6. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Giọng điệu ngợi ca
Lê Văn Trương, với cảm hứng nghệ thuật về hình tượng người hùng đã tạo nên cho mình một giọng điệu riêng mang tính phong cách. Anh hùng ca với tư cách là một thể loại văn học cổ điển không còn tồn tại nhưng những đặc điểm cơ bản của nó vẫn còn ghi dấu trong các thể loại văn học hiện đại. Giọng điệu ngợi ca, hùng tráng chính là một trong những yếu tố như thế. Lê Văn Trương xây dựng dòng tiểu thuyết người hùng cũng với giọng điệu ngợi ca, hào sảng. Giọng điệu ngợi ca xuất phát từ hình tượng nhân vật. Đặc biệt khi nhân vật người hùng là hình tượng trung tâm của tác phẩm thì giọng điệu hùng tráng trở thành chủ đạo chi phối hình thức lời văn của tác giả. Nhân vật trong tác phẩm văn học của Lê Văn Trương như ta đã biết đều là những hình
mẫu con người có những phẩm chất tốt đẹp, kết tinh sức mạnh của cơ bắp và tinh thần nên người hùng có khả năng tạo nên sự ngưỡng mộ, khâm phục ở người khác. Mặt khác, với dòng tiểu thuyết về người hùng, tác giả muốn chuyển tải đến người đọc khát vọng xây dựng một tương lai tươi sáng trong đó con người thể hiện vai trò của mình với thời đại. Do vậy, hình tượng người hùng đã tạo nên một khoảng cách để người ta trọng vọng, khao khát. Tạo ra cảm xúc ấy ở độc giả, Lê Văn Trương phải huy động toàn bộ các yếu tố của kết cấu tác phẩm nhằm thể hiện dụng ý của mình. Người hùng trong tác phẩm văn học của Lê Văn Trương chính là những cá nhân mạo hiểm trong các cuộc phiêu lưu, dũng cảm đối đầu với các khó khăn thử thách thể hiện là một con người ưu tú, có ý thức về bản thân mình, nỗ lực rèn luyện để thay đổi chính mình. Người hùng Trọng Khang, trong tác phẩm Trường đời như một chiến binh dũng cảm dẫn dắt đoàn quân vượt qua sự rình rập đe dọa của thiên nhiên hung dữ nơi đất khách quê người, khảng khái đối đáp và thu phục giặc cướp. Trên con đường chinh phục khó khăn, người hùng không tránh khỏi những cuộc đụng độ đẫm máu. Chiến công đó có thể được thực hiện trong trường đời đầy cám dỗ của tiền tài, địa vị, có thể là sự đấu tranh để chiến thắng bản thân. Sức mạnh của người hùng thể hiện ở ý chí kiên định bảo toàn danh dự mà không chịu khuất phục bởi vật chất, danh vọng, ái tình. Những chiến công ấy tạo nên bản anh hùng ca, ca ngợi các nhân vật người hùng. Chiến công càng vang dội thì giọng điệu ngợi ca càng mạnh mẽ. Sự phụ họa của không gian câu chuyện cũng là một yếu tố tạo nên âm hưởng hào hùng cho tác phẩm. Trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương không thiếu không gian ấy. Này đây cảnh hoang tàn đổ nát của Đế Thiên Đế Thích, sự hùng vĩ bi tráng của Ăng co vat, Ăng co thom, sự trùng điệp của núi cao vực thẳm trên đất Xạ Phang, mênh mông bát ngát của những đồi tranh trên đất Campuchia, cảnh nhộn nhịp xô bồ của Sài Gòn…tạo nên hiệu ứng rõ nét cho giọng điệu của tác giả.
Giọng điệu ngợi ca không chỉ phát huy vai trò khi người hùng xông pha trong chiến công mà còn thể hiện ở cảm xúc nội tâm của nhân vật. Tác phẩm của Lê Văn Trương, hầu hết độc giả đều thấy, tác giả rất chú trọng đến hội thoại và dòng tự vấn của nhân vật. Tác giả cố tình tạo nên một khẩu khí riêng cho nhân vật, không hẳn khi cần thể hiện sự khảng khái, quyết đoán với người khác mà nhiều lúc với chính bản thân mình. Nhân vật có khi chìm vào dòng hồi ức về những chiến công thời xa xưa của mình với niềm tự hào sâu sắc. Dường như, âm vang hào khí chiến thắng vẫn ngùn ngụt cháy trong lòng nhân vật. Trong truyện Tôi thầu khoán, nhân vật nhắc lại chiến công của mình: “Tôi thở dài nhớ đến thời kì oanh liệt: Đã mấy năm nay, tôi không cầm đến khẩu súng, không biết có còn bắn được như trước nữa không?...Anh cứ yên tâm. Tôi xin hết sức. Cướp được vạn bạc thì ít nhất họ cũng phải đi qua lên xác tôi. Mà tôi hình như khó chết lắm. Có chết thì khi đi buôn lậu ở Cao Miên, Xiêm La đã chết rồi”[29, 869]. Giọng điệu nội tâm của nhân vật Linh, trong truyện Một người thể hiện niềm tự hào, say mê với lí tưởng: “Ta là một người tự lập, xứng đáng với địa vị làm người, không bị một thị dục hèn hạ nào trói buộc, không bị một phú quý nào đàn áp nổi chí nguyện và danh dự”[44, 855].
Giọng điệu ngợi ca còn xuất phát từ nhiệt huyết trào dâng trong lòng tác giả. Ngoài đời, Lê Văn Trương là một con người tràn đầy nhiệt huyết, bôn ba qua nhiều vùng đất, làm rất nhiều ngành nghề để kiếm sống. Cuộc đời ông là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng chứa đựng nhiều trải nghiệm thú vị. Chính hiện thực đời sống đã tạo nên ở nhà văn nguồn cảm hứng về hình tượng người hùng và triết lý sức mạnh. Ông được bạn bè ưu ái gọi là người hùng, như một sự trùng hợp, độc giả gọi tên dòng văn học của ông là tiểu thuyết người hùng. Hình tượng người hùng chính là tâm huyết cả đời mà ông theo đuổi. Trước khi đến với độc giả, hình tượng người hùng chính là con người mà nhà văn ngưỡng mộ và tâm đắc. Do vậy, tác giả rất say mê xây dựng hình tượng ấy. Do tôn thờ và ngưỡng mộ nên giọng điệu của nhà văn
trong tác phẩm rất hào sảng, say mê. Ông như một nhà điêu khắc tạc nên chân dung người hùng, khác chăng, Lê Văn Trương sử dụng giọng điệu nghệ thuật làm chất liệu. Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm cũng là một yếu tố của giọng điệu. Do vậy, để tạo ra giọng điệu ngợi ca, Lê Văn Trương sử dụng ngôn ngữ có sức biểu cảm lớn. Đó là lớp mĩ từ đẹp, trường từ vựng gợi tả sức mạnh và lòng dũng cảm của người hùng. Đó cũng là giọng điệu chủ đạo của nhà văn dùng để xây dựng hình tượng người hùng trong tác phẩm văn học của mình. Đó thực sự là những khúc ca về con người không chịu lùi bước và khuất phục trước cuộc đời, số phận, không ngừng khao khát, đốt cháy và hồi sinh niềm tin về cuộc sống. Do vậy, người hùng khi gặp thất bại vẫn không bao giờ bi quan. Ở họ vẫn tràn đầy niềm tin, giọng điệu sốt sắng, hùng hồn. Vĩnh, trong giây phút cận kề cái chết vẫn bừng bừng khí thế: “Sao các em khóc thế? Sao các em hèn thế? Các em phải tỏ ra là những người bạn mạo hiểm xứng đáng với anh.”[44, 126]. Chí, trong tác phẩm Trận đời, làm ăn thua lỗ nhưng dứt khoát xác định cho mình một hướng đi mới: “Anh em nên im lặng nghe tôi. Tôi ở đây khi nào tôi còn tìm thấy một ý nghĩa cho đời tôi, chứ nay giá lúa hạ quá, công việc không thể làm nữa, tôi không thể sao ở lại được. Tôi còn trẻ, tôi phải đi tìm những việc khác để khỏi phí những ngày còn lại. Chứ ở đây ngày ăn hai bữa có lẽ tôi sẽ sinh buồn mà chết mất”[45, 427].
Để thể hiện giọng điệu ngợi ca, nhà văn sử dụng một lớp ngôn từ có tính chất cường điệu, phóng đại, những so sánh độc đáo nhằm thể hiện tính cách nhân vật. Miêu tả nhân vật, tác giả sử dụng một lớp ngôn ngữ có tính chất khắc họa, gây ấn tượng nổi bật. Lớp ngôn ngữ ấy gợi nên vẻ đẹp khỏe khoắn, có phần gân guốc, dữ tợn của nhân vật. Trọng Khang, Chí, Vĩnh…là những anh hùng được nhà văn ngợi ca, biểu dương với một giọng điệu thán phục, say mê. Ngôn ngữ của các nhân vật này cũng có tính cường điệu. Họ kể về các chiến công quá khứ với các sự việc rùng rợn, với giọng văn hào hùng, chìm lắng trong vinh quang của chiến thắng. Trước một tình huống nguy
hiểm, người hùng luôn có những phát biểu về lòng dũng cảm, khả năng vượt qua khó khăn rất hào sảng. Thể hiện một ý chí kiên gan vượt qua thử thách của một con người bách chiến bách thắng. Cái nhìn của các nhân vật khác đối với người hùng bao giờ cũng ưu ái mà phóng đại ít nhiều “Nàng thấy rõ ràng Chí rút con dao mà ánh nắng chiếu vào sáng lòe, đứng chờ sự tấn công của con thú bị thương. Nhưng không, Chí vẫn đứng im, thân hình vạm vỡ in trên nền tranh màu hung hung, như tượng thần chiến tranh đang nhìn ra bãi sa trường”[45, 229]. Nhà văn sử dụng nhiều phép điệp nhằm nhấn mạnh chiến công của người hùng. Không chỉ điệp trong từ ngữ mà nhiều lúc tác giả còn có xu hướng điệp hình ảnh và tình huống nhằm thể hiện dụng ý ngợi ca người hùng rõ rệt. Ông thường xuyên nhắc đến sức mạnh, lý tưởng, anh hùng, trí lực…Tình huống mà tác giả khắc họa phổ biến trong nhiều tác phẩm là môtip người hùng vượt qua khó khăn nhằm khẳng định sức mạnh và ý chí của mình. Chiến thắng mà người hùng thu nhận được chính là nhân cách làm người trong con mắt của những người xung quanh. Để nhấn mạnh hình tượng người hùng, tác giả còn tạo ra các tương phản với các nhân vật xung quanh. Trọng Khang với Giáp, Chí với trạng sư Quang, Vân với người tình của bác sĩ Tùng…Đọc tác phẩm của Lê Văn Trương, ta thấy giọng điệu kể chuyện của ông mang tính sử thi trong tiếng nói hào hùng, mạnh mẽ trong những không gian rộng lớn, hoành tráng nhưng không giống với sử thi trong tính trầm lắng, chậm rãi mà ông sử dụng một loại tiết tấu giọng điệu nhanh. Tiết tấu ấy làm cho câu chuyện diễn tiến gấp gáp, những tình huống nguy hiểm mà người hùng phải đối mặt rùng rợn hơn. Có khi hành động người hùng liên tiếp được khắc họa gây ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả. Do vậy, giọng điệu ngợi ca cũng hiệu quả hơn với diễn tiến ngữ âm như vậy. Nền tảng của giọng điệu chính là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Với giọng điệu tráng ca, tác giả đã xây dựng hình tượng người hùng với một cảm xúc hân hoan, say mê thực sự.
Với Lê Văn Trương, người hùng bao giờ cũng là kết tinh vẻ đẹp của con người chân chính.