có vừa một phiếu để quá bán. Sau cuộc bầu cử này có người mừng cho ông nhưng cũng có người tức vì đã không hê được ông ra ngoài cấp ủy . “Cuộc bầu cử đã cho ông

một bài học. Họ cảnh báo với ông rằng: vận mệnh của ông là ở trong tay chi bộ…Cuộc đại hội này chẳng khác gì một cuộc kiểm điểm đối với phó bí thư. Mà cuộc kiểm điểm này có cấp trên chứng kiến hẳn hoi. Thật là thần tình. Như vậy chẳng khác gì nói thẳng với ông: Ông liệu mà từ bỏ những thói hư tật xấu, nếu không, chúng tôi sẽ hê ông đi lúc nào, ông không biết, ở đây chúng tôi là người nắm quyền chứ không phải ông” [158;61].

Sau hội nghị, ông Phổ đã nhận được một bài học, nhưng ông vẫn chưa từ bỏ ý định được lên chức tổng biên tập của mình, ông phải tìm cách hạ bệ cánh trẻ để cánh già như ông tiếp tục nắm quyền, ông nghĩ rằng “ phải có sách lược mới, phải liên minh với kẻ thù

khi cần thiết. Mặc dầu rất mệt sau hội nghị, ông Phổ nghĩ ngay đến những công việc mà mình phải kịp thời triển khai ngay, ngay chiều đó, ngay ngày mai, như một trận đánh không thể trì hoãn” [160;61]

Hiện thực thời hậu chiến trong cái nhìn của Nguyễn Trọng Oánh tuy chưa phải là sự mổ sẽ sâu sắc những biến đổi, những thói hư tật xấu mà đời sống kinh tế xã hội mang lại, nhưng nó đã góp phần đem đến cho người đọc một sự chú ý, nhìn nhận lại về hiện thực để sống, để tồn tại cho phù hợp.

2.4. Cảm hứng sáng tạo mới

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn trọng oánh trong bối cảnh đổi mới của tiểu thuyết việt nam sau 1975 (Trang 57 - 62)